'Mất' để thực sự 'Được'!

Người ta hay nói: "Có không giữ mất đừng tìm" hoặc "Hãy trân trọng những gì mình đang có, đừng để khi mất đi rồi mới cảm thấy hối tiếc!" Quả thực, những lời này giúp một người biết suy gẫm và trân quý những gì mình đang có, đang là, ở đây và ngay lúc này, mà bình thường ít ai nhận ra.

Tuy nhiên, có một NGHỊCH LÝ rằng những lời nhắc nhở ấy thông thường chỉ khẽ lay động chứ không thể giúp họ thực sự đi vào kinh nghiệm 'trân quý những gì mình đang có'. Quả vậy, chỉ khi kinh nghiệm qua một mất mát nào đó thì tôi mới thực sự cảm được những lời trên có ý nghĩa ra sao, thực sự cảm nghiệm được điều mình đã mất và đồng thời cảm nghiệm hơn về những gì mình đang còn.

Có lẽ có một sự thực rằng người nào càng bị mất đi nhiều lại là người càng có nhiều cơ hội hơn để cảm nhận được những gì mình đang có. Câu chuyện về ca sĩ Nightbird khi chị bị nhiều loại ung thư và bác sĩ đã nói rằng chị còn 2% cơ hội để sống, còn rất ít thời gian cho chặng đường cuộc đời còn lại. Thế nhưng với chị, 2% đó lại mang một ý nghĩa và một điều gì đó quá đổi quý giá, quá đổi chất chứa, khiến chị cảm nghiệm sâu xa những gì mình có là được ban tặng. 2% đó không phải là 'zero', nhưng là một 'điều gì đó', ân huệ! Với chị, phải chăng món quà cuộc sống chị đang có và sự quý giá của nó chị chỉ thực sự cảm nghiệm được khi đã mất đi 98% kia. Phải chăng giờ đây với chị, điều quý giá và nền tảng hơn cả chính là sự sống, khi mình được sinh ra trong đời, sống như một con người, với nhiều tương quan: gia đình, người thân, bạn bè... Đó không phải là sự tình cờ... Quả thực, cuộc sống như 'khiến' ta mất đi và để ta hối tiếc! Nhưng đó dường như cũng là con đường 'duy nhất' để ta hiểu được độ rộng-dài-cao-sâu của những gì mình đã và đang được trao tặng!

Nhìn đến những phận người khác nhau, theo cảm nhận chủ quan tôi thấy rằng có những cái mất khác nhau với mức độ cũng khác nhau, tạm gọi rằng có người mất 2%, có người 30%, có người 99%. Tôi cũng thấy rằng mức độ cảm nhận của 'người đang mất' cũng khác nhau khi cùng đối diện với một điều tạm cho là như nhau. Có người cảm thấy đó là mất đi 20%, có người xem nó là 50%, có người xem nó dường như đã là 100%. Cảm nhận của họ tùy theo 'sức mạnh' nội tâm họ đang có, kinh nghiệm sống đã trải qua, ý nghĩa từ sự mất mát họ cảm nhận được, tùy thuộc vào mức độ họ nghiệm thấy và đón nhận thân phận hữu hạn của chính mình, nhiều yếu tố. Mức độ cảm nhận mất mát của họ cũng đi kèm với tâm trạng và nội tâm của họ, tùy theo % mất mát mà họ cảm nhận, mức độ hy vọng và sức lực họ có để đón nhận biến cố ấy. Mặt khác, tôi thấy có những cái mất là do bị tước đoạt hay trong thế bị động, nhưng cũng có những cái mất rất chủ động, đến từ những chọn lựa khó khăn và can đảm. 

Hơn nữa, có lẽ có một cảm nhận rằng người đã 'mất' nhiều thì có thể có cơ hội để quý hơn những gì mà người khác đang có và đã mất. Mất đi càng nhiều thì càng cảm nghiệm sâu hơn. Người mất nhiều sẽ biết người mất ít còn có những gì. Người mất đi 98% thì biết được điều người chỉ mới mất đi 2% đã mất gì và đang còn lại gì. Khi ấy, dường như sự hiện diện và lời an ủi của họ dành cho 'người mất ít' trở nên chân thành và đưa đến sự nâng đỡ nào đó, thật kỳ diệu. Quả thực, người chưa mất hoặc ít mất thì dù cho họ có dùng những lời hay ý đẹp cũng không giúp cho người đang mất có một cảm nghiệm như thế. Ngôn ngữ của người từng mất như diễn tả cái gì "Chân Thực". Vì điều người ta nói không phải chỉ là 'tiếng' - vỏ bọc được phát ra, nhưng phát xuất từ những gì đã chất chứa, mà trong đó có kinh nghiệm 'đã từng mất', nhờ đó người lắng nghe chạm được, cảm thấy được đồng cảm, và lắng nghe kinh nghiệm mất ấy.  

Khi đó tôi hiểu hơn khi nhìn về Chúa Giêsu, hành trình Người chủ động đi vào cuộc Thương Khó và chịu chết. Người đã tự nguyện bỏ đi 100%. Vì thế nên Người biết được hiểu được tất cả những gì tôi có và chính tôi là, nó quý giá đến như thế nào. Người biết và cảm được cái tôi còn và kể cả cái tôi đã mất và đang mất, biết rất trọn vẹn. Tôi cũng nhớ lại rất nhiều lần Người cũng đã động viên tôi, không phải bằng những lời 'to tiếng', nhưng đầy sâu cảm và nâng đỡ! Một NGƯỜI từng trải! 

Có thể nói, có những cái mất như ập tới bất ngờ, đau thương, ngã quỵ,...; có những cái mất do chính tôi chọn lựa. Nhưng ắt hẳn để đón nhận và kinh qua cái mất cách có ý nghĩa phải chăng là khi tôi đi vào kinh nghiệm của Chúa Giêsu. Như chia sẻ của ca sĩ Nightbird: It's all right if be lost sometimes! Vì mất là một con đường ai cũng trải qua! Và mới một cái nhìn tròn trịa hơn, mất là con đường giúp tôi khám phá ra ý nghĩa và trân quý những điều mình đang có, và đặc biệt là điều tôi thực sự là đằng sau cái được cái mất ấy! 'Mất' để tôi trở nên chính tôi hơn!

Lạy Chúa, xin cho con khám phá ánh sáng và khôn ngoan của con đường từ bỏ.
Quả thực, từ bỏ hay chịu mất đi chưa bao giờ là con đường dễ dàng.
Nhưng sau tất cả, xin thêm sức và an ủi con để con có thể thốt lên:

Its okay! or After all, its not bad! 
Here and now, I know more of what I have received!

Xin cho con hiểu rằng khi trải qua những kinh nghiệm như thế,
Con hy vọng có thể nhận ra và trân quý những gì con vốn được trao tặng
Những điều vốn bình thường con ít và khó có thể cảm nghiệm cách sâu sa.
Con đang có gì? Con là ai?
Chính khi con mất lại là lúc con 'thực sự' được!




0 Comments:

Đăng nhận xét