Trong
năm đức tin 2013, qua tông sắc Porta Fidei, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã viết:
“điều cần thiết là phải duyệt lại lịch sử niềm tin của mình”. Hãy trình bày lịch
sử niềm tin đặc thù Kitô giáo qua các lạc thuyết và các công đồng đầu tiên
trong lịch sử giáo hội.
Tháng 2 năm 2021
Dẫn nhập
Đức Giêsu là Thiên Chúa
Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người
Đức Giêsu là Chúa và là người: 2 bản tính, 2 ý chí
Kết luận
Dẫn nhập
Phải nói rằng trọng tâm và đối tượng của niềm tin Công Giáo cốt
lõi là chính Đức Giêsu, Đấng đã sống và rao giảng vào cách đây hơn 20 thế kỷ. Đấng
đã chết nhưng được làm chứng và tin rằng đã sống lại. Người đã giảng dạy và mạc
khải nhiều điều thật mới mẻ và cao vượt, và có một sức hút đặc biệt từ Đức
Giêsu khiến nhiều người tin và đi theo Người trãi dài trong suôt dòng lịch sử.
Chắc hẳn rằng những diễn tả đức tin mà Giáo Hội phát biểu
hôm nay đã có một lịch sử tính và bề dày của nó. Đáp trả lời mời gọi của Đức
Thánh Cha Benedict XVI trong tông sắc Porta Fidei, bài viết này như một nỗ lực
riêng duyệt lại lịch sử niềm tin của mình, để hy vọng qua đó hiểu hơn về tông sắc
và tìm thấy những gợi hứng cho đời sống của mình.
Đức Giêsu là Thiên Chúa
Lúc khởi đầu, Giáo Hội bao gồm những người tin và bước theo
Đức Giêsu vốn phần lớn là những người gốc Do Thái,[1]
với lịch sử, văn hóa, và tôn giáo riêng. Niềm tin của họ vốn đã dần được thanh
luyện để chỉ tin vào một Thiên Chúa duy nhất – độc thần, và là một vị Thiên
Chúa siêu vượt chí thánh (Đnl 6,4; Nkm 9,6; Ette 4,17). Khi
gặp gỡ và đón nhận mặc khải của Đức Giêsu, Đấng mà họ cảm nhận được sự khôn
ngoan và uy quyền (Mc 1,27; Lc 4,32), Đấng đã chịu chết và đã sống lại, ắt
hẳn trong họ nỗi lên cuộc đấu tranh nội tâm đầu tiên khi tin rằng Đức Giêsu: một
con người cụ thể bằng xương bằng thịt lại là vị Thiên Chúa thật, một Thiên Chúa
uy quyền cao vượt. Họ cũng gặp những khó khăn để diễn đạt niềm tin ấy cho người
khác. Vì điều này không chỉ gây “khó nghe” và “khó tin” cho tất cả người Do
Thái nói chung nhưng còn cho chính những người Do Thái tin và đi theo Đức Giêsu
(Ga 6,60), vốn dễ có có khuynh hướng thích nghi niềm tin của mình với niềm tin Do
Thái Giáo đã có.
