Hiển thị các bài đăng có nhãn Thần học phủ định. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thần học phủ định. Hiển thị tất cả bài đăng

Thần học phủ định - Giá trị và ý nghĩa

 



Lược dịch từStephen B. Bevans, An Introduction to Theology in Global Perspective, (New York: Orbis Books, 2009), 1-26.

Truyền thống thần học phủ định có vai trò và ý nghĩa gì cho suy tư thần học? Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết bài viết tìm hiểu thần học phủ định là gì, ý nghĩa của nó đối với nền suy tư thần học, và sau cùng chỉ ra một vài áp dụng ý nghĩa ấy trong bối cảnh Việt Nam.

1. Thần học phủ định là gì?

Trong dòng suy tư thần học của giáo hội, chúng ta quả thực nói về Thiên Chúa và nhận biết về Người. Tuy nhiên, xét cho cùng Thiên Chúa không bao giờ có thể được hiểu hoặc nắm bắt cách đầy đủ bằng các khái niệm hoặc theo luận lý của con người. Đây là kiểu thần học phủ định vốn tồn tại  trong truyền thống Kitô giáo qua một thời gian dài.

Trước hết, thần học phủ định đã được bám rễ sâu trong Thánh Kinh và nhiều lĩnh vực khác nhau, cả ở Đông và Tây. Trong sách Xuất hành, ông Môse chỉ thấy được lưng chứ không thấy được tôn nhân của Chúa (Xh 33, 18-23); hay trong Tin Mừng Matthêu: "Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương,…, Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn" (1Cr 13.12). Vào thời các Giáo phụ, thánh Augustinô nói rằng "nếu bạn hiểu, thì điều bạn hiểu đó không phải là Chúa". Vào thời trung cổ ở Tây Phương, thánh Tôma Aquinô cho rằng “chúng ta không thể biết bản tính nội tại của Thiên Chúa là gì, nhưng đúng hơn là Ngài không phải là gì". Thánh nhân dùng các thuật ngữ phủ định để nói về Thiên Chúa như: tốt lành, đơn nhất, vô cùng, vĩnh cửu, toàn năng, bất biến. Con người không thể nói chính xác (univocally) Thiên Chúa là gì, nhưng chỉ nói một phần về Người (equivocally). Vì thế hiểu biết này luôn mang tính loại suy (analogy). Đến thời hiện đại, Kierkegaard nói rằng có một sự khác biệt về phẩm tính cách vô hạn giữa Thiên Chúa và con người mà sau này Karl Barth đã tiếp nối tư tưởng này.

Bên cạnh đó, thần học phủ định còn được tìm thấy nơi các tôn giáo khác bên ngoài Kitô giáo như Phật giáo: "gặp phật giết phật", Đạo giáo: "Đạo khả đạo phi thường Đạo, Danh khả danh phi thường Danh", hay trong Ấn giáo, Do thái giáo… Tóm lại, có hai loại thần học phủ định: một loại cho rằng chúng ta không thể nói điều gì về Thiên Chúa ngoại trừ việc Người hiện hữu. Nhưng có một thần học phủ định khác vốn tộn tại trong nền thần học của giáo hội Kitô giáo, khẳng định về sự vĩ đại siêu vượt của Thiên Chúa, nghĩa là Thiên Chúa không bị giới hạn trong tâm trí con người, nhưng siêu vượt trên khả năng nhận thức của con người.

2. Giá trị của thần học phủ định đối với suy tư thần học

Nếu thần học là hiểu biết về Thiên Chúa hay là khoa học về Thiên Chúa, thì ngay từ buổi đầu thần học đã gặp phải một vấn đề nền tảng là liệu rằng con người có thể nhận biết và nói về Thiên Chúa?

Ở đây ta bắt gặp câu trả lời cho câu hỏi trên khi phản tỉnh lại truyền thống thần học phủ định. Điều truyền thống thần học phủ định cốt yếu diễn tả không phải là chúng ta không thể biết gì về Thiên Chúa, nhưng đúng hơn là chúng ta luôn biết về Người như một Mầu Nhiệm. Vì thế điều quan trọng về bản chất thần học là nhận ra rằng với truyền thống Kitô giáo và với truyền thống của tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới, Thiên Chúa là không thể hiểu và diễn tả cách hoàn toàn được, nghĩa là diễn tả đúng nhưng không bao giờ diễn tả hết. Vì không một ý nghĩ, một hình ảnh nào, hay một khái niệm nào có thể nắm bắt được thực tại của Thiên Chúa một cách đầy đủ. Thiên Chúa vốn vượt trên những khái niệm và phạm trù hay ngôn ngữ được dùng để diễn tả về Người.  

Nhưng hiểu biết về Thiên Chúa như một Mầu nhiệm nghĩa là như thế nào, và làm sao để hiểu về Mầu Nhiệm? Gabriel Marcel (1888-1973) giúp ta hiểu điều này khi nói rằng “mầu nhiệm rất khác một vấn đề", và "mầu nhiệm không phải là một điều gì đó không biết hoặc không thể biết, nhưng là điều đã biết tuy nhiên lại không thể diễn tả ra, và được giải quyết một cách hoàn toàn". Đặc biệt, "mầu nhiệm là điều gì đó mà chính bản thân tôi có liên hệ đến". Để hiểu về Mầu Nhiệm cũng tương tự như để hiểu về mầu nhiệm con người, phải gặp gỡ trực tiếp, phải tự mình trải nghiệm về họ. Và điều này chỉ xảy ra thông qua sự trao tặng chính bản thân của người đó cho tôi, một sự mạc khải.

