Hãy Nhận Biết Thiên Chúa - Phân tích đoạn Xh 11,1 - 12,42 (Chúa Sát Hại Các Con Đầu Lòng Người Ai Cập)

 



Phân Tích và Chú Giải Về Tai Ương Thứ 10
"Chúa Sát Hại Các Con Đầu Lòng Người Ai Cập"

Dẫn Nhập

Kinh nghiệm của dân Ít-ra-en trong cuộc Xuất Hành cho thấy đức tin là một kinh nghiệm cá vị khởi đi từ chính cảm nghiệm về uy quyền của Đức Chúa, Đấng luôn vượt trên kẻ thù để giải thoát họ, đã yêu thương và hướng dẫn họ vào miền đất của sự sống, chọn gọi họ trở thành một dân riêng và trao ban Luật cho họ. Khi nhìn lại, họ thấy rằng chính Thiên Chúa mới là Đấng tỏ mình ra cho con người qua nhiều cách, và mời gọi con người “hãy nhận biết Thiên Chúa”. Đoạn trình thuật Xh 11,1 - 12,42 sẽ làm rõ điều này.

I. Khung Cảnh, Cấu Trúc Bản Văn

1. Khung Cảnh Bản Văn

Sau khi sách Sáng Thế trình bày về công trình sáng tạo Thiên Chúa và tổ tiên của dân Ít-ra-en, sách Xuất Hành lại cho thấy cách thức Đức Chúa biểu lộ uy quyền và giải thoát dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ và làm cho họ trở thành một dân riêng, giúp họ nhận biết và tuân giữ những điều luật Người ban.[1] Có thể chia sách Xuất Hành thành hai phần tương ứng với bối cảnh sống của dân Ít-ra-en: phần thứ nhất (ch. 1-12) - khi dân đang chịu cảnh nô lệ ở Ai-cập, và phần thứ hai (ch. 13-40) - sau khi được giải thoát, dân Ít-ra-en đi vào sa mạc (ch. 13-18) và đến núi Sinai (ch. 19-40). Cụ thể hơn, phần thứ nhất thuật lại việc Đức Chúa khi thấy cảnh khổ cực của con cái Ít-ra-en, Người nhớ lại lời hứa giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp (Xh 2,23-24), và đã gọi Mô-sê và sai ông đến với Pha-ra-ô vua Ai-Cập, để bảo vua thả cho dân Ít-ra-en ra đi. Tuy nhiên vì sự cứng lòng của Pha-ra-ô, Đức Chúa đã gửi đến nhiều tai ương (ch. 7-12)[2] để giải thoát dân.

2. Cấu Trúc Bản Văn

Từ khung cảnh khái quát trên, phạm vi khai triển ở đây sẽ tập trung vào phần trình thuật về tai ương thứ mười. Trình thuật này được trình bày đan xen với trình thuật Vượt Qua, kéo dài từ chương 11 câu 1 đến chương 12 câu 42.[3] Nội dung của phần này trình bày những hành động trực tiếp của Đức Chúa cho mục đích: biểu lộ quyền năng của Ngài trên Pha-ra-ô và Ai-cập để giải thoát Ít-ra-en khỏi ách nô lệ, cùng với việc chỉ dẫn cho con cái Ít-ra-en cách cử hành và tưởng nhớ biến cố được giải thoát này, và ban lề luật cho dân. Theo đó, trình thuật này có thể được chia thành ba phần tương ứng với ba hành động của Người như sau:

1) Xh 11,1-10: Chúa cảnh báo sẽ giáng tai ương “sát hại con đầu lòng” xuống Pha-ra-ô và Ai-cập.

a.       Câu 1-3: Hành động cảnh báo tai ương của Chúa cho Pha-ra-ô và dân Ai-cập ngang qua trung gian ông Mô-sê.

b.      Câu 4-8: Ông Mô-sê chuyển lời cảnh báo của Đức Chúa cho vua Pha-ra-ô.

c.       Câu 9-10: Nguyên nhân Chúa cảnh báo là vì “sự cứng lòng” của vua Pha-ra-ô.

2) Xh 12,1-28: Chúa ra chỉ thị cho con cái Ít-ra-en về cách cử hành biến cố Vượt Qua.

a.       Câu 1-20: Đức Chúa ra chỉ thị và quy định cách cửa hành biến cố Vượt Qua cho dân Ít-ra-en qua ông Mô-sê và Aharon, bảo dân tuân theo để không bị tai ương.

b.      Câu 21-28: Ông Mô-sê nói lại cho dân chỉ thị của Đức Chúa; và Dân Ít-ra-en vâng lời, làm y như Lời Đức Chúa đã truyền.

3) Xh 12,29-42: Chúa thực hiện tai ương và giải thoát dân Ít-ra-en.

a.       Câu 29-33: Đức Chúa thực hiện tai ương “sát hại con đầu lòng”. Vua và dân Ai-cập khóc than và đuổi dân Ít-ra-en ra đi.

b.      Câu 34-42: Dân Ít-ra-en ra đi khỏi Ai-cập và tuân giữ lời Đức Chúa.

II. Phân Tích Bản Văn

1. Chúa cảnh báo sẽ giáng tai ương “sát hại con đầu lòng” trên vua Pha-ra-ô và Ai-cập
(Xh 11,1-10)

Phần này trình bày hành động Đức Chúa cảnh báo tai ương “sát hại con đầu lòng” (tai ương thứ mười) trên vua Pha-ra-ô và Ai-cập, và tiên báo rằng sau đó vua sẽ thả cho dân Ít-ra-en đi. Lời cảnh báo trước hết Chúa phán ngang qua trung gian Mô-sê (c. 1-3), sau đó Mô-sê báo lại cho vua Pha-ra-ô (c. 4-8). Và câu 9-10 cho thấy nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lời cảnh báo này là do sự cứng lòng của Pha-ra-ô.

a.    Câu 1-3

Các câu 1-3 cho thấy việc Đức Chúa cảnh báo rằng Người sẽ giáng một tai ương cuối cùng trên Pha-ra-ô và Ai-cập ngang qua ông Mô-sê, Người nói “Ta sẽ giáng một tai ương nữa xuống Pha-ra-ô và Ai-cập. Sau đó, vua ấy sẽ thả các ngươi ra khỏi đây” (c. 1). Câu hỏi được đặt ra ở đây rằng đâu là lý do khiến Đức Chúa cảnh báo sẽ giáng tai ương trên Pha-ra-ô và Ai-cập? Nhìn lại xuyên suốt trình thuật Xuất Hành hay cụ thể trình thuật các tai ương, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa thực hiện các tai ương trước hết là vì muốn giải thoát dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ bên Ai-cập. Chúng ta bắt gặp câu nói “hãy thả cho dân Ta đi” ở nhiều nơi trong sách Xuất hành là vậy ( Xh 5,1; 7,26; 8,16; 9,1; 9,13; 10,3). Tuy nhiên khi hành động như thế, Đức Chúa còn có một mục đích quan trọng khác là để người Ai-cập cũng nhận biết rằng Người là Thiên Chúa. Cụm từ “Ta là Đức Chúa” được Đức Chúa phán và nhắc đi nhắc lại nhiều nơi cho Pha-ra-ô (Xh 7,5; 14,4; 14,18). Đức Chúa muốn cho người Ai-cập hay mọi dân nước nhận biết Người. Nhưng chính vì lúc này Pha-ra-ô còn cứng lòng và dân Ít-ra-en còn bị nô lệ trên đất Ai-cập (được nói ở cuối tai ương IX - Xh 10,27) nên Đức Chúa lại tiếp tục cảnh báo tai ương thêm một lần nữa.

