Đức Tin: Bản Chất - Đối Tượng - Nền Tảng - Và Các Vấn Đề Liên Quan

 


Tóm dịch từ: Avery Dulles, SJ, The Assurance Of Things Longed For, (New York: Oxford University Press,1994), 170-223.

Bài viết xoay quanh chủ đề đức tin, với các vấn đề như "có nhiều quan điểm về đức tin (I); vậy bản chất (II), đối tượng (III), và nền tảng (IV) của đức tin là gì? và các điều khác (V) liên quan đến đức tin.

Các Mẫu Thức Mặc Khải - Mặc Khải Như Là Kinh Nghiệm Nội Tâm

 


Tóm dịch từ: Avery Dulles, SJ, Models Of Revelation, (New York: Doubleday & Company, 1983), 68-83.


Mạc khải như là kinh nghiệm nội tâm là gì? Ưu và khuyết điểm của mô hình mạc khải này?

Một câu hỏi được đặt ra rằng liệu mạc khải có hoàn toàn mang tính khách quan như một điều gì đó nằm bên ngoài người lãnh nhận, vốn như mô hình xem mạc khải như là giáo thuyết hoặc như là biến cố quan niệm chăng. Trả lời và phản đối lại quan điểm trên, một mô hình mạc khải khác phát triển sôi nổi vào thế kỷ XIX quan niệm rằng mạc khải như là kinh nghiệm nội tâm và chú trọng vào tính chủ quan thay vì yếu tố khách quan. Bài viết sau đây sẽ khái lược về mô hình này và đưa ra những nhận xét về ưu và khuyết điểm của nó.

a. Khái niệm Mạc Khải Như Là Kinh Nghiệm Nội Tâm

Trước hết, mô hình mạc khải này được khái quát qua những phân tích về hình thức, nội dung, và những tiêu chí để thẩm định về chân lý mạc khải của nó.

Về hình thức của mạc khải

Với nguyên tắc nền tảng xem Thiên Chúa vừa siêu việt vừa nội tại, mô hình này cho rằng Ngài có thể tác động với thụ tạo bất cứ lúc nào (Cv 17,28). Vì là Đấng Thiêng liêng nên Ngài ngỏ lời trong nội tâm mỗi người. Do đó, mạc khải thiết yếu xảy ra trong kinh nghiệm nội tâm trực tiếp về Thiên Chúa, Đấng tương quan cá vị với mỗi người (Friedrich Schleiermacher, Albrecht Ritschl, Wilhelm Herrmann). Hay mạc khải là sự biểu lộ của Thiên Chúa nơi lòng đạo đức do chính Ngài gây nên (Auguste Sabatie). Mô hình này đồng hóa mạc khải với kinh nghiệm nội tâm trực tiếp về sự hiện diện của Thiên Chúa (George Tyrrell), hay với yếu tố thần bí (Evelyn Underhill và Dean Loge).

Thứ đến, mạc khải như là kinh nghiệm về Thiên Chúa này vốn trực tiếp và không qua trung gian. Nó không chỉ là kinh nghiệm của người xưa nhưng còn là kinh nghiệm nội tâm nơi mỗi cá nhân, lúc này và ở đây. Vì Thiên Chúa nói với mọi người như nhau, phổ quát, tùy vào sự đón nhận nơi mỗi người mọi thời. Hơn nữa, John Hick còn cho rằng tất cả những người thuộc các tôn giáo khác nhau đều có kinh nghiệm thần bí, vì có cùng một Thần Khí. Ai cũng có thể có kinh nghiệm nội tâm, nhưng có những người trở thành mô mẫu và đặc biệt, kể cả Chúa Giêsu.

Do đó, không có cái được gọi là mạc khải siêu nhiên. Vì họ xem nó chỉ là những kinh nghiệm khác thường cấp cao của những kinh nghiệm bình thường (Tyrrell), không có sự phân biệt, không có người nổi bật hay được tuyển chọn. Sabatier cho rằng thoạt đầu mạc khải xảy ra cách riêng tư đặc biệt nơi một dân tộc, nhưng dần trở nên phổ quát chung cho mọi người.

Về nội dung của mạc khải

Mô hình này nhấn mạnh rằng đối tượng hay nội dung mạc khải là chính Thiên Chúa.[1] "Chính sự hiện diện của Ngài trong chúng ta thúc đẩy chúng ta sống công chính và yêu thương" (Sabatier). Thánh Kinh do đó cũng được xem là sự diễn tả và ghi lại kinh nghiệm gốc. Sabatier nói rằng kinh nghiệm nội tâm tự nó diễn đạt thành lời và chữ viết cách tự nhiên, và được ghi chép lại.

Cũng vậy, quan điểm này xem giáo lý có ý nghĩa là vì giúp khơi gợi lên cảm thức tôn giáo, chứ chúng không được đồng hóa với mạc khải (Tyrrell). Tương tự như thế, khi phân biệt giữa đức tin và niềm tin (giữa đón nhận mạc khải và chấp nhận các giáo thuyết), mô hình này xem tín điều như là lớp vỏ bọc bảo vệ cốt lõi đức tin tông truyền; tín điều ấy giữ gìn được tính biểu tượng được gợi lên từ những diễn tả của kinh nghiệm nguyên thủy, dù hữu ích nhưng không phải là chính mạc khải. Tóm lại, mô hình này cho rằng tôn giáo sẽ bị bóp méo khi đức tin bị hiểu sai là sự chấp nhận về mặt lý trí những mệnh đề đức tin và những chứng từ lịch sử hay biến cố (mô hình 1 & 2).

Về thẩm quyền và tiêu chuẩn xác định mạc khải

Vấn đề được đặt ra trong mô hình này là "thẩm quyền và tiêu chuẩn để xác định một kinh nghiệm hay mạc khải là chân thật là gì? "

Có tác giả cho rằng thẩm quyền cao nhất là Thánh Kinh (Dodd). Tuy nhiên đó không phải là những mệnh đề được ghi chép lại; nhưng nhờ ngang qua những lời nói, việc làm, tư tưởng giới hạn và có thể sai lỗi, và đặc biệt nơi Đời sống và Lời Dạy của Chúa Giêsu được ghi lại đó, mà Thiên Chúa có thể dùng để truyền thông chân lý mạc khải. Mặt khác có những tác giả cho rằng mạc khải không diễn ra nơi chúng ta nếu không đụng đến tôi; không có kinh nghiệm cá vị thì nó chưa là mạc khải (Sabatier). Do đó, thẩm quyền nằm nơi kinh nghiệm cá vị nội tâm chứ không nơi cuộc đời và lời giảng của Chúa Giêsu. Quyền ấy cũng không thuộc Giáo Hội nhưng nằm nơi mỗi người.

Cụ thể hơn, tiêu chuẩn đo lường mạc khải chính là sự chân thực trong kinh nghiệm tôn giáo. Tiêu chuẩn là phẩm chất của kinh nghiệm, không cần phải chứng minh, vì sẽ không thể hoặc sẽ dư thừa. Kinh nghiệm đó là chân thực khi nâng đỡ và nuôi dưỡng tâm hồn và lặp lại, mang hoa trái sự sống và an ủi thiêng liêng (Tyrrell). Hay kinh nghiệm ấy là chân thực khi làm cho lòng bừng cháy, đánh thức sự đáp trả nơi mỗi người. Không có một danh sách tiêu chuẩn khách quan để xem đâu là kinh nghiệm đích thực (Dean Loge).

b. Ưu điểm

Có thể nói trước hết mô hình này giúp tránh được phê bình của Chủ Nghĩa Duy Lý và tránh được mâu thuẫn với khoa học ngay từ nền móng, khi quan niệm mạc khải đến từ kinh nghiệm, không phải là chân lý mệnh đề, cũng không phải chân lý khoa học.

Nhưng đặc biệt hơn cả, mô hình mạc khải như kinh nghiệm thúc đẩy lòng đạo đức và khơi dậy đức tin cá vị nơi người tín hữu. Mô hình này đặt nặng tâm tình và đề cao đời sống cầu nguyện, giúp chất vấn đời sống của các tín hữu nếu chỉ lo học kinh, giáo lý, hay đọc Thánh Kinh suông mà không có tâm tình gặp gỡ Chúa. Hơn nữa, mô hình này chống lại xu hướng vật hóa điều thiêng liêng quá thô sơ, thay vào đó giải thích những chân lý đức tin theo nghĩa nhân sinh và trong tương quan. Vd: Hỏa ngục là tình trạng xa rời, cắt đứt tương quan với Thiên Chúa…

Bên cạnh đó, mô hình này hỗ trợ đối thoại liên tôn khi có cái nhìn tích cực về tôn giáo khác, khi cho rằng mọi tôn giáo đều có thể có dấu vết của sự tự mạc khải của Thiên Chúa.

c. Khuyết điểm

Tuy nhiên, mô hình này không tránh khỏi những yếu điểm quan trọng.

Thứ nhất, vì quá nhấn mạnh vào yếu tố kinh nghiệm, xem Thánh Kinh cách chỉ là ghi lại kinh nghiệm nội tâm của một số người có kinh nghiệm tôn giáo đặc biệt, nên mô hình này có khuynh hướng đọc Thánh Kinh cách chọn lọc, chỉ chú trọng những đoạn nói về kinh nghiệm mạc khải. Như vậy, Thánh Kinh cùng lắm chỉ đóng vai trò tham khảo hay mô mẫu, không đóng vai trò thiết yếu. Dodd phê bình mô hình này khi cho thấy rằng trong Thánh Kinh, dân được chọn không phải là một dân có kinh nghiệm tôn giáo, nhưng hoàn toàn ngược lại: phản nghịch, tội lỗi (Mc 2,17).

Thứ hai, mô hình này đánh đồng kinh nghiệm giữa các tôn giáo, bỏ qua hoặc xem nhẹ vai trò của các ngôn sứ và đặc biệt là Đức Kitô. Vì cho rằng những khác biệt giữa các kinh nghiệm tôn giáo là không quan trọng, mọi tôn giáo về bản chất là như nhau (Maslow), do đó họ xem Đức Kitô chỉ đóng vai trò mô mẫu chứ không phải thiết yếu của mạc khải. Phản ứng lại, Herrman cho rằng không phải mọi người đều có thể có kinh nghiệm về Thiên Chúa. Hay với Soderblom, khi phân biệt hai loại kinh nghiệm thần bí, đã cho thấy rằng mọi tôn giáo đều có kinh nghiệm về Thiên Chúa, nhưng chỉ Kitô giáo mới có kinh nghiệm về Thiên Chúa cách đặc biệt hơn cả, vì đó là cuộc gặp gỡ trong tương quan ngôi vị, chứ không phải là một sự vô biên.

Thứ ba, mô hình này gây xung đột với giáo huấn và truyền thống của Giáo hội. Việc họ xem giáo lý là phụ vì được rút ra từ kinh nghiệm nội tâm, hay việc tách rời giáo lý khỏi mạc khải, làm nảy sinh nhiều vấn đề. Vì khó xác định được đâu là kinh nghiệm nội tâm đích thực, hay chỉ có thể trả lời cách 'mơ hồ' nên mô hình này gây ra chủ nghĩa tương đối trong việc xác định mạc khải. Nó dẫn đến chủ nghĩa cá nhân khép kín, cực đoan, mất đi tính toàn thể và hội nhất trong Giáo Hội.

Mặt khác, mô hình này cho thấy cái nhìn hạn hẹp về kinh nghiệm. Họ quan niệm kinh nghiệm có tính tự thân và trực tiếp, và đặt kinh nghiệm trên mọi tri thức khác. Khi ấy mạc khải được hiểu như là một dữ kiện nguyên sơ đi vào con người như là một bảng trắng (tabula rasa). Đó là hành động của Thiên Chúa và không cần bất kỳ truyền thống, cộng đồng, hay hình thức trung gian nào khác. Tuy nhiên, các triết gia gần đây đã chỉ ra sai lầm trong cái nhìn này, họ cho rằng trong bất kỳ kinh nghiệm nào, chủ thể cũng đã hấp thụ từ bối cảnh sống mà họ đã trải qua, vốn là những điều kiện định hình nên kinh nghiệm, vốn được chia sẻ bởi cộng đồng như lối sống và ngôn ngữ. Hơn nữa, Dupre cho rằng kinh nghiệm bao giờ cũng đi cùng với sự diễn dịch.[2]

Kết luận

Tóm lại, mô hình này quan niệm mạc khải xảy ra trong kinh nghiệm nội tâm, vốn trực tiếp và không qua trung gian. Nội dung mạc khải không phải là giáo lý hay những biến cố đã qua nhưng là chính Thiên Chúa truyền thông chính mình Ngài. Do đó, thái độ đáp lại mạc khải là thái độ thiêng liêng của con tim yêu mến, chứ không phải là sự chấp nhận các giáo thuyết hay trở lại với biến cố.

Mô hình này nhấn mạnh vào chiều kích chủ quan của mạc khải, giúp mang đến nhiều giá trị tích cực để hiểu về mạc khải cũng như giúp phản tỉnh lại đời sống đức tin nơi người tín hữu. Vì mạc khải không phải là thông tin nhưng là chân lý cứu độ, phải được đón nhận bằng vâng phục đức tin, niềm hy vọng và lòng yêu mến trong tương quan cá vị với Thiên Chúa (DV 1). Tuy nhiên, mô hình này đi đến thái quá khi đặt nhẹ hay lơ bõ vai trò của Thánh Kinh, giáo huấn, giáo lý, và đặc biệt là chính Đức Giêsu Kitô. Trái lại, Đức Kitô phải luôn là trung tâm, điểm tới, và là sự viên mãn của mạc khải, và không còn mạc khải nào khác nữa (DV 4).



