Nỗi Khắc Khoải Trong Kiếp Người : Dưới Quan Điểm Nhân Học – Thần Học Của Karl Rahner




Abstract:   

Có những năng động chưa rõ nào đó trong thâm sâu vẫn luôn âm ỉ chi phối mỗi suy nghĩ, lời nói, hành vi, và cảm nhận của mỗi người. Những câu hỏi như "Tôi là ai?", "Tôi thực sự đang khát mong hay tìm kiếm điều gì?", hay "Điều gì sẽ làm cho tôi thỏa lòng và hạnh phúc?" vẫn là những truy vấn căn bản và thường hằng mà mỗi người đều có thể nhận thấy nơi kinh nghiệm hiện sinh của mình. 

Email: dangtrungsjvn@gmail.com

Tháng 9 năm 2021



Dẫn Nhập

Có những năng động chưa rõ nào đó trong thâm sâu vẫn luôn âm ỉ chi phối mỗi suy nghĩ, lời nói, hành vi, và cảm nhận của mỗi người. Những câu hỏi như "Tôi là ai?", "Tôi thực sự đang khát mong hay tìm kiếm điều gì?", hay "Điều gì sẽ làm cho tôi thỏa lòng và hạnh phúc?" vẫn là những truy vấn căn bản và thường hằng mà mỗi người đều có thể nhận thấy nơi kinh nghiệm hiện sinh của mình.

Lần theo bước chân Rahner, trước hết bài viết khởi đi từ kinh nghiệm siêu nghiệm như là điều kiện để trả lời cho câu hỏi: con người là ai (gì). Để rồi từ cơ sở này, năng động 'tìm kiếm' hay 'khắc khoải' như thế nơi thân phận con người hy vọng sẽ được tỏ lộ lần lượt dưới chiều kích nhân học và dưới những soi sáng của thần học trong các phần tiếp theo.

1. Con người với kinh nghiệm hiện sinh siêu nghiệm

 1.1. Khởi đi từ kinh nghiệm

Trong nhận thức về cuộc sống và chính mình, hầu chắc ai trong mỗi người đều kinh nghiệm rằng cái biết đó không chỉ đến từ những tri thức nguyên lý và trừu tượng, nhưng luôn là những trải nghiệm gắn với cuộc sống, gắn với thế giới với biết bao nhiêu chiều kích và góc cạnh của cuộc sống hiện sinh. Đặc biệt hơn khi đó là cái biết về con người, về sự sống. Thật vậy, đâu ai có thể diễn tả thành lời hay hiểu được khi có ai đó nói về cảm xúc đau do bị thương, về nỗi buồn, niềm hạnh phúc, khao khát, và hy vọng,... Đó là một tri thức gắn liền với cái “bây giờ và ở đây” tùy thuộc vào chủ thể và trải nghiệm của mỗi cá nhân.

Mặt khác với Rahner, nhận thức mà mỗi người có về thực tại vốn là những gom nhặt rất rất nhiều từ những kiến thức từ nhiều ngành khác nhau qua một hành trình trải nghiệm từ lúc được sinh ra và lớn lên. Rahner cho thấy tất cả những kiến thức ấy chung chia từ một kinh nghiệm nền, cái được Rahner gọi là kinh nghiệm siêu nghiệm (transcendental experience).[1]

Chính vì thế để hiểu hơn về bất cứ điều gì xảy ra trong nhận thức nội tại nơi con người, điểm khởi của hành trình khám phá đó theo Rahner là trở lại với chính con người hiện sinh, phản tỉnh trên những kinh nghiệm siêu nghiệm để rồi có thể trả lời cho câu hỏi nền tảng trước và trên hết: con người là (ai) , và "con người nghĩa là như thế nào?"

1.2. Nhận thấy mình là ngôi vị và là chủ thể tự do

Trước tiên, khi phản tỉnh trên những kinh nghiệm trong nhận thức và hành động của mình, ai cũng có thể nhận thấy câu trả lời cho câu hỏi "tôi là ai?" trước hết là "tôi là một hữu thể tự-tồn (chủ thể) và là ngôi vị". Trong mọi nhận thức, tôi nhận biết mình như là một chủ thể. Tôi luôn suy tưởng bằng những phán đoán, luôn nghĩ “về” cái gì đó như là những đối thể.[1] Thậm chí khi tôi giải thích bản thân và phân tích chính bản thân mình, là lúc tôi đang khẳng định rằng mình là chủ thể đang làm việc này, và khi làm như vậy, tôi trải nghiệm bản thân như một cái gì đó nhất thiết phải có trước và nguyên bản hơn những khả thể đa dạng có thể xảy ra đó. Tính chủ thể cũng xuất hiện trong mọi hành vi của tôi. Vì tôi có thể hành động cách tự do với các sự vật. Với tự do, tôi thực hiện việc diễn tả chính mình, đồng thời chịu trách nhiệm về chính mình. Đó là một dạng tự do nằm trong bản chất của hiện hữu, nhìn thấy mình trong tiến trình căn bản trở nên chính mình, và thấy có vô tận (unendlichkeit) khả thể để tôi tự thực hiện mình.[2]