Hơn nữa, hành động Chúa cảnh báo cho thấy Người chờ đợi và hy vọng nơi Pha-ra-ô và dân Ai-cập. Giống như ở hầu hết các tai ương, giờ đây Chúa đưa ra lời cảnh báo chứ không cho tai ương đến ngay lập tức (ngoại trừ các tai ương III, VI, IX). Ắt hẳn, điều này cho thấy động cơ ẩn bên trong hành động của Ngài. Vì cảnh báo nghĩa là muốn người được cảnh báo có thời gian để phản tỉnh,[4] suy xét, và hy vọng có một sự thay đổi nào đó nơi họ, như câu chuyện Chúa sai ngôn sứ Giona đến cảnh báo cho thành Ninive để giúp họ hoán cải. Hơn nữa, đối nghịch với sự cứng lòng và cố chấp của Pha-ra-ô, Đức Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi, “Ta còn cho ngươi sống” (Xh 9,16). Người luôn mong Pha-ra-ô hoán cải nhờ ngang qua những tiếng nói phản tỉnh của Mô-sê, "Đức Chúa, Thiên Chúa của người Híp-ri, phán thế này: cho đến bao giờ ngươi vẫn không chịu hạ mình xuống trước nhan Ta?” (Xh 10,3), hoặc do chính các bề tôi của vua “bệ hạ chưa biết Ai-cập đang đi tới chỗ diệt vong hay sao?" ( Xh 10,7). Vì thế, hành động cảnh báo của Đức Chúa luôn đi kèm với một hướng mở, một con đường sống cho người được cảnh báo.

Bên cạnh đó, hành động cảnh báo lần này cho thấy sẽ có một tai họa đặc biệt đau thương giáng xuống Pha-ra-ô và Ai-cập. Lời cảnh báo cho thấy tai ương lần này sẽ rất khác những tai ương trước đó, nó không giống trình thuật chín tai ương trước về bố cục và từ vựng.[5] Trước hết, từ “tai ương” [ נֶ֤גַע ][6] được dùng ở đây là kiểu nói đặc biệt và chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong sách Xuất Hành, khác với các từ “tai ương” được dùng trước đó, vốn chỉ là những điềm thiêng hoặc dấu lạ tương tự những điềm thiêng dấu lạ [הָאֹ֥ת – "the sign"][7] trong Xh 4,6-9, nhằm chứng minh sứ mạng của ông Mô-sê giữa dân Ít-ra-en và trước mặt Pha-ra-ô. Bên cạnh đó, lời cảnh báo còn nhấn mạnh rằng tai ương này sẽ ập xuống trên vua Pha-ra-ô, chứ không chỉ trên đất Ai-cập như các tai ương trước. Một tác giả khảo cổ đã chỉ ra rằng, vua ở Ai-cập cổ đại được xem không phải là một người thường nhưng là một thần linh nhập thế, là con của thần Re, thần mặt trời.[8] Điều này một lần nữa cho thấy rằng khi cảnh báo và thực hiện các tai ương, Đức Chúa muốn biểu lộ uy quyền của Người trên các quyền lực chính trị thế gian và trên các thần của Ai-cập.[9] Tai ương tàn khốc này là gì vậy? Thực ra lời cảnh báo của Đức Chúa ngang qua Mô-sê chưa nói rõ. Nó sẽ được mô tả chi tiết hơn trong đoạn tiếp sau đây.

b.   Câu 4-8

Sau khi nghe Chúa phán (c. 1-3), giờ đây ông Mô-sê đi và nói lại cho vua Pha-ra-ô lời cảnh báo của Chúa (c. 4-8).[10] Cụ thể, đoạn này còn nói rõ hơn về nội dung (c. 4-5), hậu quả (c. 6) của tai ương, và việc tai ương sẽ không xảy ra nơi con cái Ít-ra-en vì Đức Chúa phân biệt giữa Ai-cập và Ít-ra-en (c. 7). Và cuối cùng là lời tiên báo rằng các bề tôi của vua Pha-ra-ô sẽ tìm đến và phục lạy dưới chân Mô-sê mà van xin ông và dân Ít-ra-en ra đi (c. 8).

Một lần nữa, Đức Chúa cảnh báo một tai ương nặng nề sẽ xảy đến và khi đó uy quyền tuyệt đối của Người được biểu lộ. Câu 4-5 cho thấy nội dung của tai ương là mọi con đầu lòng trên khắp đất Ai-cập sẽ bị sát hại, từ loài vật cho đến loài người, từ vua cho đến người tớ gái. Lời cảnh báo cho thấy tai ương thứ mười ắt hẳn là phần khốc liệt và ghê sợ nhất trong Kinh Thánh.[11] Xã hội Ai-cập cổ đại quan niệm rằng những con trai đầu lòng là sự kế thừa và là dòng dõi tương lai của dân tộc, là “tinh hoa của dòng giống họ Kham” (Tv 78 ; 105,36), và quan niệm người con trai cả của vua là người nối ngôi vua và là vị thần[12]. Vì thế, ắt hẳn tai ương nếu có thể xảy đến không phải là để tiêu diệt dân Ai-cập, nhưng biểu trưng cho sự tiêu diệt quyền lực chính trị của vua và nước Ai-cập. Hơn nữa, câu 7 còn cho thấy tai ương này chỉ xảy ra trên khắp đất Ai-cập, còn nơi con cái Ít-ra-en mọi sự vẫn yên ổn thanh bình “sẽ không có một con chó nào sủa”. Tác giả nhấn mạnh rằng: để mọi người biết Đức Chúa phân biệt Ít-ra-en với Ai-cập. Tất cả điều này chỉ muốn cho thấy rằng uy quyền tối thượng của Đức Chúa của dân Ít-ra-en vượt trên vua và các thần của Ai-cập; vì trên toàn đất Ai-cập chẳng có thần nào có thể bảo vệ được họ cả.[13] Đây hầu chắc là điều mà tác giả muốn cho thấy khi bắt đầu lời của Mô-sê nói với Pha-ra-ô rằng “Đức Chúa phán”, cũng như đã nói trước đó “để ngươi biết rằng trên khắp mặt đất không có ai bằng Ta” (Xh 9,14).[14]

c.    Câu 9-10

Các câu 9-10 bao gồm lời của Chúa phán với Mô-sê rằng Pha-ra-ô sẽ không nghe các ông, và sẽ không thả dân cho dân đi, nhưng cho thấy lý do là vì Đức Chúa làm cho lòng Pha-ra-ô ra chai đá, để làm thêm nhiều dấu lạ trong đất Ai-cập. Cách chung câu 9-10 nói lên nguyên nhân mà vì thế Chúa thực hiện tai ương ở trong phần sau (Xh 12,29-42).