[1] Sau này Vat. II đã lấy lại ý này.

[2] Chính sự làm rõ mối liên hệ và phân biệt giữa kinh nghiệm và sự diễn dịch kinh nghiệm sẽ giúp tránh đi mâu thuẫn đối chọi giữa mô hình mạc khải này với hai mô hình mạc khải khách quan, và giúp hiểu hơn về mạc khải cách chung.

Các Mẫu Thức Mặc Khải - Mô Hình Mặc Khải Như Là Biến Cố Lịch Sử

 


Mạc khải như là lịch sử là gì? Ưu và khuyết điểm của mô hình mạc khải này?

Tóm dịch từ: Avery Dulles, SJ, Models Of Revelation, (New York: Doubleday & Company, 1983), 53-67.

Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, với việc tìm hiểu Thánh Kinh nở rộ, phong trào thần học với một quan niệm mới về mạc khải đã lớn mạnh và được nhiều người ủng hộ. Phong trào này phê phán cách hiểu về mạc khải hiện có vì cho rằng nó mang tính giáo điều. Họ cho rằng mô hình mạc khải này khiến người tín hữu chỉ lo học thuộc kinh, giáo thuyết mà không thật sự đọc Thánh kinh và gặp gỡ Chúa. Thay vào đó, họ cho rằng Thánh Kinh không chỉ là tập hợp các mệnh đề, lời dạy; mà là tường thuật, kể lại những hành động của Thiên Chúa. Mạc khải chính yếu là các biến cố trong lịch sử cứu độ. Có những quan điểm tiêu biểu của mô hình mạc khải này như sau:

Mạc khải xét như là biến cố trong thần học Anh-Mỹ

Temple, khi phê bình mô hình thứ nhất, cho rằng những tín điều và giáo lý tùy thuộc vào những biến cố mạc khải vốn xảy ra trước và chúng được rút ra từ biến cố đó. Các biến cố bao giờ cũng phong phú hơn những gì trình bày về chúng. Ví dụ, chúng ta không tài nào có thể nói hết về một biến cố nào đó cho một người khác. Cũng vậy, ông cho rằng không hề có chân lý mạc khải. Những tín điều và giáo lý chỉ như là những bảng chỉ đường cho người ta biết phải tìm kiếm mạc khải ở đâu. Do đó, Thánh Kinh cũng không phải là mạc khải, mà là một ghi chép về mạc khải. Thánh Kinh ấy cũng không phải là không sai lầm. Tuy nhiên, Temple cũng tránh xem mạc khải chỉ là những biến cố khách quan. Các biến cố đó cần được hiểu là sự tỏ lộ của Thiên Chúa. Khi đó, một nghĩa thứ yếu khác của mạc khải là những soi sáng về những điều được mạc khải. 

Thứ đến, G. Ernest Wright (phân tích Thánh Kinh) nhấn mạnh Thiên Chúa hành động hơn là Thiên Chúa nói. Phương tiện mạc khải chính yếu là các biến cố lịch sử. Do đó Thánh Kinh không phải là Lời Thiên Chúa nhưng chính yếu là ghi lại những hành động của Thiên Chúa và những đáp trả được hành động đó gợi lên. Ông trích dẫn từ Thánh Kinh và cho thấy rằng một số đoạn Thánh Kinh không nói về Thiên Chúa và các thuộc tính của Ngài, hoặc nói về Thiên Chúa nhưng không theo cách nói bằng những ý niệm trừu tượng. Trên nền tảng Thánh Kinh, ông kết luận rằng Thiên Chúa mạc khải không qua những kinh nghiệm thần bí mơ hồ nhưng qua những biến cố lịch sử khách quan. Chúa tỏ mình ra cho toàn thể nhân loại. Do đó, mục đích của thần học là đưa Giáo Hội trở lại với trình thuật nguyên sơ về những hành động của Thiên Chúa. Giống như Temple, ông còn cho rằng việc diễn giải cũng là một phần cùng với hành động là mạc khải của Thiên Chúa.

Quan niệm về Mạc khải và Lịch sử cứu độ của Cullmann.

Cullmann cho rằng Thánh Kinh là câu chuyện về công cuộc cứu độ của Thiên Chúa và có ba giai đoạn trong tiến trình mạc khải. Thứ nhất là biến cố đơn thuần, thứ đến là sự khai mở dành cho nhà ngôn sứ thấy để hiểu biến cố ấy, và sau cùng là sự kết hợp trong trí hiểu nơi vị ngôn sứ giữa biến cố mới ấy và những gì được mạc khải trước đó trong lịch sử cứu độ. Nơi ông có sự đan xen giữa hai khái niệm về mạc khải. Mạc khải là biến cố xảy ra cùng với sự giải thích có linh hứng. Mạc khải còn là sự khai sáng cho các ngôn sứ để nhận ra và giải thích về biến cố, với sự hướng dẫn của Thánh Thần. Tuy nhiên, khác với hai quan điểm trên, dù theo cách nói biến cố đi trước sự giải thích nhưng ông xem sự giải thích các biến cố có tính thiết yếu, và các biến cố không tự giải thích cho chúng. Giống như Temple, ông cho rằng các biến cố chỉ tỏ lộ ý nghĩa siêu nhiên chỉ khi chiêm ngắm bằng đức tin.

Pannenberg: Mạc khải như là lịch sử

Wolfhart Pannenberg (thế kỷ 20) hiểu mạc khải mang tính lịch sử. Ông phê bình những tư tưởng về mạc khải như lịch sử ở thế kỷ 19 chỉ là nửa vời. Cụ thể, ông phê bình quan niệm về "một lịch sử cứu độ tách rời hẳn lịch sử thường" của Cullmann. Đối kháng lại với những tư tưởng trước, ông chủ trương sự đồng nhất chặt chẽ giữa mạc khải và lịch sử. Mạc khải không ở trong một phần nhưng trong toàn bộ lịch sử. Ngược lại với Cullmann, ông cho rằng các biến cố tự giải thích cho chúng, không cần phải được minh giải bằng một sự khai mở thêm. Do đó không cần có sự soi sáng này để hiểu về chúng, chỉ cần lý trí tự nhiên là đủ. Tóm lại, ông cho rằng mạc khải không bao giờ xảy ra ngoài biến cố. Ông không thừa nhận việc Thiên Chúa tự biểu lộ cách trực tiếp qua sự xuất thần hay lời nói. Thiên Chúa luôn mạc khải cách gián tiếp. Chống lại mô hình mạc khải như những tín điều, ông cho rằng Lời được hiểu như là một phương diện của mạc khải và được liên kết với các biến cố.

Ưu và khuyết điểm của mô hình mạc khải này

Mô hình mạc khải này trước hết mang lại những giá trị tôn giáo thực tiễn. Khi nhấn mạnh hành động của Thiên Chúa, mô hình này nhấn mạnh đến tương quan rõ nét hơn giữa người tín hữu với Thiên Chúa. Chính khi chiêm ngắm hành động của Chúa tỏ lộ tình yêu của Người, họ được thúc đẩy để đáp trả lại cách sâu xa hơn, đi vào mối tương quan mật thiết, sống động hơn với Thiên Chúa. Mặt khác, cách hiểu mạc khải này thúc đẩy thần học Thánh Kinh phát triển ở một số điểm. Nó giúp ta chú ý Thánh Kinh hơn, đọc và hiểu Thánh Kinh cách phong phú hơn. Khi ấy các sách lịch sử và ngôn sứ, các bản văn khải huyền còn được xem như là những giải thích của lịch sử. Các sách Tin Mừng đều tập trung vào những hành động mà Thiên Chúa biểu lộ cho dân. Hơn nữa, mẫu thức này mang tính năng động hơn mẫu thức mạc khải như là tín điều. Nếu mô hình một có khuynh hướng trình bày mạc khải như một cơ cấu xác định và đồng nhất, mô hình hai nhìn toàn bộ mạc khải trong những giai đoạn kế tiếp nhau, nối kết nhau cách linh động. Các tín hữu dù ở thời đại nào và thuộc nền văn hóa nào cũng có thể tham dự vào biến cố mạc khải đã xảy. Như vậy, mô hình này vừa gìn giữ gốc rễ của mình vừa mang lại tính liên tục của truyền thống. Do đó, nó ít có tính độc đoán và mang tính thuyết phục hơn cho nhiều người. Khi ấy họ được thúc đẩy tự kiểm nghiệm những biến cố mạc khải, và sự đón nhận mạc khải không phải là hành vi mù quáng, nhưng hợp lý nữa.

Khuyết điểm của mô hình này là gặp khó khăn khi trả lời cho câu hỏi đâu là biến cố mạc khải. Vì không phải biến cố nào cũng là mạc khải (Vd: biến cố tội lỗi: ông Giuđa và bà Tamar; biến cố vô thưởng vô phạt). Hoặc khi trả lời cho câu hỏi đâu là ý nghĩa của biến cố mạc khải, họ có nguy cơ mơ hồ, chủ quan, khó xây dựng tính liên tục và đồng nhất. Đặc biệt, mô hình này dẫn đến nguy cơ xem nhẹ Lời, đặc biệt là những lời đã được kết tinh trong giáo lý truyền thống của Giáo hội. Vì trong Thánh Kinh, Thiên Chúa quả có nói/ban các chân lý; nhiều khi sứ điệp là yếu tố chính của biến cố mạc khải; nhiều khi lời soi sáng cho biết ý nghĩa đích thực của biến cố. Lời là yếu tố quan trọng của cuộc sống con người. Mặt khác, việc cho rằng 'những lời nói và thị kiến là không quan trọng' là võ đoán. Vì trong Ds 12,6-8, Chúa nói rằng Chúa giúp các tiên tri nhận biết Người qua thị kiến, và Người nói miệng đối miệng với Môsê; hoặc các sách Sáng Thế, Xuất Hành, lụt Hồng Thủy không thể hoàn toàn được xếp và sách lịch sử theo cách hiểu phổ thông hiện nay.

Kết luận

Tóm lại, mô hình mạc khải này dựa trên lý luận cho rằng con người hiểu về nhau hơn qua hành động chứ không qua lời nói. Thiên Chúa là ngôi vị, do đó Người tự tỏ lộ qua các biến cố hơn là các giáo thuyết. Giáo thuyết là phụ vì được rút ra từ biến cố. Khi đó, Thánh Kinh là quan trọng nhưng không là hệ thống giáo lý, mà ghi lại các biến cố Thiên Chúa hành động. Mô hình này muốn giúp người tin hữu đọc Thánh Kinh theo cách đưa họ về với chính biến cố gốc của lịch sử cứu độ, khi ấy mới có thể gặp được mạc khải của Thiên Chúa. Như vậy, theo mô hình hai, tín hữu gặp được mạc khải khi sống lại, đi vào, và tham dự vào biến cố mạc khải ấy.

Mặt khác, giống như mô hình một, mô hình này có những ưu và khuyết điểm của nó khi hiểu về mạc khải. Do đó, ắt hẳn cần cả hai mô hình trên để bổ túc cho cách hiểu về mạc khải. Có thể xem cả hai như là mô thể và chất thể của mạc khải, và có mối thống nhất bên trong với nhau (theo Vat II). Ta thấy rằng lời và hành động luôn có mặt trong nhau. Ví dụ, bất cứ khi nào ta hành động, thì hành động ấy mang một ý nghĩa trình bày, mang đặc điểm của lời. Và ngược lại, khi viết hay nói thì có một năng lực được tạo ra trong lịch sử thế giới. Trong Thánh Kinh cũng vậy, Lời Chúa không bao giờ là trống rỗng nhưng luôn mang năng lực sáng tạo, và hành động của Chúa vừa bằng Lời vừa bằng hành vi. "Ngôi Lời đã trở thành xác thịt" (Ga 1,14) diễn tả đặc tính lời của biến cố Nhập Thể; các môn đệ đã nghe, đã thấy, đã sợ mó được "lời hằng sống" (1Ga 1,1). Trong tiếng Do Thái, từ dabar vừa có nghĩa là lời vừa có nghĩa là biến cố cũng cho thấy tính lưỡng diện này.

Các Mẫu Thức Mặc Khải - Mô Hình Mặc Khải Theo Giáo Thuyết

 



Mạc khải theo mô hình Giáo Thuyết là gì? Khác biệt giữa Công Giáo và Tin Lành trong mô hình này? Và ưu khuyết điểm của mô hình này ra sao? Để trả lời cho những câu hỏi trên, bài viết trước hết khái quát hóa quan điểm mạc khải theo mô hình Giáo Thuyết tương ứng trong hai nhóm Tin Lành và Công Giáo, kế đến đưa ra nhận xét về một vài điểm giống và khác nhau giữa hai nhóm, và sau cùng đi đến những nhận định về ưu khuyết điểm của mô hình này.


Tóm dịch từ: Avery Dulles, SJ, Models Of Revelation, (New York: Doubleday & Company, 1983), 19-35.


Mô hình mạc khải Giáo Thuyết tồn tại trong thời gian dài của lịch sử Giáo hội ngày từ thời Giáo hội sơ khai. Cách chung mô hình này được đón nhận trong cả Giáo hội Công Giáo và Tin Lành, tương ứng với trường phái Duy Kinh Thánh Bảo Thủ và Tân Kinh Viện Công Giáo.

Trường phái Duy Kinh Thánh Bảo Thủ (Tin Lành)

Trường phái này cho rằng về nguyên tắc Thiên Chúa có thể mạc khải chính Ngài qua tự nhiên. Nhưng bởi vì Thiên Chúa siêu vượt và con người bị ảnh hưởng bởi tội, nên con người không thể đạt được nhận thức tinh tuyền về Thiên Chúa nhờ mạc khải tự nhiên nữa. Do đó con người cần mạc khải siêu nhiên để nhận biết chân lý cứu độ.

