Hiển thị các bài đăng có nhãn Biến cố lịch sử. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Biến cố lịch sử. Hiển thị tất cả bài đăng

Các Mẫu Thức Mặc Khải - Mô Hình Mặc Khải Như Là Biến Cố Lịch Sử

 


Mạc khải như là lịch sử là gì? Ưu và khuyết điểm của mô hình mạc khải này?

Tóm dịch từ: Avery Dulles, SJ, Models Of Revelation, (New York: Doubleday & Company, 1983), 53-67.

Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, với việc tìm hiểu Thánh Kinh nở rộ, phong trào thần học với một quan niệm mới về mạc khải đã lớn mạnh và được nhiều người ủng hộ. Phong trào này phê phán cách hiểu về mạc khải hiện có vì cho rằng nó mang tính giáo điều. Họ cho rằng mô hình mạc khải này khiến người tín hữu chỉ lo học thuộc kinh, giáo thuyết mà không thật sự đọc Thánh kinh và gặp gỡ Chúa. Thay vào đó, họ cho rằng Thánh Kinh không chỉ là tập hợp các mệnh đề, lời dạy; mà là tường thuật, kể lại những hành động của Thiên Chúa. Mạc khải chính yếu là các biến cố trong lịch sử cứu độ. Có những quan điểm tiêu biểu của mô hình mạc khải này như sau:

Mạc khải xét như là biến cố trong thần học Anh-Mỹ

Temple, khi phê bình mô hình thứ nhất, cho rằng những tín điều và giáo lý tùy thuộc vào những biến cố mạc khải vốn xảy ra trước và chúng được rút ra từ biến cố đó. Các biến cố bao giờ cũng phong phú hơn những gì trình bày về chúng. Ví dụ, chúng ta không tài nào có thể nói hết về một biến cố nào đó cho một người khác. Cũng vậy, ông cho rằng không hề có chân lý mạc khải. Những tín điều và giáo lý chỉ như là những bảng chỉ đường cho người ta biết phải tìm kiếm mạc khải ở đâu. Do đó, Thánh Kinh cũng không phải là mạc khải, mà là một ghi chép về mạc khải. Thánh Kinh ấy cũng không phải là không sai lầm. Tuy nhiên, Temple cũng tránh xem mạc khải chỉ là những biến cố khách quan. Các biến cố đó cần được hiểu là sự tỏ lộ của Thiên Chúa. Khi đó, một nghĩa thứ yếu khác của mạc khải là những soi sáng về những điều được mạc khải. 

Thứ đến, G. Ernest Wright (phân tích Thánh Kinh) nhấn mạnh Thiên Chúa hành động hơn là Thiên Chúa nói. Phương tiện mạc khải chính yếu là các biến cố lịch sử. Do đó Thánh Kinh không phải là Lời Thiên Chúa nhưng chính yếu là ghi lại những hành động của Thiên Chúa và những đáp trả được hành động đó gợi lên. Ông trích dẫn từ Thánh Kinh và cho thấy rằng một số đoạn Thánh Kinh không nói về Thiên Chúa và các thuộc tính của Ngài, hoặc nói về Thiên Chúa nhưng không theo cách nói bằng những ý niệm trừu tượng. Trên nền tảng Thánh Kinh, ông kết luận rằng Thiên Chúa mạc khải không qua những kinh nghiệm thần bí mơ hồ nhưng qua những biến cố lịch sử khách quan. Chúa tỏ mình ra cho toàn thể nhân loại. Do đó, mục đích của thần học là đưa Giáo Hội trở lại với trình thuật nguyên sơ về những hành động của Thiên Chúa. Giống như Temple, ông còn cho rằng việc diễn giải cũng là một phần cùng với hành động là mạc khải của Thiên Chúa.

Quan niệm về Mạc khải và Lịch sử cứu độ của Cullmann.

