Đức Tin: Bản Chất - Đối Tượng - Nền Tảng - Và Các Vấn Đề Liên Quan

 


Tóm dịch từ: Avery Dulles, SJ, The Assurance Of Things Longed For, (New York: Oxford University Press,1994), 170-223.

Bài viết xoay quanh chủ đề đức tin, với các vấn đề như "có nhiều quan điểm về đức tin (I); vậy bản chất (II), đối tượng (III), và nền tảng (IV) của đức tin là gì? và các điều khác (V) liên quan đến đức tin.

I. Có Nhiều Câu Trả Lời Cho Câu Hỏi "Đức Tin Là Gì? - Các Mẫu Thức Đức Tin

Cách chung nhiều quan điểm đồng ý rằng "đức tin" Kitô Giáo chỉ về tương quan cứu độ mà con người bước vào khi đáp lại mạc khải của Thiên Chúa. Tuy nhiên, ngoài điều này ra có nhiều trả lời khác biệt cho câu hỏi "đức tin là gì?". Có thể phân loại theo các mẫu thức như sau:[1]

1.      Mẫu thức mệnh đề

-         Đây là quan điểm của số đông thần học gia.

-         Quan niệm rằng đức tin là việc chấp nhận các chân lý mạc khải.

-         Các chân lý này được thể hiện dưới dạng các mệnh đề, diễn tả bằng ngôn từ và câu chữ.

-         Mệnh đề không phải là câu nói hay câu viết mà là ý nghĩa hoặc lời khẳng định chân lý trong những câu mang tính tuyên bố. Ví dụ, “Chúa đã sống lại ”.

-         Mẫu thức này gắn với quan niệm về mạc khải theo mô hình giáo thuyết (mô hình 1).

Ưu điểm:

-         Mang lại thẩm quyền cho Kinh thánh và căn tính vững chắc cho Giáo hội như một cộng đoàn đức tin. Vì chân lý đức tin theo mô hình này rõ ràng và phổ quát trong toàn Giáo hội.

-         Cho phép đức tin xuất hiện như một câu trả lời cho những câu hỏi dai dẳng và rắc rối về ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống.

Khuyết điểm:

-         Có xu hướng nhắm vào chính các mệnh đề hơn là chính thực tại đạt được nhờ chúng. Nhắm vào việc biết và thuộc giáo lý hơn là hướng tới thực tại đức tin phong phú và sống động.

-         Hơn nữa, họ thường bỏ qua những chiều kích tiềm ẩn và huyền bí của tri thức nhân loại. Quả thực "chúng ta biết nhiều hơn những gì chúng ta có thể nói".

-         Hơn nữa, người tín hữu không chỉ đón nhận Lời Chúa; nhưng còn phải tin cậy nơi Ngài, yêu mến Ngài, và tuân giữ các điều răn của Ngài.

2.      Mẫu thức siêu nghiệm

-         Đức tin không hoặc không thiết yếu là sự chấp nhận các chân lý cụ thể, mà là một chân trời nhận thức mới, là năng động tinh thần hướng về Thiên Chúa, cho phép người ta nhìn thấy và chấp nhận những chân lý ấy.

-         Họ phân biệt giữa chúng tôi tin (fides qua creditur) và điều được tin (fides quae creditur). Mô hình này nhấn mạnh hơn đến chúng tôi tin, nhấn mạnh tương quan gần gũi với Thiên Chúa.

-         Vai trò của tính chủ thể trong đức tin được nhấn mạnh hơn.

-         Gắn với mô hình mặc khải như một nhận thức mới (mô hình 5).

Ưu điểm:

-         Việc xác định đức tin như một thái độ thiêng liêng không phụ thuộc vào việc chấp nhận sứ điệp Kinh Thánh khiến cho việc giải quyết vấn đề cứu rỗi những người chưa được phúc âm hóa trở nên tương đối dễ dàng, vốn gây khó khăn cho các nhà thần học theo mô hình trên.

Khuyết điểm:

-         Mâu thuẫn với quan niệm xem đức tin như sự đáp trả đối với điều được công bố (fides ex audu) trong Thánh Kinh và truyền thống.

-         Nó đặt ra câu hỏi liệu một hành động đức tin đúng và đủ có thể được thực hiện mà không có bất kỳ mặc khải trong lịch sử hay không.

-         Không rõ ràng về việc hiểu các học thuyết trọng yếu của Kitô giáo, chẳng hạn như Chúa Ba Ngôi và Sự nhập thể, là vấn đề của đức tin hay không.

3.      Mẫu thức tin cậy

-         Đặc trưng của nhánh Tin lành.

-         Tách khỏi thuyết duy lý của hai lập trường đầu tiên, mô hình này xác định đức tin gắn chặt hơn với niềm xác tín và trông cậy, nhấn mạnh tới ý chí và con tim thay vì nhận thức.