Với họ chân lý cứu độ phổ biến trong thời Thánh Kinh, với đỉnh cao mạc khải nơi Chúa Giêsu và sau đó là lời giảng dạy của các tông đồ. Thánh Kinh chứa đựng toàn bộ mạc khải của Thiên Chúa (Warfield). Toàn bộ Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa viết ra và không có sai lỗi. Vì những gì Thiên Chúa mạc khải là chân lý và có thể được truyền thông cho tâm trí con người ngang qua những phát biểu rõ ràng. Họ hiểu ơn linh hứng theo nghĩa đen. Do đó, mạc khải là tập hợp của những chân lý mang tính mệnh đề mà Chúa mạc khải cho con người bằng ngôn ngữ rõ ràng trong Thánh Kinh.

Tân Kinh Viện Công Giáo

Trường phái này cũng phân biệt thành hai loại mạc khải, tự nhiên và siêu nhiên. Dù mang điều kiện hư hoại nhưng khi chiêm ngắm trật tự tự nhiên, lý trí con người có thể nhận biết sự tồn tại của Thiên Chúa như một ngôi vị, đấng sáng tạo, và là cùng đích của mọi sự. Tuy nhiên vì do sự sa ngã, để đạt được chân lý chắc chắn về Chúa và đặc biệt là các mầu nhiệm như Ba Ngôi, Nhập Thể, con người trong thực tế thiết yếu cần đến mạc khải siêu nhiên, vốn cần thiết cho ơn cứu độ.

Mạc khải với họ được hiểu theo cả ý nghĩa năng động (Actively) và khách quan (Objectively). Mạc khải là tiến trình mà trong đó gia sản đức tin được xây nên trong thời Thánh Kinh, bao gồm lời các ngôn sứ, ơn linh hứng, lời giảng dạy của Chúa Giêsu, và lời dạy của các tông đồ; và mạc khải chính là nội dung đức tin bao gồm những chân lý mệnh đề chứa đựng trong Thánh Kinh và truyền thống. Khi đó, giáo huấn Giáo hội là tiêu chuẩn thích đáng và phổ quát để xác định điều gì là mạc khải. Với cách hiểu này họ đánh đồng tín điều của Giáo hội với mạc khải thánh.

Điểm giống và khác nhau giữa hai quan điểm Tin lành và Công giáo

Giống nhau

Có thể nói cả hai đều cho rằng mạc khải siêu nhiên chuyển thông những nhận thức khái niệm bằng ngôn ngữ, và chân lý mạc khải được đón nhận qua lý trí. Mạc khải được ban dưới hình thức nội dung mệnh đề hay phát biểu rõ ràng. Mạc khải có tính khả tri và có tính khái niệm (có thể phát biểu, qua ngôn từ). Đặc biệt cả hai đều cho rằng Thánh Kinh được viết ra bởi linh hứng của Chúa Thánh Thần. Mạc khải là những chân lý mệnh đề được chứa đựng trong Kinh Thánh và không sai lầm.

Với cả hai, việc đáp trả mạc khải là thái độ tin nhận những chân lý chắc chắn chứa đựng trong nguồn đáng tin cậy. Tin là hành động của Chúa Thánh Thần trong lòng mỗi người. Tin không mù quáng nhưng là hành động hữu lý dựa vào những dấu chỉ đáng tin cậy.

Khác nhau

Tuy nhiên, quan điểm Tin lành và Công Giáo trong mẫu thức mạc khải Giáo Thuyết có những điểm khác nhau. Thứ nhất, quan điểm Tin Lành cho rằng không có thần học tự nhiên và chỉ có thần học siêu nhiên. Công Giáo ngoài việc cho rằng có mạc khải siêu nhiên, còn cho rằng có mạc khải tự nhiên. Dù con người phạm tội con người vẫn có khả năng biết ngài nhờ lý trí tự nhiên. Biết có Thiên Chúa... Tuy nhiên, khi ấy con người vẫn cần có mạc khải siêu nhiên. Vì có những mầu nhiệm trí khôn tự nhiên không thể nhận biết được.

Hơn nữa về phía Công Giáo, mạc khải không chỉ được chứa đựng trong Thánh Kinh mà còn trong truyền thống tông đồ, vồn bổ trợ và giải thích Thánh Kinh. Họ bác bỏ quan điểm của Tin lành cho rằng Kinh thánh là đầy đủ và đã hoàn chỉnh. Họ cho rằng mặc khải được chứa đựng trong hai nguồn, đó là Kinh thánh và truyền thống tông đồ. Huấn quyền vốn dựa trên cả truyền thống và Thánh Kinh có thể xác định về những chân lý không được đưa ra, hoặc ít là không được đưa ra một cách rõ ràng trong Thánh Kinh.

Ưu điểm và khuyết điểm của quan điểm mạc khải theo mô hình Giáo Thuyết

Ưu điểm

Trước hết, mô hình mạc khải này đề cao giá trị truyền thống và nền tảng, dựa trên Thánh Kinh hay dựa thêm vào truyền thống. Nội dung mạc khải theo mô hình này rất rõ ràng, không mơ hồ. Khi ấy, thần học có nhiệm vụ hệ thống nội dung, bảo vệ, và diễn tả áp dụng mạc khải có luận lý, nên tránh được những mơ hồ. Do đó, nó mang lại nền tảng thống nhất và chắc chắn trong giáo thuyết.

Bên cạnh đó, ích lợi nhất của mô hình này là mang lại hoa trái thực hành và sự hiệp nhất cũng như sự phát triển bền vững cho Giáo hội. Do trung thành với truyền thống và bản văn Giáo hội, mô hình này mang đến cho người tin sự nhất quán rõ ràng trong giáo thuyết, một cảm thức rõ về căn tín của kitô hữu. Sau cùng, kiểu mạc khải này đưa ra một cảm thức rõ về sứ mạng và sứ vụ của Kitô Giáo. Giúp họ dễ trung tín và chắc chắn trong việc rao giảng.

Khuyết điểm

Trước hết, nếu mô hình này xem mạc khải là tập hợp những chân lý mệnh đề trong Thánh Kinh vốn không sai lầm và được hiểu theo nghĩa đen, thì trong truyền thông, mệnh đề chỉ đóng một vai trò khiêm tốn, vì điều được thông truyền luôn dựa vào năng lực gợi hứng (suggestive power) hơn là nội dung luận lý của mệnh đề đó. Nội dung của các mệnh đề đặc biệt phụ thuộc vào hoàn cảnh phát xuất của mệnh đề đó.

Mặt khác, Tân Kinh Viện Công Giáo dường như cho thấy tốt hơn quan điểm Tin Lành khi dựa vào Huấn quyền là trung gian để giải thích Thánh Kinh. Tuy nhiên, họ lại quan điểm về truyền thống cách cứng nhắc, xem truyền thống là những gì được viết ra minh nhiên bằng ngôn ngữ. Khi đó truyền thống sẽ mất đi tính đúng đắn do khoảng chênh thời đại. 

Mặt khác, mẫu thức này cho thấy nó không tương hợp với yếu tố kinh nghiệm. Vốn đề cao thẩm quyền và chấp nhận những mệnh đề và khái niệm vốn xa rời hoàn cảnh của người tin hiện tại, mô hình này ít nại đến những năng lực gợi hứng trong Thánh Kinh, ít tìm kiếm những dấu chỉ hiện diện của Chúa trong kinh nghiệm thường nhật của con người, nên kiểu mạc khải này thất bại để giải đáp những truy vấn đức tin, và bị bó buộc trong cái khung ngôn ngữ và khái niệm. Trái lại, đức Pius XI nói rằng thần học phải mở ra với những khả thể mà giáo huấn Giáo hội không đề cập như những mệnh đề. Cần tìm kiếm cách thức sáng tạo để trình bày mạc khải trong thời đại mới bằng cách quan tâm hơn đến kinh nghiệm của người tín hữu hôm nay. Sau hết, mô hình này không thích hợp để đối thoại với các giáo hội và tôn giáo khác vì xem họ không có bất kỳ chân lý mạc khải nào.

Tóm lại, mô hình mạc khải Giáo Thuyết tồn tại phổ biến trong thời gian dài của lịch sử Giáo hội. Mãi cho tới thế kỷ 17-18, quan niệm mạc khải này mới bị đặt vấn đề. Mô hình này quan niệm mạc khải là những mệnh đề phát biểu rõ ràng, luôn mang giá trị nhận thức, nên luôn trung thành với truyền thống, và mang lại sự hiệp nhất và vững chắc trong giáo thuyết và sứ mạng của người tín hữu. Tuy nhiên, kiểu mẫu mạc khải này cũng gây ra những hệ quả tiêu cực và bị chống đối nhiều ngày nay, do hiểu Thánh Kinh theo nghĩa đen và hiểu truyền thống một cách cứng nhắc.

Có Những Chất Vấn Cho Mạc khải - Giáo Hội Trả Lời Ra Sao?




Đâu là những lập luận chống lại mạc khải? Và những lập luận để Giáo hội giải đáp lại? Để trả lời câu hỏi này, trước hết bài viết lược lại dòng lịch sử khi mạc khải bị đặt vấn đề, kế đến chỉ ra một vài lập luận chống đối mạc khải cách khái quát, và đi đến những phản tỉnh cá nhân sau cùng.

Tóm dịch từ: Avery Dulles, SJ, Models Of Revelation (New York: Doubleday & Company, 1983), 1-18.

Mạc khải Kitô Giáo bị chất vấn trong dòng lịch sử

Kitô Giáo cũng giống như các tôn giáo khác tin rằng những chân lý đức tin được Thiên Chúa mạc khải trong lịch sử. Vào thời giáo hội sơ khai, suy nghĩ về mạc khải được đón nhận rộng khắp cách đương nhiên. Nhưng mãi cho tới thế ký 16, với sự xuất hiện của Thệ Phản Tin Lành, cùng với sự chống đối tôn giáo trong các thế kỷ tiếp theo (chủ nghĩa Duy lý), khái niệm mạc khải cổ điển là những chân lý đức tin được Thiên Chúa thông truyền vào thời Thánh Kinh, được gìn giữ và giải thích bởi Giáo hội bị truy vấn rất nhiều trong thế kỷ XX.

Những lập luận chống đối mạc khải

Những chống đối mạc khải chung quy lại bao gồm những tư tưởng và quan điểm như sau:

1. Thuyết Vô Ngộ Triết Học (Philosophical agnosticism). Nhóm này truy vấn về khả năng liệu rằng lý trí con người có thể vượt qua thế giới hiện tượng trong kinh nghiệm? Hay nếu Thiên Chúa có tồn tại, thì Ngài không thể được lĩnh hội, vì Ngài siêu vượt trên kinh nghiệm nhận thức. Do đó, mọi phát biểu về Người và về hành động của Người không mang giá trị nhận thức. Mạc khải khi ấy được xem như là huyền thoại hay ẩn dụ chứ không được hiểu theo nghĩa đen. Trái lại, quan điểm Giáo hội cho rằng con người có thể biết về Thiên Chúa. Dù là siêu việt, nhưng chính Ngài đã đi bước trước và mạc khải cho con người, chứ không do con người chủ động tìm biết Ngài.

2. Phân tích ngôn ngữ (Linguistic analysis). Củng cố lý luận trên của Thuyết Vô Ngộ Triết Học, nhóm này truy vấn liệu rằng ngôn ngữ nói về sự thánh thiêng có một nội dung mang tính nhận thức rõ ràng không? Khi ấy họ ám chỉ phê bình học thuyết mạc khải cổ điển. Tuy nhiên, quan điểm Giáo hội cho rằng ngôn ngữ giới hạn nhưng vẫn có thể diễn tả đúng về Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa nói về Ngài bằng ngôn ngữ, đặc biệt trong Thánh Kinh; Thiên Chúa nói cho con người bằng ngôn ngữ của con người. Đó không phải thuần là nỗ lực của con người tự diễn tả hay nói về Thiên Chúa.

3. Nhận thức luận hiện đại (Modern epistemology). Nhóm này khi đào sâu nguồn gốc của kiến thức, họ phân biệt ra thành hai loại kiến thức, "chủ động" và "tiếp nhận". Họ phủ nhận việc lý trí con người chỉ thụ động đón nhận thông tin từ kiểu thông truyền nào đó bởi Thiên Chúa. Vì kiến thức là một sản phẩm của người biết, kiến thức ấy trong một ý nghĩa nào đó phải là "tiếp nhận", nghĩa là phải phụ thuộc vào những điều kiện và giới hạn của con người tiếp nhận. Do đó, họ lên án mạc khải vì như là việc áp đạt của quyền năng thần linh (divine authority). Tuy nhiên, đồng ý với khám phá về yếu tố "tiếp nhận" trong tri thức con người, Giáo hội cho thấy rằng Chúa vẫn mạc khải cho con người và Ngài mạc khải qua tiến trình thủ đắc nơi con người.

4. Tâm lý học thực nghiệm (Empirical psychology). Nhóm này muốn phá đổ những niềm tin ngây thơ cho rằng những gì nghe thấy đến từ trên cao. Họ lý giải những điều được gọi là "xuất thần" có thể bị giản lược như là tình trạng thôi miên hay say thuốc. Hay mạc khải đối với thời của lý trí không gì khác như là biểu hiện của tâm lý vô thức mà thôi. Tuy nhiên, Giáo hội cho rằng mạc khải vẫn có thể diễn ra và không tách biệt với yếu tố tâm lý. Vì mạc khải diễn ra nơi và trong một con người toàn thể, mà trong đó có yếu tố tâm lý.