Cụ thể, câu 9 vừa là lời tiên báo rằng Pha-ra-ô sẽ không nghe ông Mô-sê và Aharon nhưng cũng cho thấy nguyên nhân của nó là vì Đức Chúa muốn làm thêm nhiều phép lạ trong đất Ai-cập. Điều này được làm rõ hơn trong câu 10 rằng, sở dĩ Pha-ra-ô không nghe các ông và không thả dân Ít-ra-en đi dù các ông đã làm mọi phép lạ là vì chính “Đức Chúa làm cho lòng Pha-ra-ô ra chai đá”. Cấu trúc trình bày (làm cứng lòng - để làm nhiều dấu lạ) còn được thấy nhiều lần trong suốt trình thuật các tai ương (Xh 4,21; 7,3-4; 10,1). Thực ra sự cứng lòng của Pha-ra-ô là chủ đề trải suốt các tai ương (Xh 7,3; 9,12; 10,20; 10,27; 14,4; 14,8) và đạt tới đỉnh điểm ở tai ương cuối này. Ở đây, chính Đức Chúa đã làm Pha-ra-ô ra cứng lòng được hiểu như thế nào? Có lẽ điều có thể giúp là chúng ta cần đặt lại vấn đề về tác phẩm và tác giả của sách Xuất Hành một lần nữa. Chắc hẳn sách Xuất Hành hướng đến đối tượng người nghe là con cái Ít-ra-en, vì thế mục đích là để củng cố căn tính của cộng đoàn con cái Ít-ra-en. Cho nên, ý định của tác giả khi nói "Đức Chúa làm", là để cho thấy uy quyền tuyệt đối của Thiên Chúa mà họ tôn thờ vượt trên kẻ thù hay các thế lực khác.[15] Ngay cả việc làm cho Pha-ra-ô ra cứng cỏi để thực hiện thêm nhiều dấu lạ cũng là hành động của Đức Chúa.

Do đó, câu 9-10 còn cho thấy một thực trạng rằng, Pha-ra-ô sau khi nghe lời cảnh báo về tai ương thứ mười vẫn còn lòng chai dạ đá, vẫn đang cố chấp không tin, và do đó không thả cho dân đi. Mô-sê cũng nhận thấy điều đó vì giờ đây ông không nói "hãy thả dân Ta ra" như ở các tai ương trước nữa (Xh 7,16; 9,1; 10,3) và “ông Mô-sê nổi giận bừng bừng, ra khỏi cung điện Pha-ra-ô (c. 8). Đến đây, lý do của hành động cảnh báo tai ương của Chúa cho Pha-ra-ô và Ai-cập đã rõ. Người muốn giải thoát Ít-ra-en và muốn tỏ mình ra cho toàn thể Ai-cập để họ có thể nhận biết Người là Đức Chúa siêu vượt trên mọi thần. Và sự cứng lòng của Pha-ra-ô chính là nguyên nhân trực tiếp khiến Chúa cảnh báo và rồi sẽ gửi đến tai ương.

2. Chúa ra chỉ thị cho con cái Ít-ra-en cách mừng lễ Vượt Qua (Xh 12,1-28)

Nếu như hành động thứ nhất là cảnh báo tai ương, thì hành động thứ hai của Đức Chúa trong phần trình thuật tai ương thứ mười là việc Đức Chúa chỉ thị cho con cái Ít-ra-en cách cử hành đêm Vượt Qua trong chính ngày Người sẽ gửi tai ương đến và giải thoát con cái Ít-ra-en (Xh 12,1-28).[16] Giống như cấu trúc trình bày ở hành động đầu tiên, hành động Đức Chúa đưa ra chỉ thị cho con cái Ít-ra-en trước hết là ngang qua trung gian Mô-sê và Aharon (c. 1-20), sau đó ông Mô-sê báo lại cho dân và dân Ít-ra-en vâng nghe và làm y như Lời Đức Chúa đã truyền (c. 21-28).

a.      Câu 1-20

Phần trình thuật câu 1-20 nói về hành động Đức Chúa ra chỉ thị về cách cử hành đêm Vượt Qua cho dân Ít-ra-en ngang qua ông Mô-sê và ông A-ha-ron: bao gồm việc xác định mc thời gian, cách chọn chiên và ăn lễ Vượt Qua, những điều dân phải tuân theo để không bị tai ương đe dọa, dân phải ghi nhớ và kỷ niệm ngày được giải thoát (c. 1-14), và cuối cùng là những chỉ dẫn và luật phải giữ - phải ghi nhớ về việc ăn Bánh Không Men (c. 15-20).

Đức Chúa đưa ra cột mốc thời gian Người sẽ giải thoát Ít-ra-en. Cụ thể trong đoạn c. 1-14, Đức Chúa chỉ thị cho dân phải ý thức được đây là thời khắc quan trọng, cột mốc được xem như là khởi đầu của một lịch sử mới, dân Ít-ra-en được giải thoát và được sống, Người nói “tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm” (c. 2). Vậy cột mốc quan trọng đó là khi nào? Đức Chúa bảo con cái Ít-ra-en hãy bắt chiên vào ngày mùng 10 và để đến ngày 14 mới sát tế vào lúc xế chiều (c. 3-6). Nghĩa là biến cố Chúa giải thoát Ít-ra-en có thể sẽ diễn ra vào đêm 14 “tháng này”[17]. Khi đưa ra lời cảnh báo Xh 11, Đức Chúa không nói rõ khi nào tai ương sẽ xảy ra, Người cũng không cho hạn thời gian giống như Người hay cho trong các tai ương trước đó là “ngày mai” [מָחָ֛ר] (Xh 8,19; 9,5; 9,18; 10,4). Tuy nhiên ở đây, ngang qua chỉ thị cho dân Ít-ra-en mừng Lễ Vượt Qua, chúng ta biết được thời gian Chúa chờ đợi là khoảng bao lâu. Thời gian Chúa ra chỉ thị có thể là vào ngày đầu của tháng khi Người nói: “tháng này", vốn là tháng đầu tiên của lịch Do Thái. Do đó khi Người ra chỉ thị cho dân Ít-ra-en chuẩn bị con chiên vào ngày mùng 10 và sát tế vào đêm ngày 14, cho thấy thời gian Chúa ‘chờ đợi’ là khoảng 15 ngày hay 2 tuần.[18]