-         Quan điểm này có cơ sở vững chắc trong Thánh Kinh. Theo họ, các thuật ngữ như pistis cần được chuyển dịch sang tiếng Anh là “sự tin tưởng”(trust) hơn là “niềm tin”(faith).

-         Gắn với mô hình mặc khải như là biến cố (mô hình 2): nhấn mạnh tương quan, sống.

Ưu điểm:

-         Dựa trên cơ sở Kinh thánh và truyền thống để đưa yếu tố tin tưởng hoặc hy vọng vào định nghĩa của đức tin.

-         Nhấn mạnh thêm 2 yếu tố tín thác và hy vọng trong mô tả về đức tin. (GH lấy lại yếu tố này).

Khuyết điểm:

-         Đặc biệt có khuynh hướng phủ nhận rằng sự chấp nhận chân lý mạc khải là một hành vi của đức tin (chống lại truyền thống, cũng như quan niệm của Giáo hội ngày nay về điểm này).

4.      Mẫu thức kinh nghiệm-cảm xúc

-         Quan niệm này nhấn mạnh đến đặc tính cảm xúc trong đức tin và mối liên hệ chặt chẽ giữa đức tin và kinh nghiệm. Con người hướng về Thiên Chúa trong nội tâm, "lý lẻ của con tim" (Pascal), gắn với kinh nghiệm thần bí (các giáo phụ), kinh nghiệm nghịch lý (E. Schillebeeckx).

-         Gắn với mô hình mặc khải như kinh nghiệm nội tâm (mô hình 3).  

Phê bình:

-         Xem nhẹ mạc khải trong lịch sử, Thánh Kinh, và thánh truyền.

-         Một số rơi vào chủ nghĩa cá nhân, làm suy yếu chiều kích giáo hội của đức tin. Vì thiếu đi cơ sở để xem đâu là mặc khải hay đức tin chân thật, và đâu là nền tảng cho những năng lực kinh nghiệm nội tâm như thế.

5.      Mẫu thức phục quyền

-         Đức tin là sự phục quyền Thiên Chúa, Đấng uy quyền và làm chủ mọi sự, và luôn đi bước trước trong hành động cứu độ. Phaolô: “sự vâng phục của đức tin” (Rm 1,5; 16,26).

-         Gắn với mô hình mặc khải như là sự hiện diện nghịch lý của Thiên Chúa (mô hình 4).

-         Nổi bật có Karl Barth, Rudolf Bultmann, Dietrich Bonhoeffer

-         Hầu hết họ hiểu vâng lời không phải theo nghĩa thực hiện các mệnh lệnh cụ thể mà theo nghĩa rộng trong Kinh thánh (hypakoe, oboedientia) như một tiếng nói tôn kính và vâng lời.

Phê bình:

-         Sự vâng lời không cần nhất thiết loại trừ niềm tin (faith) hay sự tin tưởng (trust) như họ quan niệm, nhưng chúng có thể cùng tồn tại với nhau. Vì tín thác dẫn đến phục quyền, phục quyền vì tín thác.

-         Mô hình này đặt trọng tâm vào việc người tín hữu hoàn toàn phục tùng ý định tối cao của Thiên Chúa. Điều này có thể được chấp nhận như một điểm chính của giáo lý Kitô giáo, với điều kiện là quyền của Thiên Chúa không được mô tả khiến làm mất đi quyền tự do của con người.

6.      Mẫu thức thực hành

-         Quan điểm thần học giải phóng.

-         Quan niệm đức tín là đưa đến hành động biến đổi thế giới trở nên tốt hơn, công bình hơn, giải thoát người áp bức và nâng đỡ người nghèo, khắc phục sự tha hóa trong xã hội.

-         Johann Baptist Metz, Gustavo Gùtiérrez,

-         Quan tâm đến bối cảnh của một tình huống cụ thể, đó là xã hội đương thời.

-         Niềm tin không phải là một vấn đề thuần túy nội tâm hay cá nhân.

Phê bình:

-         Hầu như các nhà thần học Kitô giáo đều đồng ý với mong muốn rằng đức tin dẫn đến hoạt động vì một trật tự xã hội tốt hơn. Nhưng nhiều người muốn định nghĩa đức tin cụ thể hơn như một sự chấp nhận nội tâm đối với Lời Chúa. Một người có đức tin không nhất thiết phải có bất kỳ cam kết cụ thể nào để thay đổi trật tự xã hội.

-         Khó khăn hơn nữa nảy sinh khi sự dấn thân xã hội vốn được hiểu theo gốc nhìn phân tích xã hội khác nhau. Chắc hẳn không phải ai cũng đồng ý với nhau rằng chủ nghĩa tư bản là nguyên nhân của nghèo đói và khốn khổ.

-         Khái niệm đức tin phải đủ rộng để bao gồm những người có triết lý xã hội khác nhau.

