Hiển thị các bài đăng có nhãn kinh nghiệm nội tâm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn kinh nghiệm nội tâm. Hiển thị tất cả bài đăng

Một đoạn đường bay khó với đôi cánh tổn thương

Đoạn đường bay của cánh chim hôm nay thật đặc biệt, giúp nó hiểu rằng điều khó khăn nhất đối với mình không phải là khi cố gắng để đạt được điều gì đó! Điều khó khăn hơn là làm sao để nó còn hy vọng và động lực để rời bước và dám nhấc mình bay lên, bay vào vùng trời 'động'!

Chúa muốn 'chứng minh' cho tôi thấy


Hắn thấy rằng trong cuộc sống, trong kinh nghiệm nội tâm, đôi khi có những điều hắn thấy 'khó tin'. Làm sao tin rằng mình được yêu thương thì có nhiều điều 'không mong' vẫn hay xảy đến. Làm sao cảm được một Thiên Chúa là tình yêu. Không phải là tất cả nhưng đôi khi lòng hắn rộn lên những chất vấn, hắn đòi phải có những dấu chỉ, những lý lẽ... để hắn tin. Không biết có phải là tình cờ không mà thánh Tôma là 'thánh ông nội' của hắn!

Nơi tôi có thể nói ra hết mọi điều!

Dù là ai và với vị trí nào trong cuộc sống, ắt hẳn mỗi người đều có nơi mình rất nhiều điều, nhiều những suy nghĩ, nhiều những trăn trở bồi hồi, nhiều dự định và phân vân, nhiều thứ... Khi ấy, một nhu cầu tự nhiên là ai cũng muốn có một 'ai đó' để ở bên, để lắng nghe . Nhưng 'ai đó' là ai để tôi có thể chia sẻ hết mọi điều?

Bức tranh đời tôi: MỘT NÉT VẼ MÀU ĐEN!

"Tất cả những gì xảy đến với tôi trong đời này đều như thế mà" Anh chia sẻ! Với anh, cuộc đời này đã vẫn cay nghiệt với anh như thế, có gì làm lạ đâu, nên những gì mới xảy đến cũng dễ hiểu! Anh chẳng buồn hờn trách làm gì nữa! Những kí ức và kinh nghiệm từ đâu như ùa về và sống động trong nội tâm người ấy. Rất nhiều câu hỏi "tại sao" cứ như mạng nhện bọc trùm lấy suy nghĩ và tâm tư của anh. Rất nhiều lần trong anh những cái nấc liên hồi đầy nghẹn ngào! Anh muốn hờn cuộc đời, buồn tủi cho những 'niềm đau' cứ xảy đến với mình!

Đón nhận nhau VÔ ĐIỀU KIỆN, được không?

Có lẽ, một trong những 'điều khó nhất' hay thậm chí ‘không tưởng’ là khi mình đón nhận một điều gì đó, một người nào đó, vốn nơi mình không có một chút lý lẽ hay lý trí nào đủ để thuyết phục bản thân. Trong khi đó, biết bao nhiêu lý lẽ cứ chực chờ, dễ dàng khuất phục tôi xa lánh hay loại trừ người ấy. Tôi cảm nhận rằng trong tôi như có một thúc đẩy để đón nhận, nhưng đồng thời cảm nhận một sự ‘cưỡng bức đến nặng lòng’, rùng mình, ngộp thở… Tại sao tôi lại phải đón nhận và yêu được một con người như thế! Mặc kệ!

Các Mẫu Thức Mặc Khải - Mặc Khải Như Là Kinh Nghiệm Nội Tâm

 


Tóm dịch từ: Avery Dulles, SJ, Models Of Revelation, (New York: Doubleday & Company, 1983), 68-83.


Mạc khải như là kinh nghiệm nội tâm là gì? Ưu và khuyết điểm của mô hình mạc khải này?

Một câu hỏi được đặt ra rằng liệu mạc khải có hoàn toàn mang tính khách quan như một điều gì đó nằm bên ngoài người lãnh nhận, vốn như mô hình xem mạc khải như là giáo thuyết hoặc như là biến cố quan niệm chăng. Trả lời và phản đối lại quan điểm trên, một mô hình mạc khải khác phát triển sôi nổi vào thế kỷ XIX quan niệm rằng mạc khải như là kinh nghiệm nội tâm và chú trọng vào tính chủ quan thay vì yếu tố khách quan. Bài viết sau đây sẽ khái lược về mô hình này và đưa ra những nhận xét về ưu và khuyết điểm của nó.

a. Khái niệm Mạc Khải Như Là Kinh Nghiệm Nội Tâm

Trước hết, mô hình mạc khải này được khái quát qua những phân tích về hình thức, nội dung, và những tiêu chí để thẩm định về chân lý mạc khải của nó.

