Origen và Kinh Thánh - Công cuộc hộ giáo và Phương pháp chú giải

Câu hỏi được được đặt ra là điều gì đã khiến Origen gắn bó cuộc đời mình với Kinh Thánh như vậy, và rồi ngài đã diễn tả kinh nghiệm của ngài về Kinh Thánh như thế nào, và "chúng có giúp gì cho người tín hữu ngày hôm nay không?

......

Dẫn nhập

Henri de Lubac đặc biệt xem Origen là ông tổ của khoa chú giải Công Giáo truyền thống.[1] Còn Johannes Quasten nhận định Origen là nhà chú giải Kinh Thánh mang tính khoa học đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo.[2] Do đó, ắt hẳn ngài đã có những đóng góp rất quan trọng trọng chủ đề này. Thật vậy, có thể nói rằng Kinh Thánh là trung tâm của đời sống và tư tưởng của Origen, là cốt lõi của những tác phẩm của ngài. Cả cuộc đời mình, Origen đã dành trọn cho Kinh Thánh và chỉ một mình Kinh Thánh.[3]

Câu hỏi được được đặt ra là điều gì đã khiến Origen gắn bó cuộc đời mình với Kinh Thánh như vậy, và rồi ngài đã diễn tả kinh nghiệm của ngài về Kinh Thánh như thế nào, và "chúng có giúp gì cho người tín hữu ngày hôm nay không?

Trong giới hạn khảo cứu, bài viết thử trả lời cho những câu hỏi trên, mà trước hết là tìm hiểu bối cảnh Origen tương quan với Kinh Thánh, thứ đến chỉ ra những nguyên lý nền tảng và phương pháp chú giải của ngài, và cuối cùng gợi ra một vài phản tỉnh áp dụng.

I. Bối cảnh: Origen và cái duyên với Kinh Thánh

Việc Origen bén duyên và sống dấn thân cho Kinh Thánh hẳn là do chịu ảnh hưởng từ bối cảnh xã hội, giáo hội, văn hóa, và nền giáo dục trong gia đình.

1. Tuổi thơ và trường giáo lý

Origen lớn lên trong môi trường giáo dục được hướng dẫn trực tiếp bởi người cha, nhờ đó ngài đã tiếp xúc với Kinh Thánh ngay từ thuở nhỏ. Cha của ngài là Leonides đã dạy bảo và bắt ngài phải học thuộc lòng, nhắc lại, cũng như phải tìm ý nghĩa của nhiều đoạn Kinh Thánh.[4] Tuy nhiên, trong khi cha chỉ dạy bảo ngài về những nghĩa đen và rõ ràng của bản văn, thì Origen lại thường xuyên đặt câu hỏi về ý nghĩa 'đằng sau' nghĩa văn tự.[5]

Tiếp đến, Origen theo học trong trường giáo lý của Clement.[6] Về sau, khi Clement qua đời, Origen chịu trách nhiệm về trường giáo lý này. Với vai trò là người thầy, Origen tổ chức cho học trò học các môn học khác để giúp chú giải Kinh Thánh. Cụ thể khi viết thư cho một học trò của mình là Gregory, ngài thúc dục anh ta học triết học, hình học, thiên văn học… "như những gì giúp ích cho việc giải thích Kinh Thánh"; nhưng trên hết Origen khuyên anh rằng hãy "dấn thân trước hết cho việc đọc Kinh Thánh" (EpistGreg 1,4).

2. Thuộc trường phái Alexandria và chịu ảnh hưởng của triết học Hy lạp

Xuất thân trong bối cảnh thế kỷ thứ II ở trường phái Alexandria, việc học triết được quan tâm cách cẩn trọng trong trường học và trong tư tưởng của Origen. Ngài đã tiếp thu các tư tưởng triết học Hy Lạp và vận dụng cho việc dạy học của mình, để giúp học trò cách đặt vấn đề và suy tư.[7]

Origen chịu ảnh hưởng của triết Tân Plato về vũ trụ luận, tạo dựng, và về con người. Phần lớn các tham chiếu rõ ràng của ngài về Plato được tìm thấy trong tác phẩm Against Celsus. Ngài kết hợp học thuyết của mình về Logos với Chúa Giêsu Nhập Thể trong Tin mừng. Chúa Con là tác nhân của công trình sáng tạo (DePrinc 1,2,6); Chúa Con hay Logos như là hình mẫu và nguồn gốc của tất cả các logikai (hữu thể có lý trí), vốn là những hữu thể thực hiện lý trí chỉ bằng cách tham dự vào Logos.[8]

Với việc hấp thụ triết Platô vốn ảnh hưởng lên bối cảnh chung trong trường phái Alexandria, Origen quan niệm con người là tinh thần vốn rời xa khỏi (fell away from) Thiên Chúa trong thế giới trước đó, hiện tại đang kết hợp với thể xác vật chất.[9] Con người với ý chí tự do nên có khả năng rời xa Thiên Chúa và hướng về sự dữ mỗi khi muốn (DePrinc 2,8,3). Nhưng con người vốn là hữu thể lý trí, nên luôn được mời gọi để trở lại với hình ảnh và trở nên giống Thiên Chúa (St 1,26), Đấng đã tạo ra mình (DePrinc 4,4,9). Thuật ngữ Origen miêu tả về sự phục hồi này là apokatastasis.[10]

Cũng vậy, chính trong môi trường thấm đẫm tư tưởng siêu hình học Tân Plato này, Origen kế thừa truyền thống chú giải phúng dụ (Allegory) về Kinh Thánh. Phương pháp này được các triết gia Hy Lạp dùng một thời gian dài để hiểu về những câu chuyện thần thoại và và về các thần như trong tác phẩm Homer and Hesiod. Nhưng hơn hết, ông Philo thành Alexandria đã đưa phương pháp phúng dụ này thành hệ thống khi giải thích Kinh Thánh.[11]

3. Công cuộc hộ giáo và nhu cầu cần chú giải Kinh Thánh

Chính trong bối cảnh gia đình, xã hội, cũng như sống trong bối cảnh Giáo Hội đang đối diện với những bách hại, Origen đã lo lắng và quan tâm đến những vấn đề của thời đại, mà cụ thể là vấn đề ý nghĩa của Cựu Ước trong niềm tin Kitô giáo. Có một xu hướng của phái Ngộ Đạo xem Cựu Ước không liên quan hoặc tệ hơn là sản phẩm của một vị thần ác độc (Demiurge) muốn hủy diệt con cái ánh sáng (người tin theo Đức Giêsu). Do đó họ cho rằng vị thần đó không phải là vị Thiên Chúa hoàn hảo, Cựu Ước và Tân Ước không tương thích với nhau.[12] Do đó, việc giải thích Kinh Thánh của Origen được hiểu như một lập luận chống lại Ngộ Đạo vốn đang lan tràn rộng rãi (ComJohn 13).