Cũng vậy, sau những phản tỉnh với kinh nghiệm siêu nghiệm trên, tôi nhận thấy rằng nơi chính mình có điều gì đó vốn vượt trên những đối tượng riêng biệt và cụ thể. Tôi biết điều mình đang tri nhận (cái gì đó) và đồng thời biết mình đang thực hiện hành vi tri nhận, và ở nền tảng ‘tôi ý thức rằng tôi biết tôi đang là tôi’. Rahner mô tả rằng con người về bản chất mang tính siêu vượt vô hạn (unlimited transcendentallity) là vậy.[4] Con người ý thức mình là một hiện hữu cá vị, ở đây và bây giờ, với tính toàn thể của mình. Do đó con người ý thức mình là một ngôi vị.[5]

1.3. Khám phá mình là hữu thể siêu việt (transcendence being)

Với kinh nghiệm mình là một chủ thể tự do và ngôi vị, con người luôn truy vấn về thực tại và về chính mình, và đặt ra muôn vàn câu hỏi. Khi ấy, con người mở ra cho mình những chân trời không giới hạn. Vì con người nhận thấy rằng mình vẫn có thể tiếp tục hỏi về những gì vượt qua điều có thể hình dung hay nắm bắt nơi thực tại cuộc sống. Khi làm điều này, con người đang khẳng định mình vượt hơn trên những tổng số của các thành phần có thể phân tích được từ thực tế của anh ấy.[6] Đây là bằng chứng cơ bản cho lập luận của Rahner rằng chúng ta là những sinh vật siêu việt.[7]

Tuy nhiên, khám phá này lại đặt ra một truy vấn. Vậy đâu là nền tảng cho trải nghiệm mang tính chủ thể và là nền tảng cho những truy vấn vô hạn của con người như thế trở nên khả hữu? Nếu như thánh Tôma gọi đó là “sự trừu tượng hóa“ (excessus) vốn cho phép nắm bắt cái phổ quát trong cái đặc thù và là điều kiện cho nhận thức, thì Rahner mô tả nền tảng hay điều kiện này là  “Vorgriff”. Ngài nói:

Tất cả tri thức hay hoạt động nhận thức của con người đều đặt nền trên sự "tiền-lĩnh hội" (pre-apprehension / Vorgriff ) về "hữu". Đó là kiểu tri thức tiền chủ đề nhưng luôn có đó về toàn thể thực tại.[8]

Nghĩa là nhờ Vorgriff, con người không ngừng siêu vượt mọi sự để hướng về hữu thuần túy. Vì chỉ nhờ sự quy hướng này mà mọi tri thức riêng lẻ mới có thể có được. Khi tôi tương tác và tri nhận một đối tượng hay người nào đó, nghĩa là tôi luôn có một cái biết nền tảng trước hết rằng đối tượng hay người đó đang tồn tại, đang hiện hữu. Cũng vậy, việc truy vấn về hữu nơi các đối tượng khác và truy vấn về chính mình luôn gắn với nhau ngay tại nền tảng này và luôn luôn là một, tại hữu.[9] Kinh nghiệm này gọi là kinh nghiệm siêu nghiệm vì đây là những nhận thức tất yếu, vô chủ đề của chủ thể nhận biết. Nó đồng hiện diện trong mỗi hành vi tri thức, diễn ra trong lòng hữu thể. Nếu như tri thức biệt loại trong kinh nghiệm thường nghiệm là nắm bắt các khái niệm (Begrift), là những tri thức có chủ đề (Thematisch), thì vorgrift là một năng động hướng về, không mang phạm trù nào cả, Vorgriff là điều kiện cho khả năng của một khái niệm phổ quát, đúng hơn là hướng về hữu (Vorgrift auf da Sein). Nghĩa là hướng về sự hiện hữu của tôi và của đối tượng tôi đang gặp gỡ, như là điều kiện cho cuộc gặp gỡ và tri nhận đang xảy ra. Hoạt động có ý thức của con người đều dựa trên tiền-lĩnh hội (Vorgriff) về "hữu thể", cái mênh mông vô hạn nơi thực tại.[10]

Tóm lại, trong kinh nghiệm siêu nghiệm (transzendentale Erfahrung), con người nhận ra một một cấu trúc tiên thiên (apriori) của siêu việt nơi chính nền móng hiện hữu của mình. Kinh nghiệm này có vai trò như một điều kiện khả hữu cho mọi kinh nghiệm tri thức (phạm trù), và cho kinh nghiệm về tính chủ thể và tự do nơi con người. Con người nhận thấy mình là một sinh vật có chân trời vô hạn. Con người trải nghiệm cuộc sống với cái thường nhật vốn có của nó, nhưng đồng thời cũng vượt ra ngoài trật tự quen thuộc và trải nghiệm bản thân như một thực thể siêu việt, hay như một tinh thần.[11]

2. Nghiệm thấy mình là tinh thần

2.1. Với yếu tính mở ra tất yếu và tiên thiên

Như đã được mô tả tại định nghĩa về năng lực Vorgriff, nơi yếu tính của con người có một sự quy hướng tất yếu và tiên thiên về hữu, hướng về với trật tự siêu việt. Con người xét như là một tinh thần ấy từ nơi yêu tính luôn có một năng động mở ra tất yếu và tiên thiên.

Có thể nói, có một sự siêu việt luôn ở trong nền tảng, là nguồn gốc và điều kiện cho mọi nhận thức và hoạt động của con người mà chúng ta không thể kiểm soát được.[12] Chủ thể tính ấy luôn luôn có một khuynh hướng mở ra (Offenheit). Nhờ kinh nghiệm siêu nghiệm ấy mà chủ thể thực hiện được hiện hữu của chính mình, như là một chủ thể (ý thức mình) mở ra vô tận. Con người không thể dừng lại nơi chính mình, con người thấy mình khao khát biết về sự vật và về mình một cách vô tận. Nói cách khác, con người luôn muốn vượt bỏ cái giới hạn nơi mình nhờ nhận ra cái giới hạn ấy.