Hiểu biết về Thiên Chúa như một Mầu Nhiệm không phải là không biết gì nhưng chính nhờ sự tự mạc khải của Người mà con người có thể hiểu biết một phần về Ngài. Chính Chúa đã đi bước trước để con người có thể nhận biết người nhờ ân sủng của Người. Chúa chuyển thông chính Ngài ngang qua những đối tượng trung gian. Thiên Chúa mạc khải ngang qua những kinh nghiệm thường ngày trong cuộc sống – những khoảng lặng gặp gỡ: niềm vui, nổi buồn chán, thất vọng; trong khi lắng nghe Lời Chúa; và từ truyền thống của Giáo hội. Do đó, con người nhận biết Thiên Chúa dĩ nhiên không phải qua những khái niệm thuần túy, không phải qua những thông tin và kiến thức mệnh đề về đức tin, nhưng trong một hiểu biết chiều sâu từ cuộc gặp gỡ cá vị với Người.

Tóm lại, truyền thống thần học phủ định nhấn mạnh một nền tảng quan trọng để hiểu về bản chất của thần học. Thần học là hiểu biết về Thiên Chúa xét như là Mầu Nhiệm. Chính nhờ Thiên Chúa từ thông ban và mạc khải chính Ngài trước mà con người có khả năng nhận biết Người trong ân sủng. Con người nhận biết và nói về Thiên Chúa không phải qua những khái niệm phạm trù hay như một vấn đề. Nhưng hơn hết, thần học phải đến từ kinh nghiệm gặp gỡ trong tương quan cá vị, với cả tâm trí và con tim. Nhờ đó con người có thể hiểu và diễn tả một phần về Người, với ngôn ngữ đặc biệt, khi đi vào tương quan thờ phượng và cung kính.

3. Ý nghĩa của thần học phủ định cho thần học trong bối cảnh giáo hội Việt Nam

Thiết nghĩ giáo hội Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn bởi Tam Giáo (truyền thống Đông Phương), do đó suy tư thần học đặc biệt theo cách phủ định của Kitô giáo gặp gỡ rất nhiều điều tương đồng sẳn có trong tâm thức, truyền thống, và văn hóa của người dân Việt. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho việc suy tư thần học trong bối cảnh giáo hội Việt Nam, cũng như khi nói về Thiên Chúa cho những người anh chị em người Việt lương dân.

Thứ nhất là niềm tin vào một Thiên Chúa siêu vượt. Đông Phương dùng những từ ngữ phủ định để ám chỉ Thực Thể Tuyệt Đối như “Vô Danh”, “Chân Không Diệu Hữu”. Chữ “Vô” chỉ để biểu lộ siêu việt tính của “Vô Tuyệt Đối”. Lão Tử mô tả Vô Danh là nguồn gốc của Trời đất.[1] Dó đó tâm thức người Việt dù chịu ảnh hưởng một phần của chủ nghĩa vô thần, có lẽ luôn ẩn chứa một niềm tin vào "Ông Trời", một Đấng phép tắc vô cùng, vô thủy vô chung, vốn vượt trên và bao trùm thực tại cuộc sống. Do đó, thật thích hợp để diễn tả tính siêu vượt của Thiên Chúa theo cách của thần học phủ định, cho cả người tin và chưa tin, hay khi gặp gỡ và đối thoại với tôn giáo khác bạn trong mãnh đất Việt Nam. Mỗi người được mời gọi chìm sâu và ý thức về sự vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng hiện diện và hoạt động trong nhân loại.[2]

Thứ đến là thái độ cần có để suy tư thần học. Truyền thông Đông Phương vốn ghi sâu nơi người Việt, khiến con dân Việt thường giữ thái độ thinh lặng để chiêm ngắm, và cảm thấy phù hợp khi đi vào con đường trực giác khi tu tâm, thiền, … Thần học phủ định cho thấy thái độ và cung cách như thế sẽ giúp con người có thể gặp gỡ Đấng là Mầu Nhiệm, đi vào trong tương quan để hiểu biết Người hơn. Ắt hẳn suy tư thần học trong và cho người Việt cần vận dụng đặc điểm này. Để đón nhận và lớn lên trong đức tin, người tín hữu một mặt cần ý thức rằng Thiên Chúa vốn siêu vượt trên các khái niệm và phạm trù, hay những tri thức giáo lý khoa bảng… và mặt khác cần phải khiêm tốn và thinh lặng để gặp gỡ, với thái độ tôn kính và thờ phượng.



[1] Lm. Jos Cao Phương Kỷ, "Tủ Sách Đàm Đạo Tôn Giáo", http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module3&v=chapter&ib=12&ict=130.

[2] Ngọc Yến chuyển dịch, Vatican News: "Hội nghị về Thần học phủ định", https://tgpsaigon.net/bai-viet/hoi-nghi-ve-than-hoc-phu-dinh-thien-chuadang-tam-tri-khong-the-nhan-thuc-duocdang-noi-voi-con-tim-63728.