Bên cạnh đó, Origen còn đương đầu với một bộ phận người tín hữu gốc Do Thái, vốn gắn chặt vào nghĩa văn tự, vì họ tin rằng những tất cả lời tiên tri trong sách Cựu Ước phải được ứng nghiệm, mà vì Chúa Giêsu không hoàn thành được hết, nên Chúa Giêsu không phải là Đấng Mê-si-a.[13] So sánh với quan điểm của phái Ngộ Đạo ở trên, ở đây Origen cũng chống lại quan điểm này vì cả hai chúng đều chỉ hiểu Cựu Ước theo nghĩa 'bản văn'.

Tóm lại, bối cảnh gia đình, trường học, và Giáo Hội đã như là một lời mời gọi và thúc đẩy Origen bén duyên với Kinh Thánh. Là một tín hữu nhiệt thành khi dạy dỗ dự tòng, suy tư trình bày để chống lại những quan điểm sai trái, cũng như nghiền ngẫm để hiểu và sống kết hợp với Kinh Thánh trong đời sống nội tâm của mình, từ đó ngài đưa ra những nguyên lý nền tảng để hiểu và giải thích Kinh Thánh như sẽ được trình bày trong phần tiếp theo đây.

II. Origen đưa ra một vài nguyên lý nền tảng để hiểu và giải nghĩa Kinh Thánh

1. Kinh Thánh là bản văn thánh với ý nghĩa được ẩn giấu

Tiếp cận của Origen với Kinh Thánh dựa trên những nguyên lý nền tảng mà điều đầu tiên và quan trọng nhất là: bản văn Kinh Thánh là "bản văn thánh" (theion grammaton) (DePrinc 4,1,2-3), đó không phải là sản phẩm của con người (anthropon syngrammata),[14] đã được tạo thành như là kết quả của sự linh ứng của Chúa Thánh Thần bởi ý muốn của Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô (DePrinc 4,2,2). Origen nói rằng Chúa Thánh Thần đã soi dẫn tất cả các tác giả của Kinh Thánh, dù là Mô-sê hay các tông đồ, và Ngài mới là tác giả thực sự (DePrinc 1, Preface, 4; 1,3,1; 4,2,7; 4,3,14; ContraCel 3,3; 5,60; ComMatthew 14,4; HomGen 7,1; HomEx 2,1; HomNum 1,1; 2,1; HomJos 8,6). Do đó, tất cả những gì được viết trong Kinh Thánh đều là lời của cùng một Thiên Chúa (HomEz 1,4). Chân lý này ắt hẳn đã được Giáo Hội tuyên tín lại khi nói rằng "Kinh Thánh là một tổng thể thống nhất, bởi vì tất cả các sách, 'với tất cả các phần của chúng' (Dei Verbum, 11) đều là những bản văn được linh hứng, vì Thiên Chúa là 'tác giả'".[15]

Tuy nhiên khi linh hứng trong Kinh Thánh, Chúa Thánh Thần vừa đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của người đọc vừa che đậy đi ý nghĩa thiêng liêng đối với những ai thiếu thái độ xứng hợp khi tìm hiểu Kinh Thánh.[16] Origen hiểu rằng các sách thánh có mục đích giải bày và truyền bá những mầu nhiệm thánh, vốn là sự khôn ngoan và chân lý ẩn giấu, và đó mới "là chiều kích quan trọng nhất của Kinh Thánh, là ý nghĩa thiêng liêng (đích thực) của văn bản (HomLev 5,5).[17] Chỉ những ai chú tâm tìm kiếm và dấn thân vào mầu nhiệm mới hiểu được chân lý (DePrinc 4,2,7). Khi giải thích Tin mừng Matthêu, Origen đã dùng hình ảnh phân biệt giữa đám đông và người môn đệ để mô tả điều này (ComMatthew 1,7-11). Mặt khác, Kinh Thánh mang ý nghĩa mầu nhiệm và dấu kín là vì việc giải thích Kinh Thánh chính là việc đón nhận Logos vốn là mầu nhiệm (DePrinc 1, Preface, 8; 4,2,2).[18] Do đó có thể thấy rằng Origen đã chịu ảnh hưởng của nền triết Hy Lạp và diễn tả kinh nghiệm riêng của Ngài khi nói đến một ý nghĩa sâu hơn, nghĩa ẩn dấu của bản văn Kinh Thánh.[19]

2. Đức Kitô: nối kết giữa Cựu Ước và Tân Ước

Câu hỏi về tầm quan trọng và ý nghĩa của Cựu Ước luôn được quan tâm trong thời của Origen. Trước hết như đã nói ở trên, Origen lập luận để cho thấy tất cả Kinh Thánh đều được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần, do đó cả Cựu Ước và Tân Ước đều là lời hằng sống của Chúa Giêsu KiTô, Đấng là Ngôi Lời (Logos) của Thiên Chúa, là Thiên Chúa Nhập Thể.[20] Với Origen, tất cả trong Kinh Thánh đều quý giá, và thậm chí không có một dấu nhỏ nhất nào là không có giá trị (ComMatthew 16,12).

Nói cách khác, Kinh Thánh Cựu Ước không chỉ có nghĩa đen nhưng còn có nghĩa thiêng liêng. Các sách Luật (Cựu Ước) có ý nghĩa thiêng liêng nhưng không phải ai cũng biết, nhưng chỉ những ai đã nhận được ân sủng từ Chúa Thánh Thần mới có thể biết (DePrinc 1, Preface).[21] Origen xem sách Luật như là sự chuẩn bị cho Tin mừng (Tân ước) xảy đến. Những điều được viết trong Sách Luật và các Lời Ngôn Sứ được hiểu như là hình ảnh biểu trưng của những điều sắp xảy ra, và được hiểu cách tròn đầy khi quy hướng vào Đức Kitô. Mặc dù Cựu Ước chứa đựng những biểu tượng của chân lý cao hơn như vậy, nhưng chỉ được hiểu cho đến khi Chúa Giê-su xuất hiện, chính Người đã giải thích ý nghĩa thực sự của Luật Do Thái. (ComJohn 1,6). Ở đây, Giáo Hội cũng khẳng định rằng "Thiên Chúa Ðấng linh ứng và là tác giả các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước, đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước (Dei Verbum, 16).