Rahner cho thấy rằng chính do nền tảng luôn hướng về siêu việt (orientation to transcendence), nên con người luôn mở ra với kinh nghiệm mầu nhiệm trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống, … Đối với Rahner, một thúc đẩy hướng con người đến mầu nhiệm và sự thánh thiêng được tìm thấy trong nội tâm sâu thẳm nhất của mỗi người. Nó thúc đẩy con người luôn mở ra trong nhận thức và tiến vào chân trời mầu nhiệm.[13]  Ở đây có một câu hỏi được đặt ra liệu rằng năng động mở ra với trật tự siêu việt này có giúp con người nhận ra và tìm thấy được điều mà chính mình mong muốn? Và là điều gì?

2.2. Nhưng thổn thức với 'cái chưa trọn'

Phản tỉnh trên kinh nghiệm siêu nghiệm, Rahner mô tả rằng hữu thể luôn mang nơi mình năng động mở ra và ‘truy vấn’; hiện hữu (being) và biết (knowing) luôn kết hợp với nhau. Con người luôn truy vấn để hiểu biết hơn về thực tại và về chính mình. Khao khát và nỗ lực này là một chuyển động nội tại trong mọi hành vi nhận thức của con người.[14]

Khi nỗ lực để hiểu về chính mình, con người có thể 'chẻ nhỏ' mình thành những đối tượng nghiên cứu riêng biệt như tâm lý, xã hội, nhân chủng... Nhưng những điều này chưa bao giờ mang lại câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi về con người cách rốt ráo, xem con người như là con người (Ding-an-sich, being as such), tức nhìn con người trong cái toàn thể. Ngay cả với kinh nghiệm siêu nghiệm, vốn dẫn con người vào một kinh nghiệm uyên nguyên (Ursprünglich) hơn, thì nó cũng chỉ dẫn con người nhận ra một chân trời mênh mông huyền nhiệm. Tính truy vấn nơi con người (Fragbarkeit) vẫn mãi là truy vấn (Fraglich), nghĩa là nó là một truy vấn mà hoàn toàn không nhận được câu trả lời tròn trịa. Sự truy vấn này cho thấy rằng hiện hữu là hiện hữu tỏ hiện ra cho bản thân, và luôn luôn là một câu hỏi.[15]

Cho nên sau tất cả những tri thức có được (mang tính phạm trù) về mình, lúc nào tôi cũng có khả năng đặt câu hỏi về chính tôi. Tôi có thể thôi không tự ý thức về mình như chủ thể của khao khát tri thức về mọi sự nữa, vì sợ, vì lười, hay cố chấp. Nhưng thực chất, trong hoàn cảnh ấy, tôi vẫn luôn là câu hỏi cho chính mình. Tôi là ai, tôi muốn mình sống như thế nào ? Mỗi người đều kinh qua vô vàn kinh nghiệm trong cuộc sống, và tất cả ắt hẳn điều kinh nghiệm sự thật rằng chúng ta chưa thật sự hiểu về chính mình, do đó không thể có một câu trả lời nền tảng cho cuộc sống của mình. Có một khoảng mênh mông mà trong đó, trải nghiệm, đời sống, kiến thức, niềm hạnh phúc, đau khổ… vẫn tồn tại như vô tận, chúng luôn luôn tồn tại như là sự trống rỗng nửa vời, không bao giờ đạt đến sự trọn vẹn nơi chính nó.[16]

2.3. Khám phá mìnhtinh thần hữu hạn

Với kinh nghiệm nhận ra mình là tinh thần có thể mở ra với siêu việt, với năng lực Vorgriff (tiền-lĩnh hội) như nền tảng, con người định vị mình trong một chân trời rộng lớn hơn, hiện ra trước mắt anh trong sự bao la của nó. Con người như là một tinh thần, luôn khao khát (begierde), nỗ lực (streben), và thực hiện (handlung) hiện hữu của mình.[17] Đồng thời, khi trải nghiệm bản thân như tinh thần, con người không trải nghiệm bản thân như một tinh thần tuyệt đối. Anh ta luôn là câu hỏi hiện lên trước mặt mình, không thể tránh khỏi, và không bao giờ có thể được giải quyết và trả lời một cách thỏa đáng. Con người cũng không phải là một hữu thể tuyệt đối,  nhưng là một hữu thể trong lòng hữu thể, luôn trải nghiệm về sự hữu hạn và tùy thuộc của mình.[18] Con người kinh nghiệm được sự hữu hạn của mình, bởi vì trong khi truy vấn anh không thể đồng nhất bản thân với nền móng vốn tận cùng và hoàn toàn khác biệt với mình.[19]

Do đó, được đặt giữa cái hữu hạn và cái vô hạn là điều cấu thành nên con người, và được thể hiện qua thực tế rằng chính trong sự siêu việt vô hạn và trong sự tự do của mình, con người tự kinh nghiệm mình như là phụ thuộc và bị điều kiện về mặt lịch sử. Theo một cách cuối cùng và không thể tránh khỏi, con người dù là chủ thể tự do hiện thực hóa chính mình vẫn đang tiếp nhận và được tạo ra.[20] Con người không là chủ thể tuyệt đối kiểm soát hoàn hảo cuộc sống và thế giới của mình, nhưng luôn "bị băn khoăn với sự tỏ lộ của hữu", "mở ra cho một cái gì đó không thể thực hiện được".[21] Cũng vậy, con người truy vấn hiện hữu nghĩa là con người chưa là chính mình, nhưng đang trở thành.

