Chân Dung Đức Giê-su Trong Tin Mừng Gio-an: Một Vị Thiên Chúa Đi Đến Với Con Người

Ngay từ Lời Tựa (1,1-18), thánh sử Gio-an giới thiệu Đức Giê-su là Ngôi Lời của Thiên Chúa, mà "Ngôi Lời là Thiên Chúa"[1] (1,1), và "Ngôi Lời vẫn 'hướng về'[2] Thiên Chúa" (1,1-2). Mặt khác, chính Lời Tựa này và đặc biệt toàn bộ Tin Mừng Gio-an còn diễn tả một năng động khác của Đức Giê-su, là Ngôi Lời 'hướng về' con người. Thật vậy, khởi đi từ biến cố Nhập Thể, tất cả cuộc đời, lời nói, và hành động của Đức Giê-su luôn trong một năng động 'đi đến với' con người.

Tháng 10 năm 2022 

Dẫn nhập

Ngay từ Lời Tựa (1,1-18), thánh sử Gio-an giới thiệu Đức Giê-su là Ngôi Lời của Thiên Chúa, mà "Ngôi Lời là Thiên Chúa"[1] (1,1), và "Ngôi Lời vẫn 'hướng về'[2] Thiên Chúa" (1,1-2). Mặt khác, chính Lời Tựa này và đặc biệt toàn bộ Tin Mừng Gio-an còn diễn tả một năng động khác của Đức Giê-su, là Ngôi Lời 'hướng về' con người. Thật vậy, khởi đi từ biến cố Nhập Thể, tất cả cuộc đời, lời nói, và hành động của Đức Giê-su luôn trong một năng động 'đi đến với' con người.

Để phác họa rõ hơn chân dung Đức Giê-su: vị Thiên Chúa đi đến với con người trong Tin Mừng Gio-an, bài viết trước hết tìm hiểu phần Lời Tựa, xét như là nền tảng, trình bày Đức Giê-su là Ngôi Lời nhập thể đến trong thế gian (1), tiếp đến cho thấy Người sống mầu nhiệm Tình Yêu tự hủy - ra khỏi mình (2), và Người đến gặp gỡ con người (3). Bài viết sau cùng đưa ra vài kết luận và những phản tỉnh áp dụng cho sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội hôm nay.

1. Đức Giê-su: Ngôi Lời nhập thể làm người và cư ngụ giữa con người

Khác với cách khởi đầu của Tin Mừng Nhất Lãm, thánh Gio-an chẳng giới thiệu gì về gia phả, biến cố chào đời, hay thậm chí chẳng nói gì về thời thơ ấu của Đức Giê-su, nhưng đưa thẳng về nguồn gốc vĩnh cửu của Người. Đức Giê-su là Ngôi Lời của Thiên Chúa (1,1; x. 8,58; 12,41; 17,5), "lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời" (1a). Ở đây ta thấy có sự tương phản giữa hai động từ "khởi đầu" (ἀρχῇ)[3] và "đã" (ἦν). Điều này cho thấy Ngôi Lời được hiểu là siêu việt, vốn đã tồn tại ngoài thời gian và lịch sử,[4] là Ngôi Lời tiền hữu của Thiên Chúa.

Lời Tựa còn nói "Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa" (ὁ λόγος ἦν πρὸς τὸν θεόν) (1b //2; x. 1Ga 1,2). Các bản KJV, NAB, NAS, NIB dịch từ "ἦν πρὸς" là "was with" (đã - với), không chỉ hiểu theo nghĩa 'hiện diện với' nhưng còn trong chiều kích tương quan 'thuộc về, nên một'.[5] Hẳn thế khi thánh Gio-an nói "Ngôi Lời là Thiên Chúa" (καὶ θεὸς ἦν λόγος) (1,1c // 20,28), Đức Giê-su hằng ở nơi cung lòng của Chúa Cha (1,18). Bên cạnh đó, giới từ "với" (πρὸς) chỉ ra đồng thời tính ngang bằng và phân biệt, Chúa Con chia sẻ cùng bản tính với Chúa Cha, nhưng không phải là Ngôi Cha; điều này gián tiếp nói rằng Đức Giê-su là Thiên Chúa.[6] Đức Giê-su là Con Một độc nhất của Thiên Chúa Cha (1,14.18; x. 3,16; 5,25; 10,36; 11,4).

