Hiển thị các bài đăng có nhãn Giáo Thuyết. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Giáo Thuyết. Hiển thị tất cả bài đăng

Các Mẫu Thức Mặc Khải - Mô Hình Mặc Khải Theo Giáo Thuyết

 



Mạc khải theo mô hình Giáo Thuyết là gì? Khác biệt giữa Công Giáo và Tin Lành trong mô hình này? Và ưu khuyết điểm của mô hình này ra sao? Để trả lời cho những câu hỏi trên, bài viết trước hết khái quát hóa quan điểm mạc khải theo mô hình Giáo Thuyết tương ứng trong hai nhóm Tin Lành và Công Giáo, kế đến đưa ra nhận xét về một vài điểm giống và khác nhau giữa hai nhóm, và sau cùng đi đến những nhận định về ưu khuyết điểm của mô hình này.


Tóm dịch từ: Avery Dulles, SJ, Models Of Revelation, (New York: Doubleday & Company, 1983), 19-35.


Mô hình mạc khải Giáo Thuyết tồn tại trong thời gian dài của lịch sử Giáo hội ngày từ thời Giáo hội sơ khai. Cách chung mô hình này được đón nhận trong cả Giáo hội Công Giáo và Tin Lành, tương ứng với trường phái Duy Kinh Thánh Bảo Thủ và Tân Kinh Viện Công Giáo.

Trường phái Duy Kinh Thánh Bảo Thủ (Tin Lành)

Trường phái này cho rằng về nguyên tắc Thiên Chúa có thể mạc khải chính Ngài qua tự nhiên. Nhưng bởi vì Thiên Chúa siêu vượt và con người bị ảnh hưởng bởi tội, nên con người không thể đạt được nhận thức tinh tuyền về Thiên Chúa nhờ mạc khải tự nhiên nữa. Do đó con người cần mạc khải siêu nhiên để nhận biết chân lý cứu độ.

Với họ chân lý cứu độ phổ biến trong thời Thánh Kinh, với đỉnh cao mạc khải nơi Chúa Giêsu và sau đó là lời giảng dạy của các tông đồ. Thánh Kinh chứa đựng toàn bộ mạc khải của Thiên Chúa (Warfield). Toàn bộ Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa viết ra và không có sai lỗi. Vì những gì Thiên Chúa mạc khải là chân lý và có thể được truyền thông cho tâm trí con người ngang qua những phát biểu rõ ràng. Họ hiểu ơn linh hứng theo nghĩa đen. Do đó, mạc khải là tập hợp của những chân lý mang tính mệnh đề mà Chúa mạc khải cho con người bằng ngôn ngữ rõ ràng trong Thánh Kinh.

Tân Kinh Viện Công Giáo

Trường phái này cũng phân biệt thành hai loại mạc khải, tự nhiên và siêu nhiên. Dù mang điều kiện hư hoại nhưng khi chiêm ngắm trật tự tự nhiên, lý trí con người có thể nhận biết sự tồn tại của Thiên Chúa như một ngôi vị, đấng sáng tạo, và là cùng đích của mọi sự. Tuy nhiên vì do sự sa ngã, để đạt được chân lý chắc chắn về Chúa và đặc biệt là các mầu nhiệm như Ba Ngôi, Nhập Thể, con người trong thực tế thiết yếu cần đến mạc khải siêu nhiên, vốn cần thiết cho ơn cứu độ.

Mạc khải với họ được hiểu theo cả ý nghĩa năng động (Actively) và khách quan (Objectively). Mạc khải là tiến trình mà trong đó gia sản đức tin được xây nên trong thời Thánh Kinh, bao gồm lời các ngôn sứ, ơn linh hứng, lời giảng dạy của Chúa Giêsu, và lời dạy của các tông đồ; và mạc khải chính là nội dung đức tin bao gồm những chân lý mệnh đề chứa đựng trong Thánh Kinh và truyền thống. Khi đó, giáo huấn Giáo hội là tiêu chuẩn thích đáng và phổ quát để xác định điều gì là mạc khải. Với cách hiểu này họ đánh đồng tín điều của Giáo hội với mạc khải thánh.

Điểm giống và khác nhau giữa hai quan điểm Tin lành và Công giáo

Giống nhau

Có thể nói cả hai đều cho rằng mạc khải siêu nhiên chuyển thông những nhận thức khái niệm bằng ngôn ngữ, và chân lý mạc khải được đón nhận qua lý trí. Mạc khải được ban dưới hình thức nội dung mệnh đề hay phát biểu rõ ràng. Mạc khải có tính khả tri và có tính khái niệm (có thể phát biểu, qua ngôn từ). Đặc biệt cả hai đều cho rằng Thánh Kinh được viết ra bởi linh hứng của Chúa Thánh Thần. Mạc khải là những chân lý mệnh đề được chứa đựng trong Kinh Thánh và không sai lầm.

Với cả hai, việc đáp trả mạc khải là thái độ tin nhận những chân lý chắc chắn chứa đựng trong nguồn đáng tin cậy. Tin là hành động của Chúa Thánh Thần trong lòng mỗi người. Tin không mù quáng nhưng là hành động hữu lý dựa vào những dấu chỉ đáng tin cậy.

