Hiển thị các bài đăng có nhãn vấn đề. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn vấn đề. Hiển thị tất cả bài đăng

Lịch sử thần học: những vấn đề và khuynh hướng giải quyết

 


Đặt vấn đềNhìn lại lịch sử thần học, đâu là những vấn đề thần học được đặt ra và đã có những khuynh hướng giải quyết tương ứng như thế nào?

Tóm dịch từ: Jared Wick, SJ, Doing Theology, (New jersey: Paulist Press, 2009), 1-21.


Theo tác giả, suy tư thần học (hay làm thần học) là tìm kiếm ý nghĩa của đời sống đức tin, là lần tìm đến ý nghĩa của những mặc khải và ý nghĩa của tương quan sự sống của con người với Chúa. Xét cho cùng, làm thần học là bàn về ý nghĩa của Lời Chúa, để rồi tìm thấy ý nghĩa của thực tại và của đời sống mình, và sống đức tin ấy. Đây là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống đức tin của người tín hữu. Do đó nếu bối cảnh sống của người tín hữu thay đổi, những động cơ và phương pháp làm thần học cũng tương ứng được tái định hình với những điểm nhắm khác nhau dù có một mục đích nền tảng như trên. Làm thần học là việc khảo cứu sự tỏ ra của Thiên Chúa cho con người vốn diễn ra trong các giai đoạn khác nhau với những bối cảnh rất khác nhau. Khi đối diện với những vấn đề trong từng bối cảnh của mỗi giai đoạn khác nhau như thế, truy vấn thần học cũng trãi qua nhiều hình thức và phương pháp tương ứng để giải đáp cho những vấn đề đó. Điều này được thể hiện rõ trong các ví dụ tương ứng với những điểm đặc trưng về bối cảnh, vấn đề thần học, cũng như những cách hiểu và phương pháp làm thần học tương ứng như sau.

1. Thời các giáo phụ: I-rê-nê và Origen

Với bối cảnh đối diện với sự bách hại đạo và lạc giáo do phong trào ngộ đạo gây ra, I-rê-nê thực hiện một suy tư học thuyết giáo hội một cách hệ thống và chặt chẻ. Với 2 tác phẩm nổi bật là Adversus Haereses The Demonstration of the Apostolic Preaching. Chống lại những tác phẩm ngụy thư, I-rê-nê nhấn mạnh lại “rule of truth” vốn có nguồn gốc từ các tông đồ và yếu tố "universal consensus".  Ngài đặc biệt nhấn mạnh và liên kết thần học với hướng dẫn của truyền thống giáo hội. Nội dung và cấu trúc thần học của ngài dựa trên "một công thức đức tin" được dạy bởi truyền thống các tông đồ.

Trái ngược với I-rê-nê, trong tác phẩm On First Principles, Origen cho rằng bởi vì bản văn Kinh Thánh được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần, nên Kinh Thánh cần được giải thích để tìm thấy ý nghĩa "thiêng liêng". Cân tập chú vào bản văn Kinh Thánh!

2. Thời cận hiện đại: Luther và Cano

Với Luther (1483-1546), tác phẩm Lectures on Galatians của ông ắt hẳn ra đời là vì bối cảnh giáo hội lạm quyền và giáo triều tục hóa thời đó. Đây như là sự phản ứng nhưng cũng chính là suy tư và tìm kiếm ý nghĩa đức tin của chính Luther.  

Ông luôn nhấn mạnh đến một "single basic truth". Với Luther, đối diện với sự tha hóa trong giáo hội, ông cho rằng sự công chính hóa chính là nội dung và nguyên lý để trả lời cho tất cả những truy vấn thần học. Vì sự công chính hóa là caput et summa (đứng đầu và tổng kết) của học thuyết Kitô Giáo. Thiên Chúa làm cho con người nên công chính chỉ bởi ân sủng của Chúa Kitô. Do đó ông xem tất cả Kinh Thánh cũng đều hướng về điều này. Làm thần học nghĩa là chú ý liên lĩ đến hành động cứu chuộc của Chúa đối với con người tội lỗi, dựa trên kinh nghiệm về tội và sự tha thứ, trên kinh nghiệm sống và chết.  

Trái ngược với Luther, Melchior Cano phác thảo một phương pháp thần học dựa trên nhiều nguồn khác nhau, cái ông gọi là loci, or “places”. Kiểu thần học này thiếu tính trọng tâm như Luther nhưng nhấn mạnh vào yếu tố đa dạng. Phương pháp của Cano giả định một sự mở ra và phát triển truyền thống Kitô giáo đầu tiên. Ông chỉ ra những quy tắc chi phối mỗi locus (place), là cách để kiểm chứng những chân lý mạc khải theo cách phù hợp với loci đó. Loci bao gồm: Kinh Thánh, và phức hợp về học thuyết-đời sống-thờ phượng (gọi là truyền thống tông đồ). Với 5 nguyên tắc: đức tin của giáo hội phổ quát – hội nghi & công đồng – giáo hội và giám mục Roma – các giáo phụ - thần học gia kinh viện. Hơn nữa, Cano không chỉ làm thần học phụ thuộc vào thẩm quyền nhưng còn thêm vào 3 loci khác: lý trí tự nhiên, triết học, và bài học lịch sử.