Về hình thức của mạc khải

Với nguyên tắc nền tảng xem Thiên Chúa vừa siêu việt vừa nội tại, mô hình này cho rằng Ngài có thể tác động với thụ tạo bất cứ lúc nào (Cv 17,28). Vì là Đấng Thiêng liêng nên Ngài ngỏ lời trong nội tâm mỗi người. Do đó, mạc khải thiết yếu xảy ra trong kinh nghiệm nội tâm trực tiếp về Thiên Chúa, Đấng tương quan cá vị với mỗi người (Friedrich Schleiermacher, Albrecht Ritschl, Wilhelm Herrmann). Hay mạc khải là sự biểu lộ của Thiên Chúa nơi lòng đạo đức do chính Ngài gây nên (Auguste Sabatie). Mô hình này đồng hóa mạc khải với kinh nghiệm nội tâm trực tiếp về sự hiện diện của Thiên Chúa (George Tyrrell), hay với yếu tố thần bí (Evelyn Underhill và Dean Loge).

Thứ đến, mạc khải như là kinh nghiệm về Thiên Chúa này vốn trực tiếp và không qua trung gian. Nó không chỉ là kinh nghiệm của người xưa nhưng còn là kinh nghiệm nội tâm nơi mỗi cá nhân, lúc này và ở đây. Vì Thiên Chúa nói với mọi người như nhau, phổ quát, tùy vào sự đón nhận nơi mỗi người mọi thời. Hơn nữa, John Hick còn cho rằng tất cả những người thuộc các tôn giáo khác nhau đều có kinh nghiệm thần bí, vì có cùng một Thần Khí. Ai cũng có thể có kinh nghiệm nội tâm, nhưng có những người trở thành mô mẫu và đặc biệt, kể cả Chúa Giêsu.

Do đó, không có cái được gọi là mạc khải siêu nhiên. Vì họ xem nó chỉ là những kinh nghiệm khác thường cấp cao của những kinh nghiệm bình thường (Tyrrell), không có sự phân biệt, không có người nổi bật hay được tuyển chọn. Sabatier cho rằng thoạt đầu mạc khải xảy ra cách riêng tư đặc biệt nơi một dân tộc, nhưng dần trở nên phổ quát chung cho mọi người.

Về nội dung của mạc khải

Mô hình này nhấn mạnh rằng đối tượng hay nội dung mạc khải là chính Thiên Chúa.[1] "Chính sự hiện diện của Ngài trong chúng ta thúc đẩy chúng ta sống công chính và yêu thương" (Sabatier). Thánh Kinh do đó cũng được xem là sự diễn tả và ghi lại kinh nghiệm gốc. Sabatier nói rằng kinh nghiệm nội tâm tự nó diễn đạt thành lời và chữ viết cách tự nhiên, và được ghi chép lại.

Cũng vậy, quan điểm này xem giáo lý có ý nghĩa là vì giúp khơi gợi lên cảm thức tôn giáo, chứ chúng không được đồng hóa với mạc khải (Tyrrell). Tương tự như thế, khi phân biệt giữa đức tin và niềm tin (giữa đón nhận mạc khải và chấp nhận các giáo thuyết), mô hình này xem tín điều như là lớp vỏ bọc bảo vệ cốt lõi đức tin tông truyền; tín điều ấy giữ gìn được tính biểu tượng được gợi lên từ những diễn tả của kinh nghiệm nguyên thủy, dù hữu ích nhưng không phải là chính mạc khải. Tóm lại, mô hình này cho rằng tôn giáo sẽ bị bóp méo khi đức tin bị hiểu sai là sự chấp nhận về mặt lý trí những mệnh đề đức tin và những chứng từ lịch sử hay biến cố (mô hình 1 & 2).