Do đó, Đức Kitô là nguyên lý làm nên sự hợp nhất của Cựu Ước và Tân Ước (ComMatthew 17,12); [22] mầu nhiệm Đức Kitô thấm đẫm trong Kinh Thánh ở những độ sâu khác nhau. Toàn bộ Kinh Thánh là lời của Đấng Kitô, và Đấng Kitô là chìa khóa để hiểu tất cả. Bởi "Lời của Đấng Kitô", không chỉ là lời đã dạy dỗ các tông đồ sau khi nhập thể, mà còn là lời của Môsê và các ngôn sứ, những người được đầy dẫy thần khí của Đấng Kitô. Vì chính Ngôi Lời của Thiên Chúa có trong Kinh Thánh trước khi nhập thể như Ngôi Lời nhập thể. (DePrinc 1, Preface, 1; HomIs 1,5).

Nhờ đó, Oriegen đã lên án những tư tưởng sai lạc cùng thời của ngài. Chống lại quan điểm của người Do Thái và nhóm Kitô hữu gốc Do Thái, Origen cho rằng những lời tiên tri không được ứng nghiệm theo nghĩa đen nhưng theo nghĩa thiêng liêng.[23] Cũng vậy, Origen đáp trả lại quan điểm của các nhà Ngộ Đạo và chỉ ra rằng họ đã sai lầm khi từ chối ý nghĩa của Sách Luật và thách thức tính nối kết giữa Cựu Ước và Tân Ước. Origen chỉ cho thấy vì họ đã không chịu giải thích Cựu Ước theo nghĩa thiêng liêng.[24] 

3. Kinh Thánh là nguồn chân lý hướng đến sự hoàn thiện

Một vài học giả trước đây cho rằng Origen đã đặt triết học ở vị trí quan trọng, và đã tham chiếu đến Kinh Thánh như để xây dựng triết thuyết riêng của mình. Ví dụ, Eugene de Faye xem "Origen không phải là một thần học gia hay nhà chú giải nhưng đúng hơn là triết gia, đã dùng Kinh Thánh cho mục đích hỗ trợ cho triết Plato của ông."[25] Ắt hẳn Origen phải xem Kinh Thánh là điều gì đó rất quan trọng, vì ngài đã đặt nó là trung tâm của cả công việc, tưởng, và toàn bộ cuộc đời của ngài.[26] Nhưng thật ra, dù khi so sánh với Clement, Origen không xem triết Hy Lạp có một vị trí cao; ngài dạy triết như là môn dẫn nhập vào nghiên cứu Kinh Thánh. Với Origen, Kinh Thánh mới là nguồn của Chân Lý Thánh, nơi ngài đã tìm thấy sự dạy dỗ về Chân lý Tuyệt Đối (HomJer 1,7).[27] Với Origen, không có cách nào khác để hiểu biết về Thiên Chúa hơn là từ Kinh Thánh.[28]

Hơn nữa, Kinh Thánh là chân lý cao cả nhất vì nhờ chân lý này mà con người được nên hoàn thiện. Mục đích thiêng liêng của Kinh Thánh là để hướng dẫn con người đến "sự cứu rỗi" (DePrinc 4,2,7). Con người vốn là những linh hồn bất tử được tạo dựng bởi Logos, và hằng chiêm ngắm Thiên Chúa. Dù nay đã rời xuống khỏi Thiên Chúa nhưng luôn được mợi gọi để trở về. Để được như vậy, linh hồn phải biết rằng mình được tạo ra theo hình ảnh của Chúa và được mời gọi để phục hồi về trạng thái ban đầu ấy, khi ấy linh hồn phải nhận biết Thiên Chúa và sự sáng tạo của Ngài và được kết hợp với Đức Kitô (ComCant 2,5; HomNum 27,5-13).[29]

Ở nơi khác, Origen còn quan niệm Kinh Thánh như lương thực nuôi sống, là thức ăn cho linh hồn. Các tín hữu phải rút ra sự nuôi dưỡng từ thánh thư, trong đó Đức Kitô “lấy thân mình và nói bằng giọng nói của Người” để lôi kéo chúng ta đến với những mầu nhiệm vô hình (ContraCel 4,15; OnPrayer 27,10-14). Do vậy, Kinh Thánh như là tấm bánh hàng ngày mà các kitô hữu ăn (DePrinc 1,1,9). Toàn bộ Kinh Thánh có ảnh hưởng đến sự sống của linh hồn và mối quan hệ của nó với Đức Kitô.[30] Nhờ Kinh Thánh con người mới nhận biết được Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô (ComJohn 1,9), mà sự hiểu biết thuộc linh đó là để trở nên một với Người. (DePrinc 1,4).[31]

Có thể nói, toàn bộ cuộc gặp gỡ và suy tư, đọc và cầu nguyện, nỗ lực chống lại những học thuyết sai lạc, và cả kinh sống gắn kết với Kinh Thánh đã giúp Origen hiểu và tin vào Kinh Thánh để rồi diễn tả ra thành những nguyên lý nền tảng như trên. Mặt khác, để hiểu hơn những 'tầng' ý nghĩa của Kinh Thánh chúng ta vừa nói, phần tiếp sau đây sẽ cho thấy Origen đã cụ thể hóa những nguyên lý nền tảng này khi đưa ra những chỉ dẫn giúp hiểu và giải nghĩa Kinh Thánh trong phần tiếp theo đây.

III. Origen và phương pháp chú giải Kinh Thánh

1. Trở về nguồn và so sánh các bản văn

Ắt hẳn, một vấn đề căn bản khi khảo cứu Kinh Thánh là việc xác định đâu là bản văn đúng, vì có nhiều bản dịch khác nhau. Chịu ảnh hưởng từ những kitô hữu gốc Do Thái ở vùng Alexandria, phương pháp cơ bản của Origen là quay trở lại văn bản gốc.[32] Để hiểu một đoạn văn không rõ ràng của một tác giả, một người cần tìm kiếm trong các đoạn văn khác nơi các tác phẩm của cùng một tác giả ấy, nơi nói về cùng một chủ đề hoặc sử dụng cùng một từ vựng (ComMatthew 1,14 -16).[33] Ngài có viết rằng:

Khi tôi tìm thấy một đoạn văn không phải bằng tiếng Do Thái, tôi đã đánh dấu đoạn văn đó bằng một cột tháp, vì tôi không dám bỏ qua hoàn toàn. Trong các trường hợp khác, tôi đánh dấu hoa thị để chứng tỏ rằng đoạn văn không có trong bản Bảy mươi mà là trong văn bản tiếng Do Thái và đã được thêm vào từ các bản tiếng Hy Lạp khác” (ComMatthew 15,14).