Tóm lại, nếu như ở phần 1, con người khám phá chiều kích siêu việt nơi mình, thì ở đây con người nhận thấy mình là một tinh thần nhưng với yếu tính hữu hạn.[22] Con người là siêu việt, tức là một Geist, một tinh thần, nhưng tinh thần ấy là một tinh thần ở trong thế giới, và chỉ tự cho thấy là tinh thần ngang qua lịch sử tự thực hiện chính mình trong thế giới, với kinh nghiệm thường ngày trước những giới hạn nơi chính mình. Có một nỗi khắc khoải trong thân phận hiện sinh của con người, và anh ta luôn bị thúc đẩy mở ra với siêu việt nhưng luôn trong cái giới hạn, bị điều kiện hóa bởi lịch sử.

3. Con người khắc khoải hướng về Tuyệt Đối

Ở đây có thể nói, Rahner cách nào đó mô tả sự khắc khoải nơi con người ngay tại nơi thâm sâu và nền móng của mình. Một nỗi khắc khoải hướng về Tuyệt Đối.

3.1. Con người như là tinh thần hướng về Hữu Tuyệt Đối là Thiên Chúa

Như đã nói, cái nền tảng cho sự mở ra của con người và cho sự vươn tới không giới hạn của sự siêu việt nơi con người không thể là hư vô và hoàn toàn trống rỗng, bởi hư vô không thể làm nền tảng điều gì cả.[23] Khi phản tỉnh về lý do tại sao con người lại có năng lực khái niệm hóa và khi truy vấn về tính khả tri của tinh thần, Rahner cho rằng việc khái niệm hóa đặt nền và thực hiện trong một khái quát hóa hướng về hữu tuyệt đối (excessus to absolute esse) và yếu tính của tinh thần là “quo est omnia fieri”- tinh thần trong sự quy hướng về hữu tuyệt đối. Nghĩa là tinh thần hướng về mọi điều, vì hữu tuyệt đối chính là chân trời mầu nhiệm, vô hạn, vốn thấm đẫm trong cả toàn thể hiện hữu, bao gồm cả hiện hữu con người.

Do đó, năng lực Vorgriff  (tiền – lĩnh hội) nơi con người là nhận thức siêu việt về hữu tuyệt đối. Và đây là đặc tính thiết yếu nhất của con người xét như là tinh thần.[24] Nói cách khác, tinh thần với năng lực tiền-lĩnh hội (Vorgriff) về hữu thể tuyệt đối, tinh thần luôn luôn và đã sẵn cưu mang mọi hữu thể trong sự toàn thể của nó, nên có khả năng mở ra và thu nhận về mọi đối tượng khác. Vì thế, trong bất kỳ khoảnh khắc nào, hoạt động của tinh thần luôn là một chuyển động hướng về hữu thể tuyệt đối như là điểm kết và mục đích và khao khát của tinh thần.[25] Con người luôn muốn hiểu và vươn tới cái hữu tinh tuyền, cái hữu của chính mình, hữu tuyệt đối, vốn là mầu nhiệm không thể hiểu được.[26]

Chính khi con người truy vấn về thế giới và về chính mình, con người sẽ trở lại với nền tảng tuyệt đối vượt lên trên kinh nghiệm và nhận thức của mình. Khi đó mỗi con đường trong thế giới đều cho thấy khao khát và nỗ lực của tinh thần hướng về hữu thể tuyệt đối là vậy.[27] Điều này lý giải lý do tại sao, ngay ở nền tảng, những động lực và nhu cầu nơi con người xét cho cùng không được thỏa mãn tròn đầy vì thực những gì con người hướng tới là một thực tại không thể thỏa mãn cơn đói của chúng ta, không phải vì thực tại đó không đủ so với sự trống rỗng của con người, mà bởi vì nó vượt quá khả năng thu nhận của anh ta, một hữu toàn thể, tuyệt đối như một chân trời.[28]

Đi xa hơn, Rahner gọi tên mầu nhiệm tuyệt đối, hữu tuyệt đối đó là Thiên Chúa, một ngôi vị. Nghĩa là con người xét như là tinh thần luôn khắc khoải hướng về Thiên Chúa. Vorgriff chính yếu nhắm tới không phải là khả năng của hữu nhưng là hữu đích thực. Như thế, chúng ta có thể và phải nói rằng Vorgriff nhắm hướng Thiên Chúa.[29] Tuy nhiên, Rahner nói về Thiên Chúa với cách nói "Mầu Nhiệm" (Geheimnis). Đó là cái biết từ kinh nghiệm siêu nghiệm của mỗi người, không thể định nghĩa, không thể diễn tả, một kinh nghiệm căn bản khi thúc đẩy chúng ta truy vấn về sự hiện hữu của mình. Đây là kinh nghiệm nguyên bản về một hiện hữu nền tảng hướng mở con người về phía cội nguồn (das Wovonher) trong nhận thức và về phía tương lai trong khi thành toàn chính mình (das Woraufhin). Nhưng có thể nói, con người có thẻ 'đụng chạm' được Mầu Nhiệm một cách nào đó, như kinh nghiệm của thánh Augustinô diễn tả "Chúa đã tỏa mùi hương của Chúa ra và con đã được hít lấy và đâm ra say mê Chúa. Con đã được nếm Chúa và đâm ra đói khát Chúa; Chúa đã đụng tới con và con ước ao sự bình an của Chúa.”[30]