7.      Mẫu thức tương quan vá vị

-         Xem đức tin trong mối quan hệ cá vị và yêu thương với Thiên Chúa, vốn mang lại một phương thức sống và hiện hữu cho con người.

-         Các thần học gia nổi bật: Jean Mouroux, Henri de Lubac, Hans Urs von Balthasar, Paul Tillich

Phê bình:

-         Ưu điểm: có lợi thế là hạn chế được sự phân mảnh có thể nảy sinh từ việc xác định đức tin theo các khía cạnh và chức năng như các mô hình trước đây. Suy cho cùng, đức tin là một mối tương quan cá vị sâu sắc với một Thiên Chúa ngôi vị, gắn với suy nghĩ, cảm nhận và ý chí.

-         Khuyết điểm: dù đức tin như là mối tương quan cá vị vốn hội nhất như họ quan niệm, đức tin vẫn có thể có các khía cạnh khác nhau như hiểu biết, tin cậy và hành động, niềm hy vọng, sự giữ luật, vốn không phải như là những thành phần cấu thành, nhưng là chính năng động đức tin.

 

II. Vậy Bản Chất Của Đức Tin Là Gì?

1.      Nhận Định Về Sự Đa Dạng Của Các Mẫu Thức Đức Tin

Những khác biệt của bảy mô hình trên có thể được làm rõ khi nhìn đến nguyên nhân: Khác nhau trong cái nhìn về vai trò của Chúa trong nguồn gốc của đức tin.

-         Trong mẫu thức Mệnh Đề, Thiên Chúa là người thầy; những lời tuyên bố của Ngài phải được chấp nhận vì thẩm quyền của Ngài.

-         Trong mẫu thức Siêu Việt, Thiên Chúa là người khai sáng trong nội tâm mỗi người.

-         Trong mẫu thức Tin Cậy, Thiên Chúa là Đấng nhân từ, vì là Đấng giữ lời hứa.

-         Theo mẫu thức Kinh Nghiệm-Cảm Xúc, Thiên Chúa là người tình, chạm đến trái tim của những ai tìm kiếm Ngài.

-         Trong mẫu thức Phục Quyền, Thiên Chúa là đấng cai trị được tôn kính; lời của Ngài là mệnh lệnh.

-         Trong mẫu thức Thực Hành, Ngài là nhà giải phóng vĩ đại, người tiếp thêm sức mạnh cho những người đấu tranh chống lại bất công và áp bức.

-         Cuối cùng, theo mẫu thức Tương Quan Cá Vị, Thiên Chúa là nguồn sống luôn trao ban ân sủng, Đấng lôi kéo người khác đến với vinh quang của chính mình.

 

ð  Do đó, ắt hẳn có một thực tại phức tạp, độc nhất có các khía cạnh khác nhau, có thể được gọi một cách chính xác là đức tin. Đức tin bén rễ ở tầng sâu nhất của nhân tính con người.

·         Đức tin không mất đi bản sắc của nó, khi có tất cả các chiều kích này.

·         Khi đó các “mẫu thức” đức tin khác nhau nên được coi là hợp lý, không mâu thuẫn nhau.

·         Tất cả mẫu thức phải được giải thích theo cách để cho phép chúng được bổ sung bởi những mẫu thức khác. Cần phê bình lẫn nhau để điều chỉnh cho phù hợp trong tổng thể.

2.    Bản chất đức tin – 3 chiều kích

Sau khi đưa ra những nhận định về sự khác biệt và điểm 'chung' của nhiều quan điểm về đức tin ở trên, vậy câu hỏi được đặt ra tiếp đến là "đâu là bản chất của đức tin"?

-         Thuật ngữ "tin" thường được sử dụng theo nghĩa chung là sự chấp nhận là đúng hoặc có thật đối với bất kỳ điều gì không được chứng minh hoặc chứng minh ngay lập tức, là một thành phần trong hầu như tất cả kiến thức và hoạt động của con người. Tin hướng đến một hướng nhìn của toàn bộ con người và thang giá trị của người đó. Cách đặc biệt, thuật ngữ “tin” liên quan đến sự tin tưởng vào người khác, gắn với tình yêu và sự trung tín.

-         Theo nghĩa thần học,

o   Đức tin bao gồm mọi đặc nét liên quan đến ý nghĩa nhân linh của thuật ngữ này.

o   Nhưng trên hết, đức tin là sự đáp lại Thiên Chúa khi Người hành động và tỏ mình ra.

o   Vatican II định nghĩa: "Đức tin được coi là sự đáp trả đầy nồng nhiệt đối với sự tự hiến của Thiên Chúa, tin cậy vào sự giúp đỡ cứu rỗi của Ngài, phục quyền, và đón nhận lời mặc khải của Ngài." Các khía cạnh như sự tin tưởng, vâng phục và đón nhận mặc khải ở đây được hội nhất một cách hài hòa trọn vẹn nơi cá nhân.