Tiếp đến, Đức Chúa đưa ra những chỉ thị để hướng dẫn dân cách mừng Lễ Vượt qua và tránh khỏi tai ương. Đó là những chỉ dẫn về việc sát tế chiên, phải lấy máy bôi lên khung cửa (c. 7), phải ăn vội vã (c. 11)… Vì vào đêm đó Đức Chúa sẽ giáng tai họa trên đất Ai-cập, và nếu con cái Ít-ra-en biết giữ những gì đã truyền (lấy máu bôi lên khung cửa) thì sẽ được sống, “thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập” (c. 13). Chúng ta thấy rằng, trong khung cảnh của lời cảnh báo (Xh 11), dường như Đức Chúa chỉ cảnh báo cho Pha-ra-ô và dân Ai-cập, nhưng ở đây tai ương có thể sụp xuống trên con cái Ít-ra-en nếu không vâng theo chỉ dẫn của Chúa (x. Lv 26,14-39). Thực ra, ngay trong chính lời cảnh báo và trong chỉ dẫn này, hay thậm chí khi tai ương xảy ra (Xh 12,29), tai ương được cho thấy sẽ xảy ra không phải trên người Ai-cập mà là trên “đất” [אֶ֣רֶץ] Ai-cập (Xh 11,5; 11,6; 12,12;12,13). Do đó có thể nói rằng, không phải tai ương tất yếu sẽ xảy đến cho Pha-ra-ô và người Ai-cập, nhưng đúng hơn cho những ai không tin nghe và tuân theo lời của Đức Chúa, và đó có thể là người Ai-cập hoặc dân Ít-ra-en.

Cũng vậy, trong chỉ thị cho con cái Ít-ra-en, Đức Chúa cũng muốn tỏ cho dân Ít-ra-en thấy uy quyền của Người, để tin nhận Người là Thiên Chúa. Người cũng xưng “Ta là Đức Chúa” [  אֲנִ֥י יְהוָֽה׃ ] trước con cái Ít-ra-en (c. 12). Thật bất ngờ, trong sách Xuất Hành, số lần Đức Chúa tỏ ra Danh của Người cho Ít-ra-en và Mô-sê (Xh 6,2; 6,3; 6,6; 6,7; 6,8; 6,29; 12,12; 15,26; 16,12; 20,2; 29,46; 31,13; 33,19) còn nhiều hơn số lần tỏ ra cho Pha-ra-ô (Xh 7,5; 7,17; 8,18; 14,4; 14,18). Chính nhờ khi phản tỉnh và nhìn vào những việc Chúa làm, không chỉ Pha-ra-ô mà chính dân Ít-ra-en cũng được mời gọi để nhận biết Đức Chúa. Đức Chúa phán với ông Mô-sê: "… Ta thực hiện các dấu lạ này giữa dân, và để ngươi thuật lại cho con cháu ngươi nghe Ta đã giáng họa xuống Ai-cập làm sao, …, khiến các ngươi biết Ta đây là Đức Chúa" (Xh 10,1-2).[19] Cũng với ý nghĩa đó, Đức Chúa còn dạy rằng dân hãy ghi nhớ và tưởng niệm ngày được Chúa cứu thoát này (c. 14).

Chính khi Đức Chúa tỏ mình ra để con cái Ít-ra-en nhận biết Người, Người đồng thời ban cho dân những điều luật để ai tin và giữ thì được sống. Nhìn lại chỉ thị mừng Lễ Vượt Qua và Lễ Bánh Không Men[20], rất nhiều điều luật được Đức Chúa ban ngang qua Mô-sê trực tiếp hay gián tiếp (c. 15-20), những điều phải làm và không được làm, về việc cử hành đêm canh thức vượt qua khỏi Ai-cập hay những điều phải nhớ để phải dạy bảo cho con cháu sau này. Thật vậy, phân tích cấu trúc trình thuật tai ương cho thấy nó đã bị gián đoạn bởi phần luật về lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men được lồng vào, cũng như được tiếp nối bởi nhiều chỉ thị về luật khác như Thánh Hiến Con Đầu Lòng (Xh 13,11-16) ngay sau đó. Điều này cho thấy ý nghĩa quan trọng của những điều luật đối với con cái Ít-ra-en, vì đó là luật Đức Chúa đã ban và khởi đi từ biến cố trọng đại Đức Chúa đã giải thoát và dẫn đưa vào miền đất hứa.[21]

b.   Câu 21-28

Đoạn c. 21-28 trước hết trình thuật lại việc ông Mô-sê nói cho dân chỉ thị của Chúa. Ông nhắc lại cách cử hành đêm canh thức Vượt Qua cho dân, ông nhắc lại những chỉ thị dân cần phải giữ để không bị tai ương giáng xuống (c. 21-23), phải dân phải ghi nhớ ngày này để kỷ niệm và dạy cho con cháu sau này biết (c. 24-27). Điều đặc biệt trong chỉ thị này, cụm từ “phải giữ” xuất hiện 2 lần, cho thấy điều Đức Chúa ngang qua ông Mô-sê muốn dân nhận ý thức tầm quan trọng để ghi nhớ và phải giữ để được sống.

Kế đến, câu 28 là một câu trình thuật của tác giả nói lên thái độ của dân Ít-ra-en sau khi nghe Đức Chúa hướng dẫn và ban luật, “con cái Ít-ra-en ra đi và làm y như Đức Chúa đã truyền cho ông Mô-sê và ông A-ha-ron”. Sự vâng lời cách tuyệt đối của dân đối với lời của Đức Chúa cho thấy niềm tin của họ đặt nơi Người. Chính điều này đã giúp cho dân Ít-ra-en tránh khỏi tai ương mà được giải cứu khi tai ương ập đến.

Nhìn lại hành động này của Đức Chúa, chúng ta thấy rằng Người cũng luôn tỏ lộ mình ra và mong muốn con cái Ít-ra-en tin nhận Người là Đức Chúa. Người ban cho dân những chỉ thị nhưng cũng có thể như là những thử thách niềm tin, mà chỉ ai tin vào Người, tuân giữ những chỉ thị của Người mới được cứu. Đoạn trình thuật cho thấy con cái Ít-ra-en tin vào Người nên sẽ được cứu sống như phần trình thuật sau đây sẽ cho thấy.