Cụ thể, các phái Ebionites, Dưỡng-Tử-Thuyết (Adoptianisme), và Ngộ-Đạo-Thuyết (Gnosticisme) vốn là những Kitô hữu gốc Do Thái, đã từ chối thần tính của Đức Giêsu, khi xem Người chỉ là một con người được chọn và ban ơn làm Đức Kitô, hay cho rằng sự kết hợp giữa ông Giêsu và Đức Kitô chỉ là tạm thời. Cũng vậy, Nhất-Chủ-Thuyết (Monarchianisme) hay Hình-Thái-Thuyết (Modalisme) vì triệt để bênh vực độc thần giáo đã không tin Ba Ngôi Thiên Chúa. Với bối cảnh ấy, trong lòng Giáo Hội đã xảy ra những tranh luận, mà đỉnh cao là cuộc tranh luận giữa Ariô và Alexandrô. Sau đó, để giải quyết tranh luận này, Công Đồng Nixê (325) đã kết án Ario (trường phái Antiokia) và tuyên tín rằng: “Đức Giêsu là Con Thiên Chúa duy nhất theo nghĩa chặt chẽ nhất, là Thiên Chúa thật, và đồng bản thể với Thiên Chúa Cha”. Niềm tin Đức Giêsu là Thiên Chúa chính là điều cơ bản nhất của Kitô giáo, và khi đó nó không còn là niềm tin độc thần theo nghĩa Do Thái Giáo nữa, mà là niềm tin một Thiên Chúa Duy Nhất với Ba Ngôi Vị. Ở đây có thể thấy rằng những tín hữu ban đầu đã gặp rất nhiều khó khăn để hiểu và diễn tả niềm tin này. [2]
Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người
Tiếp nối
dòng lịch sử suy tư thần học về mầu nhiệm Đức Giêsu trong lòng Giáo Hội, trường
phái Alexandria vốn xây dựng Kitô-học theo lược đồ ‘Logos-sarx’. Nhưng vì quá
nhấn mạnh vào thần tính của Đức Giêsu và vận dụng triết học Hy Lạp - kinh chê
thân xác, đã gây ra những hệ luận cực đoan. Đặc biệt, Apollinaire cho rằng “Ngôi
Lời đảm nhận một bản tính nhân loại không có linh hồn. Đức Kitô là Ngôi Lời thần
linh nhập thể, nghĩa là ở trong thân xác con người (Logos ensarkos: Verbe
Incarné). Ngôi Lời đóng vai trò linh hồn trong thân xác được sinh ra bởi Trinh
Nữ Maria.” Đức Giêsu không phải là con người thật hoàn toàn như con người. Tuy
nhiên, điều này đã bị nhiều người thuộc trường phái Antiokia
phản ứng. Sau đó, Công Đồng Constantinople I (381-382) đã lên án lạc giáo của
Apollinaire và tuyên tín rằng: “Ngôi Lời Thiên Chúa trọn hảo từ muôn thuở, đã
trở thành con người cách trọn vẹn vào thời sau cùng để cứu độ chúng ta”. Có thể
thấy rằng, khởi đi từ mặc khải Thánh Kinh và từ chính kinh nghiệm nội tâm của
mình, ắt hẳn những tín hữu cũng tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa nhưng cũng là
một con người thật hoàn toàn, cũng sống kiếp người, chịu đau khổ, chịu chết, để
đụng chạm chính thân phận của họ để rồi cứu độ họ.[3]
Đức Giêsu là Chúa và là người: 2 bản tính, 2 ý chí
Tuy nhiên, ngay cả khi đã tuyên tín rằng Đức Giêsu là Thiên
Chúa (Nixê - 325) và Đức Giêsu là người thật (Constantinople I - 381), việc suy
tư và hiểu về niềm tin ấy vẫn còn gặp nhiều khó khăn và kéo theo nhiều tranh luận
sau đó. Vì hiểu rằng Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người nghĩa là như thế
nào?
Trường phái Antiokia, đặc biệt là Nestoriô, với lược đồ suy
tư về mầu nhiệm Đức Giêsu “Logos-anthropos”, có nguy cơ hiểu về Đức Giêsu không
còn duy nhất nữa. Chính vì thế, Công Đồng Êphêsô (431) được triệu tập và tuyên
tín rằng, nơi Đức Kitô chỉ có một chủ thể duy nhất, một Ngôi Vị, có sự hiệp nhất của hai
bản tính nguyên vẹn và trọn hảo, và do đó công bố tước hiệu “Đức Maria là Mẹ
Thiên Chúa”. Đức Giêsu đã được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria theo nhân tính, đồng
bản thể với Chúa Cha theo thần tính, đồng bản thể với chúng ta theo nhân tính.