Hơn nữa, không chỉ so sánh trong cùng một tác phẩm như cách Philo và các Rabbi hay làm khi chú giải Cựu Ước, Origen mở rộng so sánh ra toàn bộ Kinh Thánh vì tin rằng tác giả của tất cả là Chúa Thánh Thần.[34] Ví dụ, khi giải thích Diễm Ca chương 2 câu 9, Origen đã tập hợp tất cả các tham chiếu về những con vật này mà ngài có thể tìm thấy trong các sách thánh khác (ComCant 3).

Với Origen, bản văn Kinh Thánh được chấp nhận là bản Bảy Mươi (Septuagint). Nhưng Origen thấy bản này bị sai lạc ở một vài điểm, nên đã so sánh và đối chiếu với bản Do Thái và với những bản dịch Hy lạp khác để chỉnh sửa lại. Ngài đã đi học tiếng Do Thái. Ngài đã sưu tập các bản dịch Hy Lạp khác và đặt đối chiếu tất cả vào trong một cuốn sách, với tên gọi là Hexapla, vốn được cho là tác phẩm phê bình đầu tiên từng được thực hiện dựa trên bản văn Cựu Ước.[35]

Hơn nữa, Origen quan niệm rằng triết học ngôn ngữ: định nghĩa từ vựng, giải quyết các từ đồng âm hay mơ hồ, phân biệt nghĩa đen và biểu trưng, vấn đề dấu câu, những nguyên lý ngôn ngữ (τὰ λογικá)… là thật cần thiết để tránh những sai lầm khi học hiểu Kinh Thánh. Hẳn vậy khi Origen cũng vận dụng môn ngữ văn học và khảo cổ như các nhà Rabbi.[36] Cũng với ý nghĩa này mà Thông Điệp Providentissimus Deus đã "tha thiết mời gọi các nhà chú giải công giáo lo cho mình có một khả năng thực sự chuyên môn về khoa học, … nghiên cứu các ngôn ngữ cổ của Đông phương và thực hành việc phê bình có khoa học.[37]

2. Ba ý nghĩa của Kinh Thánh gắn với sự trưởng thành

Với những nguyên lý được đề cập ở trên: Kinh Thánh là bản văn thánh, có ý nghĩa ẩn dấu, được nối kết và quy hướng về Đức Kitô Ngôi Lời của Thiên Chúa, là nguồn chân lý thánh…, tất cả đã được Origen gói gọn và diễn tả một lần nữa khi ngài nói về các ý nghĩa của Kinh Thánh.

Thực ra, quan điểm cho rằng có nhiều ý nghĩa khác nhau trong Kinh Thánh đã tồn tại trong truyền thống Giáo Hội trước đó,[38] nhưng Origen đã vừa kế thừa từ truyền thống ấy vừa đóng góp thêm vào với những yếu tố riêng. Có thể nói Origen đã lấy lại ngôn ngữ của thánh Phaolô khi mô tả về con người gồm ba phần (1 Th 5, 23) để rồi nói về ba ý nghĩa của Kinh Thánh trong cuốn thứ ba trong tác phẩm De Principiis của ngài như sau: "Cũng như con người bao gồm thân xác, tâm hồn, và thần trí như thế nào, thì Kinh Thánh cũng có ba phần như vậy" (DePrinc 4,2,4).

2.1. Nghĩa thân xác (văn tự / lịch sử - somatic)

Nghĩa đầu tiên của Kinh Thánh là nghĩa thân xác hay nghĩa văn tự, có được do việc đọc dựa vào bản văn chứ không do chú giải nghĩa phúng dụ nào đó, và nghĩa này trực tiếp giúp người nghe hướng đến sự hoàn thiện và ơn cứu độ. Origen xem thuật từ "xác" (soma, Latin: corpus) ở đây mang ý nghĩa phân biệt với hai phần kia của con người là tâm hồn và thần trí. Khi ấy, nghĩa văn tự của Kinh Thánh được hiểu là cái bao bọc bề ngoài của tất cả những ý nghĩa không minh nhiên, nghĩa tâm hồn và nghĩa thần khí.[39]

Origen quan niệm rằng không phải tất cả bản văn Kinh Thánh đều có nghĩa văn tự. Vì ngài nói "khi việc đọc trực tiếp Kinh Thánh dựa vào 'bản văn' không giúp khai sáng cho người nghe, thì nó không có nghĩa văn tự" (DePrinc 4,2,9). Tuy nhiên, Origen không chối bỏ nghĩa văn tự. Vì Origen tin rằng nhiều trình thuật Kinh thánh mang ý nghĩa văn tự, vốn chứa đựng nhiều bài học hiển nhiên và có giá trị cho việc hướng dẫn đức tin; đó là những bài học đức tin hay các giới răn vốn chứa đựng nhiều mệnh lệnh quan trọng cần phải tuân theo.[40] Như Drobner nhận định:

Mặc dù Origen được thừa nhận là bậc thầy về truyện phúng dụ, ông cũng bắt đầu chú giải Kinh Thánh với nghĩa văn tự của văn bản, mà ông đã thiết lập trên cơ sở phê bình ngữ văn. Chính vì mục đích này mà ông đã biên soạn một bản tóm tắt của sáu phiên bản Cựu Ước trong tác phẩm Hexapla.[41]

Với Origen, việc giải thích Kinh Thánh theo nghĩa văn tự vốn phù hợp cho người giản đơn.[42] Ngài cho rằng khi người nghe chưa sẵn sàng để nắm bắt những ý nghĩa khác cao hơn, nghĩa thiêng liêng, thì nghĩa văn tự vẫn có ích lợi cho họ. Ví dụ, khi để mọi người ý thức cần hiểu ý nghĩa văn tự của Kinh Thánh trước khi có thể hiểu nghĩa thiêng liêng, Origen đã chú giải đoạn Kinh Thánh nói về giếng Gia-cóp rằng mỗi người cần uống ước giếng trước rồi mới có thể uống thứ nước mới Chúa Giêsu mang đến, nghĩa là cần hiểu nghĩa văn tự rồi mới có thể hiểu nghĩa thiêng liêng (ComJohn 13,37-58; 13,61). Nhờ đó Origen bảo vệ được ý nghĩa văn tự của bản văn trước sự tấn công của các nhà ngộ đạo Heracleon và Celsus.[43]