-          Đức tin có thể được định nghĩa không chỉ như một hành động mà còn như một tập quán (stable disposition / habitus). Hay Vatican I gọi đức tin là nhân đức siêu nhiên.

-          Đức tin liên kết rất chặt chẽ với hy vọng và tình yêu nhưng không hoàn toàn đánh đồng đức tin với chúng. Ba nhân đức đối thần - đức tin, cậy, mến không tách biệt nhưng hội nhất với nhau.

 

Do đó, đức tin được mô tả với 3 chiều kích.

o   Vatican I lấy lại tư tưởng của thánh Tôma hay Augustinô, nhấn mạnh yếu tố nhận thức (cognitive) nhưng cũng không loại trừ chiều kích cảm (xác tín), và sống, phân biệt ra 3 chiều kích của đức tin, (S. Th., 2-2.2.2). Đức tin có đối tượng mô thể (credere Deo) và đối tượng chất thể (credere Deum). Đức tin là hướng vào Thiên Chúa (credere in Deum).

o   Sau đó, Vatican II nhấn mạnh hơn đến yếu tố tín thác và dấn thân. Phân biệt 3 chiều kích đức tin: đón nhận mặc khải, xác tín vào Chúa, và dấn thân.

Bên cạnh đó, có hai nghĩa đức tin: khái niệm đức tin có thể chỉ về nội dung đức tin (fides quae / các chân lý mặc khải), và hành vi đón nhận, tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa (fides qua).

 

III. Đối tượng của đức tin

Đức tin có đối tượng mô thể (credere Deo) và đối tượng chất thể (credere Deum).  

1.      Đối tượng mô thể của đức tin

-          Đối tượng mô thể của đức tin nói lên tư cách và nguyên nhân của đức tin.

-          Đối tượng mô thể hay năng động nội tại của đức tin chính là chính Thiên Chúa, Đấng mặc khải (Thánh Tôma). Ngài không chỉ là Thiên Chúa nội tại nơi chính Ngài, nhưng còn là Thiên Chúa tỏ ra cho con người, là ơn cứu độ cho con người.

-          Hay nói cách khác, đối tượng mô thể của đức tin là thẩm quyền tối cao (auctoritas) của Thiên Chúa, Đấng mặc khải. Đức tin như là sự đón nhận mặc khải của Thiên Chúa vì Ngài không lừa dối, tín thác vào Ngài vì Ngài đáng tin cậy và trung tín trong lời hứa, và tuân theo vì Ngài uy quyền.

2.      Đối tượng chất thể của đức tin

-          Đối tượng chất thể là nội dung của đức tin (tin vào điều gì). Đối tượng chất thể của đức tin là cái được tin tưởng nhờ bởi đối tượng mô thể (credere Deum).

-          Đối tượng chất thể hình thức của đức tin là chính Thiên Chúa, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Nhưng đối tượng chất thể bao gồm tất cả những gì Thiên Chúa đã phán, đặc biệt là những gì Ngài mặc khải qua Chúa Giêsu Kitô, “Đấng trung gian và viên mãn của mọi sự mặc khải”. Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, là trung gian và là mạc khải trọn vẹn (DV 12), là nội dung trung tâm của đức tin. Nội dung của sự mặc khải trở nên hoàn chỉnh một cách khách quan với sự kiện Đấng Christ như được giải thích bởi Giáo hội các tông đồ (Vatican II).

Tóm lại, đối tượng chất thể và mô thể của đức tin luôn tương quan và không thể tách rời nhau. Thiên Chúa vừa là đối tượng mô thể và chất thể của hành vi đức tin. Vì Thiên Chúa là đối tượng cuối cùng và là lý do cuối cùng của hành vi đức tin.

Đức tin là một hành vi siêu nhiên, vì tin vào Thiên Chúa, tin vì chính Thiên Chúa tự tỏ mình ra, (và tin có Thiên Chúa).

IV. Nền tảng của Đức tin

Khi đức tin được hiểu rằng là sự đón nhận chân lý mặc khải và xác tín vào Thiên Chúa, vậy câu hỏi được đặt ra là "đâu là cơ sở để xác thực rằng nội dung đức tin được đón nhận ấy là lời của Chúa, và điều gì khiến tôi xác tín về quyền năng của Thiên Chúa"? Hay "nền tảng của đức tin là gì?"

Phần này khảo sát nền tảng đức tin với 2 câu hỏi "đức tin có dựa trên lý trí?" và "đức tin dựa trên kinh nghiệm?", để đi đến kết luận.

1.      Đức tin dựa trên lý trí?

1.1. Tương quan đức tin - lý trí: Nhiều cái nhìn khác nhau

Có thể nói đây là vấn đề tương quan giữa đức tin và lý trí đã được đề cập nhiều nhất và ngay từ đầu trong lịch sử Giáo Hội.