Cullmann cho rằng Thánh Kinh là câu chuyện về công cuộc cứu độ của Thiên Chúa và có ba giai đoạn trong tiến trình mạc khải. Thứ nhất là biến cố đơn thuần, thứ đến là sự khai mở dành cho nhà ngôn sứ thấy để hiểu biến cố ấy, và sau cùng là sự kết hợp trong trí hiểu nơi vị ngôn sứ giữa biến cố mới ấy và những gì được mạc khải trước đó trong lịch sử cứu độ. Nơi ông có sự đan xen giữa hai khái niệm về mạc khải. Mạc khải là biến cố xảy ra cùng với sự giải thích có linh hứng. Mạc khải còn là sự khai sáng cho các ngôn sứ để nhận ra và giải thích về biến cố, với sự hướng dẫn của Thánh Thần. Tuy nhiên, khác với hai quan điểm trên, dù theo cách nói biến cố đi trước sự giải thích nhưng ông xem sự giải thích các biến cố có tính thiết yếu, và các biến cố không tự giải thích cho chúng. Giống như Temple, ông cho rằng các biến cố chỉ tỏ lộ ý nghĩa siêu nhiên chỉ khi chiêm ngắm bằng đức tin.

Pannenberg: Mạc khải như là lịch sử

Wolfhart Pannenberg (thế kỷ 20) hiểu mạc khải mang tính lịch sử. Ông phê bình những tư tưởng về mạc khải như lịch sử ở thế kỷ 19 chỉ là nửa vời. Cụ thể, ông phê bình quan niệm về "một lịch sử cứu độ tách rời hẳn lịch sử thường" của Cullmann. Đối kháng lại với những tư tưởng trước, ông chủ trương sự đồng nhất chặt chẽ giữa mạc khải và lịch sử. Mạc khải không ở trong một phần nhưng trong toàn bộ lịch sử. Ngược lại với Cullmann, ông cho rằng các biến cố tự giải thích cho chúng, không cần phải được minh giải bằng một sự khai mở thêm. Do đó không cần có sự soi sáng này để hiểu về chúng, chỉ cần lý trí tự nhiên là đủ. Tóm lại, ông cho rằng mạc khải không bao giờ xảy ra ngoài biến cố. Ông không thừa nhận việc Thiên Chúa tự biểu lộ cách trực tiếp qua sự xuất thần hay lời nói. Thiên Chúa luôn mạc khải cách gián tiếp. Chống lại mô hình mạc khải như những tín điều, ông cho rằng Lời được hiểu như là một phương diện của mạc khải và được liên kết với các biến cố.

Ưu và khuyết điểm của mô hình mạc khải này

Mô hình mạc khải này trước hết mang lại những giá trị tôn giáo thực tiễn. Khi nhấn mạnh hành động của Thiên Chúa, mô hình này nhấn mạnh đến tương quan rõ nét hơn giữa người tín hữu với Thiên Chúa. Chính khi chiêm ngắm hành động của Chúa tỏ lộ tình yêu của Người, họ được thúc đẩy để đáp trả lại cách sâu xa hơn, đi vào mối tương quan mật thiết, sống động hơn với Thiên Chúa. Mặt khác, cách hiểu mạc khải này thúc đẩy thần học Thánh Kinh phát triển ở một số điểm. Nó giúp ta chú ý Thánh Kinh hơn, đọc và hiểu Thánh Kinh cách phong phú hơn. Khi ấy các sách lịch sử và ngôn sứ, các bản văn khải huyền còn được xem như là những giải thích của lịch sử. Các sách Tin Mừng đều tập trung vào những hành động mà Thiên Chúa biểu lộ cho dân. Hơn nữa, mẫu thức này mang tính năng động hơn mẫu thức mạc khải như là tín điều. Nếu mô hình một có khuynh hướng trình bày mạc khải như một cơ cấu xác định và đồng nhất, mô hình hai nhìn toàn bộ mạc khải trong những giai đoạn kế tiếp nhau, nối kết nhau cách linh động. Các tín hữu dù ở thời đại nào và thuộc nền văn hóa nào cũng có thể tham dự vào biến cố mạc khải đã xảy. Như vậy, mô hình này vừa gìn giữ gốc rễ của mình vừa mang lại tính liên tục của truyền thống. Do đó, nó ít có tính độc đoán và mang tính thuyết phục hơn cho nhiều người. Khi ấy họ được thúc đẩy tự kiểm nghiệm những biến cố mạc khải, và sự đón nhận mạc khải không phải là hành vi mù quáng, nhưng hợp lý nữa.

