Hiển thị các bài đăng có nhãn chất vấn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn chất vấn. Hiển thị tất cả bài đăng

Có Những Chất Vấn Cho Mạc khải - Giáo Hội Trả Lời Ra Sao?




Đâu là những lập luận chống lại mạc khải? Và những lập luận để Giáo hội giải đáp lại? Để trả lời câu hỏi này, trước hết bài viết lược lại dòng lịch sử khi mạc khải bị đặt vấn đề, kế đến chỉ ra một vài lập luận chống đối mạc khải cách khái quát, và đi đến những phản tỉnh cá nhân sau cùng.

Tóm dịch từ: Avery Dulles, SJ, Models Of Revelation (New York: Doubleday & Company, 1983), 1-18.

Mạc khải Kitô Giáo bị chất vấn trong dòng lịch sử

Kitô Giáo cũng giống như các tôn giáo khác tin rằng những chân lý đức tin được Thiên Chúa mạc khải trong lịch sử. Vào thời giáo hội sơ khai, suy nghĩ về mạc khải được đón nhận rộng khắp cách đương nhiên. Nhưng mãi cho tới thế ký 16, với sự xuất hiện của Thệ Phản Tin Lành, cùng với sự chống đối tôn giáo trong các thế kỷ tiếp theo (chủ nghĩa Duy lý), khái niệm mạc khải cổ điển là những chân lý đức tin được Thiên Chúa thông truyền vào thời Thánh Kinh, được gìn giữ và giải thích bởi Giáo hội bị truy vấn rất nhiều trong thế kỷ XX.

Những lập luận chống đối mạc khải

Những chống đối mạc khải chung quy lại bao gồm những tư tưởng và quan điểm như sau:

1. Thuyết Vô Ngộ Triết Học (Philosophical agnosticism). Nhóm này truy vấn về khả năng liệu rằng lý trí con người có thể vượt qua thế giới hiện tượng trong kinh nghiệm? Hay nếu Thiên Chúa có tồn tại, thì Ngài không thể được lĩnh hội, vì Ngài siêu vượt trên kinh nghiệm nhận thức. Do đó, mọi phát biểu về Người và về hành động của Người không mang giá trị nhận thức. Mạc khải khi ấy được xem như là huyền thoại hay ẩn dụ chứ không được hiểu theo nghĩa đen. Trái lại, quan điểm Giáo hội cho rằng con người có thể biết về Thiên Chúa. Dù là siêu việt, nhưng chính Ngài đã đi bước trước và mạc khải cho con người, chứ không do con người chủ động tìm biết Ngài.

2. Phân tích ngôn ngữ (Linguistic analysis). Củng cố lý luận trên của Thuyết Vô Ngộ Triết Học, nhóm này truy vấn liệu rằng ngôn ngữ nói về sự thánh thiêng có một nội dung mang tính nhận thức rõ ràng không? Khi ấy họ ám chỉ phê bình học thuyết mạc khải cổ điển. Tuy nhiên, quan điểm Giáo hội cho rằng ngôn ngữ giới hạn nhưng vẫn có thể diễn tả đúng về Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa nói về Ngài bằng ngôn ngữ, đặc biệt trong Thánh Kinh; Thiên Chúa nói cho con người bằng ngôn ngữ của con người. Đó không phải thuần là nỗ lực của con người tự diễn tả hay nói về Thiên Chúa.

3. Nhận thức luận hiện đại (Modern epistemology). Nhóm này khi đào sâu nguồn gốc của kiến thức, họ phân biệt ra thành hai loại kiến thức, "chủ động" và "tiếp nhận". Họ phủ nhận việc lý trí con người chỉ thụ động đón nhận thông tin từ kiểu thông truyền nào đó bởi Thiên Chúa. Vì kiến thức là một sản phẩm của người biết, kiến thức ấy trong một ý nghĩa nào đó phải là "tiếp nhận", nghĩa là phải phụ thuộc vào những điều kiện và giới hạn của con người tiếp nhận. Do đó, họ lên án mạc khải vì như là việc áp đạt của quyền năng thần linh (divine authority). Tuy nhiên, đồng ý với khám phá về yếu tố "tiếp nhận" trong tri thức con người, Giáo hội cho thấy rằng Chúa vẫn mạc khải cho con người và Ngài mạc khải qua tiến trình thủ đắc nơi con người.

4. Tâm lý học thực nghiệm (Empirical psychology). Nhóm này muốn phá đổ những niềm tin ngây thơ cho rằng những gì nghe thấy đến từ trên cao. Họ lý giải những điều được gọi là "xuất thần" có thể bị giản lược như là tình trạng thôi miên hay say thuốc. Hay mạc khải đối với thời của lý trí không gì khác như là biểu hiện của tâm lý vô thức mà thôi. Tuy nhiên, Giáo hội cho rằng mạc khải vẫn có thể diễn ra và không tách biệt với yếu tố tâm lý. Vì mạc khải diễn ra nơi và trong một con người toàn thể, mà trong đó có yếu tố tâm lý.

5. Phê bình Thánh Kinh (Biblical criticism). Một vài học giả Thánh Kinh hiện đại chỉ ra những khó khăn khi quy gắn những lời và hành động cho tác nhân thánh thiêng. Bằng phương pháp phê bình văn học, họ cho rằng các ngôn sứ và tông đồ diễn tả tư tưởng của họ với ngôn ngữ thời đại đó. Các ngài đã dùng các công cụ văn chương để diễn tả ý của chính mình chứ chắc gì là Chúa nói. Do đó, những chứng cứ mạc khải trong Thánh Kinh không đáng tin về mặt lịch sử. Tuy nhiên, quan điểm giáo hội luôn cho thấy mạc khải vẫn diễn ra khi dùng công cụ văn chương và ngôn ngữ con người để diễn tả mạc khải.