-          Ngay từ việc vận dụng các phạm trù triết học Hy Lạp làm nền tảng cho sự suy tư thần học trong thiên niên kỷ thứ nhất và sau đó. => lý trí con người vs. đức tin Kinh Thánh dựa trên thánh truyền và huấn quyền.

-          Trong Tân Ước, Phao-lô: sự khôn ngoan của thế gian trái ngược với đức tin và sự khôn ngoan thánh thiện dựa trên đức tin. => Tạo tiền đề cho nhiều cuộc tranh luận sau đó.

Nhìn chung có 2 nhóm quan điểm chính khi nhìn vào mối tương quan này: nhóm đề cao đức tin trổi vượt trên lý trí (Fideism): Augustinô, Anselmô và Bênađô; và nhóm đề cao vai trò của lý trí (CN Duy lý- Rationalism): Abelard (TK XII)…

Nhưng tóm lại, có thể chia thành 3 kiểu tương quan giữa đức tin và lý trí:

-          Hỗ trợ lẫn nhau: đức tin cao hoặc đức tin cần được hoàn thiện bởi lý trí;

-          Đối nghịch: đức tin chống lại lý trí, ưu tiên đức tin hơn khi nó xung đột với lý trí;

-          Tách biệt: không liên hệ với nhau.

 

Nhận định về nhiều cách hiểu khác nhau trong mối tương quan đức tin - lý trí

Nhận thấy rằng những cách hiểu khác nhau về tương quan đức tin - lý trí có thể vì những lý do sau:

i. Đề cập đến những cách hoạt động khác nhau của lý trí.

-          Những người theo thuyết Platon và Augustinians quan niệm về một loại lý trí có tính chiêm nghiệm hoặc trực giác (“lý trí bậc cao") giúp tiếp xúc với chân lý vĩnh cửu.

-          Những người theo thuyết Aristotle và chủ nghĩa thực chứng nói chung đề cập đến lý trí suy luận ("lý trí bậc thấp"), theo lối diễn dịch hoặc quy nạp.

-          Một số người theo thuyết suy luận (inferentialists) quan tâm đến việc chứng minh chân lý của sự mặc khải phân tách khỏi lý trí; một số khác đi chứng minh tính sai lầm của học thuyết KTG trên nền tảng lý trí đúng đắn.

-          Nhiều nhà tư tưởng hiện đại phân biệt giữa lý trí lập luận lôgic và “lý trí của trái tim” (B. Pascal).

ii. Hơn nữa, các nhà thần học nghĩ đến những trạng thái hiện hữu khác nhau của con người.

-          Những người theo thuyết Tôma quan niệm: lý trí là chìa khóa để đạt được kiến thức tự nhiên; còn đức tin hướng đến chân lý siêu nhiên.

-          Lý trí là năng lực thuộc về bản chất sa ngã của con người. Với họ, đức tin là một sự xác tín vào Tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Đấng ban ân sủng để làm cho họ nên công chính.

iii. Mặt khác, sự khác biệt về ngôn ngữ giữa các nhà tư tưởng cũng là một vấn đề. Vì chúng thường phản ánh những khác biệt thực sự về triết học và thần học. Nhiều khi do bởi việc sử dụng các thuật ngữ khác nhau, nên một số mâu thuẫn giữa họ tỏ ra 'trầm trọng' hơn so với thực tế vốn có của nó.

 

1.2. Đức tin có cần chứng cứ khả tín do lý trí?

Như đã nói, dù đức tin không chỉ đơn thuần là nhận thức, nhưng đức tin có chiều kích nhận thức. Ở một khía cạnh nào đó, sự đón nhận chân lý mặc khải cần cơ sở để chấp nhận rằng sự mặc khải ấy là sự đáng tin.

-          Những ai chịu ảnh hưởng fideism cho rằng đức tin có nền tảng của nó, không nên nại đến lý trí.

-          Nhưng ai chịu ảnh hưởng của duy lý (rationalism) cho rằng đức tin cần phải phù hợp với lý trí.

Vat I có quan điểm quân bình và chống lại cả fideism và rationalism, trở thành kiểu mẫu cho GH ngày nay.

-          Nội dung đức tin được tin không phải bởi vì dựa trên những lập luận nội tại của nó, nhưng dựa trên quyền năng của Chúa Đấng mặc khải (Dei Filius, chap, 3, OS 3008). Mặt khác, mặc khải có những chứng cứ khả tín của lý trí. (ibid.; DS 3013). Vatican I đã phân biệt giữa “sự trợ giúp từ bên trong của Chúa Thánh Thần – ân sủng” và “những lập luận bên ngoài” (sđd; DS 3009).

-          CĐ đưa ra 3 khẳng định: thứ nhất, chân lý của sự mặc khải không thể được chứng minh bằng những lý lẽ nội tại; thứ hai, độ tin cậy của chân lý mặc khải có thể được chứng minh; thứ ba, động cơ của đức tin không phải là sức mạnh của các lập luận mà do quyền năng của Thiên Chúa, Đấng bày tỏ.