Hơn nữa, Origen cho rằng mặc dù Chúa Thánh Thần đã bao hàm ý nghĩa văn tự trong hầu hết các đoạn Kinh Thánh, nhưng đôi khi nó không xuất hiện, để nhờ đó nó thúc đẩy người nghe tìm kiếm những ý nghĩa sâu xa hơn.[44] Vì thế, Origen đã lưu ý rằng lỗi phổ biến nhất là nhiều người hiểu nhầm và cho rằng mình đã hiểu văn bản Kinh Thánh, nhưng họ chỉ hiểu theo nghĩa văn tự thay vì tìm cần tìm hiểu ý nghĩa thiêng liêng (hai nghĩa tiếp theo).[45]

2.2. Nghĩa tâm hồn (luân lý - psychic)

Như đã nói ở trên, bên dưới sự che phủ của nghĩa văn tự, Kinh Thánh còn có hai ý nghĩa khác, là nghĩa tâm hồn và nghĩa thần trí. Tuy nhiên, Origen ít khi đề cập đến nghĩa tâm hồn trong những chú giải của ngài. Do đó, ý nghĩa thứ hai này khá mơ hồ đối với các học giả. Khiến Lubac cũng cho rằng Origen không nhất quán vì thường bỏ qua nghĩa thứ hai khi chú giải. Ông cho rằng trong thực hành chỉ còn sự phân biệt giữa hai nghĩa "văn tự và thiêng liêng".[46] Cũng vậy, nhiều học giả khác cảm thấy thật khó hiểu nghĩa tâm hồn mà Origen nói ở đây, và tại sao ngài ít đề cập đến khi chú giải, nên họ thường hiểu Origen chỉ phân biệt giữa hai nghĩa văn tựphúng dụ.[47] Bên cạnh đó, có tác giả cho rằng sở dĩ Origen ít bàn đến nghĩa tâm hồn thay vì chỉ tập trung nhiều để giải thích nghĩa thứ ba (nghĩa thần trí) là vì những thầy dạy (presbyters) thời ấy cảm thấy dị ứng với cách đọc 'thần hóa' (pneumatic reading), do nhóm Ngộ Đạo đã dùng cách vô tội vạ để hỗ trợ cho giáo lý sai lầm của họ.[48]

 Thật vậy, Origen không cứng nhắc với lược đồ ba ý nghĩa,[49] và đôi khi ngài dựa trên một lược đồ khác về hai yếu tố cơ bản cấu tạo con người là thể xác và tinh thần (corps et esprit), để phân biệt hai nghĩa được dùng trong Kinh Thánh: nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng, rồi nghĩa thiêng liêng lại được chia thành nghĩa ẩn dụ, luân lý và thần bí (x. Giáo Lý HTCG, 115). Vì mục đích Origen muốn giúp cho đức tin của những giáo dân đơn sơ khỏi phải chấp nhận tất cả chi tiết mâu thuẫn của Kinh Thánh theo nghĩa nguyên văn, bằng cách đọc thấy ý nghĩa thiêng liêng của nó. (x. 2 Cr 3,6).[50]

Tuy nhiên, rút cuộc theo quan điểm của Origen, nghĩa tâm hồn là gì? Quay trở lại với cái nhìn về con người, Origen mô tả trước nhất, thần trí trong con người trực tiếp đến từ Thiên Chúa, còn thân xác là hoàn toàn vật chất và bao bọc lấy tâm hồn và thần trí. Thứ hai, tâm hồn lại bao gồm hai phần: lý trí (mind/nous) và phi lý trí (flesh/sarx). Do đó trong con người luôn có một giằng co giữa cả hai, vì lý trí hướng về thần trí, còn phi lý trí hướng về thân xác. Vì thế, Origen còn định nghĩa tâm hồn là nơi của ý chí, là nơi của những chọn lựa.

Do đó, nếu tâm hồn, với lý trí và ý chí, chỉ dừng lại ở khả năng suy nghĩ và lựa chọn tự mình thì thần trí là hạn từ diễn tả việc con người thông dự vào mầu nhiệm Thiên Chúa qua sự lựa chọn điều lành của ý chí tự do.[51]

Khi ấy, nghĩa tâm hồn của Kinh Thánh là những gì dạy chúng ta cần phải làm phải sống như thế nào theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Origen đưa ra một ví dụ về việc đọc ý nghĩa tâm hồn bằng cách trích dẫn cách ứng xử của Phao-lô đối với luật Cựu Ước. Cách đọc vượt trên ngôn ngữ (tâm hồn) này nhấn mạnh những đấu tranh trong cuộc sống mà người nghe đang sống và chuẩn mực đạo đức mà người ấy cần phải khao khát vì lợi ích của chính mình. Ý nghĩa này hướng vào hoàn cảnh thời gian sống của linh hồn con người bằng cách kêu gọi linh hồn lớn lên trong mọi nhân đức và trốn tránh mọi điều xấu xa (DePrinc 4,2,6).

2.3. Nghĩa thần trí (thần bí - pneumatic)

Thứ đến, nghĩa thần trí là nghĩa giải thích những biến cố huyền nhiệm, liên quan đến biến cố Nhập Thể Cánh Chung, mà sự nối kết là nhờ vào Đức Kitô. Nghĩa thần trí là sự viên mãn toàn bộ thông điệp mà hai ý nghĩa trước kia muốn truyền đạt, và là nghĩa tròn đầy của Kinh Thánh và hướng đến ơn cứu độ (DePrinc 4,2,9). Mặt khác, nếu nghĩa tâm hồn và nghĩa thần trí là những nghĩa thiêng liêng và luôn tồn tại trong Kinh Thánh, thì nghĩa tâm hồn như một phương tiện tạm thời để theo đuổi hy vọng vĩnh cửu mà nghĩa thần trí truyền đạt. Do đó, có tác giả nhận định rằng Origen phân biệt giữa nghĩa thứ 2 và thứ 3, và cho thấy cả hai có tương quan với nhau và hướng vào Đức Kitô, như là biện chứng giữa hành động luân lý và việc chiêm niệm như người Hy Lạp gọi.[52]