Nhưng có một điều kỳ vỹ đã xảy đến, Đức Giê-su - Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Chúng ta thấy rằng có một bước chuyển lớn trong Lời Tựa, đi từ việc trình bày một Ngôi Lời siêu việt hằng hướng về hay hiện hữu với Thiên Chúa (1,1-5), đến việc trình bày hành động của Người trong lịch sử và thế giới (1,9-14), Ngôi Lời đi đến với con người. Trước hết, Ngôi Lời ấy "đã trở nên người phàm" (καὶ λόγος σὰρξ ἐγένετο) (14a).[7] Từ σὰρξ ở đây chỉ toàn diện con người, cả xác lẫn hồn, yếu đuối, mỏng giòn, hay hư nát,[8] là 'người phàm' (x. 1,13; 17,2). Mặt khác, có một nghịch lý ở đây rằng khi "trở nên" (ἐγένετο) Ngôi Lời không thôi là Thiên Chúa, nhưng trở nên Ngôi Lời-người.[9] Ngôi Lời ôm trọn bản tính và tình trạng Adam, vốn bị tổn thương và cần được cứu độ.[10] Ngôi Lời là Thiên Chúa Con Một, đã thành người cách trọn vẹn nơi Đức Giê-su Kitô. Người biết đói (x. 4,31; 4,33) và khát (4,7; 19,28) … Thật ngạc nhiên, Đức Giê-su được gọi là 'người' còn nhiều hơn so với trong Tin Mừng Nhất Lãm (4,29; 5,12; 7,46. 51;  8,40; 9,11. 16; 10,33; 11,47. 50; 18,14. 17. 29; 19,5).

Trở nên người phàm, Đức Giê-su-Ngôi Lời đã đến và cư ngụ giữa con người (ἐσκήνωσεν ἐν ἡμῖν) (x. 1,14b). Từ ἐσκήνωσεν có nghĩa là cắm lều, cư ngụ, hay ở cùng,[11] vốn không nhấn mạnh tính nhất thời sự biểu hiện của Ngôi Lời trong lĩnh vực con người, nhưng nhấn mạnh hành động hiện diện và ở lại, "Người ở giữa thế gian" (1,10), "Người đã đến nhà mình" (1,11).

Như vậy, Lời Tựa vừa trình bày một Ngôi Lời siêu việt vừa là Thiên Chúa trở nên người, đã đến trong dòng lịch sử nhân loại.[12] Nhưng cách sâu xa, khi đến với con người, Đức Giê-su đã sống mầu nhiệm tự hủy nơi chính mình (x. Pl 2,6-7), mà Lời Tựa ắt hẳn là nền tảng để giúp ta hiểu khi nhìn vào đời sống, cái chết, và sự phục sinh của Người trong phần tiếp sau đây.[13]

2. Đức Giê-su 'từ bỏ' chính mình

Thánh sử Gio-an cho thấy Đức Giê-su: "Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha" (1,18), nay đã 'đi ra khỏi' cung lòng của Chúa Cha, và trở nên người phàm (1,14).[14] Cũng vậy, khởi đầu hành trình rao giảng của mình, Đức Giê-su cũng đã rời bỏ những gì vốn quen thuộc và làm nên tuổi thơ của Người. Người rời bỏ gia đình và làng xóm, rời khỏi cuộc sống êm đềm vốn có, để vâng theo ý Chúa Cha, để ra đi rao giảng và cứu độ nhân loại (3,17). Người cũng chịu phép rửa như mọi người khác (1,29), dù không là tội nhân.

Bên cạnh đó, Đức Giê-su vượt ra khỏi những gì là 'rào cản' đến từ những quan niệm trong các bình diện văn hóa, tôn giáo, giới tính… của cộng đồng Người sống. Đức Giê-su gặp gỡ và đi đến với người dân ngoại, tương quan với người khác chủng tộc, mà vốn là điều cấm kỵ (18,28; Cv 10,28; 11,3). Đức Giê-su gặp gỡ và nói chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri, là dân ngoại, và là người tội lỗi (4,1-26). Đức Giê-su vượt ra cách hiểu trong dân Do Thái về thế nào là ô uế và thanh sạch (x. Mt 15,10-20; Mc 7,14-23). Người rời bỏ 'địa vị' là thầy, đến chỗ các môn đệ và rửa chân (13,6-11), để dạy bài học phục vụ, yêu thương.