Mầu Nhiệm này như là một vực thẳm (Abgrund) của một điều gì đó không thể diễn tả được. Ngay từ phút giây hiện hữu, dù muốn hay không, tôi đã đi trên con đường hướng về Mầu Nhiệm. Sự mở ra vô tận hướng về Mầu Nhiệm này mãi mãi thuộc về thân phận hữu hạn của tôi.[31] Phải chăng "một cõi đi về" vì thế muốn nói về kinh nghiệm hiện sinh siêu vượt này. Hay đó là kinh nghiệm suy tư "Trở lại là vận động của Đạo" mà Lão Tử diễn tả.[32] 

3.2. Vì con người là sự 'tự-thông ban' của Thiên Chúa

Sỡ dĩ con người từ trong sâu thẳm hữu thể của mình luôn tồn tại một năng động hướng về hữu thuần túy, về một Mầu Nhiệm được gọi là Thiên Chúa, là vì chính trong nền tảng hiện hữu ấy con người là sự “tự-thông ban” của chính Thiên Chúa, được đong đầy và bao bộc trong ân sủng. Rahner mô tả bản thể của con người là sự tự-thông ban của chính Thiên Chúa (Selbstmitteilung / self-communication).[33] Vì chính Chúa đã tự thông ban chính mình, và một cách tự do, nên ân sủng này được gọi là 'ân sủng không được tạo ra' (uncreated grace).[34]

Mặt khác, ân sủng này hướng con người về Mầu Nhiệm. Ân sủng này có một đặc tính kép, vừa khơi dậy một khắc khoải Thiên Chúa, và đồng thời siêu vượt con người để có thể lãnh nhận chính ân sủng là chính Chúa.[35].  Nhờ đó hiện hữu siêu nhiên ‘supmatural existential” như là yếu tính con người.[36] Chính ân sủng đã được ban tặng để con người có thể đáp trả bằng việc đón nhận sự tự tỏ lộ ấy. Nơi con người có tiềm năng đáp lại sự trao hiến của chính Chúa.[37] Ngay tại kinh nghiệm về hiện hữu của mình, một người có thể cảm nhận được một sự có đó – bao bọc bởi ân sủng, và có trước mọi sự. Do đó, có thể nói, chính Mầu Nhiệm đã chủ động 'trước' mở lời với con người (Antreffbarkeit Gottes[38]). Vì thế, con đường tìm kiếm Thiên Chúa của con người không là một cuộc tìm kiếm bất tận và vì thế sẽ vô vọng, lạc lối, nhưng Thiên Chúa đến với con người. Con người khắc khoải vì Thiên Chúa luôn muốn và nói với con người ngay tại nền hiện hữu của mỗi người. “Chúa vốn ở trong con mà con lại ở ngoài con, và tìm Chúa ở bên ngoài.”[39]

Thiên Chúa, Đấng tự chia sẻ chính mình trong lịch sử con người như là sự thành toàn của chính con người. Do đó tự bản chất, sự tự-thông ban của chính Chúa mới là sự thỏa lấp tròn đầy được trao tặng cho sự mở ra của con người ngay tại nền móng, Điều này lý giải tại sao sự mở ra nơi con người sẽ không có một thực tại được tạo thành nào có thể khỏa lấp được.[40] Lời Rahner nói cho một người tên Norbert rằng

Bạn đã kỳ vọng quá nhiều vào hạnh phúc! Do đó mà bạn cứ thất vọng hoài, bởi vì xã hội trước mắt đâu thể nào lấp đầy bạn được. Song có lẽ điều đúng mà bạn nên theo là ý thức rằng: thế giới này là hữu hạn, và không thể lấp đầy khát vọng vô hạn của con người.”[41]

Trãi nghiệm cuộc sống cho thấy con người có một khát vọng vô hạn, nhưng con người cũng dễ bị cho ngẫu tượng hay những niềm vui tạm thời lèo lái, nên cứ mãi thất vọng.

3.3. Con người khắc khoải trong tình yêu

Tới đây, khi nói rằng con người là sự tự-thông ban của Mầu Nhiệm, ta chạm tới chiều sâu nhất của kinh nghiệm siêu nghiệm. Vì trong sự thông ban này, 'món quà được ban' cũng chính là 'người thông ban' (The giver is himself the gift). Đó là một sự dâng tặng (offer).[42] Điều này không chỉ được hiểu như là một hiện hữu nền bao bọc hiện hữu của tôi, nhưng nhấn mạnh đến năng động trao dâng chủ động, có điểm khởi và mục đích. Thiên Chúa trao tặng chính mình cho thụ tạo, cho con người. Nói cách khác, sự tự thông ban này là sự thông ban trong tình yêu. Ắt hẳn với Rahner, Đức Kitô chính thực là mạc khải và là nguồn ân sủng của Thiên Chúa chính yếu theo ý nghĩa này nhất.[43] Nơi đó tỏ cho thấy tình yêu trao hiến đến kỳ cùng của Thiên Chúa.