-          CĐ không kết án “acquired faith” (fides acquisita), và doctrine of “scientific faith".

Tóm lại, Vatican I cho thấy tính hợp lý của đức tin. Và bao gồm cả 2 yếu tố: ân sủng và lý trí, vốn không phân cao thấp.

Bên cạnh đó, các yếu tố cảm xúc của ý chí tham gia vào chính quá trình nhận thức trí tuệ. Chiều sâu, sự bền bỉ và sức sống của khuynh hướng tin tưởng này có thể được coi là những dấu hiệu cho thấy khuynh hướng đó có nguồn gốc thần linh.

1.3. Đâu là mối tương quan giữa tính khả tín và động năng đức tin?

Về điểm này, có một sự phân chia sâu sắc giữa hai trường phái tư tưởng.

-          1. Ân sủng cho phép đọc ra ý nghĩa của các dấu chỉ để đi đến xác tín đức tin

-          2. Việc phân định các dấu chỉ thụ tạo chỉ là sự chuẩn bị cho đức tin, và đức tin xuất phát từ quyền năng của Chúa. Một người có đức tin không phải là nhờ nhận ra các dấu chỉ khả tri từ thụ tạo ("đêm tối đức tin").

Quan điểm Giáo hội bao gồm cả 2 quan điểm trên: động cơ duy nhất của đức tin là chính Thiên Chúa, nhưng mặc khải luôn đi qua trung gian các dấu chỉ thụ tạo.

Ví dụ: những người mới bắt đầu có xu hướng dựa một cách có ý thức vào những phép lạ thể chất và những lý lẽ biện hộ; những linh hồn tiến bộ trong đời sống tâm linh ít chú ý đến những dấu hiệu được tạo ra hơn. Họ chuyển sự chú ý của mình sang Thiên Chúa,và thường có ấn tượng trực tiếp trải nghiệm sự hiện diện vô hình của Ngài.

2.      Đức tin dựa trên kinh nghiệm?

Có người quan niệm đức tin đặt nền trên kinh nghiệm, nhưng cũng có người quan điểm ngược lại.

-          Những ai quan niệm đức tin đặt nền trên kinh nghiệm cho rằng đức tin ban đầu đạt được là nhờ một quá trình khám phá mầu nhiệm, trong đó con người được trợ giúp bởi ân sủng, đã khám phá một chân lý vượt xa tất cả những gì nó có thể rút ra từ suy luận hợp lý.

-          Cuộc hoán cải đức tin này đem đến nhận thức kinh ngạc.

Có những bất đồng về quan điểm xem đức tin có dựa trên kinh nghiệm hay không. Lý do là vì thực tế có nhiều cách hiểu về bản chất của kinh nghiệm.

-          Lan G. Barbour mô tả 7 kiểu mẫu kinh nghiệm tôn giáo.

 

3.      Kết luận về nền tảng đức tin

Cả lý trí và kinh nghiệm không chỉ là sự chuẩn bị cho đức tin, nhưng còn là nền tảng đức tin, và tiếp tục làm cho đức tin phong phú hơn.

-          Theo một quan điểm nào đó, hành động của đức tin tự nó là một hành động của lý trí — không phải kiểu lý trí luận lý, mà là lý trí khám phá (heuristic reason), được thực hiện bởi ân sủng để hướng về Thiên Chúa. Không có lý trí, người ta không thể tìm thấy Thiên Chúa trong những dấu chỉ xảy đến cho mình.

-          Cũng vậy, sau khi đã chuẩn bị sẵn đường dẫn đến đức tin, kinh nghiệm cũng tiếp tục hoạt động trong đức tin. Đức tin thấm nhuần toàn bộ kinh nghiệm của người tin hữu. Đức tin và kinh nghiệm tác động qua lại lẫn nhau. Tuy nhiên, không phải chỉ tin khi có những kinh nghiệm sâu "depth experience". Vd: Thiên Chúa có thể ban cho con người kinh nghiệm như thế, nhưng Ngài cũng có thể cho phép linh hồn tiến bước, bởi ánh sáng mặc khải chung như được thông qua Trung gian của Giáo hội.

 

V. Các vấn đề khác

Phần này tìm hiểu về một vài truy vấn khác liên quan đến đức tin như sau:

1.      Đức tin là giáo thuyết?

Nhiều thần học gia ngày nay có khuynh hướng nhấn mạnh yếu tố kinh nghiệm cá nhân hay siêu nghiệm,… và chống lại cái nhìn xem đức tin là việc đón nhận những giáo thuyết như là chân lý mặc khải (quan điểm truyền thống của Giáo hội).

Nhưng phải thừa nhận rằng dù đức tin không phải chỉ mang tính giáo thuyết, đức tin ít nhất phải mang nội dung giáo thuyết nào đó (đức tin có nội dung đức tin).