Origen miêu tả ba ý nghĩa này tương ứng với ba giai đoạn trưởng thành thiêng liêng khác nhau, mà nghĩa thần trí như là cùng đích. Origen đã nói về tiến trình truyền đạt cho người nghe trước khi đưa ra định nghĩa về ba ý nghĩa của Kinh Thánh, và cho rằng ba ý nghĩa này hội nhất nên một với nhau.[53] Xét trong tiến trình, Origen tin rằng nghĩa văn tự của Kinh Thánh mang lại lợi ích cho những người giản đơn (ἁπλούστερος), những người không tiến bộ trong đời sống liêng thiêng. Ở cấp độ thứ hai, nghĩa tâm hồn, Kinh Thánh đưa ra bài học và hướng dẫn chọn lựa cho những người đang hướng tới sự hoàn hảo. Cuối cùng, ở cấp độ thần bí, Kinh Thánh đề cập đến những mầu nhiệm của đức tin Kitô Giáo, về bản chất thực sự của thế giới, về vị trí và cùng đích của con người hướng tới.[54] Tóm lại, ba ý nghĩa Kinh Thánh tương ứng và phù hợp với các mức độ khác nhau của tiến trình tiến bộ thiêng liêng của người nghe: mới bắt đầu, nâng cao, và hoàn thiện. Trên hành trình quy hồi của mình, chính khi tùng phục Kinh Thánh mà mỗi người được trở nên một người có trật tự đúng đắn, người đi theo Đức Kitô, để dần được kết hợp vĩnh cửu với Thiên Chúa, là hạnh phúc đích thực của mình.[55]

3. Cầu nguyện và sống nhập cuộc

Dẫu rằng Chính Chúa Thánh Thần soi sáng và giúp hiểu Kinh Thánh, nhưng vai trò người giải thích không phải thụ động. Origen nhiều lần nhấn mạnh vai trò của cầu nguyện trong việc chú giải Kinh Thánh.[56] Origen lặp lại lời nhắc nhớ rằng nếu như triết học có thể là công cụ hữu ích để hiểu Kinh Thánh, thì cũng cần được sử dụng một cách thận trọng, vì Kinh Thánh để được hiểu phải được học hỏi trong bối cảnh cầu nguyện (EpistGreg 4). Với Origen, chân lý thánh ẩn chứa trong Kinh Thánh là khôn ngoan và mầu nhiệm, là Ngôi Lời, là Đức Kitô. Do đó, cần lắng nghe Kinh Thánh không như là những câu chữ được đọc lên, nhưng với sự kiếm tìm và với lý trí của mình.[57] Hẳn vì thế, phương pháp chú giải của Origen được một tác giả gọi tên là "đi từ từ vựng (λέξις) đến Ngôi Lời" (λόγος).[58]

Hơn nữa, sự hiểu biết Kinh Thánh không chỉ phụ thuộc vào thời gian và nỗ lực để tìm hiểu, nhưng còn phụ thuộc vào một yếu tố quan trọng hơn chính là nỗ lực để sống điều đó. (ContraCel 7,60).[59] Kinh Thánh luôn có tính hiện thực vì "tất cả những thứ được viết ra không phải để nói đến lịch sử cổ đại, mà là vì sự đào luyện và áp dụng cho đời sống chúng tôi" (HomEx 1,5; 7,4; HomJos 5,2; HomJd 2,3; HomJer 12,3; 19,15;  HomEz 12,2).[60] Với Origen, Kinh Thánh đồng nhất với Ngôi Lời, vì thế học biết Kinh Thánh cũng thiết yếu là hội nhất chính bản tính hữu lý của mình với Ngôi Lời. Do đó, Torjesen cho thấy rằng đối với Origen, việc giải thích Kinh Thánh còn như là sự trợ sinh sư phạm cho Ngôi Lời, giúp con người tham gia vào bản chất thánh thiêng của Ngôi Lời nhờ ân sủng,[61] như để "Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20). Kinh Thánh luôn như một cuốn sách của sự sống, cuốn sách của Thần Khí nhằm “giáo huấn chúng ta” (Rm 15,4).

Kết luận

Sống trong bối cảnh với nhu cầu thúc bách cần bảo vệ Giáo Hội trước những bách hại: dị giáo và sai lạc, và với kinh nghiệm sống yêu mến Kinh Thánh, Origen đã đưa ra những nguyên lý và phương cách để hiểu và đọc Kinh Thánh, và để chống lại những cách hiểu sai lầm của những người Do Thái hay tín hữu gốc Do Thái và nhóm Ngộ Đạo.

Trong giới hạn, bài viết chưa nói về những tư tưởng phê bình và chống đối Origen, về những thiếu sót và những giới hạn của ngài. Lịch sử cho thấy có một xu hướng loại trừ tư tưởng và cách riêng phương pháp chú giải của ngài đặc biệt vào cuối thế kỷ IV (Origenist crisis). Tuy nhiên, có thể nói rằng Origen đã có những đóng góp lớn cho khoa nghiên cứu Kinh Thánh, hay cách riêng cho phương pháp và cách hiểu và đọc Kinh Thánh. Các nhà thần học coi việc chú giải của Origen là nền tảng cho sự phát triển của đức tin và thực hành Kitô giáo, mà Danielou và Balthasar đều đã liệt kê được rất nhiều cá nhân trong Giáo Hội, Đông và Tây, những người đã kế thừa tư tưởng của ngài.[62]

Cách cụ thể, đời sống gắn kết với Kinh Thánh, say mê đọc và cầu nguyện, tìm hiểu cách thấu đáo của Origen,[63] có thể mang đến những gợi hứng và chỉ dẫn rất ích lợi cho đời sống của Giáo Hội hôm nay.

Trước hết, Kinh Thánh là gì với tôi? Kinh Thánh không chỉ là một bản văn thánh ghi lại những lời thánh nhưng còn là Ngôi Lời của Thiên Chúa, không phải là lời 'chết' bị giam cầm trong quá khứ mà là Lời Sống Động được nói ngay với con người ngày nay. Kinh Thánh với Origen là một thực thể sống, ẩn chứa sự khôn ngoan và mầu nhiệm của Thiên Chúa.[64] Cũng vậy, Giáo Hội hôm nay thúc giục con cái hãy "luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong phụng vụ thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu (Dei Verbum, 21).