5. Phê bình Thánh Kinh (Biblical criticism). Một vài học giả Thánh Kinh hiện đại chỉ ra những khó khăn khi quy gắn những lời và hành động cho tác nhân thánh thiêng. Bằng phương pháp phê bình văn học, họ cho rằng các ngôn sứ và tông đồ diễn tả tư tưởng của họ với ngôn ngữ thời đại đó. Các ngài đã dùng các công cụ văn chương để diễn tả ý của chính mình chứ chắc gì là Chúa nói. Do đó, những chứng cứ mạc khải trong Thánh Kinh không đáng tin về mặt lịch sử. Tuy nhiên, quan điểm giáo hội luôn cho thấy mạc khải vẫn diễn ra khi dùng công cụ văn chương và ngôn ngữ con người để diễn tả mạc khải.

6. Lịch sử học thuyết Kitô Giáo (The history of Christian doctrine). Họ cho rằng nhiều chân lý đức tin được xem như chân lý mạc khải vốn đã được điều chỉnh bởi ai đó và bởi những ý kiến sai lầm. Có những điều được cho là mạc khải đã thay đổi trong dòng lịch sử. Do đó, liệu rằng những học thuyết đó có là và còn là những chân lý được mạc khải không. Giáo hội cho thấy cần phân biệt những cấp độ khác nhau; có những thay đổi nhưng cái cốt lõi và nền tảng thì không thay đổi.

7. Tôn giáo đối chiếu (Comparative religion). Nhóm này đòi Kitô Giáo phải nhìn đến và so sánh với những tôn giáo khác vồn có những mạc khải trái ngược về một số điểm, hay có khi không xem đó là mạc khải. Hay đâu là điều cho thấy mạc khải Kitô Giáo trổi vượt trên các tôn giáo khác? Tuy nhiên, Giáo hội tôn trọng quan điểm của mỗi tôn giáo, đồng thời xác tín vào chân lý mạc khải nơi mình.

8. Xã hội học phê bình (Critical sociology). Nhóm này chỉ ra những đặc tính thành phần trong việc cấu thành hệ thống niềm tin của Giáo hội là thẩm quyền. Họ cho rằng mạc khải như là điều để giúp củng cố huấn quyền của nhóm lãnh đạo. Tuy nhiên, quan điểm Giáo hội cho thấy cái nhìn đấu tranh như thế rất là nghèo, cái nhìn về quyền bính tiêu cực như thế thì không đúng và phiến diện. Hơn nữa, dùng cái nhìn này áp dụng cho Kitô Giáo cũng hoàn toàn sai. Vì lời rao giảng mạc khải đầu tiên là cho người nghèo, phụ nữ, và các tông đồ ít học.

Bên cạnh đó, một chống đối khác xem mạc khải là sự thông ban phổ quát cho tất cả mọi người, và như thể là một "cipher" hướng chỉ đến siêu việt như Jasper nói. Khi đó, Thiên Chúa không là ngôi vị nhưng chỉ là sự trống rỗng siêu vượt nào đó. Do đó, tất cả những gì được gọi là mạc khải chỉ được hiểu theo nghĩa thần thoại. Nhưng Giáo hội luôn tin và khẳng định rằng chính Thiên Chúa đã đi vào lịch sử, đã nói và hành động trong lịch sử ấy, đặc biệt ngang qua Đức Giêsu Kitô.

Cũng vậy, ngày nay những phong trào đấu tranh hay chủ nghĩa giải phóng xem đức tin không phải là những hệ thống giáo lý giáo điều, nhưng là hành động sống. Cụ thể Gerald Downing cho rằng nên hiểu Kinh Tin Kính là một tuyên xưng về lối sống chứ không như tuyên xưng trong lời nói. Ông chống lại đức tin như là tín điều. Tuy nhiên, Giáo hội trình bày về mạc khải và đức tin một mặt mang yếu tố hướng đến thay đổi lối sống bằng những hành động cụ thể, nhưng một mặt quan trọng khác mạc khải còn là kho tàng các chân lý đức tin nữa. Có những chân lý đức tin rõ ràng, khách quan, đúng đắn do Thiên Chúa mạc khải cho.

Nhìn lại những chống đối về mạc khải

Có thể nói, cách hiểu mạc khải của Giáo hội đã và đang bị chống đối từ rất nhiều góc cạnh: triết học, tâm lý, phê bình văn học, xã hội, lịch sử… Khi nhìn lại những chống đối này, thái độ trước hết có lẽ là cần thừa nhận những chống đối ấy, để giúp chống lại những cách hiểu về mạc khải cách ngây thơ và phát triển học thuyết mạc khải đứng vững trước những chống đối ấy.

Thứ đến, nó giúp ta nhận ra rằng mạc khải cũng như đức tin vốn vượt trên lý trí. Kinh nghiệm và truyền thống cho thấy Giáo hội đã đón nhận và sống kinh nghiệm đức tin và đón nhận mạc khải trước và từ lâu rồi. Việc giải thích là đến sau nhưng không thể diễn tả và hiểu hết về mạc khải. Ngay trong Giáo hội hiện tại cũng có rất nhiều mẫu thức khác nhau để diễn tả mạc khải. Hơn nữa, dù Giáo hội có thể giải đáp nhiều vấn đề về mạc khải mà những người chống đối hay cách riêng chủ nghĩa duy lý đặt ra, thì ngay cả trong phương pháp thần học - hiểu về mạc khải một cách khoa học - đã có vấn đề. Vì tự bản chất thần học về mạc khải cần phương pháp riêng biệt và phải khởi đi từ chính mạc khải. Thần học về mạc khải không thể chỉ dựa trên lý trí thuần túy.

Tóm lại, học thuyết về mạc khải như là nền tảng cho đời sống tôn giáo của cá nhân, sứ mạng của giáo hội, và cho phương pháp thần học. Không có mạc khải, sẽ không có Kitô giáo. Những chống đối và nỗ lực giải thích những chống đối giúp giáo hội hiểu về đức tin và hiểu về mạc khải hơn. Một mặt Giáo hội nhận thấy lý trí có thể giúp hiểu mạc khải, và một mặt nhận thấy sự siêu vượt của chân lý mạc khải so với bình diện lý trí. Cũng giống như đức tin, hay chính là đức tin, không thể chứng minh có mạc khải duy chỉ bằng lý trí. Chứng minh có mạc khải giống như đi chứng minh về Thiên Chúa. Là điều bất khả! 

Lịch sử thần học: những vấn đề và khuynh hướng giải quyết

 


Đặt vấn đềNhìn lại lịch sử thần học, đâu là những vấn đề thần học được đặt ra và đã có những khuynh hướng giải quyết tương ứng như thế nào?

Tóm dịch từ: Jared Wick, SJ, Doing Theology, (New jersey: Paulist Press, 2009), 1-21.


Theo tác giả, suy tư thần học (hay làm thần học) là tìm kiếm ý nghĩa của đời sống đức tin, là lần tìm đến ý nghĩa của những mặc khải và ý nghĩa của tương quan sự sống của con người với Chúa. Xét cho cùng, làm thần học là bàn về ý nghĩa của Lời Chúa, để rồi tìm thấy ý nghĩa của thực tại và của đời sống mình, và sống đức tin ấy. Đây là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống đức tin của người tín hữu. Do đó nếu bối cảnh sống của người tín hữu thay đổi, những động cơ và phương pháp làm thần học cũng tương ứng được tái định hình với những điểm nhắm khác nhau dù có một mục đích nền tảng như trên. Làm thần học là việc khảo cứu sự tỏ ra của Thiên Chúa cho con người vốn diễn ra trong các giai đoạn khác nhau với những bối cảnh rất khác nhau. Khi đối diện với những vấn đề trong từng bối cảnh của mỗi giai đoạn khác nhau như thế, truy vấn thần học cũng trãi qua nhiều hình thức và phương pháp tương ứng để giải đáp cho những vấn đề đó. Điều này được thể hiện rõ trong các ví dụ tương ứng với những điểm đặc trưng về bối cảnh, vấn đề thần học, cũng như những cách hiểu và phương pháp làm thần học tương ứng như sau.

1. Thời các giáo phụ: I-rê-nê và Origen

Với bối cảnh đối diện với sự bách hại đạo và lạc giáo do phong trào ngộ đạo gây ra, I-rê-nê thực hiện một suy tư học thuyết giáo hội một cách hệ thống và chặt chẻ. Với 2 tác phẩm nổi bật là Adversus Haereses The Demonstration of the Apostolic Preaching. Chống lại những tác phẩm ngụy thư, I-rê-nê nhấn mạnh lại “rule of truth” vốn có nguồn gốc từ các tông đồ và yếu tố "universal consensus".  Ngài đặc biệt nhấn mạnh và liên kết thần học với hướng dẫn của truyền thống giáo hội. Nội dung và cấu trúc thần học của ngài dựa trên "một công thức đức tin" được dạy bởi truyền thống các tông đồ.

Trái ngược với I-rê-nê, trong tác phẩm On First Principles, Origen cho rằng bởi vì bản văn Kinh Thánh được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần, nên Kinh Thánh cần được giải thích để tìm thấy ý nghĩa "thiêng liêng". Cân tập chú vào bản văn Kinh Thánh!

2. Thời cận hiện đại: Luther và Cano

Với Luther (1483-1546), tác phẩm Lectures on Galatians của ông ắt hẳn ra đời là vì bối cảnh giáo hội lạm quyền và giáo triều tục hóa thời đó. Đây như là sự phản ứng nhưng cũng chính là suy tư và tìm kiếm ý nghĩa đức tin của chính Luther.  

Ông luôn nhấn mạnh đến một "single basic truth". Với Luther, đối diện với sự tha hóa trong giáo hội, ông cho rằng sự công chính hóa chính là nội dung và nguyên lý để trả lời cho tất cả những truy vấn thần học. Vì sự công chính hóa là caput et summa (đứng đầu và tổng kết) của học thuyết Kitô Giáo. Thiên Chúa làm cho con người nên công chính chỉ bởi ân sủng của Chúa Kitô. Do đó ông xem tất cả Kinh Thánh cũng đều hướng về điều này. Làm thần học nghĩa là chú ý liên lĩ đến hành động cứu chuộc của Chúa đối với con người tội lỗi, dựa trên kinh nghiệm về tội và sự tha thứ, trên kinh nghiệm sống và chết.  

Trái ngược với Luther, Melchior Cano phác thảo một phương pháp thần học dựa trên nhiều nguồn khác nhau, cái ông gọi là loci, or “places”. Kiểu thần học này thiếu tính trọng tâm như Luther nhưng nhấn mạnh vào yếu tố đa dạng. Phương pháp của Cano giả định một sự mở ra và phát triển truyền thống Kitô giáo đầu tiên. Ông chỉ ra những quy tắc chi phối mỗi locus (place), là cách để kiểm chứng những chân lý mạc khải theo cách phù hợp với loci đó. Loci bao gồm: Kinh Thánh, và phức hợp về học thuyết-đời sống-thờ phượng (gọi là truyền thống tông đồ). Với 5 nguyên tắc: đức tin của giáo hội phổ quát – hội nghi & công đồng – giáo hội và giám mục Roma – các giáo phụ - thần học gia kinh viện. Hơn nữa, Cano không chỉ làm thần học phụ thuộc vào thẩm quyền nhưng còn thêm vào 3 loci khác: lý trí tự nhiên, triết học, và bài học lịch sử.

Phương pháp của Cano cảnh báo về việc thu hẹp phạm vi suy tư thần học, khi chỉ dựa vào kinh nghiệm đặc biệt hay tìm kiếm điều chắc chắn khi tái khám phá nghĩa đen của Kinh Thánh, cũng như cho thấy Kinh Thánh đã đụng chạm đến người tín hữu ở nhiều cách khác nhau. Chú ý đến cái tổng thể và tương quan hài hòa trong sự đa dạng. Chúa mạc khải cho con người qua nhiều cách thức khác nhau nữa. Cách minh nhiên, hướng thần học của Cano lên án sự sai lệch trong hướng thần học của Luther.

3. Vatican I và Đức Giáo Hoáng Piô XII

Với bối cảnh thời kỳ chủ nghĩa thực chứng, nên thần học tín lý tìm kiếm tập hợp chứng cứ từ các nguồn để hổ trợ cho học thuyết thánh.

Với Hiến Chế Tín Lý (Dei Filius) (1870), trước hết Vatican I định nghĩa hành vi và thái độ đức tin là chấp nhận những gì Chúa mặc khải mà Kinh Thánh và truyền thống tông đồ chứa đựng sự mạc khải này. Đức tin không phải là sự lệ thuộc mù quáng vào thẩm quyền.[1] Vì Chúa còn mạc khải qua các dấu chỉ phép lạ và sự thánh thiêng, vốn là mầu nhiệm vượt qua những suy luận và chứng cứ khả tri. Nhưng con người có thể khám phá ra một khung nền (framewwork), mà trong đó sứ điệp của đức tin phù hợp với luận lý của cuộc sống.

Sau đó Vatican I đưa ra cách thức để lý trí có thể hiểu mạc khải: Suy nghĩ về sự tương hợp giữa Kinh Thánh và các chân lý đức tin với thực tại thế giới, tương quan nối kết tích cực giữa đức tin và lý trí, sự thống nhất và hài hòa trong các mầu nhiệm; nghiên cứu mối tương quan với mầu nhiệm mạc khải với "cùng đích tối hậu của con người", ơn cứu độ; thần học liên kết những khắc khoải nền tảng - sự tìm kiếm của con người trong Chúa.