3. Chúa thực hiện tai ương và giải thoát dân Ít-ra-en (Xh 12,29-42)

Sau hai hành động ở trên, phần trình thuật tai ương thứ mười tiếp diễn với hành động thứ ba của Đức Chúa: thực hiện tai ương và giải thoát Ít-ra-en (Xh 12,29-42). Phần trình thuật này trước hết mô tả hành động Đức Chúa khiến tai ương xảy ra trên Đất Ai-cập, và hậu quả của tai ương trên Pha-ra-ô và dân Ai-cập (c. 29-33), và cuối cùng là việc dân Ít-ra-en ra đi (c. 34-42). Ắt hẳn như đã chỉ ra ở trên, hành động lần này không phải hành động tất yếu xảy ra, hay xảy ra theo trình tự sắp đặt sẵn có, nhưng là hệ quả kéo theo do nguyên nhân trực tiếp là sự cứng lòng tin của Pha-ra-ô, dù đã được Chúa cảnh báo và chờ đợi, được chỉ ra trong Xh 11, 9-10.

a.      Câu 29-33

Trong đoạn c. 29-33, trước hết câu 29 thuật lại hành động “vào nửa đêm, Đức Chúa sát hại mọi con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ con đầu lòng của vị Pha-ra-ô đang ngồi trên ngai báu, đến con đầu lòng của người tù đang ở trong ngục và mọi con đầu lòng của loài vật”. Không như ở lời cảnh báo, “sẽ phải chết” [  וּמֵ֣ת ] (Xh 11,5), cụm từ “Đức Chúa sát hại” [  וַֽיהוָה֘ הִכָּ֣ה ] xuất hiện ở đây (c. 29 và ở c. 12 trước đó) có thể làm chúng ta ngạc nhiên, vì cho thấy nó là hành vi chủ động của Đức Chúa. Câu hỏi đặt ra là “không lẽ Đức Chúa tàn nhẫn và độc ác vậy sao?”. Ắt hẳn không phải như thế! Như đã tìm hiểu ở phần trên (phần 1b), cần chú ý rằng đối tượng người nghe của sách Xuất Hành là dân Ít-ra-en, khi đó tác giả dùng hình ảnh này chỉ có mục đích chỉ ra rằng Thiên Chúa của Ít-ra-en là Thiên Chúa trổi vượt trên hết mọi quốc gia và quyền lực chính trị, các thần. Cũng vậy, lời cảnh báo “mọi con đầu lòng trong đất Ai-cập sẽ phải chết” (c. 5) hay “Đức Chúa sẽ vượt qua trước cửa và không để cho Thần Tru Diệt vào nhà anh em mà đánh phạt”, cho thấy rằng tai ương hay cái chết của ai đó có lẽ chưa bao giờ là do trực tiếp Chúa thực hiện, nhưng do sự cứng lòng của con người nên chuốc lấy, trong khi Đức Chúa luôn muốn cứu chữa và bảo vệ, “không để cho Thần Tru Diệt vào nhà anh em mà đánh phạt”. Chúng ta cũng bắt gặp trình thuật tương tự trong biến cố Đức Giê-su trốn sang Ai-cập và các anh hài bị giết (Mt 2,13-18), mà các anh hài bị giết là do bởi bàn tay của con người đang bị thao túng bởi tội lỗi.

Thứ đến, các câu 30-33 mô tả tác động của tai ương trên dân Ai-cập, từ vua cho đến bề tôi khóc lóc kêu la (c. 30), và khi đó vua cho gọi ông Mô-sê và ông A-ha-ron đến và van xin dân Ít-ra-en ra đi để thờ phượng Đức Chúa (c. 31) và cầu phúc cho vua (c. 32). Dân Ai-cập cũng hối thúc con cái Ít-ra-en ra đi (c. 33). Đoạn trình thuật cho thấy vua Pha-ra-ô và dân Ai-cập đang ở trong bóng đêm đau khổ đến cùng cực. Từ “đêm tối” xuất hiện ba lần ở đây, có lẽ không chỉ đơn thuần là bóng đêm của không gian, nhưng còn là đêm tối của tâm hồn, vì sự cứng lòng để giờ đây gặp phải cảnh đau khổ chết chóc như thế. Trong đau khổ và đường cùng, vua đã “thức dậy” và tìm đến với người của Đức Chúa của Ít-ra-en, để cầu xin, và lần này cả vua và dân muốn cho con cái Ít-ra-en đi cho nhanh, kẻo phải chịu thêm nhiều đau khổ và phải chết. Tuy nhiên Pha-ra-ô vẫn chưa có kinh nghiệm hoán cải thực sự, bằng chứng là ít lâu sau vua cho quân lính đuổi theo ngăn cản dân Ít-ra-en ra đi (Xh 14).

b.   Câu 34-42

Từ câu 34, trình thuật bắt đầu hướng hoàn toàn về con cái Ít-ra-en. Trái ngược với bầu không khí chết chóc và tang thương của dân Ai-cập, đoạn c. 34-42 mô tả tâm thế tỉnh thức và chuẩn bị lên đường của con cái Ít-ra-en. Thời điểm tai ương sụp xuống, cũng là lúc con cái Ít-ra-en đang canh thức và cầu nguyện, họ chứng kiến uy quyền của Đức Chúa trên khắp đất Ai-cập, và tình thương Người dành cho họ khi gìn giữ họ trong bình an. Con cái Ít-ra-en đã sát tế con chiên và lấy máu bôi lên khung cửa, chính vì lòng tin và giữ mệnh lệnh của Chúa như vậy mà Thần Tru Diệt đã không sát hại trên con cái Ít-ra-en.[22] Con cái Ít-ra-en được bình an và được giải thoát vì họ đã làm y như lời Đức Chúa đã truyền (c. 34-36).

Đoạn c. 37-42 mô tả dân Ít-ra-en lên đường ra khỏi đất Ai-cập,[23] có khoảng sáu trăm ngàn bộ hành cùng với một đám đông hỗn tạp cùng đi (c. 37-38). Đám đông hỗn tạp này là ai vậy? Đoạn văn không cho biết! Trong sách Giê-rê-mi-a có đoạn nói rằng dân các nước trở lại với Đức Chúa (Gr 16,19-21). Như đã được chỉ ra trong các phần trước, mục đích khi Chúa tỏ cho thấy quyền năng và danh của Người cho Pha-ra-ô và dân Ai-cập, Đức Chúa luôn mong chờ họ hoán cải và tin nhận Người. Nếu như tai ương có thể đổ xuống cho bất cứ ai không tin và tuân giữ luật, thì bất kỳ ai cũng có thể sống và thoát khỏi tai ương nếu tin nhận Đức Chúa. Và có nhiều người dân ngoại đã tin vào Đức Chúa. Vì thế, giờ đây nhóm những người tin này cùng với con cái Ít-ra-en được dẫn đi vào miền đất hứa (c. 38).

Đúc kết

Tìm hiểu phần trình thuật về tai ương thứ mười - gồm những hành động của Đức Chúa ở trên cho thấy một vài điểm đúc kết như sau. Khi đặt song song hai phần trình thuật về hai hành động (thứ nhất và thứ hai) của Đức Chúa lại với nhau, chúng ta thấy rằng có sự song đối khá rõ nét. Đức Chúa luôn đi bước trước và biểu lộ mình ra cho cả Ít-ra-en và Ai-cập, và Người đưa ra cho cả hai những đòi buộc riêng. Mặt khác, cấu trúc song đối này cũng làm nổi bật lên hai thái độ đón nhận đến từ hai trạng thái tâm hồn: tin và không tin từ dân Ít-ra-en và Ai-cập. Và đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hệ quả dân bị tai ương ập xuống hay được bình an vô sự và được cứu sống. Sự tương phản này ắt hẳn cũng là điểm nhắm mà tác giả muốn diễn tả cho người nghe là con cái Ít-ra-en.