Đặc biệt, Đức Giê-su sống mầu nhiệm hủy mình, từ bỏ những hư danh thế gian, chống lại những cám dỗ khiến Người tìm kiếm vinh quang riêng cho mình. "Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình." (6,15). Chắc hẳn, đỉnh cao sự hủy mình ấy là Người đã trung tín với Chúa Cha và đón nhận cái chết trên Thập giá. Quả thực, khởi đầu với mầu nhiệm Nhập Thể, cuộc đời rao giảng, và rồi cài chết trên thập giá (12,12tt) tất cả biểu lộ rằng Đức Giê-su luôn sống trong mình mầu nhiệm tự hủy (kenosis).[15] Người sống con đường 'chết đi' như hạt lúa để mang lại ơn sự sống cho con người (12,24).

Tóm lại, nói như thánh Phao-lô nói:

"Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì, địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự." (Pl 2,6-8).

Đức Giê-su Ngôi Lời Thiên Chúa đã "yêu chúng ta trước” (1Ga 4,19). Người là Tình yêu nhập thể với nhiệt tâm cứu độ (2,17; 3,17). Trọn căn tính và chính cuộc đời và sứ mạng của Người luôn cho đi, luôn trao ban (4,10), hiến mình vì con người (3,16).[16] Người muốn con người được sống và sống dồi dào (10,1-10; 12,47; 1Ga 4,9). Với động lực tình yêu trao hiến ấy, Đức Giê-su  luôn khắc khoải ra đi đến với con người.

3. Đức Giê-su đi đến để gặp gỡ con người

Nhìn vào suốt hành trình rao giảng của Người, chúng ta thấy rằng Đức Giê-su luôn ở trên đường sứ vụ, không ngừng ra đi, rày đây mai đó. Đức Giê-su rảo khắp các thành phố, làng mạc, các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền (4,3 43; x. Mt 9, 35). Với Người, ơn cứu độ không ưu tiên cho bất cứ ai, nhưng cho tất cả mọi người, “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (10,16). Đức Giê-su  đến với mọi người thuộc mọi thành phần nhân loại, nhất là những con người sống bên lề xã hội.[17] Đức Giê-su đi đến và gặp gỡ mọi người cách cá vị,[18] mà họ có thể là giới trí thức như Ni-cô-đê-mô (3,1tt), hay người tội lỗi (Ga 4), bệnh tật (8,1-11); hay vì tình bạn Người đến thăm gia đình 3 chị em ở Bê-ta-nia (11,1-11).

Hơn nữa, Người đi đến và đi vào bối cảnh sống của con người. Phần lớn Đức Giê-su gặp gỡ với con người ngay tại nơi họ sinh sống. Đó có thể là đền thờ, làng quê, gia đình, nơi làm việc... Người gặp gỡ người phụ nữ Sa-ma-ri đang lấy nước bên bờ giếng (4,7-42), gặp và chữa lành người bất toại trong đền thờ (5,10-15), hay với các môn đệ đang đánh cá (1,40-43; x. Mt 4,21-22), Người đi dự lễ cưới ở Ca-na (2,1-12)... Người khởi đi từ cuộc sống và dùng ngôn ngữ của họ để giảng dạy. Các hình ảnh đời thường gần gũi tràn ngập trong lời rao giảng của Người: cây nho (15,1-17;…), ruộng lúa chín vàng mở rộng đến chân trời (4,35; 12,24; x.Mt 13-24), một mẻ cá bên biển hồ (Ga 21), hay cánh huệ ngoài đồng (x. Mt 6,28); đàn chim sẻ (x. Mt 6,26; 8,20; 10,29-31)… Người đối thoại về nhiều chủ đề khác nhau như xã hội (3,1-21; 6,22-71; 7,14-52; 10,22-42), luật lệ (8,12-59; 9,1-41)...[19]

Có thể nói, cả cuộc đời Đức Giê-su từ biến cố Nhập Thể là một cuộc đi ra và đi đến với con người. Không giống như các Tin Mừng khác, Tin Mừng Gio-an được đan dệt bởi những trình thuật về các lần Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem (1,2-2,22; 2,23-6,71; 7,1-12,50).[20] Vì thế, một trong những yếu tố trọng tâm thiết kế nên Tin Mừng Gio-an là "hành trình".[21] Vì và với tình yêu Người đi đến với con người để mang ơn cứu độ cho con người (20,31).