Sau này, trong Humani generis (1950), đức Pio XII đã công nhận những cẩm nang thần học với 3 điểm: xác chuẩn mối liên kết chặt chẻ giữa thần học gia với thẩm quyền giảng dạy của giáo hội; không phải chỉ lặp lại nội dung của văn kiện giáo hội nhưng trở lại với nguồn cội Kinh Thánh và Truyền thống để luôn làm mới; thần học nên bắt đầu từ các giáo huấn ngày nay rồi cho thấy nó đã bắt nguồn từ Kinh Thánh và phát triển trong truyền thống như thế nào, thần học với phương pháp "về nguồn" (regressive).

Sau cùng, có thể thấy rằng tất cả những hướng suy tư trên đều cho thấy nổ lực tìm hiểu về mạc khải và đức tin của con người, trãi qua nhiều giai đoạn lịch sử với những vấn đề đặc trưng cụ thể, và đó là nhu năng động thiết yếu trong đời sống đức tin của người tín hữu. Khi nhìn lại sáu kiểu mẫu làm thần học khác nhau này, ta thấy Melchior Cano và những chỉ dẫn của đức Piô XII đi theo hướng "thần học thực chứng" (positive theology), tìm về những nguồn khác nhau để hiểu về mạc khải. Trong khi đó I-rê-nê và Origen, hay Vatican I đi theo hướng thần học "phản tỉnh" (reflective or speculative), khi đề cao vai trò lý trí trong việc tìm hiểu và giải thích những chân lý đức tin. Từ đó ta thấy được hai hoạt động nền tảng của một suy tư thần học "lắng nghe" và  "giải thích" trong đức tin, vốn sẽ được tác giả làm rõ trong những phần tiếp theo.


[1] Ta thấy ở đây, cách mặc nhiên, tác giả nói điều này với bối cảnh giáo hội đang đặt nặng vai trò của thẩm quyền giáo hội khi suy tư thần học, một mặt phản ứng lại hướng thần học của Luther trước đó, một mặt làm bóp nghẹt và làm cho thần học xa rời với bối cảnh thực tế của xã hội đang chú ý đến lý trí và khoa học hơn.

Thần học phủ định - Giá trị và ý nghĩa

 



Lược dịch từStephen B. Bevans, An Introduction to Theology in Global Perspective, (New York: Orbis Books, 2009), 1-26.

Truyền thống thần học phủ định có vai trò và ý nghĩa gì cho suy tư thần học? Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết bài viết tìm hiểu thần học phủ định là gì, ý nghĩa của nó đối với nền suy tư thần học, và sau cùng chỉ ra một vài áp dụng ý nghĩa ấy trong bối cảnh Việt Nam.

1. Thần học phủ định là gì?

Trong dòng suy tư thần học của giáo hội, chúng ta quả thực nói về Thiên Chúa và nhận biết về Người. Tuy nhiên, xét cho cùng Thiên Chúa không bao giờ có thể được hiểu hoặc nắm bắt cách đầy đủ bằng các khái niệm hoặc theo luận lý của con người. Đây là kiểu thần học phủ định vốn tồn tại  trong truyền thống Kitô giáo qua một thời gian dài.

Trước hết, thần học phủ định đã được bám rễ sâu trong Thánh Kinh và nhiều lĩnh vực khác nhau, cả ở Đông và Tây. Trong sách Xuất hành, ông Môse chỉ thấy được lưng chứ không thấy được tôn nhân của Chúa (Xh 33, 18-23); hay trong Tin Mừng Matthêu: "Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương,…, Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn" (1Cr 13.12). Vào thời các Giáo phụ, thánh Augustinô nói rằng "nếu bạn hiểu, thì điều bạn hiểu đó không phải là Chúa". Vào thời trung cổ ở Tây Phương, thánh Tôma Aquinô cho rằng “chúng ta không thể biết bản tính nội tại của Thiên Chúa là gì, nhưng đúng hơn là Ngài không phải là gì". Thánh nhân dùng các thuật ngữ phủ định để nói về Thiên Chúa như: tốt lành, đơn nhất, vô cùng, vĩnh cửu, toàn năng, bất biến. Con người không thể nói chính xác (univocally) Thiên Chúa là gì, nhưng chỉ nói một phần về Người (equivocally). Vì thế hiểu biết này luôn mang tính loại suy (analogy). Đến thời hiện đại, Kierkegaard nói rằng có một sự khác biệt về phẩm tính cách vô hạn giữa Thiên Chúa và con người mà sau này Karl Barth đã tiếp nối tư tưởng này.

Bên cạnh đó, thần học phủ định còn được tìm thấy nơi các tôn giáo khác bên ngoài Kitô giáo như Phật giáo: "gặp phật giết phật", Đạo giáo: "Đạo khả đạo phi thường Đạo, Danh khả danh phi thường Danh", hay trong Ấn giáo, Do thái giáo… Tóm lại, có hai loại thần học phủ định: một loại cho rằng chúng ta không thể nói điều gì về Thiên Chúa ngoại trừ việc Người hiện hữu. Nhưng có một thần học phủ định khác vốn tộn tại trong nền thần học của giáo hội Kitô giáo, khẳng định về sự vĩ đại siêu vượt của Thiên Chúa, nghĩa là Thiên Chúa không bị giới hạn trong tâm trí con người, nhưng siêu vượt trên khả năng nhận thức của con người.

2. Giá trị của thần học phủ định đối với suy tư thần học

Nếu thần học là hiểu biết về Thiên Chúa hay là khoa học về Thiên Chúa, thì ngay từ buổi đầu thần học đã gặp phải một vấn đề nền tảng là liệu rằng con người có thể nhận biết và nói về Thiên Chúa?

Ở đây ta bắt gặp câu trả lời cho câu hỏi trên khi phản tỉnh lại truyền thống thần học phủ định. Điều truyền thống thần học phủ định cốt yếu diễn tả không phải là chúng ta không thể biết gì về Thiên Chúa, nhưng đúng hơn là chúng ta luôn biết về Người như một Mầu Nhiệm. Vì thế điều quan trọng về bản chất thần học là nhận ra rằng với truyền thống Kitô giáo và với truyền thống của tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới, Thiên Chúa là không thể hiểu và diễn tả cách hoàn toàn được, nghĩa là diễn tả đúng nhưng không bao giờ diễn tả hết. Vì không một ý nghĩ, một hình ảnh nào, hay một khái niệm nào có thể nắm bắt được thực tại của Thiên Chúa một cách đầy đủ. Thiên Chúa vốn vượt trên những khái niệm và phạm trù hay ngôn ngữ được dùng để diễn tả về Người.  

Nhưng hiểu biết về Thiên Chúa như một Mầu nhiệm nghĩa là như thế nào, và làm sao để hiểu về Mầu Nhiệm? Gabriel Marcel (1888-1973) giúp ta hiểu điều này khi nói rằng “mầu nhiệm rất khác một vấn đề", và "mầu nhiệm không phải là một điều gì đó không biết hoặc không thể biết, nhưng là điều đã biết tuy nhiên lại không thể diễn tả ra, và được giải quyết một cách hoàn toàn". Đặc biệt, "mầu nhiệm là điều gì đó mà chính bản thân tôi có liên hệ đến". Để hiểu về Mầu Nhiệm cũng tương tự như để hiểu về mầu nhiệm con người, phải gặp gỡ trực tiếp, phải tự mình trải nghiệm về họ. Và điều này chỉ xảy ra thông qua sự trao tặng chính bản thân của người đó cho tôi, một sự mạc khải.

Hiểu biết về Thiên Chúa như một Mầu Nhiệm không phải là không biết gì nhưng chính nhờ sự tự mạc khải của Người mà con người có thể hiểu biết một phần về Ngài. Chính Chúa đã đi bước trước để con người có thể nhận biết người nhờ ân sủng của Người. Chúa chuyển thông chính Ngài ngang qua những đối tượng trung gian. Thiên Chúa mạc khải ngang qua những kinh nghiệm thường ngày trong cuộc sống – những khoảng lặng gặp gỡ: niềm vui, nổi buồn chán, thất vọng; trong khi lắng nghe Lời Chúa; và từ truyền thống của Giáo hội. Do đó, con người nhận biết Thiên Chúa dĩ nhiên không phải qua những khái niệm thuần túy, không phải qua những thông tin và kiến thức mệnh đề về đức tin, nhưng trong một hiểu biết chiều sâu từ cuộc gặp gỡ cá vị với Người.

Tóm lại, truyền thống thần học phủ định nhấn mạnh một nền tảng quan trọng để hiểu về bản chất của thần học. Thần học là hiểu biết về Thiên Chúa xét như là Mầu Nhiệm. Chính nhờ Thiên Chúa từ thông ban và mạc khải chính Ngài trước mà con người có khả năng nhận biết Người trong ân sủng. Con người nhận biết và nói về Thiên Chúa không phải qua những khái niệm phạm trù hay như một vấn đề. Nhưng hơn hết, thần học phải đến từ kinh nghiệm gặp gỡ trong tương quan cá vị, với cả tâm trí và con tim. Nhờ đó con người có thể hiểu và diễn tả một phần về Người, với ngôn ngữ đặc biệt, khi đi vào tương quan thờ phượng và cung kính.

3. Ý nghĩa của thần học phủ định cho thần học trong bối cảnh giáo hội Việt Nam

Thiết nghĩ giáo hội Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn bởi Tam Giáo (truyền thống Đông Phương), do đó suy tư thần học đặc biệt theo cách phủ định của Kitô giáo gặp gỡ rất nhiều điều tương đồng sẳn có trong tâm thức, truyền thống, và văn hóa của người dân Việt. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho việc suy tư thần học trong bối cảnh giáo hội Việt Nam, cũng như khi nói về Thiên Chúa cho những người anh chị em người Việt lương dân.

Thứ nhất là niềm tin vào một Thiên Chúa siêu vượt. Đông Phương dùng những từ ngữ phủ định để ám chỉ Thực Thể Tuyệt Đối như “Vô Danh”, “Chân Không Diệu Hữu”. Chữ “Vô” chỉ để biểu lộ siêu việt tính của “Vô Tuyệt Đối”. Lão Tử mô tả Vô Danh là nguồn gốc của Trời đất.[1] Dó đó tâm thức người Việt dù chịu ảnh hưởng một phần của chủ nghĩa vô thần, có lẽ luôn ẩn chứa một niềm tin vào "Ông Trời", một Đấng phép tắc vô cùng, vô thủy vô chung, vốn vượt trên và bao trùm thực tại cuộc sống. Do đó, thật thích hợp để diễn tả tính siêu vượt của Thiên Chúa theo cách của thần học phủ định, cho cả người tin và chưa tin, hay khi gặp gỡ và đối thoại với tôn giáo khác bạn trong mãnh đất Việt Nam. Mỗi người được mời gọi chìm sâu và ý thức về sự vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng hiện diện và hoạt động trong nhân loại.[2]

Thứ đến là thái độ cần có để suy tư thần học. Truyền thông Đông Phương vốn ghi sâu nơi người Việt, khiến con dân Việt thường giữ thái độ thinh lặng để chiêm ngắm, và cảm thấy phù hợp khi đi vào con đường trực giác khi tu tâm, thiền, … Thần học phủ định cho thấy thái độ và cung cách như thế sẽ giúp con người có thể gặp gỡ Đấng là Mầu Nhiệm, đi vào trong tương quan để hiểu biết Người hơn. Ắt hẳn suy tư thần học trong và cho người Việt cần vận dụng đặc điểm này. Để đón nhận và lớn lên trong đức tin, người tín hữu một mặt cần ý thức rằng Thiên Chúa vốn siêu vượt trên các khái niệm và phạm trù, hay những tri thức giáo lý khoa bảng… và mặt khác cần phải khiêm tốn và thinh lặng để gặp gỡ, với thái độ tôn kính và thờ phượng.



[1] Lm. Jos Cao Phương Kỷ, "Tủ Sách Đàm Đạo Tôn Giáo", http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module3&v=chapter&ib=12&ict=130.

[2] Ngọc Yến chuyển dịch, Vatican News: "Hội nghị về Thần học phủ định", https://tgpsaigon.net/bai-viet/hoi-nghi-ve-than-hoc-phu-dinh-thien-chuadang-tam-tri-khong-the-nhan-thuc-duocdang-noi-voi-con-tim-63728.

Ngôn Sứ - Người Nói Lời Hy Vọng (Ed 37,1-14)



Ngôn Sứ – Người Nói Lời Hy Vọng
Phân Tích Và Chủ Giải Ed 37,1-14 

Tháng 4 năm 2021 

Xem tại: 
https://sjjs.edu.vn/ngon-su-nguoi-noi-loi-hy-vong/ 
Abstract 

Trong dòng lịch sử dân Chúa, những vị ngôn sứ luôn được mời gọi trở nên người đồng hành và hướng dẫn dân Chúa. Vị ngôn sứ vừa là người thấu hiểu và mang lấy nỗi lòng của dân, khẩn cầu cho dân, vừa là vị trung gian thực thi sứ mạng nói Lời của Chúa cho dân. Có khi thông điệp Chúa gửi đến dân ngang qua vị ngôn sứ là lời lên án và sửa dạy. Nhưng cũng có khi sứ điệp ấy là lời đem lại hy vọng và an ủi cho dân trong những hoàn cảnh bi đát và tuyệt vọng nhất. Trình thuật Ed 37,1-14 là một ví dụ minh họa rõ nét sứ mạng ấy của vị ngôn sứ Ê-dê- ki-en, là người nói lời hy vọng.