Dầu vậy, các thành ngữ được dùng trong tín biểu của Công Đồng
Êphêsô đều mang màu sắc “Nhất-Tính-Thuyết”, gây ra những hệ luận cực đoan nên cần
được làm sáng tỏ. Do đó Công Đồng Chalcédoine I (451) được triệu tập để làm
sáng tỏ sự duy nhất và sự phân biệt trong mầu nhiệm Đức Kitô.[4] Bên cạnh
đó, Công Đồng này còn kết án phái “Ảo-Thân-Thuyết” (Docétisme), vốn xuất hiện
vào giữa thế kỷ II. Trường phái này không chấp nhận nhân tính đích thực của Đức
Giêsu. Họ cho rằng thân xác của Ngài là ảo. Trường phái này gián tiếp bị lên án
ở Công Đồng Nixê nhưng mãi cho đến đây mới bị kết án cách rõ ràng.[5]
Trong dòng lịch sử tiếp theo, những tranh luận về mầu nhiệm Đức
Giêsu vẫn cứ tiếp diễn, và các Công Đồng được triệu tập để phân định. Công Đồng
Constantinople II (553) đã giải thích lại Chalcédoine và kết án Nhất-Tính-Thuyết
lần nữa. Công Đồng Constantinople III (680-681)
kết án “Nhất-Ý-Thuyết” vì tin rằng Đức Giêsu có hai bản tính nên có hai ý chí.
Lời kết
Nhìn lại để thấy rằng, niềm tin mà tôi được thừa hưởng giờ
đây đã có một lịch sử tính đậm đặc, chất chứa biết bao nhiêu ơn soi sáng với nỗ
lực đón nhận của tiền nhân. Niềm tin ấy không rõ ràng và sẵn có ngay từ đầu
nhưng có được nhờ đã trãi qua những bước đi mò mẩm và dằn sóc, thấm đẩm những yếu
tố văn hóa, triết lý, ngôn ngữ trong dòng chảy của lịch sử. Tuy nhiên, tất cả những
phát biểu đức tin ấy đều là để diễn tả một kinh nghiệm cốt lõi, là tin vào Đức
Giêsu, tin rằng Ngài là Thiên Chúa đã nhập thể làm người, là ánh sáng và niềm hy
vọng cho con người.
Ngày nay có nhiều dấu hiệu cho thấy
có một lối nhìn thế giới trong lăng kính kỷ thuật và duy vật thuần túy, sự hiệp
nhất giữa đức tin và cuộc sống không còn hiện diện nhiều nơi, có "một cuộc khủng hoảng sâu sắc của đức
tin”.[6] Điều này lý giải một phần tại
sao trong tông sắc Porta Fidei Đức Benedict XVI lại khuyên: “thật cần thiết để
duyệt lại lịch sử niềm tin của mình”. Vì hành trình đức tin vào Đức Giêsu (là
Thiên Chúa làm người) của Giáo Hội cũng chính là hành trình kinh nghiệm đức tin
của mỗi người; nhiều khi cũng lắm chông gai và “khủng hoảng”. Nhưng chính khi biết
nhìn lại dòng lịch sử ấy, và từ chính kinh nghiệm riêng với những vấn đề cuộc sống
của mình, cá nhân sẽ tự cảm nghiệm và thấy được những điều huyền nhiệm, thấy được
“ánh sáng” từ những mạc khải đức tin mình có, cảm nếm được sự tròn đầy và bình
an nhờ khi sống giá trị của đức tin ấy, cũng như vượt qua được những thách đố
và cản trở của thời đại, của ngôn ngữ và khung cảnh lịch sử mình đang sống. Và khi
đó hy vọng cá nhân sẽ biết nhìn Giáo Hội và những phát biểu đức tin vừa là một
thực tại khả tri, tỏ lộ và giới hạn, nhưng cũng còn là một thực tại giấu ẩn huyền
nhiệm và thánh thiêng nữa. Niềm tin vào Đức Giêsu ắt hẳn là một hành trình khởi
đi hay gắn chặt với lịch sử, cũng như gắn chặt với cuộc sống và những kinh nghiệm
hiện sinh mà mỗi người đã đang và sẽ trãi qua trong lịch sử riêng của mình.
[1]
LM. Augustinô Nguyễn Văn Trinh , Lịch Sử
Giáo Hội, Quyển 1, ĐCV Thánh Giuse, 1994, 130-131.
[2]
ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Lịch Sử Tín Điều
Chúa Kitô, Bản điện tử, http://www.simonhoadalat.com/hochoi/THANHOC/LSTinDieuChuaKyto.htm
[3]
ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Ibid.
[4]
ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Ibid.
[5]
https://www.episcopalchurch.org/glossary/docetism/
Thánh Gioan cũng đã lên án điều này
(2 Ga 1,7).
[6]
Đức Thánh Cha Benedict XVI, Tông sắc Porta
Fidei, số 2.
0 Comments:
Đăng nhận xét