-          Vd: tin rằng "Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất", "Đức Giêsu là Đức Kitô", con Thiên Chúa,"

-          Dần già, các nội dung đức tin nền tảng này được tập tóm trong Kinh Tin Kính, được giải thích trong các tín điều.

-          Những chân lý đức tin hay giáo thuyết này không là đối tượng độc lập nhưng là một phần cấu thành nên điều được tin.

Nhưng không phải tất cả giáo lý Giáo hội là vấn đề đức tin. Chỉ những gì được xem là mặc khải thánh, được xác định trong Truyền Thống và Thánh Kinh mới là chân lý đức tin. (DS 3011).

2.      Đức tin có tính mệnh đề?

Cũng vậy, thần học ngày nay có khuynh hướng xem chân lý đức tin thích hợp được diễn tả và hiểu dưới hình thức biểu tượng, dấu chỉ. Họ đặt câu hỏi: "đức tin có mang tính mệnh đề không?"

Trước hết, ta thấy rằng ngôn ngữ chính yếu của đức tin tôn giáo không hoặc không cần thiết là mệnh đề.

-          Lời loan báo TM ban đầu thường truyền tải thông điệp mặc khải  bằng ngôn ngữ tượng hình và biểu tượng, ... truyền đạt chân lý đức tin bằng năng lực gợi tả của ngôn ngữ ... Do đó, cần có sự phản tỉnh để làm sáng tỏ ý nghĩa được tiết lộ trong các hành động tượng trưng, dụ ngôn, thần thoại và truyền thuyết, vốn được diễn đạt ở dưới các mệnh đề.

-          Hẳn vậy, ta sẽ gặp khó để hiểu nghĩa đen của những phát biểu như: eternal Son is “light from light" that Jesus “descended into hell, and that he “is seated at the right hand of the Father.

Nhưng liệu rằng có thể nói về mặc khải hay đức tin dưới dạng các mệnh đề? Câu trả lời là có!

-          Thánh Tôma đưa ra câu trả lời thích đáng: các mệnh đề không phải là đối tượng của đức tin “vì hành động của người tin Chúa không chấm dứt trong mệnh đề (enuntiabtle) mà trong thực tế [được biểu thị bằng mệnh đề]; và chúng ta không hình thành mệnh đề ngoại trừ việc có kiến thức về mọi thứ thông qua chúng.

-          Do đó, mặc dù mệnh đề không phải là đối tượng thực sự của đức tin, nhưng đức tin có thể được gọi là mệnh đề vì nội dung của nó có thể được diễn đạt trong các mệnh đề.

Dầu vậy, chúng ta không được nhầm lẫn giữa các mệnh đề được đặt ra trong tín điều và tín điều với chính đức tin.

-          Các mệnh đề, không phải là đối tượng của đức tin, nhưng là những công cụ hữu ích và đôi khi cần thiết để đưa tâm trí tiếp xúc với các thực tại là đối tượng của đức tin.

Do đó, vì lợi ích của việc truyền thông có hiệu quả, đôi khi Giáo hội có thể phải thay đổi khái niệm và ngôn ngữ mà Giáo hội rao giảng về chân lý mặc khải của Thiên Chúa.

3.      Đức tin và niềm tin

Câu hỏi khó khăn: đâu là tương quan giữa những niềm tin cụ thể và mầu nhiệm đức tin?

Thần học gần đây có xu hướng phân biệt đức tin và niềm tin. Niềm tin là những diễn tả đức tin vốn phân biệt với đức tin; niềm tin có thể thay đổi nhưng đức tin bất biến (Roger Haight). Hay những niềm tin trung gian của đức tin, khái niệm hóa và chuyển thông đức tin; Niềm tin là những diễn tả về phía con người về mầu nhiệm Thiên Chúa; còn đức tin là hướng về chính Thiên Chúa. Niềm tin mang tính lịch sử và văn hóa, đa dạng, nhưng đức tin thì đơn nhất (Lane).

-          Những niềm tin như tín điều, là những công thức đức tin , vừa mang chiều kích văn hóa xã hội vốn là những đặc điểm con người chủ quan, nhưng chúng dựa trên mặc khải khách quan.

-          Những giáo huấn về tín điều của Giáo hội không phải điều gì đó là thuần túy chân lý thánh, cũng không đơn thuần là sản phẩm của con người. Chúng là những chân lý được mặc khải cách thiêng thiêng được phản ảnh qua tâm trí con người.

Do đó, sai lầm nếu tách biệt đức tin và niềm tin như thế đức tin là thánh thiêng còn niềm tin thuần con người. Đức tin chẳng bao giờ tồn tại mà không có nội dung hay đối tượng chất thể. Vì thế niềm tin đi theo đức tin. Cũng vậy, thật sai lầm khi cho rằng những niềm tin chỉ là những gì thuần túy về phía con người. Vì những niềm tin ấy cũng luôn đi kèm với tương quan cá vị tín thác, tôn kính và hướng đến Thiên Chúa.