Về thẩm quyền và tiêu chuẩn xác định mạc khải

Vấn đề được đặt ra trong mô hình này là "thẩm quyền và tiêu chuẩn để xác định một kinh nghiệm hay mạc khải là chân thật là gì? "

Có tác giả cho rằng thẩm quyền cao nhất là Thánh Kinh (Dodd). Tuy nhiên đó không phải là những mệnh đề được ghi chép lại; nhưng nhờ ngang qua những lời nói, việc làm, tư tưởng giới hạn và có thể sai lỗi, và đặc biệt nơi Đời sống và Lời Dạy của Chúa Giêsu được ghi lại đó, mà Thiên Chúa có thể dùng để truyền thông chân lý mạc khải. Mặt khác có những tác giả cho rằng mạc khải không diễn ra nơi chúng ta nếu không đụng đến tôi; không có kinh nghiệm cá vị thì nó chưa là mạc khải (Sabatier). Do đó, thẩm quyền nằm nơi kinh nghiệm cá vị nội tâm chứ không nơi cuộc đời và lời giảng của Chúa Giêsu. Quyền ấy cũng không thuộc Giáo Hội nhưng nằm nơi mỗi người.

Cụ thể hơn, tiêu chuẩn đo lường mạc khải chính là sự chân thực trong kinh nghiệm tôn giáo. Tiêu chuẩn là phẩm chất của kinh nghiệm, không cần phải chứng minh, vì sẽ không thể hoặc sẽ dư thừa. Kinh nghiệm đó là chân thực khi nâng đỡ và nuôi dưỡng tâm hồn và lặp lại, mang hoa trái sự sống và an ủi thiêng liêng (Tyrrell). Hay kinh nghiệm ấy là chân thực khi làm cho lòng bừng cháy, đánh thức sự đáp trả nơi mỗi người. Không có một danh sách tiêu chuẩn khách quan để xem đâu là kinh nghiệm đích thực (Dean Loge).

b. Ưu điểm

Có thể nói trước hết mô hình này giúp tránh được phê bình của Chủ Nghĩa Duy Lý và tránh được mâu thuẫn với khoa học ngay từ nền móng, khi quan niệm mạc khải đến từ kinh nghiệm, không phải là chân lý mệnh đề, cũng không phải chân lý khoa học.

Nhưng đặc biệt hơn cả, mô hình mạc khải như kinh nghiệm thúc đẩy lòng đạo đức và khơi dậy đức tin cá vị nơi người tín hữu. Mô hình này đặt nặng tâm tình và đề cao đời sống cầu nguyện, giúp chất vấn đời sống của các tín hữu nếu chỉ lo học kinh, giáo lý, hay đọc Thánh Kinh suông mà không có tâm tình gặp gỡ Chúa. Hơn nữa, mô hình này chống lại xu hướng vật hóa điều thiêng liêng quá thô sơ, thay vào đó giải thích những chân lý đức tin theo nghĩa nhân sinh và trong tương quan. Vd: Hỏa ngục là tình trạng xa rời, cắt đứt tương quan với Thiên Chúa…

Bên cạnh đó, mô hình này hỗ trợ đối thoại liên tôn khi có cái nhìn tích cực về tôn giáo khác, khi cho rằng mọi tôn giáo đều có thể có dấu vết của sự tự mạc khải của Thiên Chúa.

c. Khuyết điểm

Tuy nhiên, mô hình này không tránh khỏi những yếu điểm quan trọng.

Thứ nhất, vì quá nhấn mạnh vào yếu tố kinh nghiệm, xem Thánh Kinh cách chỉ là ghi lại kinh nghiệm nội tâm của một số người có kinh nghiệm tôn giáo đặc biệt, nên mô hình này có khuynh hướng đọc Thánh Kinh cách chọn lọc, chỉ chú trọng những đoạn nói về kinh nghiệm mạc khải. Như vậy, Thánh Kinh cùng lắm chỉ đóng vai trò tham khảo hay mô mẫu, không đóng vai trò thiết yếu. Dodd phê bình mô hình này khi cho thấy rằng trong Thánh Kinh, dân được chọn không phải là một dân có kinh nghiệm tôn giáo, nhưng hoàn toàn ngược lại: phản nghịch, tội lỗi (Mc 2,17).