Thứ đến, Kinh Thánh có ý nghĩa gì cho tôi? Kinh Thánh ẩn chứa chân lý cao cả và thiết thực nhất về con đường hoàn thiện. Với Origen, Kinh Thánh giúp hiểu và trở nên giống Chúa Kitô. Cũng vậy, Giáo Hội dạy rằng "không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô",[65] “Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm về chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại để cứu độ chúng ta” (Dei Verbum, 11).

Cuối cùng, cần đọc Kinh Thánh như thế nào? Origen đã chỉ bảo các học trò của mình tìm hiểu các môn học khác nhau để giúp cho việc đọc hiểu ý nghĩa của Kinh Thánh. Giáo Hội cũng dạy con cái mình rằng cần phải trau dồi ngôn ngữ Kinh Thánh, hiểu về cách diễn đạt và các truyền thống văn hóa cổ xưa, để hiểu Kinh Thánh hơn. Mặt khác, mỗi đoạn Kinh Thánh không nên được đọc tách biệt, nhưng cần được hiểu và đánh giá trong mối tương quan với mạc khải trong con người và trong sứ vụ của Đức Giê-su. Nhờ đó, có thể giải đáp được những vấn đề lịch sử, những vấn đề luân lý và xã hội."[66]

Ắt hẳn điều mà Origen muốn chia sẻ và Giáo Hội cũng luôn ước ao là mọi Kitô hữu năng đọc Kinh Thánh (Dei Verbum, 25), và sao cho mỗi người biết say mê cầu nguyện và sống lời mời gọi của Lời. Vì Kinh Thánh luôn là mầu nhiệm, với ý nghĩa vô tận, và sẽ dẫn dắt tất cả trên con đường của sự sống, con đường trở về Quê Trời!


Thư Mục Tham Khảo

Bercot, David W., ed. A Dictionary of Early Christian Beliefs: A Reference Guide to More Than 700 Topics Discussed by the Early Church Fathers. Massachusetts: Hendrickson Publishers, 1998.

 

Bingham, D. Jeffrey, ed. The Routledge Companion to Early Christian Thought. London and Newyork, Routledge, 2010.

 

Danielou, Jean. Origen. Walter Mitchell, trans. New York: Sheed And Ward, 1955.

 

Drobner, Hubertus R. The Fathers of the Church. Massachusetts: Hendrickson Publishers, 2007.

 

Faye, Eugene de. Origen and His Work. Fred Rothwell, tran. London: Allen & Unwin, 1926.

 

Heine, Ronald E. Origen: An Introduction to His Life and Thought. Oregon: Cascade Books, 2019.

 

James, Mark Randall. Learning the Language of Scripture: Origen, Wisdom, and the Logic of Interpretation (Studies in Systematic Theology). The Netherlands: Brill NV, 2021.

 

Lauro, Elizabeth Ann Dively. The Soul and The Spirit Within Origen's Exegesis, In The Bible In Ancient Christianity, Vol. 3. D. Jeffrey Bingham, ed. Boston. Leiden: Brill Academic Publishers, 2005.

 

Lubac, De, History and Spirit: The Understanding of Scripture According to Origen, California: Ignatius Press, 2007.

 

--------, Medieval Exegesis: The Four Senses of Scripture. Mark Sebanc, trans. Eerdmans: Grand Rapids, 1998.

 

McGuckin, John Anthony, ed. Westminster Handbooks to Christian Theology : The Westminster Handbook to Origen. London: Westminster John Knox Press, 2004.

 

Niculescu, Mihai Vlad. The Spell of the logos: Origen’s Exegetic Pedagogy in the Contemporary Debate Regarding Logocentrism (Gorgias Eastern Christian Studies). New Jersey: Gorgias Press, 2009.

 

Quasten, Johannes. Patrology, Vol. 2: The Ante-Nicene Literature after Irenaeus. Wisconsin: Spectrum Publishers, 1975.

 

Reventlow, Henning Graf. History of Biblical Interpretation, Volume 1: From The Old Testament To Origen. Leo G. Perdue, trans. Atlanta: Society of Biblical Literature, 2009.

 

Smith, John Clark. The Ancient Wisdom of Origen. London and Toronto: Associated University Presses, 1992.

 

Wace, Henry. A Dictionary of Christian Biography and Literature to the End of the Sixth Century A.D.: With Account of the Principal Sects and Heresies. Michigan: Grand Rapids, 2000.  

 

 

Những tác phẩm của Origen:

 

ComCant               Commentary on the Canticle of Canticles

ComJohn               Commentary on John

ComMatthew        Commentary on Matthew

ContraCel              Contra Celsum

DePrinc                 De principiis               

EpistGreg              The Letter to Gregory

HomEx                  Homilies on Exodus

HomEz                  Homilies on Ezekiel

HomGen               Homilies on Genesis  

HomIs                   Homilies on Isaiah

HomJd                   Homilies on Judges

HomJer                  Homilies on Jeremiah

HomJos                 Homilies on Joshua    

HomLev                Homilies on Leviticus

HomNum              Homilies on Number

OnPrayer                     On Prayer


[1]. Mark Randall James, Learning the Language of Scripture: Origen, Wisdom, and the Logic of Interpretation, 8.

[2]. Johannes Quasten, Patrology, Vol. 2 - The Ante-Nicene Literature after Irenaeus, 45.

[3]. Jean Danielou, Origen, Walter Mitchell, trans., (New York: Sheed And Ward, 1955), 131.

[4]. Ibid.

[5]. Ronald E. Heine, Origen: An Introduction to His Life and Thought, 14.

[6]. Trong bối cảnh ngày càng mở rộng, Giáo Hội đối diện với những bách hại: dị giáo và lạc giáo, cũng như ngày càng có nhiều người tân tòng, nên Giáo Hội ngày càng có nhu cầu giảng dạy và đào tạo đội ngũ thầy dạy trong các trường giáo lý, vì thế các trường thần học là cái nôi của khoa học thánh đã ra đời. X. Johannes Quasten, Patrology, 1.

[7]. Ronald Heine, An Introduction to His Life and Thought, 58.

[8]. Johannes Quasten, Patrology, 79-80.

[9]. Với học thuyết tiền-hữu của linh hồn (pre-existence of soul) này, đã có nhiều phê bình đối với Origen mà bài viết không đi sâu ở đây. Ibid., 42.