Để tìm hiểu chân dung vị ngôn sứ như là người nói lời hy vọng, trước hết bài viết sẽ tìm hiểu khái quát tác giả tác phẩm và cấu trúc của Ed 37,1-14 (phần 1). Thứ đến, bài viết sẽ phân tích về hoàn cảnh của dân Ít-ra-en (phần 2). Kế đó, bài viết tiếp tục với phần tìm hiểu những đặc nét của chân dung vị ngôn sứ – người nói lời hy vọng cho dân (phần 3), và đi đến một vài phản tỉnh áp dụng sau cùng.



Dẫn Nhập

Trong dòng lịch sử dân Chúa, những vị được kêu gọi làm ngôn sứ có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng. Ngôn sứ là người đồng hành và hướng dẫn dân Chúa. Vị ngôn sứ luôn thấu hiểu và mang lấy nỗi lòng của dân, khẩn cầu cho dân. Đồng thời, vị ngôn sứ còn là người trung gian thực thi sứ mạng nói Lời của Chúa cho dân. Có khi thông điệp Chúa gửi đến dân ngang qua vị ngôn sứ là lời lên án và sửa dạy. Nhưng cũng có khi sứ điệp ấy là lời đem lại hy vọng và an ủi cho dân trong những hoàn cảnh bi đát và tuyệt vọng nhất. Bằng lối trình bày vận dụng nhiều biện pháp văn chương, sử dụng nhiều hình ảnh và hành động tượng trưng, trình thuật Ed 37,1-14 là một ví dụ minh họa rõ nét sứ mạng ấy của vị ngôn sứ Ê-dê-ki-en, là người nói lời hy vọng.

Để tìm hiểu chân dung vị ngôn sứ như là người nói lời hy vọng trong trình thuật Ed 37,1-14, trước hết bài viết sẽ tìm hiểu khái quát tác giả tác phẩm và cấu trúc của Ed 37,1-14 (phần 1). Thứ đến, bài viết sẽ phân tích về hoàn cảnh của dân Ít-ra-en (phần 2). Kế đó, bài viết tiếp tục với phần tìm hiểu những đặc nét của chân dung vị ngôn sứ  - người nói lời hy vọng cho dân (phần 3), và đi đến một vài phản tỉnh áp dụng sau cùng.

1. Tác Giả - Tác Phẩm Và Cấu Trúc Bản Văn

1.1. Tác Giả - Tác Phẩm

Ngôn sứ Ê-dê-ki-en thuộc nhóm người Ít-ra-en bị bắt đi trong cuộc lưu đày lần thứ nhất năm 597. Ông thuộc tầng lớp thế giá, có trình độ, và là một tư tế đền thờ. Sau bốn năm trên đất lưu đày Ba-by-lon (593), Ê-dê-ki-en nhận được ơn gọi làm ngôn sứ (cf. Ed 1,1; 2,2-7; 3,10-11). Hoạt động ngôn sứ của Ê-dê-ki-en kéo dài trong khoảng 20 năm. Sứ mạng ngôn sứ của Ê-dê-ki-en diễn ra trong bối cảnh dân đang trãi qua cuộc khủng hoảng nội tâm sâu sa. Dân mất đất, đền thờ, tư tế, và cả căn tính của mình (cf. Ed 33,21. 27-29). Sứ điệp của sách Ê-dê-ki-en được đánh dấu bằng hai cung giọng rất khác nhau. Thứ nhất là cung giọng lên án và hạch tội, vang lên để kêu gọi Giê-ru-sa-lem phải bỏ những đường lối bất trung với Chúa, và cho dân biết cuộc lưu đày vẫn chưa phải tai họa cuối cùng, vì sự sụp đổ chắc chắn của Giê-ru-sa-lem trong một ngày không xa sẽ xảy đến. Tuy nhiên, sau biến cố thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ năm 586/587, sứ điệp và cung giọng của ông chuyển sang an ủi và khích lệ nhằm khơi dậy niềm hy vọng cho dân, khi dân đang lâm vào cảnh đau khổ và tuyệt vọng nhất.

Bố cục của sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en có thể được chia thành 3 phần rõ ràng: phần 1 (ch.1-24) là lời lẽ đe dọa, chống lại Giu-đa và Giê-ru-sa-lem; phần 2 (ch.25-32) là sấm ngôn hạch tội các dân ngoại; và phần 3 (ch.33-48) là lời loan báo tương lai tốt đẹp, mang lại niềm hy vọng cho dân sau khi thành đã mất.

Thị kiến “những bộ xương khô” (Ed 37,1-14) nằm trong phần 3. Đây là trình thuật theo cách của một thị kiến,[1] và là một trong số các thị kiến lớn của sách (Ed 1; 8; 37; 40). Trình thuật này mặt khác có thể được xem là trích đoạn nổi tiếng nhất của ngôn sứ Ê-dê-ki-en.[2]

1.2. Cấu Trúc Ed 37,1-14

Đoạn trình thuật Ed 37,1-14 có thể được chia thành hai phần khá tách biệt với lõi là câu 11. Nếu phần đầu (cc. 1-10) trình bày về thị kiến với bối cảnh xoay quanh hình ảnh những bộ xương khô, và phần hai (cc. 12-14)[3] hướng đến đối tượng là dân Ít-ra-en, thì câu 11 như là bản lề để nối kết hai phần này lại. Câu này cho thấy những bộ xương khô chính là hình ảnh ẩn dụ để nói về dân Ít-ra-en (11a). Đặc biệt hơn, hai phần trên có cấu trúc trình bày và những điểm gần như là song song hoàn toàn với nhau (như được chỉ ra trong bảng bên dưới).

Hơn nữa, toàn bộ trình thuật Ed 37,1-14 còn cho thấy sự chủ động và đi bước trước của Đức Chúa, chính Ngài dẫn Ê-dê-ki-en vào thị kiến, chính Ngài muốn phục hồi dân. Bên cạnh đó, trình thuật còn cho thấy vai trò trung gian và sự đáp trả trung tín của vị ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Nằm trong phần 3 của sách Ê-dê-ki-en, mục đích của trình thuật này chính là để đem lại niềm hy vọng và an ủi cho dân Ít-ra-en đang trong cảnh lưu đày, đang lầm than tuyệt vọng, đến nổi phải thốt lên "xương cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời" (11b). Vì thế, bài viết trước hết sẽ khởi đi từ câu 11 để rồi đọc ngược lại cũng như đọc tiếp tới khi đào sâu ý nghĩa của trình thuật.

Cc. 1-10

Cc. 12-14

Xương không được chôn

Dân được chôn

Nơi thung lũng

Trong mồ

Đức Chúa bảo Ê-dê-ki-en tuyên sấm trên xương khô

Đức Chúa bảo Ê-dê-ki-en Tuyên sấm trên dân Ít-ra-en

Thiên Chúa ban thần khí trên xương

Thiên Chúa sẽ ban thần khí cho dân

Xương được hồi sinh

Dân Ít-ra-en sẽ được hồi sinh

Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa

Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa

Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm như Đức Chúa truyền

Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm như Đức Chúa truyền[4]

 

2. Những Bộ Xương Khô - Hoàn Cảnh Của Dân Ít-Ra-En

Như đã được chỉ ra ở phần trên, câu 11 như là trung tâm và bản lề giúp người đọc hiểu được toàn bộ năng động cũng như nối kết giữa hai phần cc.1-10 và cc. 12-14 của phần trình thuật Ed 37,1-14. Tuy nhiên, điểm đặc biệt chú ý ở đây là tại sao dân Ít-ra-en lại được so sánh như là những bộ xương khô? Và hình ảnh “xương khô” nói lên điều gì cho đọc giả?

“Bấy giờ, Người phán với tôi: Hỡi con người, các xương đó chính là toàn thể nhà Ít-ra-en. Này chúng vẫn nói: ‘Xương cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời!’" (Ed 37,11).

 

Ngay ở đầu thị kiến, một khung cảnh hoang tàn và u ám như bao trùm và choáng ngợp. Một thung lũng đầy xương cốt, các xương nằm la liệt, và đã khô đét (cc. 1-2). Đây quả thực là một khung cảnh mà sự chết như thống trị hoàn toàn. Trong não trạng Thánh Kinh, hình ảnh thung lũng được so sánh với hình ảnh núi. Núi được quan niệm là chốn cao, thiêng thánh, "đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa” (Mk 4,2), “ai được lên núi Chúa? Ai được ở trong đền thánh của Người?” (Tv 24,3). Hình ảnh những chiếc “xương khô” nằm trơ trọi và rãi rác khắp trên mặt thung lũng thoạt đầu sẽ gây ngạc nhiên cho người nhìn thấy, bởi vì cách thông thường dân Ít-ra-en sau khi chết được chôn trong những ngôi mộ bằng đá.[1] Do đó, hình ảnh một thung lũng đầy xương khô không được chôn cất nằm vương vải khắp nơi có thể gợi lên khung cảnh cho thấy một điều gì đó rất khác thường đã và đang xảy ra ở đây!



[1] Cf. P.S. Johnston, “Afterlife”, 3. 



[1] Cf. P.S. Johnston, “Afterlife”, 3. 

2.1. Tình Trạng Tội Lỗi

Trước hết, hình ảnh thung lũng đầy xương biểu thị về tình trạng tội lỗi và sự chết đang thống trị dân Ít-ra-en. Trong Ed 39,11-16, ta nhận thấy có hình ảnh về một thung lũng đầy thây người chết, và các xương nằm vương vãi khắp nơi. Đây là khung cảnh Đức Chúa hạch tội Gốc, và nơi này là nơi ô uế cần phải được thanh tẩy. Đặc biệt hơn, chúng ta bắt gặp hình ảnh “xương”[עֶצֶם] xuất hiện trong Ed 6, “Ta sẽ chất thây con cái Ít-ra-en trước các ngẫu tượng chúng thờ và sẽ rải xương các ngươi chung quanh bàn thờ của các ngươi” (Ed 6,5). Quả vậy, hình ảnh “xương” trong Ê-dê-ki-en gắn với việc phán xéthạch tội của Đức Chúa đối với con cái Ít-ra-en. Nhưng dân Ít-ra-en đã phạm tội gì?

Trong truyền thống Thánh Kinh, việc dùng hình ảnh ẩn dụ “xương” xuất hiện khá thường xuyên, nhưng chỉ có Ê-dê-ki-en nói đến hình ảnh thung lũng đầy xương. Trong Ed 6,5, xương của dân Ít-ra-en được rải chung quanh bàn thờ, còn thây được đặt trước các ngẫu tượng. Điều này cho thấy rằng dân Ít-ra-en bị phạt nên không được chôn cất, và Đức Chúa còn muốn cho thấy nơi thờ phượng – bàn thờ hiện tại của dân là ô uế (cf. 2V 23,14). Quả vậy, việc thây người chết không được chôn cất là một hình phạt, được thấy trong Ds 19,11-20, Đnl 21,22-23, và có thể tương đồng với việc “trừng phạt kẻ vi phạm hiệp ước” (curse for treaty violation)[6]. Ê-dê-ki-en với xuất thân là một tư tế, ông thấy rất rõ sự ô uế nơi đến thờ, mà sự ô uế nhất chính là việc thờ ngẫu tượng và việc thờ phượng sai nghi thức. Đây ắt hẳn chính là tội lỗi lớn nhất của dân Ít-ra-en mà Ê-dê-ki-en chỉ cho thấy ở đây.[7] Ắt hẳn chính vì lý do này mà nhiều lần Ê-dê-ki-en đã miêu tả hình ảnh Đức Chúa rời bỏ đền thờ (cf. 8,6; 10,1; 11,1).

2.2. Tình Trạng Tuyệt Vọng

Thứ đến, hình ảnh “xương khô” lột tả tình trạng tuyệt vọng và đau thương của dân Ít-ra-en. Chính dân đã phải thốt lên “xương cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời” (11b). Greenberg cho thấy sự tương phản hoàn toàn giữa một bên là xương còn sống (Cn 3,8; 15,30) với một bên là xương khô (Cn 17,22). Ông cho rằng xương khô diễn tả nhấn mạnh sự thất vọng và đau khổ của một người khi bị bỏ rơi (cf. Tv 31,23).[8] Hơn nữa, đây còn là xương rất khô hoặc hoàn toàn khô nữa,[9] một sự tuyệt vọng và đau khổ cùng cực. Mặt khác khi phân tích bản văn câu 11b, nhà nghiên cứu Odell có đồng quan điểm với Zimmerli  khi lưu ý rằng âm [ēnu] trong cuối mỗi động từ Do Thái ở câu 11 cho thấy rằng lời diễn tả này là một lời than trách và ai ca, mang tính bi thương và xót xa.[10] Dân đã cảm nhận phần nào tội lỗi của mình đáng phải chết và sẽ chết, "Các tội phản nghịch và tội lỗi chúng tôi đã phạm đè nặng trên chúng tôi; chính vì vậy mà chúng tôi phải chết. Chúng tôi còn sống làm sao được?" (Ed 33,10).