Khuyết điểm của mô hình này là gặp khó khăn khi trả lời cho câu hỏi đâu là biến cố mạc khải. Vì không phải biến cố nào cũng là mạc khải (Vd: biến cố tội lỗi: ông Giuđa và bà Tamar; biến cố vô thưởng vô phạt). Hoặc khi trả lời cho câu hỏi đâu là ý nghĩa của biến cố mạc khải, họ có nguy cơ mơ hồ, chủ quan, khó xây dựng tính liên tục và đồng nhất. Đặc biệt, mô hình này dẫn đến nguy cơ xem nhẹ Lời, đặc biệt là những lời đã được kết tinh trong giáo lý truyền thống của Giáo hội. Vì trong Thánh Kinh, Thiên Chúa quả có nói/ban các chân lý; nhiều khi sứ điệp là yếu tố chính của biến cố mạc khải; nhiều khi lời soi sáng cho biết ý nghĩa đích thực của biến cố. Lời là yếu tố quan trọng của cuộc sống con người. Mặt khác, việc cho rằng 'những lời nói và thị kiến là không quan trọng' là võ đoán. Vì trong Ds 12,6-8, Chúa nói rằng Chúa giúp các tiên tri nhận biết Người qua thị kiến, và Người nói miệng đối miệng với Môsê; hoặc các sách Sáng Thế, Xuất Hành, lụt Hồng Thủy không thể hoàn toàn được xếp và sách lịch sử theo cách hiểu phổ thông hiện nay.

Kết luận

Tóm lại, mô hình mạc khải này dựa trên lý luận cho rằng con người hiểu về nhau hơn qua hành động chứ không qua lời nói. Thiên Chúa là ngôi vị, do đó Người tự tỏ lộ qua các biến cố hơn là các giáo thuyết. Giáo thuyết là phụ vì được rút ra từ biến cố. Khi đó, Thánh Kinh là quan trọng nhưng không là hệ thống giáo lý, mà ghi lại các biến cố Thiên Chúa hành động. Mô hình này muốn giúp người tin hữu đọc Thánh Kinh theo cách đưa họ về với chính biến cố gốc của lịch sử cứu độ, khi ấy mới có thể gặp được mạc khải của Thiên Chúa. Như vậy, theo mô hình hai, tín hữu gặp được mạc khải khi sống lại, đi vào, và tham dự vào biến cố mạc khải ấy.

Mặt khác, giống như mô hình một, mô hình này có những ưu và khuyết điểm của nó khi hiểu về mạc khải. Do đó, ắt hẳn cần cả hai mô hình trên để bổ túc cho cách hiểu về mạc khải. Có thể xem cả hai như là mô thể và chất thể của mạc khải, và có mối thống nhất bên trong với nhau (theo Vat II). Ta thấy rằng lời và hành động luôn có mặt trong nhau. Ví dụ, bất cứ khi nào ta hành động, thì hành động ấy mang một ý nghĩa trình bày, mang đặc điểm của lời. Và ngược lại, khi viết hay nói thì có một năng lực được tạo ra trong lịch sử thế giới. Trong Thánh Kinh cũng vậy, Lời Chúa không bao giờ là trống rỗng nhưng luôn mang năng lực sáng tạo, và hành động của Chúa vừa bằng Lời vừa bằng hành vi. "Ngôi Lời đã trở thành xác thịt" (Ga 1,14) diễn tả đặc tính lời của biến cố Nhập Thể; các môn đệ đã nghe, đã thấy, đã sợ mó được "lời hằng sống" (1Ga 1,1). Trong tiếng Do Thái, từ dabar vừa có nghĩa là lời vừa có nghĩa là biến cố cũng cho thấy tính lưỡng diện này.