6. Lịch sử học thuyết Kitô Giáo (The history of Christian doctrine). Họ cho rằng nhiều chân lý đức tin được xem như chân lý mạc khải vốn đã được điều chỉnh bởi ai đó và bởi những ý kiến sai lầm. Có những điều được cho là mạc khải đã thay đổi trong dòng lịch sử. Do đó, liệu rằng những học thuyết đó có là và còn là những chân lý được mạc khải không. Giáo hội cho thấy cần phân biệt những cấp độ khác nhau; có những thay đổi nhưng cái cốt lõi và nền tảng thì không thay đổi.

7. Tôn giáo đối chiếu (Comparative religion). Nhóm này đòi Kitô Giáo phải nhìn đến và so sánh với những tôn giáo khác vồn có những mạc khải trái ngược về một số điểm, hay có khi không xem đó là mạc khải. Hay đâu là điều cho thấy mạc khải Kitô Giáo trổi vượt trên các tôn giáo khác? Tuy nhiên, Giáo hội tôn trọng quan điểm của mỗi tôn giáo, đồng thời xác tín vào chân lý mạc khải nơi mình.

8. Xã hội học phê bình (Critical sociology). Nhóm này chỉ ra những đặc tính thành phần trong việc cấu thành hệ thống niềm tin của Giáo hội là thẩm quyền. Họ cho rằng mạc khải như là điều để giúp củng cố huấn quyền của nhóm lãnh đạo. Tuy nhiên, quan điểm Giáo hội cho thấy cái nhìn đấu tranh như thế rất là nghèo, cái nhìn về quyền bính tiêu cực như thế thì không đúng và phiến diện. Hơn nữa, dùng cái nhìn này áp dụng cho Kitô Giáo cũng hoàn toàn sai. Vì lời rao giảng mạc khải đầu tiên là cho người nghèo, phụ nữ, và các tông đồ ít học.

Bên cạnh đó, một chống đối khác xem mạc khải là sự thông ban phổ quát cho tất cả mọi người, và như thể là một "cipher" hướng chỉ đến siêu việt như Jasper nói. Khi đó, Thiên Chúa không là ngôi vị nhưng chỉ là sự trống rỗng siêu vượt nào đó. Do đó, tất cả những gì được gọi là mạc khải chỉ được hiểu theo nghĩa thần thoại. Nhưng Giáo hội luôn tin và khẳng định rằng chính Thiên Chúa đã đi vào lịch sử, đã nói và hành động trong lịch sử ấy, đặc biệt ngang qua Đức Giêsu Kitô.

Cũng vậy, ngày nay những phong trào đấu tranh hay chủ nghĩa giải phóng xem đức tin không phải là những hệ thống giáo lý giáo điều, nhưng là hành động sống. Cụ thể Gerald Downing cho rằng nên hiểu Kinh Tin Kính là một tuyên xưng về lối sống chứ không như tuyên xưng trong lời nói. Ông chống lại đức tin như là tín điều. Tuy nhiên, Giáo hội trình bày về mạc khải và đức tin một mặt mang yếu tố hướng đến thay đổi lối sống bằng những hành động cụ thể, nhưng một mặt quan trọng khác mạc khải còn là kho tàng các chân lý đức tin nữa. Có những chân lý đức tin rõ ràng, khách quan, đúng đắn do Thiên Chúa mạc khải cho.

Nhìn lại những chống đối về mạc khải

Có thể nói, cách hiểu mạc khải của Giáo hội đã và đang bị chống đối từ rất nhiều góc cạnh: triết học, tâm lý, phê bình văn học, xã hội, lịch sử… Khi nhìn lại những chống đối này, thái độ trước hết có lẽ là cần thừa nhận những chống đối ấy, để giúp chống lại những cách hiểu về mạc khải cách ngây thơ và phát triển học thuyết mạc khải đứng vững trước những chống đối ấy.

Thứ đến, nó giúp ta nhận ra rằng mạc khải cũng như đức tin vốn vượt trên lý trí. Kinh nghiệm và truyền thống cho thấy Giáo hội đã đón nhận và sống kinh nghiệm đức tin và đón nhận mạc khải trước và từ lâu rồi. Việc giải thích là đến sau nhưng không thể diễn tả và hiểu hết về mạc khải. Ngay trong Giáo hội hiện tại cũng có rất nhiều mẫu thức khác nhau để diễn tả mạc khải. Hơn nữa, dù Giáo hội có thể giải đáp nhiều vấn đề về mạc khải mà những người chống đối hay cách riêng chủ nghĩa duy lý đặt ra, thì ngay cả trong phương pháp thần học - hiểu về mạc khải một cách khoa học - đã có vấn đề. Vì tự bản chất thần học về mạc khải cần phương pháp riêng biệt và phải khởi đi từ chính mạc khải. Thần học về mạc khải không thể chỉ dựa trên lý trí thuần túy.

Tóm lại, học thuyết về mạc khải như là nền tảng cho đời sống tôn giáo của cá nhân, sứ mạng của giáo hội, và cho phương pháp thần học. Không có mạc khải, sẽ không có Kitô giáo. Những chống đối và nỗ lực giải thích những chống đối giúp giáo hội hiểu về đức tin và hiểu về mạc khải hơn. Một mặt Giáo hội nhận thấy lý trí có thể giúp hiểu mạc khải, và một mặt nhận thấy sự siêu vượt của chân lý mạc khải so với bình diện lý trí. Cũng giống như đức tin, hay chính là đức tin, không thể chứng minh có mạc khải duy chỉ bằng lý trí. Chứng minh có mạc khải giống như đi chứng minh về Thiên Chúa. Là điều bất khả!