2.3. Tình Trạng Lưu Đày

Nhưng suy cho cùng hình ảnh những bộ xương khô đét còn là phản ánh về tình trạng dân đang sống trong hoàn cảnh lưu đày, phải đối đầu với bao thách đố và khủng hoảng. Chính bối cảnh này giúp chúng ta hiểu điều Đức Chúa phán “Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en” (c. 12). Tình trạng lưu đày được xem như là “ở trong huyệt”, đã chết. Hẳn là vậy! Những bộ xương khô chính là hình ảnh của dân Ít-ra-en vốn bị xâm chiếm đất và phải đi lưu đày trong một thời gian dài ở Ba-by-lon. Cuộc sống trên đất lưu đày khiến cho dân Ít-ra-en đối diện với cuộc khủng hoảng về mọi mặt, tôn giáo, chính trị, và căn tính của mình nữa. Đất đã bị Ba-by-lon chiếm lấy, vua và dân cũng phải chịu cảnh lưu đày, nền quân chủ cũng mất. Đứng trước hoàn cảnh mờ mịt ấy, những câu hỏi được đặt ra: liệu rằng Đức Chúa có quyền uy hơn thần của người Ba-by-lon (cf. Ed 36,20), hay phải chăng Đức Chúa đã quá tàn nhẫn với họ, và Ngài không ngay thẳng (cf. Ed 18,25). Đã có rất nhiều người từ bỏ niềm tin vào Thiên Chúa. Họ tìm đến với việc thực hành đồng bóng, ma thuật cũng như tin theo thần ngoại, với hy vọng có thể tìm biết và làm chủ được một tương lai vẫn còn mờ mịt và bất ổn (cf. Is 47, Ed 13). Mặt khác, biến cố thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị phá hủy còn là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử của dân Ít-ra-en, khiến tình cảnh của dân càng trở nên bi đát và tuyệt vọng, như là những bộ xương khô đét, hoàn toàn vô vọng.

Tóm lại, bằng lối trình bày song song hình ảnh bộ xương khô với hoàn cảnh dân Ít-ra-en, cùng với những đặc nét miêu tả nhấn mạnh khác, trình thuật cho thấy hoàn cảnh bi ai và vô vọng của dân. Hơn nữa, nếu như người ta vẫn hay nói, nỗi thất vọng lớn nhất chính là khi tự người đó không còn hy vọng vào bản thân họ nữa, thì chính dân Ít-ra-en lúc này cũng đã tự xem mình như thế, không còn chút hy vọng gì, và buông xuôi tất cả.

3. Ngôn Sứ Là Người Có Kinh Nghiệm Để Nói Về Niềm Hy Vọng

Khi dân Ít-ra-en đang bế tắc và tuyệt vọng, tự thấy mình như những bộ xương khô đến nỗi cất lên những lời ai ca bi thảm, ắt hẳn Đức Chúa cũng đã rất đau xót đến nổi Ngài cũng bật lên một câu thương trách “sao các ngươi lại muốn chết, hỡi nhà Ít-ra-en?” (Ed 33,11). Đức Chúa nhìn thấy sự cùng cực của dân, khi dân đã tự nhìn nhận rằng nơi họ chẳng còn một ý nghĩa sống nào, chẳng còn một hy vọng cứu chữa nào nữa, Người phán với dân ngang qua vị ngôn sứ của mình rằng: “hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en” (Ed 37,12-13). Đức Chúa đã hành động để phục hồi dân, và Người thực hiện điều này qua tôi trung là ngôn sứ của Người. Trong hoàn cảnh lưu đày, bên cạnh Isaia II, Ê-dê-ki-en đã được Chúa kêu gọi để làm ngôn sứ cho Người, để nâng dậy và mang lại niềm hy vọng cho dân của Đức Chúa.

3.1. Kinh Nghiệm Nhìn Thấy Sự Hiện Diện Của Chúa Trong Nghịch Cảnh

Ngay ở đầu thị kiến, Ê-dê-ki-en thuật lại rằng chính Đức Chúa là Đấng làm chủ và cho ông thấy thị kiến xắp xảy đến. “Tay Đức Chúa đặt trên tôi. Đức Chúa dùng thần khí đem tôi ra, đặt tôi giữa thung lũng” (c. 1a). Những hình ảnh và hành động này được bắt gặp trong các trình thuật thị kiến khác (Ed 1,1-3; 3,22; 8,1; 11,24-25; 40,1-4). Đặc biệt, khi đặt thị kiến bộ xương khô bên cạnh thị kiến Ê-dê-ki-en được kêu gọi và được dành riêng để phục vụ Lời Chúa (Ed 3,22-27), ta thấy có sự song song và tương phản rất rõ giữa công thức mở đầu của hai thị kiến như được chỉ ra sau đây.

 

Thị Kiến Kêu Gọi (Ed 3,22-24)

Thị Kiến Bộ Xương Khô (Ed 37,1-4)

22a

Tay Đức Chúa đặt trên Ê-dê-ki-en

1a

Tay Đức Chúa đặt trên Ê-dê-ki-en

22b,

 

24

Người phán với Ê-dê-ki-en hãy ra thung lũng

Thần khí nhập vào Ê-dê-ki-en

1b

Đức Chúa dùng thần khí đem Ê-dê-ki-en ra, đặt Ê-dê-ki-en giữa thung lũng

23b

Ê-dê-ki-en thấy vinh quang của Đức Chúa

1c-2

Ê-dê-ki-en thấy thung lũng ấy đầy xương cốt, nằm la liệt, khô đét

24

Đức Chúa phán với Ê-dê-ki-en

4

Đức Chúa phán bảo Ê-dê-ki-en

 

Hai khung cảnh cho thấy chính nơi thung lũng, nơi mà sự chết thống trị, nơi phơi bày hậu quả của sự trừng phạt và đau khổ của dân Ít-ra-en (c. 1-2) cũng lại nơi Ê-dê-ki-en đã được kêu gọi. Tại giây phút ban đầu ấy, điều mà Ê-dê-ki-en nhìn thấy không phải là sự chết thống trị nhưng là sự rạng ngợi do vinh quang Đức Chúa hiện diện. Điều này vừa cho thấy sự liên tục vừa cho thấy tính mới mẻ trong ơn gọi và sứ mạng của vị ngôn sứ. Ắt hẳn, chính kinh nghiệm đụng chạm “trực tiếp” với Thiên Chúa thuở ban đầu đó đã làm nền cho toàn bộ ơn gọi và sứ mạng của Ê-dê-ki-en. Nên giờ đây, khi trình bày một khung cảnh hoang tàn bi thương, không có sức sống và vô vọng ở chính thung lũng, Ê-dê-ki-en ngầm chỉ cho dân thấy sự hiện hiện của Đức Chúa ở đó như kinh nghiệm mà ông đã có. Dù thung lũng ấy có đang bị bóng tối tội lỗi thao túng thì Chúa vẫn luôn hiện diện và quan phòng.

3.2. Kinh Nghiệm Về Niềm Hy Vọng Biết Cậy Dựa Nơi Chúa

Tiếp đến, Ê-dê-ki-en như bị chất vấn về xác tín và kinh nghiệm của mình có ở trên khi trình thuật thị kiến tiếp tục với lời Đức Chúa hỏi Ê-dê-ki-en: "Hỡi con người, liệu các xương này có hồi sinh được không?”, và Ê-dê-ki-en đã thưa với Đức Chúa rằng “Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, chính Ngài mới biết điều đó" (c. 3). Câu trả lời của Ê-dê-ki-en cho thấy kinh nghiệm và niềm tin vào niềm hy vọng đặt để ở nơi Chúa. Ông bắt đầu bằng một lời tuyên xưng niềm tin và thờ phượng, tuyên xưng Đức Chúa là Chúa Thượng, uy quyền và toàn năng. Sau đó, câu trả lời tiếp nối với một lời cho thấy chính thái độ nội tâm của ông, ông không còn cậy dựa vào điều gì và vào chính mình nữa, vì ông tin rằng chỉ có Chúa biết và chỉ có Ngài mới có thể làm mọi sự. Để có được thái độ nội tâm với lòng xác tín vào Thiên Chúa như vậy, ắn hẳn Ê-dê-ki-en đã phải trải qua nhiều thử thách và tinh luyện trước đó. Quả vậy khi nhìn lại bước đầu giai đoạn ngôn sứ của Ê-dê-ki-en, chúng ta thấy rằng ông đã gặp rất nhiều sự chống đối và loại trừ từ dân. Ông đã sống và trãi qua mối giằng co nội tâm giữa một bên là lời ngôn sứ Chúa truyền phải nói để hạch tội và giúp dân nhận ra tình trạng tội lỗi của mình, với một bên là sự bất lực trước sự cứng lòng và điếc lác của dân. Bên cạnh đó, sự chống đối của các ngôn sứ giả cũng khiến lời của Ê-dê-ki-en bị ảnh hưởng trên dân (Ed 12,2-3). Ê-dê-ki-en bị câm là vì vậy (Ed 3,26). Nhưng Ê-dê-ki-en vẫn luôn cho thấy ông trung tín và chu toàn sứ mạng của mình, vì ông luôn tín thác và đặt niềm hy vọng vào Chúa mà thôi.

Thái độ và niềm tin của Ê-dê-ki-en vào Đức Chúa còn thể hiện khi ông được Chúa tiếp tục sai bảo “ngươi hãy tuyên sấm trên các xương ấy” (c. 4), và ông đã vâng lời Đức Chúa. Ê-dê-ki-en dù nhìn thấy sự hoang tàn và dường như vô vọng nơi các xương ấy, vốn là hình ảnh miêu tả tình trạng của dân Ít-ra-en, ông vẫn tín thác vào Đức Chúa và đặt niềm tin vào khả thể dân được phục hồi như Đức Chúa tuyên báo. Trông cậy vào Đức Chúa, Ê-dê-ki-en tin rằng dân có thể được phục hồi. Thế rồi, trong chuỗi những diễn biến của thị kiến, Ê-dê-ki-en tuyên sấm trên các xương khô ấy, và các xương đã được trỗi dậy. Chính Ê-dê-ki-en đã được Chúa chỉ cho thị kiến, và ông đã kinh nghiệm được sự tái sinh nhờ vào quyền năng của Chúa. Trong chính những điều kiện vô vọng và không thể cứu chữa thì Đức Chúa vẫn có thể cứu chữa được. Một lần nữa, chính nơi thung lũng đầy xương vốn vắng bóng sự sống và hy vọng, Ê-dê-ki-en đã tin và kinh nghiệm về quyền năng khuất phục sự chết của Đức Chúa. Vinh quanh của Đức Chúa vẫn hiện diện ở đó, dù bên ngoài đất của dân Ít-ra-en, bên ngoài đền thờ, dù là nơi tội lỗi hay sự chết như thống trị, Đức Chúa vẫn luôn hiện diện và cứu chữa dân. Và đây là bước chuyển trong thông điệp của Ê-dê-ki-en mà ông muốn loan báo cho dân: với Chúa mọi sự đều có thể. [11]  

3.3. Kinh Nghiệm Về Sự Tái Sinh Nhờ Thần Khí

Trong giai đoạn đầu của sứ mạng ngôn sứ, Ê-dê-ki-en đã được kêu gọi làm người canh thức (cf. Ed 3,16-21), để phân tích sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem vào năm 587 và rút ra bài học cho dân. Nhưng ở Ed 33,1-9,  Ê-dê-ki-en lại được kêu gọi một lần nữa làm người canh thức. Điều đó cho thấy sứ mạng loan báo lời hạch tội và phán xét đã hoàn tất, giờ đây, Ê-dê-ki-en trở thành người quan tâm và nhìn thấy những nỗi thống khổ của dân, nhìn thấy sự tuyệt vọng và bi ai của dân, để khích lệ và nâng đỡ. Sứ mạng chính yếu của ngôn sứ luôn luôn là công bố Lời của Chúa cho dân. Lời ấy không bao giờ là cứng nhắc, nhưng luôn gắn với hoàn cảnh của dân, luôn là lời hướng về tương lai và đưa đến niềm hy vọng cho con người. Thực vậy, lời khích lệ an ủi dân không phải chỉ được nói ra trong giai đoạn về sau, lúc thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị phá hủy, nhưng lời hy vọng ấy đã luôn ấp ủ trong những lời nhắc nhở và hạch tội trước đó (cf. Ed 11,14-21; 16,60-62; 36,26-32…). Đặc biệt, khi dân đã trong cảnh lưu đày, dân như buông xuôi và tuyệt vọng, vị ngôn sứ giờ đây muốn cho dân hiểu và tin vào một sự phục hồi chỉ do bởi Thần Khí của Chúa ban cho.

Ê-dê-ki-en kinh nghiệm về sự sống mới do bởi Thần Khí của Chúa. Trả lời cho dân câu hỏi làm sao dân có thể sống và được phục hồi, thị kiến Ê-dê-ki-en miêu tả cho thấy những bộ xương khô được hồi sinh là nhờ vào uy quyền, nhờ vào Thần Khí của Đức Chúa (cc. 4-10). Cũng vậy, chỉ nhờ bởi thần khí mà dân sẽ được phục hồi (cc. 12-14). “Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi” (Ed 37,14). Có thể nói, toàn bộ trình thuật Ed 37,1-14 cho thấy rất rõ chính kinh nghiệm của Ê-dê-ki-en có và muốn truyền lại cho dân rằng: dù trong tình trạng tội lỗi và sự chết, dân cũng sẽ được hồi sinh như những bộ xương khô. Ấy là sự hồi sinh nhờ vào Thần Khí của Đức Chúa. Phân tích đoạn trình thuật Ed 37,1-14 cho thấy tất cả có 7 lần xuất hiện từ  “רוּחַ”. Trong tiếng Do Thái, từ này vừa có nghĩa là “hơi thở” và “gió” và “thần khí”. Nếu đem đối chiếu các câu Ed 37,6.8 với G 10,8.9.11 và St 2, chúng ta sẽ nhận thấy rằng những mô tả ở đây là hình ảnh về một cuộc sáng tạo, hay nói đúng hơn, Ê-dê-ki-en đang mô tả về một cuộc tái tạo bởi Thần Khí sẽ xảy ra với dân.