Hơn nữa, nếu đặt cả ba trình thuật về ba hành động của Đức Chúa lại với nhau, chúng ta sẽ thấy một cấu trúc đối ngẫu cân xứng (A-B-A’). Nếu như người nghe là dân Ít-ra-en khi phản tỉnh và thấy rằng sự cứng lòng của Pha-ra-ô và Ai-cập (A) sẽ dẫn đến hệ quả là tai ương và chết chóc (A’), họ được mời gọi để ý thức hơn về tầm quan trọng của thái độ tin tưởng và tuân theo luật của Đức Chúa (B). Ắt hẳn điểm nhắm của tác giả là dân được mời gọi để ghi nhớ và tuân giữ luật của Chúa để được sống.

III. Ý Nghĩa Thần Học và Ứng Dụng

Đức Chúa luôn hành động để biểu lộ uy quyền và mạc khải Danh của Ngài cho con người và chờ đợi con người nhận biết rằng Ngài là Thiên Chúa và tuân giữ các giới răn của Ngài để được sống. Ở chiều ngược lại, đức tin của con người vào Thiên Chúa vì thế như là một hành trình khởi đi từ kinh nghiệm nhận biết Người, ngày càng lớn lên nhờ nhận biết Người hơn; và sống đức tin ấy là khi nhận biết Người hiện diện trong mọi khoảng khắc trong cuộc sống của mình.

1. Đức tin như là một hành trình khởi đi từ kinh nghiệm nhận biết Thiên Chúa 

Có thể thấy rằng trong kinh nghiệm đức tin của dân Ít-ra-en, kể từ thời Cựu Ước cho đến Tân Ước, Thiên Chúa đã luôn luôn đi bước trước trong việc tỏ mình ra cho con người và mời gọi họ đi vào trong tương quan với Ngài, nhận biết Ngài là Thiên Chúa. Đức tin trước hết là một ơn nhưng không Thiên Chúa ban, vì “không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho” (Ga 6,65). Mặt khác, đức tin của người tín hữu ắt hẳn không đến từ cái biết thuần lý trí về một Thiên Chúa trong khái niệm, chỉ nhờ học biết giáo lý hay các điều luật và nghi thức. Con người chỉ tin cho tới khi cá nhân người đó có một kinh nghiệm gặp gỡ Chúa, cảm nghiệm về quyền năng và tình yêu giải thoát mình như dân Ít-ra-en, và đó một biến cố cá vị xảy ra ở đâu đó nơi hành trình cuộc đời của mỗi người, để rồi trọn linh hồn hay trọn cả con người ấy phải thốt lên như thánh Tô-ma rằng “lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con" (Ga 20,28).

Khi phản tỉnh về xã hội và con người ngày nay, ta thấy rằng tâm thức và lối sống ấy đang bị định hình và quy định nhiều bởi khoa học và công nghệ. Một mặt chúng giúp con người vươn đến nhiều giới hạn mới, xa hơn lớn hơn, nhưng đó chỉ là những giới hạn trên chiều ngang của các sự vật, của cái có thể làm được và những gì có thể hưởng thụ được. Nhưng mặt khác, chính khi đã chạm đến những giới hạn này, con người dễ cảm thấy hụt hẫng nhưng lại thiếu đi những chỉ dẫn giúp họ đi xa hơn viễn tượng ấy. Vì thế, thay vì dừng lại và tập chú vào những nghi thức rình rang, những hoạt động sôi nổi, hay các chương trình giáo lý nặng tính khoa bảng, thật cần thiết để ý thức và xây dựng một nhân sinh quan có chiều sâu khi nhìn về thế giới, một cảm thức nền tảng về điều mầu nhiệm và linh thánh trong những cử hành thờ phượng, trong các chương trình giáo lý, và trong những hoạt động đồng hành và hướng dẫn thiêng liêng chiều sâu.

2. Đức tin được lớn lên khi có kinh nghiệm nhận biết Thiên Chúa hơn

Thứ đến, vì đức tin được đặt nền trên kinh nghiệm nhận biết nội tâm, cho nên đức tin ấy chỉ lớn lên thêm khi dần có kinh nghiệm nhận biết Thiên Chúa hơn. Trong hành trình kêu gọi và dạy dỗ các môn đệ, Chúa Giê-su luôn ước mong họ hiểu hơn về Ngài và về Chúa Cha. Trong hành trình đức tin của mình, dân Ít-ra-en cũng được Chúa mạc khải và mời gọi tin và nhận biết Người hơn. Đức Chúa nhiều lần phán bảo với họ rằng hãy nhớ lại, hãy tưởng niệm những điều Người đã làm. Vì chính khi phản tỉnh và ngẫm lại, dân Ít-ra-en nhận biết hơn về quyền năng và lòng thương của Đức Chúa, Đấng giải thoát và ban cho họ tự do; dân nhận biết luật Chúa đem đến ánh sáng và sự sống chọ họ, vì bao lần bất tuân luật là bấy nhiêu lần họ đối diện với cái chết và đau khổ.

Do đó, thiết nghĩ rằng một thái độ nội tâm chiều sâu với năng động phản tỉnh và suy gẫm thật cần thiết cho người tín hữu. Nhìn theo mẫu gương của Mẹ Maria, trong mọi biến cố của cuộc sống, khi bắt gặp những dấu chỉ còn chưa hiểu, trong những lời mạc khải còn chưa thấu, Mẹ đều “suy đi nghĩ lại trong tròng”. Kinh nghiệm và thực hành nội tâm này cũng được thánh I-Nhã Loyola sống và chỉ lại cho các thao viên trong sách Linh Thao của ngài, trong việc phục niệm, hay trong giờ hồi tâm xét mình. Mỗi người tín hữu hy vọng cũng biết ý thức hơn để tập sống năng động nội tâm này vì chính khi ấy, tâm hồn có thể được lặng và lắng hơn, để kinh nghiệm về ơn huệ và nguồn sống Chúa ban vốn trào tràn nơi hiện hữu của mình. Người tín hữu sẽ nhận ra hơn tình trạng “nô lệ” nội tâm vốn làm mình thiếu đi tự do và bình an, và nhận ra những tác động mà Chúa đã và đang cứu thoát mình. Hơn nữa, chính trong những khoảng lặng hồi niệm mà linh hồn được Chúa biểu lộ về một Tình Yêu thấm đẫm, có sức chữa lành, khởi lên niềm hy vọng, và giúp sức để giúp vươn mình lên; Tình Yêu ấy biểu hiện rõ nhất khi tôi chiêm ngắm nơi Chúa Giê-su, “Con Chiên Vượt Qua” đã chịu sát tế vì chính tôi, dù khi tôi là một tội nhân. Do đó, xây dựng một không gian nội tâm luôn biết phản tỉnh sẽ giúp người tín hữu ngày càng hiểu biết Chúa và hiểu biết mình hơn, để đức tin ngày càng lớn lên, để yêu mến và sống với Chúa sát kề hơn.