Do đó, yếu tính của sự thông ban của Chúa cho con người luôn có sự thống nhất giữa biết và yêu đối với Người. Với Rahner, con người luôn mang trong mình khắc khoải ngay tại nền móng hiện hữu, ngay trong bản thể ẩn tàng của mình, khoắc khoải sống yếu tính là Tình Yêu. Ngài nói: chẳng phải chỉ kiến thức, nhưng chính nhờ sự đỗ tràn của cái biết trong tình yêu, mới có một năng lực biến đổi, ngay tại hiện hữu của con người. Chỉ trong tình yêu tôi mới hiện hữu tròn đầy. Chỉ có tình yêu mới nuôi dưỡng tôi xét như là một tinh thần.[44] Hay chỉ có Chúa mới là câu trả lời cho những truy vấn liên lĩ trong trái tim của tôi.[45] Chính trong tình yêu chứ không phải trong những hiểu biết mà tôi được hạnh phúc và trọn đầy.[46] Và chỉ trong luận lý của tình yêu, mới có thể hiểu được tự do, và thực chỉ trong tình yêu chúng ta mới có thể hiểu về những thực tại vô hạn.[47]

Con người xét như là sự trao hiến của chính Thiên Chúa ngay tại nền móng hiện hữu của mình, luôn cưu mang một năng động trao hiến, năng động mở ra và trao dâng chính mình cho Thiên Chúa và cho người khác.[48] Con người luôn mang trong mình sự khao khát cháy bỏng đối với chính Thiên Chúa. Vì chính khi đó là con người đang trở lại với nền tảng ân sủng, với tình yêu trào tràn vốn là điều tạo nên sự hiện hữu của mình.[49] Thánh Têrêsa Avila khi còn nhỏ đã nói rằng: “Tôi muốn được thấy Thiên Chúa” và thánh nhân giả định thêm rằng để thấy Chúa, tôi phải chết đi", nghĩa là dâng hiến hay cho đi tất cả. Kinh nghiệm của thánh Inhã Lo-Yo-La cũng tương tự như thế: "xin trao lại Chúa hết thảy", "chỉ xin ban Tình yêu", " vì như thế là đủ cho con".[50]

Với kinh nghiệm của mình, mỗi người phần nào nhận ra nơi con người có một năng động “xấu” (tội) nào đó. Tội là một câu hỏi không thể nào né tránh được cho bất cứ ai, cho bất cứ con người nào (bất kể tôn giáo) khi bước vào cuộc sống trần thế. Điều này đặt ra cho mỗi người câu hỏi về ơn cứu độ hay hư mất của mình. Với tự do, con người hiện thực hóa, diễn tả chính mình, thì tội là khi diễn tả chính mình sai lạc, là đánh mất bản chất, cái là của mình sẽ trở nên. Bản chất của tội lỗi là sự hiện thực hóa tự do siêu việt trong việc khước từ Thiên Chúa.[51] Đặc biệt, nếu như nền móng hữu thể của mình là Hữu Tuyệt Đối, là sự trao ban chính mình, thì tội là khi mỗi người không sống theo thúc đẩy từ nền tảng hiện hữu của mình. Kinh nghiệm vệ tội là kinh nghiệm cho thấy sự giằng co giữa sống và không sống tình yêu, giữa mở ra và cho đi với sự thu mình và sở hữu. Và cũng chính trong kinh nghiệm tội và sự dữ, một người được mời gọi để quay trở lại với Tình yêu, vì khi đó cõi lòng mới được chữa lành.[52] Một kinh nghiệm được chữa lành trong tình yêu mà ắt hẳn mỗi người ít nhiều trãi qua.

Tóm lại, có một nỗi khắc khoải hướng về Thiên Chúa ngay tại nền móng hiện hữu của con người, vì ngay tại đó con người được bao bọc trong ân sủng là Thiên Chúa, và được thúc đẩy để dâng hiến mình trong Tình Yêu. Tự bản chất thân phận con người có sự chông chênh, sống trong thế giới nhưng vượt trên thế giới, con người là trung điểm lơ lửng giữa thực tại và Mầu Nhiệm, giữa thời gian và vĩnh cửu.[53]

Kết luận

Khởi đi từ phương pháp siêu nghiệm, và từ điểm khởi nhân học, tư tưởng của Rahner một cách nào đó giúp mỗi người hiểu hơn về năng động khắc khoải trong mỗi người. Nỗi khắc khoải này tồn tại ở nhiều góc cạnh của kinh nghiệm hiện sinh và diễn tả khác nhau: như một thao thức kiếm tìm nhưng lại không rõ điều đang kiếm tìm. Một mặt thấy cái biết thường nghiệm không thỏa lấp được khao khát nơi mình, nhưng khi lần mò tìm tới là nhận thấy đó là một chân trời, một Mầu Nhiệm. Nhưng sâu thẳm của năng động khắc khoải đó chính là tình trạng hiện hữu như một tinh thần hữu hạn. Và đặc biệt hơn, vì hiện hữu của con người luôn được bao bọc trong một hiện hữu mênh mông là Thiên Chúa, với năng động tỏa ra và trao ban, chính yếu tính ấy khiến con người luôn mang trong sâu thẳm hiện hữu mình một khắc khoải trong tình yêu, khát khao yêu và được yêu.