Thứ hai, mô hình này đánh đồng kinh nghiệm giữa các tôn giáo, bỏ qua hoặc xem nhẹ vai trò của các ngôn sứ và đặc biệt là Đức Kitô. Vì cho rằng những khác biệt giữa các kinh nghiệm tôn giáo là không quan trọng, mọi tôn giáo về bản chất là như nhau (Maslow), do đó họ xem Đức Kitô chỉ đóng vai trò mô mẫu chứ không phải thiết yếu của mạc khải. Phản ứng lại, Herrman cho rằng không phải mọi người đều có thể có kinh nghiệm về Thiên Chúa. Hay với Soderblom, khi phân biệt hai loại kinh nghiệm thần bí, đã cho thấy rằng mọi tôn giáo đều có kinh nghiệm về Thiên Chúa, nhưng chỉ Kitô giáo mới có kinh nghiệm về Thiên Chúa cách đặc biệt hơn cả, vì đó là cuộc gặp gỡ trong tương quan ngôi vị, chứ không phải là một sự vô biên.

Thứ ba, mô hình này gây xung đột với giáo huấn và truyền thống của Giáo hội. Việc họ xem giáo lý là phụ vì được rút ra từ kinh nghiệm nội tâm, hay việc tách rời giáo lý khỏi mạc khải, làm nảy sinh nhiều vấn đề. Vì khó xác định được đâu là kinh nghiệm nội tâm đích thực, hay chỉ có thể trả lời cách 'mơ hồ' nên mô hình này gây ra chủ nghĩa tương đối trong việc xác định mạc khải. Nó dẫn đến chủ nghĩa cá nhân khép kín, cực đoan, mất đi tính toàn thể và hội nhất trong Giáo Hội.

Mặt khác, mô hình này cho thấy cái nhìn hạn hẹp về kinh nghiệm. Họ quan niệm kinh nghiệm có tính tự thân và trực tiếp, và đặt kinh nghiệm trên mọi tri thức khác. Khi ấy mạc khải được hiểu như là một dữ kiện nguyên sơ đi vào con người như là một bảng trắng (tabula rasa). Đó là hành động của Thiên Chúa và không cần bất kỳ truyền thống, cộng đồng, hay hình thức trung gian nào khác. Tuy nhiên, các triết gia gần đây đã chỉ ra sai lầm trong cái nhìn này, họ cho rằng trong bất kỳ kinh nghiệm nào, chủ thể cũng đã hấp thụ từ bối cảnh sống mà họ đã trải qua, vốn là những điều kiện định hình nên kinh nghiệm, vốn được chia sẻ bởi cộng đồng như lối sống và ngôn ngữ. Hơn nữa, Dupre cho rằng kinh nghiệm bao giờ cũng đi cùng với sự diễn dịch.[2]

Kết luận

Tóm lại, mô hình này quan niệm mạc khải xảy ra trong kinh nghiệm nội tâm, vốn trực tiếp và không qua trung gian. Nội dung mạc khải không phải là giáo lý hay những biến cố đã qua nhưng là chính Thiên Chúa truyền thông chính mình Ngài. Do đó, thái độ đáp lại mạc khải là thái độ thiêng liêng của con tim yêu mến, chứ không phải là sự chấp nhận các giáo thuyết hay trở lại với biến cố.

Mô hình này nhấn mạnh vào chiều kích chủ quan của mạc khải, giúp mang đến nhiều giá trị tích cực để hiểu về mạc khải cũng như giúp phản tỉnh lại đời sống đức tin nơi người tín hữu. Vì mạc khải không phải là thông tin nhưng là chân lý cứu độ, phải được đón nhận bằng vâng phục đức tin, niềm hy vọng và lòng yêu mến trong tương quan cá vị với Thiên Chúa (DV 1). Tuy nhiên, mô hình này đi đến thái quá khi đặt nhẹ hay lơ bõ vai trò của Thánh Kinh, giáo huấn, giáo lý, và đặc biệt là chính Đức Giêsu Kitô. Trái lại, Đức Kitô phải luôn là trung tâm, điểm tới, và là sự viên mãn của mạc khải, và không còn mạc khải nào khác nữa (DV 4).



[1] Sau này Vat. II đã lấy lại ý này.

[2] Chính sự làm rõ mối liên hệ và phân biệt giữa kinh nghiệm và sự diễn dịch kinh nghiệm sẽ giúp tránh đi mâu thuẫn đối chọi giữa mô hình mạc khải này với hai mô hình mạc khải khách quan, và giúp hiểu hơn về mạc khải cách chung.