Ê-dê-ki-en chỉ cho dân thấy rằng nếu dân xem mình là những nắm xương khô thiếu sức sống và tuyệt vọng, thì Chúa có thể hồi sinh nhờ Thần Khí của Chúa, và đem đặt họ trở lại đất Ít-ra-en như đặt con người trong vườn Ê-đen (Ed 37,14).[12] Rõ rằng với khung cảnh sáng tạo như rất thân quen với đọc giả là dân Ít-ra-en,[13] Ê-dê-ki-en cho dân nhận biết rằng chính nhờ Thần Khí được ban, dân sẽ có được một trái tim mới, một trái tim bằng thịt, để tuân giữ những giới luật và trở nên con cái Thiên Chúa (cf. Ed 11,19-20; 36,26-28). Chính trong kinh nghiệm khi không thể tìm thấy bất cứ lý do nào để trả lời cho câu hỏi tại sao Chúa muốn cứu chữa mình như vậy, vị ngôn sứ mời gọi dân ngộ ra Tình Yêu nhưng không của Chúa. Nhờ đó, dân tự thấy rằng mình cần phải thay đổi, cần phải hoán cải và mở lòng ra với ơn đổi mới của Chúa mang đến.

Tóm lại, ngôn sứ là người nhìn thấy và hiểu cho hoàn cảnh của dân, đụng chạm và đồng cảm với những đau khổ và tuyệt vọng của dân. Bên cạnh đó, vị ngôn sứ cũng vẫn tín thác và cậy dựa vào Chúa, vì tin rằng chỉ cho Thần Khí của Chúa mới có thể hồi sinh và là niềm hy vọng cho dân. Ở đây ta thấy rằng vị ngôn sứ muốn gợi lên cho dân kinh nghiệm về niềm hy vọng. Một niềm hy vọng không dựa trên bất cứ điều gì về phía con người, vì nếu còn dựa vào đó thì sẽ thấy vô vọng. Nhưng niềm hy vọng thực sự chính là khi tin nhận và đặt để cuộc đời của mình vào trong tình yêu thương vô điều kiện của Chúa. Tôi đặt hy vọng vào Người vì Người đã luôn yêu thương và đặt hy vọng nơi tôi trước.

Kết Luận

Có thể nói, sống trong hoàn cảnh lưu đày, dân Ít-ra-en đối diện với biết bao khủng hoảng và đêm tối. Họ như những bộ xương khô đét, đã chết, và vô vọng. Thế nhưng trong chính hoàn cảnh bi đát ấy, Thiên Chúa vẫn đồng hành với dân của Người qua trung gian vị ngôn sứ. Ắt hẳn, “sự hiện diện đẹp nhất của các ngôn sứ chính là việc đồng hành với dân của mình trong những thời khắc tăm tối nhất”.[14] Người ngôn sứ thấu hiểu và mang lấy chính những giới hạn của kiếp người, tội lỗi, bất lực nơi dân. Bên cạnh đó, dù sứ điệp có khi là lên án và hạch tội dân, nhưng suy cho cùng là vì ngôn sứ ấy thi hành sứ mạng trung gian. Vị ngôn sứ cũng mang lấy nỗi khắc khoải khôn nguôi và trăn trở của Chúa, luôn quan tâm yêu thương và muốn dân được tốt hơn, luôn luôn hy vọng và hướng dân về một tương lai phía trước, vì vị ngôn sứ xác tín vào quyền năng của Thần Khí và tình thương xót nhưng không của Người.

Ta thấy rằng hình ảnh của ngôn sứ Ê-dê-ki-en được hiện thực và tròn đầy nơi Đức Kitô. Nhìn thấy nổi thống khổ và muốn đến để nâng con người lên, Đức Kitô đã nhập thể. Người “chạnh lòng thương” dân Người (cf. Mt 9,36; 14,14; 15,32; 20,34; Mc 1,41; 6,34; 8,2; Lc 7,13), Người nói “vì Con Người đến để cứu cái gì đã hư mất” (Mt 18,11). Có thể nói, Đức Giêsu chính là Đấng hoàn thành niềm hy vọng tối hậu mà Ê-dê-ki-en đã loan báo (cf. Ed 36,25-29; 37.14, 23), Đấng ban Thần Khí để đổi mới con người, và giúp con người sống giới răn tình yêu.[15] Chính Chúa Giêsu đã chuộc lại mạng sống đáng lẽ phải chết do tội của dân! Người đã xuống hỏa ngục và không có nơi nào Người ko đến. Có thể nói, hỏa ngục là tình trạng khi một ai đó mất đi niềm hy vọng của mình, nhưng chính khi ấy Người cũng đến và mang lại niềm hy vọng cho họ. Chúa Giêsu đã làm cho kẻ chết sống lại (câu chuyện về Lazaro ở Ga 11,38). Nhưng hơn thế, cuộc Vượt Qua và sự Phục Sinh của Người đem lại cho con người ơn sự sống mới.[16] Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới” (2Cr 5,17a ).

Là những tín hữu, từ khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và được trao ban Thần Khí, mỗi người cũng mang lấy sứ mạng trở thành ngôn sứ của Thiên Chúa cho thế giới hôm nay. “Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ” (Cv 2,17). Do vậy, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để bước theo Đức Ki-tô, và trở nên một trung gian của Thiên Chúa như Ê-dê-ki-en. Khi cần chúng ta sẵn sàng lên tiếng để sửa dạy và khuyên bảo. Nhưng trước hết chúng ta cần có lòng trắc ẩn, biết chạnh lòng thương và đồng cảm với anh chị em của mình, và biết nói lời đem lại niềm hy vọng và nâng dậy chứ không phải ngược lại. Bắt chước Đức Giêsu, chúng ta cần dám tin và đặt hy vọng thậm chí trong những hoàn cảnh thách đố nhất, dám đặt niềm tin vào người anh chị em, và đặt niềm tin vào chính mình nữa, nhờ vào niềm tin và lòng cậy dựa vào Chúa, vì “đối với Thiên Chúa, không gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Cũng vậy, mỗi người tín hữu cần đặt niềm tin vào Thần Khí Chúa, vì “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (Ga 6.63). Khoa học kỹ thuật và công nghệ ngày nay như giúp con người vươn đến nhiều giới hạn mới, xa hơn lớn hơn, nhưng đó chỉ là những giới hạn trên chiều ngang của các sự vật, của cái có thể làm được và những gì có thể hưởng thụ được. Nhưng mặt khác, chính khi đã chạm đến những giới hạn này, con người dễ cảm thấy hụt hẫng nhưng lại thiếu đi những chỉ dẫn giúp họ đi xa hơn viễn tượng ấy. Thực vậy, chính hiệu quả của Thần Khí Chúa, là bình an, niềm vui, sự sung mãn, tình yêu vị tha, tự do, hy vọng, mới là điều đem lại cho con người giá trị và động lực sống thực sự. “Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6).

Nhiều người hôm nay cũng đang phải đối diện với biết bao cảnh đỗ vỡ và khủng hoảng, mất niềm tin vào cuộc sống và người khác, hay thậm chí không dám đặt hy vọng vào bản thân. Gặp gỡ những hoàn cảnh quá bi đát và đau khổ này, người tín hữu hay cách chung mọi người được mời gọi để đồng cảm và chia sẻ, để đem lại hy vọng và nâng đỡ nhau. Một niềm hy vọng sâu thẳm có được nhờ vào cảm nghiệm sự ân sủng và tình yêu nhưng không được trao tặng trong cuộc đời. Vì khi tôi nhìn thấy những áng mây mù, nghĩa là nơi tôi đã có một ánh sáng ẩn tảng nào đó! Khi sống trong trạng thái này, ắt hẳn mỗi người sẽ đụng chạm và kinh nghiệm được về một niềm hy vọng ngay khi nơi mình chẳng có một lý lẻ và điều gì để hy vọng, và rồi nói lời chia sẻ niềm hy vọng này cho người khác.


Thư Mục Tham Khảo

 

Biwul, Joel Kamsen Tihitshak. The Restoration Of The Dry Bones In Ezekiel 37:1-14. Scriptura 118 (2019:1):110. http://dx.doi.org/10.7833/118-1-1528.

 

Cao, Gia An. “Dấn Thân Xã Hội – Chiều Kích Đặc Trưng Của Ơn Gọi Ngôn Sứ. Hợp tuyển thần học số 52 (2018): 101–139.

 

Eichrodt, Walther. Ezekiel - A Commentary. Philadelphia: The Westminster Press, 1970.

 

Johnston, P.S. “Afterlife”. In the Dictionary of the Old Testament Prophets, edited by Mark J. Boda J. and Gordon McConville, 15. Illinois: Intervarsity Press, 2012.

 

Kinh Thánh Trọn Bộ. Ấn Bản 2011. Bản dịch và chú thích của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV). Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2011.

 

Kutsko, John F. Between Heaven and Earth: Divine Presence and Absence in the Book Of Ezekiel. In Biblical And Judaic Studies From the University Of California (vol 7), edited by William Henry Propp. Indiana: Eisenbrauns, 2000.

 

Lapsley, Jacqueline E. Can These Bones Live? The Problem of the Moral Self in the Book of Ezekiel. New York: Walter de Gruyter, 2000.

 

Manning Jr, Gary T. Echoes of a Prophet, The Use of Ezekiel in the Gospel of John and in Literature of the Second Temple Period. New York: T&T Clark International, 2004.

 

Mein, Andrew. Ezekiel and the Ethics of Exile. New York: Oxford University Press Inc., 2001.

 

Odell, Margaret S. Smyth & Helwys Bible Commentary: Ezekiel. Georgia: Smyth & Helwys Publishing, Inc., 2005.

 

Wong, Ka Leung. The Idea of Retribution in the Book Of Ezekel. Netherlan: Brill, 2001.



[1] Khung cảnh mở đầu trình thuật có sự xuất hiện của các hình ảnh và hành động như “cấu trúc mở đầu” của một thị kiến: “tay Đức Chúa đặt trên tôi” (Ed 1:3; 3:22; 8:1; 40:1), “dùng thần khí đem tôi ra” ( Ed 1,1-3; 11,24-25; 40,1-4). Tuy nhiên, cũng có tác giả cho rằng đây nên được xem là trình thuật xuất thần qua đó Ê-dê-ki-en thực hiện những hành động tượng trưng. Cf. Margaret S. Odell, Smyth & Helwys Bible Commentary: Ezekiel, 454.

[2] Lapsley, Jacqueline E 2000, Can These Bones Live? The Problem of the Moral Self in the Book of Ezekiel, 169.

[3] Có tác giả xem phần cc. 11-14 là phần chú giải. Cf. Walther Eichrodt, Ezekiel - A Commentary, 509.

[4] Nói rằng Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm cho dân như Đức Chúa truyền ở đây là theo nghĩa mặc nhiên. Vì chính trình thuật này tự nó là lời tuyên sấm của Ê-dê-ki-en cho dân Itrael.

[5] Cf. P.S. Johnston, “Afterlife”, 3.

[6] Fensham cho rằng phép ẩn dụ Ê-dê-ki-en dùng khi so sáng dân Itrael với những xương khô cần được đọc dưới sự soi sáng về những “hình phạt đối với kẻ phản loạn ở vùng Cận Đông thời cổ đại” (ancient Near Eastern treaty curses). Khi kẻ phản loạn phải chịu sự trừng phạt thậm chí sau khi đã chết. Do đó, hình ảnh thung lũng đầy xương ám chỉ đến sự bất trung và phản bội của dân Giu-đa trong giao ước với Đức Chúa. Cf. Margaret S. Odell, Smyth & Helwys Bible Commentary: Ezekiel, 449-450.

[7] Ka Leung Wong, The Idea of Retribution In The Book Of Ezekel, 248.

[8] Cf. Margaret S. Odell, Smyth & Helwys Bible Commentary: Ezekiel, 453.

[9] Ê-dê-ki-en mô tả tình trạng của những bộ xương là rất khô (37,2). Trạng từ được dùng để mô tả là “rất” (ASV, ESV, GNV, KJV, NAS, NET, NIV, NKJ, NRS, RSV, TNK, YLT), “hoàn toàn”  (NJB, NLT). Cf. Joel Kamsen Tihitshak Biwul, “The Restoration Of The Dry Bones In Ezekiel 37:1-14”, 4.  

[10] Cf. Margaret S. Odell, Smyth & Helwys Bible Commentary: Ezekiel, 453.

[11] Walther Eichrodt, Ezekiel - A Commentary, 507.

[12] Tác giả quan niệm rằng hình ảnh Chúa đem dân Ít-ra-en trở về đất của mình giống như hình ảnh Chúa lại đặt con người vào vườn Ê-đen của Người. Cf. John F. Kutsko, Between Heaven And Earth - Divine Presence And Absence In The Book Of Ezekiel, 133-134.

[13] Andrew Mein, Ezekiel and the Ethics of Exile, 217. Tác giả cho rằng ý nghĩa diễn đặt của những hình ảnh mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en sử dụng vốn đã quen thuộc với đọc giả là dân Ít-ra-en.

[14] Cao Gia An, “Dấn Thân Xã Hội – Chiều Kích Đặc Trưng Của Ơn Gọi Ngôn Sứ”, 129-130.

[15] Gary T. Manning Jr, Echoes of a Prophet, The Use of Ezekiel in the Gospel of John and in Literature of the Second Temple Period, 170.

[16] Ê-dê-ki-en cũng được gọi là “con người” như Chúa Giêsu được gọi sau này (Ed 37,3.9.11). Manning cho rằng cách thánh sử Gioan miêu tả Chúa Giêsu như là tác nhân của sự sống mới và là sự phục sinh khởi đi từ sách Ê-dê-ki-en. Cf. Gary T. Manning Jr, Echoes of a Prophet, 163-164.