Có lẽ hành trình phản tỉnh và truy vấn trên kinh nghiệm hiện sinh nơi con người của Rahner giúp ta hiểu hơn về điều được Giáo Lý Giáo Hội mô tả: "Con người khao khát thiên chúa" (De Desiderio Dei). "Niềm khao khát Thiên Chúa được ghi khắc trong trái tim con người... Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Ngài". (Giáo Lý HTCG, số 27). Nhờ đó, bất cứ ai cũng sẵn có một điều kiện nền tảng nơi mình là mở ra với siêu việt, gặp gỡ Mầu Nhiệm, và tin vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, con người chỉ có thể có kinh nghiệm gặp gỡ và nhận ra Mầu Nhiệm trong cuộc đời mình khi biết phản tỉnh, như Rahner gọi là đi vào cõi thinh lặng. Mỗi người đều có khả thể có kinh nghiệm thần bí, hay có khả thể kinh nghiệm thần bí hướng về Thiên Chúa, tuy nhiên kinh nghiệm này cần phải được dạy, “giáo dục huyền nhiệm” (Mystagogie).[54]

Hẳn vì thế, trong việc chia sẻ đức tin và giảng dạy giáo lý, điều cần và nên là giúp cho mỗi người khởi đi từ chính kinh nghiệm sống của mình, với những khắc khoải và tìm kiếm, trong mọi khoảnh khắc cuộc sống, trong những chuyển động nội tâm như buồn vui chán nản, cô đơn, bất lực, thắc mắc về chính mình... Vì tất cả đều là cơ hội để hiểu hơn về chính mình và kinh nghiệm về Thiên Chúa. Vì kinh nghiệm này ắt hẳn có nền tảng từ chính kinh nghiệm của con người về chính mình.[55]

Sau cùng, cho bạn và cho tôi! Có lẽ bạn và tôi sẽ chẳng cần một lý chứng nào để chứng minh rằng trong sâu thẳm lòng mình có một khao khát yêu và được yêu. Trong thời đại dịch này, giữa bao những khủng hoảng, khổ đau, và đầy nghịch cảnh ấy, đặc biệt khi đối diện với khoảnh khắc sống và chết, đâu đó tình người, tình yêu thương giữa con người với nhau như sống động và chất chứa, nơi những thiền nguyện viên và bác sĩ, nơi những sẽ chia và quan tâm nâng đỡ... Và rồi khi bắt gặp nơi Giêsu, có một tình yêu được diễn tả cách trọn vẹn và kỳ cùng, hiến mình vì người khác. Tất cả trải nghiệm ấy có lẽ là một ánh sáng để bạn và tôi giác ngộ về năng động 'khắc khoải' tình yêu nơi sâu thẳm hiện hữu của mình, vốn chẳng thể diễn tả thành lời, để rồi tin nhận và gọi tên Tình Yêu Mầu Nhiệm ấy là Thiên Chúa trong nội tâm sâu thẳm của lòng mình.


Thư Mục Tham Khảo

Bộ Giáo Lý Đức Tin. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2009.

Chính, Vũ Kim. Nhân Thần Hội Ngộ - Quan Điểm Thần Học Của Rahner. Chuyển ngữ bởi Nguyễn Phước Bảo Ân. Chinese: Kuangchi Cultural Group, 2000.

George Vass. A Theologian in Search of a Philosophy Understanding Karl Rahner, Volume I. London: Sheed & Ward, 1985.

Lão Tử. Đạo Đức Kinh. Dịch và giải luận bởi Lý Minh Tuấn. Tp Hồ Chí Minh: NXB Phương Đông, 2010.

Losinge Anton. The Anthropological Turn: The Human Orientation of the Theology of Karl Rahner. Translated by Daniel O. Dahlstrom. New York: Fordham University Press, 2000.

Marmion, Declan and Mary E. Hines, eds. The Cambridge Companion To Karl Rahner. Cambridge: Cambridge University Press, 2005.

Michael Purcell, Mystery And Method: The Other In Rahner And Levinas, Marquette University Press, 1998.

O' Donovan, Leo J. Ed. A World of Grace: An Introduction to the Themes and Foundations of Karl Rahner's Theology. Washington: Georgetown University Press, 1995.

Rahner, Karl. Christian At The Crossroads (Wagnis des Christen). Trans. by V. Green. New York: The Seabury Press, 1975.

Rahner, Karl. Encounters with Silence (Worte ins Schweigen). Translated by James M. Demske, S.J. Maryland: The Newman Press, 1966.

Rahner, Karl. Foundation of Christian faith (Grundkurs des Glaubens): An introduction to the idea of Christianity. Translated by william v. Dych. New York: Crossroad, 1987.

Rahner, Karl. Hearer Of The Word (Horer des Wortes). Trans. by Michael Richards. New York: Herder And Herder, 1969.

Rahner, Karl. Nature and Grace (Natur und Gnade): Dilemmas in the Modern Church. Translated by Dinah Wharton. New York: Sheed And Ward, 1964.

Rahner, Karl. Nature and Grace. In: Theological Investigations 4.

Rahner, Karl. Spirit in the World (Geist in Welt). Trans. by William Dych, S.J. New York: Continuum, 1994.

Rahner, Karl. The Content of Faith - The Best of Karl Rahner's Theological Writings. Edited by Karl Lehmann and Albert Raffelt. Translation edited by Harvey D. Egan, S.J. New York: Crossroad, 2000. 

Russell. The Heart Of Rahner: The Theological Implications of Andrew Tallon’s Theory of Triune Consciousness. Milwaukee: Marquette University Press, 2009.