Khác nhau

Tuy nhiên, quan điểm Tin lành và Công Giáo trong mẫu thức mạc khải Giáo Thuyết có những điểm khác nhau. Thứ nhất, quan điểm Tin Lành cho rằng không có thần học tự nhiên và chỉ có thần học siêu nhiên. Công Giáo ngoài việc cho rằng có mạc khải siêu nhiên, còn cho rằng có mạc khải tự nhiên. Dù con người phạm tội con người vẫn có khả năng biết ngài nhờ lý trí tự nhiên. Biết có Thiên Chúa... Tuy nhiên, khi ấy con người vẫn cần có mạc khải siêu nhiên. Vì có những mầu nhiệm trí khôn tự nhiên không thể nhận biết được.

Hơn nữa về phía Công Giáo, mạc khải không chỉ được chứa đựng trong Thánh Kinh mà còn trong truyền thống tông đồ, vồn bổ trợ và giải thích Thánh Kinh. Họ bác bỏ quan điểm của Tin lành cho rằng Kinh thánh là đầy đủ và đã hoàn chỉnh. Họ cho rằng mặc khải được chứa đựng trong hai nguồn, đó là Kinh thánh và truyền thống tông đồ. Huấn quyền vốn dựa trên cả truyền thống và Thánh Kinh có thể xác định về những chân lý không được đưa ra, hoặc ít là không được đưa ra một cách rõ ràng trong Thánh Kinh.

Ưu điểm và khuyết điểm của quan điểm mạc khải theo mô hình Giáo Thuyết

Ưu điểm

Trước hết, mô hình mạc khải này đề cao giá trị truyền thống và nền tảng, dựa trên Thánh Kinh hay dựa thêm vào truyền thống. Nội dung mạc khải theo mô hình này rất rõ ràng, không mơ hồ. Khi ấy, thần học có nhiệm vụ hệ thống nội dung, bảo vệ, và diễn tả áp dụng mạc khải có luận lý, nên tránh được những mơ hồ. Do đó, nó mang lại nền tảng thống nhất và chắc chắn trong giáo thuyết.

Bên cạnh đó, ích lợi nhất của mô hình này là mang lại hoa trái thực hành và sự hiệp nhất cũng như sự phát triển bền vững cho Giáo hội. Do trung thành với truyền thống và bản văn Giáo hội, mô hình này mang đến cho người tin sự nhất quán rõ ràng trong giáo thuyết, một cảm thức rõ về căn tín của kitô hữu. Sau cùng, kiểu mạc khải này đưa ra một cảm thức rõ về sứ mạng và sứ vụ của Kitô Giáo. Giúp họ dễ trung tín và chắc chắn trong việc rao giảng.

Khuyết điểm

Trước hết, nếu mô hình này xem mạc khải là tập hợp những chân lý mệnh đề trong Thánh Kinh vốn không sai lầm và được hiểu theo nghĩa đen, thì trong truyền thông, mệnh đề chỉ đóng một vai trò khiêm tốn, vì điều được thông truyền luôn dựa vào năng lực gợi hứng (suggestive power) hơn là nội dung luận lý của mệnh đề đó. Nội dung của các mệnh đề đặc biệt phụ thuộc vào hoàn cảnh phát xuất của mệnh đề đó.

Mặt khác, Tân Kinh Viện Công Giáo dường như cho thấy tốt hơn quan điểm Tin Lành khi dựa vào Huấn quyền là trung gian để giải thích Thánh Kinh. Tuy nhiên, họ lại quan điểm về truyền thống cách cứng nhắc, xem truyền thống là những gì được viết ra minh nhiên bằng ngôn ngữ. Khi đó truyền thống sẽ mất đi tính đúng đắn do khoảng chênh thời đại. 

Mặt khác, mẫu thức này cho thấy nó không tương hợp với yếu tố kinh nghiệm. Vốn đề cao thẩm quyền và chấp nhận những mệnh đề và khái niệm vốn xa rời hoàn cảnh của người tin hiện tại, mô hình này ít nại đến những năng lực gợi hứng trong Thánh Kinh, ít tìm kiếm những dấu chỉ hiện diện của Chúa trong kinh nghiệm thường nhật của con người, nên kiểu mạc khải này thất bại để giải đáp những truy vấn đức tin, và bị bó buộc trong cái khung ngôn ngữ và khái niệm. Trái lại, đức Pius XI nói rằng thần học phải mở ra với những khả thể mà giáo huấn Giáo hội không đề cập như những mệnh đề. Cần tìm kiếm cách thức sáng tạo để trình bày mạc khải trong thời đại mới bằng cách quan tâm hơn đến kinh nghiệm của người tín hữu hôm nay. Sau hết, mô hình này không thích hợp để đối thoại với các giáo hội và tôn giáo khác vì xem họ không có bất kỳ chân lý mạc khải nào.

Tóm lại, mô hình mạc khải Giáo Thuyết tồn tại phổ biến trong thời gian dài của lịch sử Giáo hội. Mãi cho tới thế kỷ 17-18, quan niệm mạc khải này mới bị đặt vấn đề. Mô hình này quan niệm mạc khải là những mệnh đề phát biểu rõ ràng, luôn mang giá trị nhận thức, nên luôn trung thành với truyền thống, và mang lại sự hiệp nhất và vững chắc trong giáo thuyết và sứ mạng của người tín hữu. Tuy nhiên, kiểu mẫu mạc khải này cũng gây ra những hệ quả tiêu cực và bị chống đối nhiều ngày nay, do hiểu Thánh Kinh theo nghĩa đen và hiểu truyền thống một cách cứng nhắc.