Kết luận

Nếu như Lời Tựa cho thấy Đức Giê-su là ai, Người đã đang làm gì, thì phần còn lại của Tin Mừng cho thấy Người đã thực hiện điều đó như thế nào, như là Thiên Chúa đi đến và ở trong lịch sử nhân loại.[22] Khởi đi từ nguồn gốc siêu việt của Đức Giêsu là Ngôi Lời hằng hữu, là Thiên Chúa, toàn bộ Tin Mừng Gio-an đặc biệt cho thấy sự to lớn, độ cao sâu của cuộc 'đi đến' này. Vì yêu Đức Giê-su đã sống mầu nhiệm hủy mình, đã nhập thể và đi đến với con người cách kỳ cùng. Cả cuộc đời của Người là một cuộc thăm viếng, một cuộc gặp gỡ để mang ơn cứu độ. Người từ Chúa Cha mà đến để rồi đưa con người trở lại Chúa Cha.[23]

Suy gẫm về Đức Giê-su, Giáo Hội ý thức mình là Dân Thiên Chúa, dân hành hương. Tất cả mọi người cũng đang trên một hành trình hướng về quê trời (Lumen Gentium[LG] 9; Evangelii Gaudium [EG] 114); và ý thức rằng sống là ra đi là gặp gỡ là yêu thương phục vụ. Hơn nữa, Giáo Hội với bản chất là dân được quy tụ trong đức tin (ekklesia), mang nơi mình sứ mạng ra đi rao giảng Tin Mừng. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (17,18; 20,21; x. Mt 28,19). Bản chất Giáo Hội là ra đi truyền giáo (EG 34, 40, 111; LG 1, 10-12).

Hẳn vì thế mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thiết tha mời gọi Giáo Hội “đi ra”. Giáo Hội là một cộng đoàn các môn đệ đi bước trước, dấn thân và nâng đỡ, sinh hoa trái và vui mừng… đến với người khác, tìm kiếm những người sa ngã, đứng ở các ngả đường để đón mời những người bị gạt ra bên lề… vượt qua các khoảng cách, sẵn sàng hạ mình khi cần, và ôm ấp đời sống con người, chạm vào thân thể đau khổ của Đức Ki-tô nơi người khác (EG 24). Giáo Hội phải ra đi đến ‘vùng ven’, không chấp nhận sự an toàn trong vỏ bọc của mình, không đóng cửa hay thu mình trong một pháo đài (EG 49).

Trong bối cảnh thời đại với nhịp sống công nghiệp và chịu ảnh hưởng của tư tưởng vô thần, mỗi người đang và sẽ dễ sống một lối sống đề cao thái quá một chủ nghĩa duy cá nhân, và tìm kiếm những hưởng thụ riêng tư. Trong tâm tình cầu nguyện, suy gẫm về chân dung Đức Giê-su và nhìn ngắm mẫu gương Đức Mẹ Thăm Viếng (Lc 1,39-45), tôi ước mong mọi thành phần dân Chúa và mọi người biết mở ra, biết đi đến để gặp gỡ nhau, biết 'đi ra khỏi' cái riêng tư khép kín, để cảm lấy niềm vui nỗi buồn của anh chị em mình, và biết yêu thương và nâng đỡ nhau! Ắt hẳn, đó cũng là lúc mà mỗi người, khi ra khỏi mình, sẽ gặp gỡ chính vị Thiên Chúa cũng đang viếng thăm họ, đồng hành và dẫn đưa họ về nguồn bình an đích thật, về Quê Trời!

Tài liệu tham khảo

Barth, Karl. Witness to the Word: A Commentary on John 1. Oregon: Wipf and Stock Publishers, 2003.

Brodie, Thomas L. The Gospel according to John: A Literary and Theological Commentary. New York Oxford: Oxford University Press, 1993.

Brown, Raymond E. The Gospel and Epistles of John: A Concise Commentary. Minnesota, The Liturgical Press, 1988.

Gomez, Felipe. The Good Shepherd: Pastoral Approaches to Christology. Quezon City: Ateneo de Manila University, 1997.

Harris, Murray J. Jesus as God: The New Testament Use of Theos in Reference to Jesus. Oregon: Wipf and Stock Publishers, 2008.

Hoskyns, E. C. The Fourth Gospel. Ed. F. N. Davey. 2d ed. London: Faber and Faber, 1947.

Klink III, Edward W. John. Zondervan Exegetical Commentary on the New Testament. Clinton E. Arnold, General Ed. Michigan: Grand Rapids, 2016.