[10]. John Anthony McGuckin, ed., Westminster Handbooks to Christian Theology: The Westminster Handbook to Origen, 53-6.

[11]. Johannes Quasten, Patrology, 2-3.

[12]. Jean Danielou, Origen, 142.

[13]. Ibid.

[14]. John Anthony McGuckin, ed., Westminster Handbooks to Christian Theology, 197.

[15]. Ủy ban Kinh Thánh Giáo hoàng, Linh Hứng và Chân Lý Kinh Thánh, Libreria Editrice Vatican, 2014, Bản dịch do UBKT thực hiện, số 139.

[16]. D. Jeffrey Bingham, ed., The Routledge Companion to Early Christian Thought, 191. Nghĩa thiêng liêng ở đây muốn nói là ý nghĩa vượt trên vào cao sâu hơn nghĩa văn tự; nghĩa này sẽ được bàn rõ hơn trong những phần sau.

[17]. John Anthony McGuckin, ed., Westminster Handbooks to Christian Theology, 152.

[18]. Mihai Vlad Niculescu, The Spell of the logos: Origen’s Exegetic Pedagogy in the Contemporary Debate Regarding Logocentrism, 52.

[19]. Henning Graf Reventlow, History of Biblical Interpretation, Volume 1: From The Old Testament To Origen, Leo G. Perdue, trans., 179.

[20]. Elizabeth Ann Dively Lauro, The Soul and The Spirit Within Origen's Exegesis, In The Bible In Ancient Christianity, Vol. 3, D. Jeffrey Bingham, ed., 43.

[21]. Jean Danielou, Origen, 149.

[22]. Ronald Heine, An Introduction to His Life and Thought, 65.

[23]. Jean Danielou, Origen, 141-3.

[24]. John Anthony McGuckin, ed., Westminster Handbooks to Christian Theology, 200.

[25]. Eugene de Faye, Origen and His Work, Fred Rothwell, tran., 26. 37-52.

[26]. Ronald Heine, An Introduction to His Life and Thought, 60.

[27]. Henry Wace, A Dictionary of Christian Biography and Literature to the End of the Sixth Century A.D.: With Account of the Principal Sects and Heresies, 773.

[28]. David W. Bercot, ed., A Dictionary of Early Christian Beliefs: A Reference Guide to More Than 700 Topics Discussed by the Early Church Fathers, 600.

[29]. John Anthony McGuckin, ed., Westminster Handbooks to Christian Theology, 202.

[30]. Jean Danielou, Origen, 294.

[31]. Henning Graf Reventlow, History of Biblical Interpretation, 192.

[32]. Nguyên tắc chú giải này đã được phát triển trong trường phái chú giải Hy Lạp về tác phẩm Homer, và được sử dụng sau này bởi Philo. Xem John Anthony McGuckin, ed., Westminster Handbooks to Christian Theology, 200.

[33]. D. Jeffrey Bingham, ed., The Routledge Companion to Early Christian Thought, 193.

[34]. Ronald Heine, An Introduction to His Life and Thought, 78-9.

[35]. Jean Danielou, Origen, 133-5.

[36]. Ibid., 139.

[37]. Trích từ Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Bản Hướng Dẫn Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh (1993), Lm. Giuse Nguyễn Tất Trung, OP. chuyển ngữ, Số 4.

[38]. Jean Danielou, Origen, 161.

[39]. Elizabeth Ann Dively Lauro, The Soul and The Spirit Within Origen's Exegesis, 53-4.

[40]. Ronald Heine, An Introduction to His Life and Thought, 72.

[41]. Hubertus R. Drobner, The Fathers of the Church, 132.

[42]. Henning Graf Reventlow, History of Biblical Interpretation, 194.

[43]. Ronald Heine, An Introduction to His Life and Thought, 70-71.

[44]. Elizabeth Ann Dively Lauro, The Soul and The Spirit Within Origen's Exegesis, 58.

[45]. D. Jeffrey Bingham, ed., The Routledge Companion to Early Christian Thought, 191.

[46]. De Lubac, Medieval Exegesis: The Four Senses of Scripture, Mark Sebanc, trans., 144.

[47]. John Anthony McGuckin, ed., Westminster Handbooks to Christian Theology, 194.

[48]. Elizabeth Ann Dively Lauro, The Soul and The Spirit Within Origen's Exegesis, 45.

[49]. John Anthony McGuckin, ed., Westminster Handbooks to Christian Theology, 194.

[50]. Lm. Antôn Nguyễn Đức Khiết, "Lời Chúa Trong Tư Tưởng Giáo Phụ: Origène Và Hiêrônimô, Hai Nhà Chú Giải Say Mê Lời Chúa", Truy cập 5/5/2022, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2005/Bai3.htm.

[51]. Elizabeth Ann Dively Lauro, The Soul and The Spirit Within Origen's Exegesis, 87-90.

[52]. Ibid., 36. 91. 195.

[53]. Ibid., 77.

[54]. John Anthony McGuckin, ed., Westminster Handbooks to Christian Theology, 194.

[55]. Elizabeth Ann Dively Lauro, The Soul and The Spirit Within Origen's Exegesis, 93.

[56]. Ronald Heine, An Introduction to His Life and Thought, 74-6.

[57]. David W. Bercot, ed., A Dictionary of Early Christian Beliefs, 338.

[58]. Mark Randall James, Learning the Language of Scripture, 23.

[59]. Ronald Heine, An Introduction to His Life and Thought, 71.

[60]. John Anthony McGuckin, ed., Westminster Handbooks to Christian Theology, 198.

[61]. Mark Randall James, Learning the Language of Scripture, 81.

[62]. Elizabeth Ann Dively Lauro, The Soul and The Spirit Within Origen's Exegesis, 1.

[63]. De Lubac, History and Spirit, 471, 431.

[64]. John Clark Smith, The Ancient Wisdom of Origen, 79.

[65]. Đức Thánh Cha Phanxicô, "Lòng Yêu Mến Kinh Thánh", Trong Tông Thư Scripturae Sacrae Affectus - Lòng Yêu Mến Kinh Thánh, Bản dịch của Uỷ Ban Kinh Thánh.

[66]. Ủy ban Kinh Thánh Giáo hoàng, Linh hứng và Chân lý Kinh Thánh, Libreria Editrice Vatican, 2014, số 104 -150. Bản dịch của Uỷ Ban Kinh Thánh.

0 Comments:

Đăng nhận xét