4.      Đức tin có sai lầm?

Câu hỏi: liệu rằng việc đón nhận đức tin có thể đưa ra những mệnh đề (những niềm tin) không được mặc khải nhưng chỉ là những ý tưởng không? Hay nói cách khác, việc đón nhận đức tin có khi nào sai lầm không?

Đức tin như là nhân đức hoặc hành vi của nhân đức siêu nhiên luôn hướng đến chân lý mặc khải, vốn không bao giờ sai lầm. Nhưng những hành động đức tin chân chính đôi khi có thể đan xen với những ý kiến sai lầm của con người và những khái niệm còn thiếu sót. Do đó, có thể có những niềm tin bị nhầm lẫn hoặc mơ hồ trong việc đón nhận mặc khải trong đức tin.

5.      Về thuật từ "đức tin Giáo hội"

Khi Giáo hội với quyền tối cao của mình trong việc công bố Lời Chúa, thì giáo huấn của Giáo hội phải được chấp nhận nhờ thánh thần và đức tin Công giáo. Không một giáo huấn nào khác, dù là không thể sai lầm, được đức tin thiêng liêng chấp nhận, nếu không được long trọng công bố.

Tuy nhiên, khi quyền bất khả ngộ khi gắn với đối tượng thứ cấp của đức tin (những chân lý tự nhiên), thay vì gắn với đối tượng mô thể (chân lý mặc khải) của đức tin, khi ấy câu hỏi đặt ra là phải gọi tên sự đáp trả mà các tín hữu dành cho nó là gì?

Vì thiếu thuật ngữ, một vài thần học gia dùng “ecclesiastical faith", vốn không giống như ý nghĩa mà các giáo phụ đã dùng. “Đức tin Giáo hội,” như được dùng bởi các tác giả Kinh viện hiện đại này liên quan đến học thuyết "không được mặc khải". Đó không phải là niềm tin theo nghĩa thần học đầy đủ, và vì lý do này mà nhiều tác giả muốn tránh thuật ngữ này.

6.      Đức tin mang chiều kích giáo hội

Giáo hội là một trong những đối tượng chất thể của đức tin, Giáo hội là đối tượng đức tin theo nghĩa là dữ kiện đức tin (credere Deo): vì Thiên Chúa dạy mà ta tin. Giáo hội không phải là đối tượng của đức tin như Thiên Chúa (credere in Deum, Deum).

Thứ đến, giáo hội cũng là một chứng nhân của đức tin. Giáo hội với thẩm quyền để phân định điều đáng tin, tính chân thực của mặc khải, và có vai trò giảng dạy và truyền rao giáo thuyết mặc khải. Nhờ đó, sự mặc khải của kt giáo được lan truyền một cách đáng tin cậy trong và qua Giáo hội.

Và Giáo hội là một thân thể - kẻ tin. Các cá nhân dù mang những khác nhau về bối cảnh và lịch sử, sống và tham gia vào cùng 1 đức tin của Giáo hội. Giáo hội là môi trường đức tin: chính trong Giáo hội và nhờ Giáo hội mà ta lãnh nhận ơn đức tin từ Thiên Chúa. Giáo hội cung cấp những tham số/tham chiếu cho nội dung đt và cho diễn tả đức tin của từng người. Các cá nhân thừa hưởng và đón nhận đức tin từ giáo hội.

7.      Mặc Khải Tư

Cần có cái nhìn về mặc khải tư như thế nào?

Mặc khải tư (nhiều người dùng ngày nay), hay còn được gọi là mặc khải đặc biệt (CĐ Trent), hay mặc khải riêng (Particular) mà một số thần học gia sử dụng.

Mặc khải tư không có nghĩa là mặc khải cho 1 người, nhưng để phân biệt rõ ràng với những mặc khải thuộc về kho tàng đức tin. Chúng không đề xuất bất kỳ học thuyết mới nào, mặc dù có thể kêu gọi sự chú ý đến những vấn đề đã là một phần của giáo lý của Giáo hội và thậm chí có thể thúc giục Giáo hội xem xét liệu một số học thuyết có nằm trong mặc khải hay không. Cái chúng mang lại thiết yếu là tính thực hành.

Các nhà chức trách Giáo hội có trách nhiệm điều tra tính xác thực của các cuộc hiện ra được cho là, đặc biệt là khi chúng có những hậu quả mục vụ. Khi sự chấp thuận được đưa ra, nó thường có dạng tuyên bố phủ định rằng thông điệp không có gì chống lại đức tin và đạo đức Công giáo, và do đó các tín hữu được tự do tin vào nó.


[1] Cần phân biệt tư tưởng của một thần học gia với các mô hình ở đây. Một người có thể theo nhiều hơn 1 mô hình. Cũng như cần để ý đến cách tiếp cận và các vấn đề mà họ đang quan tâm.

Related Posts:

0 Comments:

Đăng nhận xét