Steinmetz, Mary. "Thoughts on the Experience of God in the Theology of Karl Rahner: Gifts and Implications". Boston College School of Theology & Ministry. Lumen et Vita -Vol. 2 - 2012.

Wandinger Nikolaus. "Karl Rahner on Nature and Grace". Guest-Lecture at Heythrop College, University of London, Feb. 2003. https://www.uibk.ac.at/theol/leseraum/texte/341.html#ch1. Accessed on 15/8/2021.



[1] Karl Rahner, Foundation of Christian Faith, 35.

 [2] Karl Rahner, Foundation of Christian Faith, 29.

 [3] Karl Rahner, Foundation of Christian Faith, 35.

 [4] Karl Rahner, The Mystery of The Human Person, 75-76.

 [5] Karl Rahner, Foundation of Christian Faith, 30.

 [6] Karl Rahner, Foundation of Christian Faith, 29.

 [7] O' Donovan, A World of Grace, 20.

 [8] Karl Rahner, Foundation of Christian Faith, 33.

 [9] Karl Rahner, Hearer of The Word, 36-37.

 [10] Karl Rahner, Foundation of Christian Faith, 33.

 [11] Karl Rahner, Foundation of Christian Faith, 32.

 [12] Karl Rahner, Foundation of Christian Faith, 34-35.

 [13] Mary Steinmetz, "Thoughts on the Experience of God in the Theology of Karl Rahner", 2.

 [14] George Vass, A Theologian in Search of a Philosophy Understanding Karl Rahner, 70.

 [15] Karl Rahner, Spirit in the World, 71.

 [16] Karl Rahner, Christian at the Crossroads, 11-14.

 [17] Karl Rahner, Spirit in the World, 281-82.

 [18] Karl Rahner, Foundation of Christian Faith, 32-34.

 [19] Karl Rahner, Foundation of Christian Faith, 70.

 [20] Karl Rahner, Foundation of Christian Faith, 42.

 [21] O' Donovan, A World of Grace, 21-22.

 [22] Karl Rahner, Spirit in the World, 186.

 [23] Karl Rahner, Foundation of Christian Faith, 34.

 [24] Karl Rahner, Spirit in the World, 281.

 [25] Karl Rahner, Spirit in The World, 283.

 [26] Michael Purcell, Mystery and Method: The Other in Rahner and Levinas, 224.

 [27] Karl Rahner, Spirit in The World, 407.

 [28] Michael Purcell, Mystery and Method: The Other in Rahner and Levinas, 226.

 [29] Karl Rahner, Hearer of The Word, 51.

 [30] Trích Tự Thuật của Thánh Augustinô (TT),10, XXVII, 38.

 [31] Karl Rahner, Foundation of Christian Faith, 52-53.

 [32] Lão Tử, Đạo Đức Kinh, chương 40. Mọi vật đều được phát sinh từ Đạo, và cách tự nhiên cũng có hướng trở về với Đạo.

 [33] Karl Rahner, Foundation of Christian Faith, 116. Đó là sự thông ban mang tính hữu thể học, những gì làm nên hiện hữu của tôi là sự tự thông ban của Thiên Chúa (ontological self-communication). Không hiểu theo nghĩa đồng nhất, nhưng theo nghĩa loại suy.

 [34] Wandinger Nikolaus, Karl Rahner on Nature and Grace.

 [35] Ở đây ta thấy Rahner nhắc lại Aquinas và quan điểm của giáo hội về ân sủng như là 'sự nhấc lên' (elevans). Cf. Declan Marmion, ed., The Cambridge Companion To Karl Rahner, 47.

 [36] Anton Losinge, The Anthropological Turn, 36-37.

 [37] Mary Steinmetz, "Thoughts on the Experience of God in the Theology of Karl Rahner", 2.

 [38] Antreffbarkeit nói đến khả thể gặp Thiên Chúa ở cả hai chiều: ta tìm Chúa và Chúa cho gặp.

 [39] TT 10, XXVII, 38.

 [40] O' Donovan, A World of Grace, 66.

 [41] Vũ Kim Chính, Nhân Thần Hội Ngộ - Quan Điểm Thần Học Của Rahner, 138. Ngài trích và dịch từ K. Rahner, Is Christian Life Possible Today?: Question and Answers on the Fundamentals of Christian Life, (New Jersey: Dimension Books, 1984), 7-14.

 [42] Russell, The Heart of Rahner, 179-180.  

 [43] Karl Rahner, Nature and Grace, 176.

 [44] Karl Rahner, Encounters with Silence, 29-30.

 [45] Karl Rahner, Encounters with Silence, 56.

 [46] Karl Rahner, Christian at the Crossroads, 18.

 [47] Karl Rahner, Hearer of the Word, 100.

 [48] Michael Purcell, Mystery and Method: The Other in Rahner and Levinas. xxxiv.

 [49] Karl Rahner, Concerning the Relationship Between Nature and Grace, 312.

 [50] Trích trong Kinh Quảng Đại Dâng Hiến của thánh I-Nhã Loyola.

 [51] Karl Rahner, Foundation of Christian Faith, 115.

 [52] George Vass, A Theologian in Search of a Philosophy Understanding Karl Rahner, 8.

 [53] Karl Rahner, Spirit in the World, 407.

 [54] Vũ Kim Chính, Nhân Thần Hội Ngộ - Quan Điểm Thần Học Của Rahner, 126.

 [55] Anton Losinge, The Anthropological Turn, 26.


0 Comments:

Đăng nhận xét