Köstenberger, Andreas J. Encountering John: The Gospel in Historical, Literary, and Theological Perspective. Second Edition. Grand Rapids: Baker Publishing Group, 1999, 2013.

Morris, Leon. The Gospel according to John, rev. ed. NICNT. Grand Rapids: Eerdmans, 1995.

Nelson, Thomas. The Word in Life Study Bible: NKJV Version. New Testament Edition. Nashville: Thomas Nelson Inc, 1993.

Painter, John. 1, 2, and 3 John. Sacra Pagina Series, Volume 18. Daniel J. Harrington, S.J. ed. Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 2002.

Tenney, Merrill C. John. The Expositor's Bible Commentary. The New International Version, Volume 9. Frank E. Gaebelein ed. Michigan: Grand Rapids, 1981.



[1] Các trích dẫn Kinh Thánh tiếng việt trong bài viết được trích từ Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch và chú thích, Kinh Thánh ấn bản 2011 (Hà Nội: Tôn Giáo, 2011).

[2] Giới từ Hy-lạp πρὸς dùng với đối cách (accusatif) sau động từ εἰμι (là) chỉ một chuyển động, một hướng năng động của Ngôi Lời về phía Thiên Chúa Cha. Do đó, nên dịch là 'hướng về'. Cf. CGKPV, chú thích Ga 1,1-2.

[3] Các trích dẫn Kinh Thánh tiếng Hy-Lạp trong bài viết được trích từ bản dịch của BibleWorks Greek LXX/BNT (BGT), phiên bản BibleWorks 10.

[4] Hoskyns, Fourth Gospel, 137; Morris, The Gospel according to John, 65; Eward W. Klink III, John, 86.

[5] Harris, Jesus as God, 57; Eward W. Klink III, John, 91.

[6] Tenney, John, 28. Edward W. Klink III, John, 92.

[7] Như chú giải của nhóm CGKPV, "từ 'Ngôi Lời' (Λόγος) biến mất sau Ga 1,1 và chỉ xuất hiện lại ở c.14. Câu này so chiếu với c.1 làm nổi bật sự khác biệt giữa hai tình trạng (Ngôi Lời ở trong Thiên Chúa và Ngôi Lời nhập thể): Lúc khởi đầu, đã có Ngôi Lời (c.1a), Ngôi Lời đã trở nên người phàm (c.14a) ; Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa (c.1b), Ngôi Lời cư ngụ giữa chúng ta (c.14b) ; Ngôi Lời là Thiên Chúa (c.1c), Ngôi Lời đã trở nên người phàm (c.14a)". Chú thích Ga 1,14.

[8] Theo nhận định của nhóm CGKPV, "câu này làm sáng tỏ sự chiếu cố tột độ của Ngôi Lời xuống thế đảm nhận thân phận yếu hèn của nhân loại". Ibid.

[9] Edward W. Klink III, John, 116-7.

[10] Karl Barth, Witness to the Word, 88.

[11] Xem nghĩa từ "σκηνόω". Cf. James Strong, Greek Dictionary Of The New Testament, The Ages Digital Library Reference, n.4637,  https://biblehub.com/greek/4637.htm.

[12] Thomas L. Brodie, The Gospel according to John, 133.

[13]Andreas J. Köstenberger, Encountering John, 26. 36-7. 39.

[14] Felipe Gomez, The Good Shepherd, 93.

[15] Đây cũng là mầu nhiệm biểu lộ vinh quang, hiển dung của Người (Ga 12,23). Cf. Felipe Gomez, The Good Shepherd, 229.

[16] John Painter, 1, 2, and 3 John, 277.

[17] Ban Huấn Giáo GP. Bà Rịa, "Một Hội Thánh “Đi Ra”", https://www.giaophanbaria.org/nam-pah-giao-xu-va-cong-doan-2015/2015/09/14/mot-hoi-thanh-di-ra.html, truy cập 1/11/2022.

[18] Có hơn 40 cuộc gặp gỡ cá vị giữa Đức Giêsu và người khác. Cf. Thomas Nelson, The Word in Life Study Bible, 1993.

[19] Edward W. Klink III, John, 56.

[20] Thomas L. Brodie, The Gospel According To John, 27.

[21] Ibid., 21. 32.

[22] Edward W. Klink III, John, 81.

[23] Raymond E. Brown, The Gospel and Epistles of John, 21.


0 Comments:

Đăng nhận xét