3. Sống đức tin là hành động nhận biết Thiên Chúa trong mỗi biến cố cuộc sống

Khi ấy, việc nhận biết Thiên Chúa không chỉ hiểu là nền tảng nhưng còn là chính cuộc sống đang diễn ra của người tin. Ta thấy rằng dân Ít-ra-en luôn được nhắc bảo cần nhớ lại và ngẫm nghĩ về những gì Đức Chúa đã làm và những ơn Đức Chúa đã ban cho họ. Mục đích không phải là bảo dân cần nhớ những chuyện đã xảy ra cho bằng khi dân nhớ lại kinh nghiệm nhận biết Chúa như là kinh nghiệm nền tảng ấy, dân sẽ sống giây phút hiện tại, biết yêu mến và giữ những giới luật Người ban, nghĩa là nhận biết Đức Chúa ngay trong chính cuộc sống thường ngày. Thánh Gia-cô-bê có nói “cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Nghĩa là, đức tin là gì nếu không thể hiện ra nơi những hành động đức tin; tin có nghĩa là cử hành mọi biến cố hay khoảnh khắc đời sống của tôi trong Chúa: nhận biết Chúa đang hiện diện, tin thờ và vâng theo đường lối của Người.

Vì thế, người tín hữu được mời gọi sống kinh nghiệm nhận biết và tôn thờ Chúa trong cuộc sống, trong những lúc dư dật ơn an ủi, hay trong những đêm tối, chông chênh; luôn biết tin tưởng và phó thác nơi Người để đón nhận mọi biến cố xảy đến. Đặc biệt trong những thử thách, họ biết khiêm tốn hơn để chạy đến với Chúa và hoán cải bản thân. Vì tin rằng nhờ qua những “tai ương” đủ lớn như thế, Chúa mới có thể thức tỉnh một tâm hồn điếc lác nơi mình. Mặt khác, sống đức tin còn là nhận biết và tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa trong những chọn lựa sống hằng ngày, vâng theo hay không vâng theo giới răn của Chúa, và đó ắt hẳn là một cuộc chiến cam go. Ngày nay, người tín hữu có thể đang làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc mà mình không hay biết, vẫn đang quyến luyến hay tôn thờ một thứ thụ tạo nào đó. Nhưng xin cho mỗi người biết nương nhờ vào Đức Giê-su, nhận ra những bóng mờ lệch lạc ấy mà hoán cải, và nương theo tác động của Chúa trong những chọn lựa sống của mình.

Hy vọng rằng, mỗi người tín hữu được ơn có kinh nghiệm nhận biết Thiên Chúa của mình, và mỗi ngày một nhận biết Người hơn, và rồi sống kinh nghiệm niềm tin ấy trong mỗi biến cố lớn nhỏ hằng ngày. Sao cho mỗi lời tạ ơn, mỗi lời ca tụng, hay mỗi lời thống hối, mỗi lời cầu xin; hay trong những lúc chiến đấu cam go, hay trong lúc trống vắng tuyệt vọng… và trong từng nhịp thở, trọn cung lòng thốt lên với Chúa rằng “lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con….”.


Thư Mục Tham Khảo

 

Barton, John, and John Muddiman, eds. The Oxford Bible Commentary. Oxford: Oxford University Press, 2001.

 

Boorer, Suzanne. The Promise of the Land as Oath. Berlin: De Gruyter, 1992.

 

Cassuto, U., trans. Israel Abrahams, A Commentary On The Book Of Exodus. Jerusalem: Magnes Press, 1997.

 

Clines, David A.J., et al. The Dictionary of Classical Hebrew, vol. I: א. Sheffield: Sheffield Academic Press, 1993.

--------, David A.J., et al. The Dictionary of Classical Hebrew, vol. II:ב -ו. Sheffield: Sheffield Academic Press, 1995.

Gesundheit, Shimon. Three Times a Year. Heidelberg: Mohr Siebeck, 2012.

 

Longman III, Tremper, and David E. Garland, eds. The Expositor's Bible Commentary, Genesis – Leviticus. Michigan: Zondervan Publishing House, 2008.

 

Meyers, Carol. Exodus. In New Cambridge Bible Commentary. New York: Cambridge University Press, 2005.

 

Propp, William H. C. Exodus 1-18, In The Anchor Bible. New York: Doubleday,1999.

 

Sailhamer, John H. The Pentateuch as Narrative. Michigan: HarperCollins Publishers, 1992.

 

Ska, Jean-Louis. Introduction to Reading the Pentateuch. Indiana: Eisenbraun, 2006.

 

Tischler, Nancy M., ed. All Things in the Bible. Connecticut: Greenwood Publishing Group, 2006.

 

Watts, James W. Understanding the Pentateuch As a Scripture. New York: Wiley Blackwell, 2017.

 

Whybray, R. N. Introduction to the Pentateuch. Michigan: Wm. B. Eerdmans Publishing Co., 1995.

 

Wright, G. Ernest. Biblical Archeology. Philadelphia: The Westminster Press, 1976.

 

Kinh Thánh Trọn Bộ. Bản dịch và chú thích của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV). Hà Nội:  Nxb Tôn Giáo, 2011.



[1]. James W. Watts, Understanding the Pentateuch As a Scripture (New York: Wiley Blackwell, 2017), 37.

 [2]. Ngoài ra, còn có những đoạn Thánh Kinh khác nói về các dấu lạ (tai ương) (x. Tv 78,43-51 ; 105,27-36 và Kn 11,14-20).

 [3]. Có nhiều kiểu xác định phạm vi của trình thuật các tai ương cách khác nhau: (7,14 đến 12,32), xem R. N. Whybray, Introduction to the Pentateuch (Michigan: William B. Eerdmans Publishing Company, 1995), 72; hay (7-11), xem Jean-Louis Ska, Introduction to Reading the Pentateuch (Indiana: Eisenbrauns, 2006), 44. Ở đây bài viết chọn phạm vi của trình thuật tai ương thứ mười từ chương 11 cho đến chương 12 câu 42, vì nhận thấy trình thuật tai ương này được trình bày đan xen và nhắm đến biến cố dân bắt đầu ra đi khỏi Ai Cập.

[4]. Lời cảnh báo ở tai ương thứ mười này không nói cụ thể Chúa sẽ chờ bao lâu. Điều này sẽ được làm rõ trong những phân tích ở phần II (Xh 12,1-28).

 [5]. Có thể tìm thấy một phân tích sâu hơn ở Jean-Louis Ska, Introduction to Reading the Pentateuch, 211.

 [6]. David A.J. Clines, et al, The Dictionary of Classical Hebrew, vol. II, 411-2.

 [7]. David A.J. Clines, et al, The Dictionary of Classical Hebrew, vol. I, 165-7.

 [8]. “The king was not a human being but a divine incarnation, the son of Re, son of the Sun.” Trích dẫn từ G. Ernest Wright, Biblical Archeology (Philadelphia: The Westminster Press, 1976), 2.

