Đón nhận nhau VÔ ĐIỀU KIỆN, được không?

Có lẽ, một trong những 'điều khó nhất' hay thậm chí ‘không tưởng’ là khi mình đón nhận một điều gì đó, một người nào đó, vốn nơi mình không có một chút lý lẽ hay lý trí nào đủ để thuyết phục bản thân. Trong khi đó, biết bao nhiêu lý lẽ cứ chực chờ, dễ dàng khuất phục tôi xa lánh hay loại trừ người ấy. Tôi cảm nhận rằng trong tôi như có một thúc đẩy để đón nhận, nhưng đồng thời cảm nhận một sự ‘cưỡng bức đến nặng lòng’, rùng mình, ngộp thở… Tại sao tôi lại phải đón nhận và yêu được một con người như thế! Mặc kệ!

Trong mỗi người, có lẽ ít nhiều cũng có những kinh nghiệm về những bóng tối, những nỗi đau, những cái ‘tôi không thể chấp nhận’ nơi chính mình. Đó có phải như cuộc chiến đấu tội tâm mà thánh Phaolô đã thốt lên, một người đã từng trải trên đường đời, một người đã chạy trên con đường đức tin: khốn thân tôi, ai có thể cứu tôi, ai có thể đón nhận chính con người của tôi như thế, ai có thể giúp tôi vượt ra khỏi những giới hạn hẹp hòi của lòng mình. Vì nhiều những thứ tôi không muốn, tôi hoàn toàn không muốn, tôi hoàn toàn không thể. Tại sao vậy, tại sao!

Để rồi với chính kinh nghiệm ấy, thánh Phaolô đã bắt gặp và đi vào đụng chạm được chiều sâu kinh nghiệm về Chúa Giêsu. “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Như vậy, nếu theo lý trí, thì tôi làm nô lệ luật của Thiên Chúa; nhưng theo xác thịt, thì tôi làm nô lệ luật của tội.” (Rm 7, 24-25). Nơi chính con người mình với tất cả những cái tốt cái xấu, chính nơi những cái ‘bất khả’ như thế, Chúa đã đến! Người đến cách trọn vẹn và gần tôi hơn tôi có thể gần, Người chạm đến tôi sâu hơn tôi có thể chạm! Người thấy và biết tất cả và đã ôm lấy tất cả!

Đi vào kinh nghiệm của thánh Phaolô là đi vào kinh nghiệm được mời gọi đi vào ‘lý lẽ của tình yêu’. Khởi đi từ kinh nghiệm mình được Thiên Chúa (và nơi cha mẹ) yêu và đón nhận cách vô điều kiện. Không có hoặc ít có những lý lẽ để tôi hiểu được tại sao mình được yêu và đón nhận nhưng không như thế! Đơn giản mình chỉ có thể thốt lên trong nội tâm rằng “Vì Chúa yêu con mà”, “sao cha mẹ yêu con vậy” … Khi ấy, mình sẽ có thêm động lực và hiểu hơn về ‘lý lẽ’ của một sự đón nhận vô điều kiện. Để xin Chúa giúp mình vượt lên cái ‘vô lý’, cái ‘thổn thức’, giằng co nội tâm để mình bước tới và bước đến, để đón nhận chính người mình đang thấy không thể đón nhận; vượt trên những lý lẽ biện minh để mở lòng gặp và tương quan với trọn con người của bạn ấy. Tin rằng Chúa đã đón nhận tất cả, và người bạn ấy mang lấy một phẩm giá ‘đẹp’ trong mắt Người.

Khi ấy tôi ‘tất yếu’ cảm thấy mình như ‘chết đi’ cái gì đó trong lòng vậy, kinh sợ, bồi hồi! Tôi bỏ đi cái ‘tự trọng’ hay cái gì đó mà mình nghĩ mình ‘đáng được’, cái gì đó tôi ‘muốn mặc kệ’ để mình được yêu lặng, cái gì đó như thể tôi muốn người ấy phải chịu những gì tôi đang chịu… tất cả những cảm nghiệm ấy như dẫn tôi đụng chạm kinh nghiệm mà Chúa Giêsu đã đi, đặc biệt trong hành trình Vượt Qua của Người: bị hiểu lầm, phản bội bởi môn đệ mình yêu, cô đơn, sỉ nhục mà chẳng có lý do gì để bị như thế… và đỉnh cao là cái chết trần trụi nơi thập giá… tột cùng. Để thấy rằng, nơi thập giá, tất cả những gì là bất công, là sự dữ, là ‘bất khả thấu hiểu’ được phơi bày ra. Nhưng nơi chính thập giá ấy, Chúa Giêsu đã biểu lộ cho thấy Người vĩ đại như thế nào, Người mạnh như thế nào, lòng của Người rộng như thế nào… tình yêu của Người lớn ra sao…

Sống đón nhận nhau vô điều kiện chỉ khả thể khi tôi cảm nghiệm và tin vào kinh nghiệm thập giá, kinh nghiệm của tình yêu, để con tim mình bị rỉ máu và chịu chết đi cái thuộc về phận người, để cho mình được sinh ra và lớn lên trong sự sống mới với Chúa Giêsu phục sinh.

Đây ắt hẳn là một thử thách. Như lời bài hát trong phim Journey to Bethlehem, khi đứng trước một lời mời gọi ‘bất khả thấu hiểu’, Đức Mẹ Mẹ đã thốt lên: Oh God, helps me have the faith You have in me...”. Mẹ chỉ biết thốt lên rằng: How I can be mother to a Savior, when I need saving”, "I need You more than ever".

Đón nhận người khó đón nhận! Đây thực sự là hành trình của đức tin, là ‘thước đo’ nhưng cũng vừa là cơ hội để tôi 'mở rộng' trái tim!

0 Comments:

Đăng nhận xét