Phương pháp của Cano cảnh báo về việc thu hẹp phạm vi suy tư thần học, khi chỉ dựa vào kinh nghiệm đặc biệt hay tìm kiếm điều chắc chắn khi tái khám phá nghĩa đen của Kinh Thánh, cũng như cho thấy Kinh Thánh đã đụng chạm đến người tín hữu ở nhiều cách khác nhau. Chú ý đến cái tổng thể và tương quan hài hòa trong sự đa dạng. Chúa mạc khải cho con người qua nhiều cách thức khác nhau nữa. Cách minh nhiên, hướng thần học của Cano lên án sự sai lệch trong hướng thần học của Luther.

3. Vatican I và Đức Giáo Hoáng Piô XII

Với bối cảnh thời kỳ chủ nghĩa thực chứng, nên thần học tín lý tìm kiếm tập hợp chứng cứ từ các nguồn để hổ trợ cho học thuyết thánh.

Với Hiến Chế Tín Lý (Dei Filius) (1870), trước hết Vatican I định nghĩa hành vi và thái độ đức tin là chấp nhận những gì Chúa mặc khải mà Kinh Thánh và truyền thống tông đồ chứa đựng sự mạc khải này. Đức tin không phải là sự lệ thuộc mù quáng vào thẩm quyền.[1] Vì Chúa còn mạc khải qua các dấu chỉ phép lạ và sự thánh thiêng, vốn là mầu nhiệm vượt qua những suy luận và chứng cứ khả tri. Nhưng con người có thể khám phá ra một khung nền (framewwork), mà trong đó sứ điệp của đức tin phù hợp với luận lý của cuộc sống.

Sau đó Vatican I đưa ra cách thức để lý trí có thể hiểu mạc khải: Suy nghĩ về sự tương hợp giữa Kinh Thánh và các chân lý đức tin với thực tại thế giới, tương quan nối kết tích cực giữa đức tin và lý trí, sự thống nhất và hài hòa trong các mầu nhiệm; nghiên cứu mối tương quan với mầu nhiệm mạc khải với "cùng đích tối hậu của con người", ơn cứu độ; thần học liên kết những khắc khoải nền tảng - sự tìm kiếm của con người trong Chúa.

Sau này, trong Humani generis (1950), đức Pio XII đã công nhận những cẩm nang thần học với 3 điểm: xác chuẩn mối liên kết chặt chẻ giữa thần học gia với thẩm quyền giảng dạy của giáo hội; không phải chỉ lặp lại nội dung của văn kiện giáo hội nhưng trở lại với nguồn cội Kinh Thánh và Truyền thống để luôn làm mới; thần học nên bắt đầu từ các giáo huấn ngày nay rồi cho thấy nó đã bắt nguồn từ Kinh Thánh và phát triển trong truyền thống như thế nào, thần học với phương pháp "về nguồn" (regressive).

Sau cùng, có thể thấy rằng tất cả những hướng suy tư trên đều cho thấy nổ lực tìm hiểu về mạc khải và đức tin của con người, trãi qua nhiều giai đoạn lịch sử với những vấn đề đặc trưng cụ thể, và đó là nhu năng động thiết yếu trong đời sống đức tin của người tín hữu. Khi nhìn lại sáu kiểu mẫu làm thần học khác nhau này, ta thấy Melchior Cano và những chỉ dẫn của đức Piô XII đi theo hướng "thần học thực chứng" (positive theology), tìm về những nguồn khác nhau để hiểu về mạc khải. Trong khi đó I-rê-nê và Origen, hay Vatican I đi theo hướng thần học "phản tỉnh" (reflective or speculative), khi đề cao vai trò lý trí trong việc tìm hiểu và giải thích những chân lý đức tin. Từ đó ta thấy được hai hoạt động nền tảng của một suy tư thần học "lắng nghe" và  "giải thích" trong đức tin, vốn sẽ được tác giả làm rõ trong những phần tiếp theo.


[1] Ta thấy ở đây, cách mặc nhiên, tác giả nói điều này với bối cảnh giáo hội đang đặt nặng vai trò của thẩm quyền giáo hội khi suy tư thần học, một mặt phản ứng lại hướng thần học của Luther trước đó, một mặt làm bóp nghẹt và làm cho thần học xa rời với bối cảnh thực tế của xã hội đang chú ý đến lý trí và khoa học hơn.