 [9]. “Egypt was a land of many gods: Re, the sun god; Thoth and Khons, moon gods; Nut, the sky goddess; Hopi, the god of the Nile flood; Amun, the god of hidden life-powers in nature; Maat, the goddess of truth, justice, and right order; Thoth, the god of learning and wisdom; Ptah, the god of craftsmen; Osiris, the king of the underworld; not to mention gods that looked like bulls, birds, and other creatures.” Trích dẫn từ Nancy M. Tischler, ed., All Things in the Bible (Connecticut: Greenwood Publishing Group, 2006), 194-195.

 [10]. Lời cảnh báo về tai ương thứ mười có thể đã được Mô-sê nói cho Pha-ra-ô trước khi ông rời đi ở cuối tai ương thứ chín. Vì rằng ở cuối trình thuật tai ương thứ chín, Pharao đã nói với Mô-sê: "Ra khỏi đây! Liệu hồn, đừng có đến trước mặt ta nữa, vì ngày nào ngươi đến trước mặt ta thì ngươi sẽ phải chết!" (Xh 10,28). Có nhiều tác giả có đồng quan điểm như vậy. Xem Tremper Longman III & David E. Garland, eds., The Expositor's Bible Commentary, Genesis – Leviticus (Michigan: Zondervan Publishing House, 2008), 448; John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative (Michigan: Zondervan Publishing House, 1992), 257; U. Cassuto, trans. Israel Abrahams, A Commentary On The Book Of Exodus (Jerusalem: Magnes Press, 1997), 131-132.

 [11]. Tai ương này là gì? Có nhiều tác giả cho rằng: thiết nghĩ chúng ta cần chú ý đến đối tượng người nghe của sách Xuất Hành là dân Ít-ra-en, khi đó tác giả chỉ có mục đích chỉ ra rằng Thiên Chúa của họ là Thiên Chúa trổi vượt trên hết mọi quốc gia và quyền lực chính trị quân sự, và vượt trên quyền lực các thần và phù thủy; Xem John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative, 252-264. Và Đức Chúa ra tay chống lại những kẻ sai trái tội lỗi và kẻ thù của dân; Xem James W. Watts, Understanding the Pentateuch As a Scripture, 77.

Mặt khác, việc hiến tế con đầu lòng được kể trong một vài nơi trong Thánh Kinh, có thể là một thực hành cổ của người thời đó và du nhập vào dân Ít-ra-en (x. Ed 20,26; Gr 7,31), nhưng đã bị chính Chúa lên án và loại trừ, “rồi chúng xây các nơi cao ở Tô-phét trong thung lũng Ben Hin-nôm để hoả thiêu con trai con gái chúng. Đó là điều Ta đã không truyền dạy, cũng chẳng bao giờ nghĩ tới” (Gr 7,31). Vì thế, chúng ta có thể đồng ý với chú thích của nhóm CGKPV ở chỗ cho rằng những kiểu nói bóng bảy của bản văn (cc. 5.7) không nên được hiểu sát mặt chữ. Ý tưởng chính là Đức Chúa toàn năng và Người đứng về phía dân Người chống lại kẻ thù (chú thích Xh 11).

 [12]. John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative, 257.

 [13]. Trong vùng Cận Đông thời cổ đại, các thần được cho là không có uy quyền nếu vượt ra ngoài lãnh địa riêng. Ở đây, Chúa phân biệt và bảo vệ Ít-ra-en là để cho Pha-ra-ô và dân Ai Cập biết Đức Chúa của Ít-ra-en trổi vượt trên tất cả mọi thần và có uy quyền trên mọi lãnh thổ. Xem Tremper Longman III & David E. Garland, ed.,The Expositor's Bible Commentary, Genesis – Leviticus, 432.

 [14]. Ở đây ta bắt gặp “công thức nhận biết” (recognition formula) được sử dụng. Điều này ngầm cho thấy ý định của tác giả khi trình bày về các hành động của Đức Chúa là để cho con người nhận biết Ngài. Để tìm hiểu sâu hơn xin xem Jean-Louis Ska, Introduction to Reading the Pentateuch, 211.

 [15]. John Barton and John Muddiman, eds., The Oxford Bible Commentary (Oxford: Oxford University Press, 2001), 102-103.

 [16]. Điều lưu ý đầu tiên khi tìm hiểu chương 12 là việc có nhiều quan điểm chú giải nói rằng có sự phức tạp trong cấu trúc các lớp bản văn Xh 12, xem Shimon Gesundheit, Three Times a Year (Heidelberg: Mohr Siebeck, 2012), 89-92; có sự phát triển của các lớp bản văn, đan xen nhiều yếu tố và nhiều truyền thống, trãi qua nhiều giai đoạn, xem Suzanne Boorer, The Promise of the Land as Oath (Berlin: De Gruyter, 1992), 145 & 188-189; và có sự tái biên soạn và sắp đặt các phần của bản văn để phù hợp với những chỉ dẫn phụng tự, và do đó làm cho trình thuật tai ương thứ mười bị ngắt quãng, xem John Barton and John Muddiman, eds., The Oxford Bible Commentary, 103. Hay chương Xh 12 cho thấy một sự đan xen dài và phức tạp giữa các hành động hiện tại với ý nghĩa tương lai - giữa những ngày lễ của Ít-ra-en và Cuộc Xuất Hành, xem Carol Meyers, Exodus, 94.

[17]. Đây là tháng mở đầu mùa xuân, gọi là tháng Ni-xan (tháng Ba – tháng Tư dương lịch), nguồn gốc Ba-by-lon. Còn trong lịch cổ thì nó được gọi tháng này là tháng A-víp (Đnl 16,1), nghĩa là bông lúa. Xem chú thích của nhóm CGKPV, chương 12, câu 1.

 [18] . William H. C. Propp, Exodus 1-18, 382-3.

 [19]. Đây là điều sẽ trở thành Điều Răn Thứ nhất và Thứ Hai trong Xh 20,2-3.

 [20]. Có tác giả đã phân tích bản văn và cho rằng đoạn trình thuật về lễ Bánh Không Men nằm trong bối cảnh hậu Xuất Hành, được thêm vào sau này và ngày cử hành được nhập vào ngày của Lễ Vượt Qua đã có. Xem John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative, 262.

 [21]. Xem R. N. Whybray, Introduction to the Pentateuch, 79.

 [22]. Đây cũng là cách hiểu của tác giả Tân Ước trong thư gửi tín hữu Do Thái (Dt 11,28).

 [23]. Biến cố này cũng được đề cập trong sách Dân Số: “họ rời Ram-xết lên đường vào tháng giêng, ngày rằm tháng giêng. Hôm sau lễ Vượt Qua, con cái Ít-ra-en ra đi ngang nhiên trước mắt toàn dân Ai-cập” (Ds 33,3).


0 Comments:

Đăng nhận xét