Nghi Thức Chúc Lành: Trở Về Nguồn và Áp Dụng Canh Tân Mục Vụ

Trong vài thập kỷ gần đây, những cử hành chúc lành bị bỏ quên trong việc tái suy tư thần học và áp dụng mục vụ trong đời sống giáo hội. Hơn nữa, nhiều người cho rằng nghi thức chúc lành không phải là thiết yếu trong thực hành tôn giáo.

Hòa với tinh thần canh tân phụng vụ, cách riêng việc canh tân và áp dụng cử hành chúc lành trong bối cảnh hôm nay, bài viết trước hết tìm về khởi điểm và nhìn lại chặng đường phát triển của cử hành chúc lành với cột mốc quan trọng là Vatican II. Tiếp đến là một vài đúc kết suy tư thần học, và cuối cùng đi đến những phản tỉnh về việc áp dụng mục vụ cử hành chúc lành trong bối cảnh hiện nay.

Bộ môn: Phụng Vụ - Tháng 9 năm 2021 




Dẫn Nhập

Những cử hành chúc lành là các á bí tích, gồm các chúc lành cho người, cho các sự vật, cho các nơi chốn (GLHTCG #1671), vốn được quy định trong sách De benedictionibus[1] cũng như xuất hiện trong các cử hành bí tích, trong lời chúc lành cuối thánh lễ… Một vài cử hành chúc lành cụ thể như là việc thánh hiến các trinh nữ, nghi thức khấn hứa sống bậc tu trì, và chúc lành cho những người đọc sách, giúp lễ, giáo lý viên; cung hiến hoặc làm phép nhà thờ hay bàn thờ, làm phép dầu thánh, làm phép chuông; bố mẹ chúc lành cho con cái, chúc lành trên của ăn,… (GLHTCG #1672).

Trong vài thập kỷ gần đây, những cử hành chúc lành bị bỏ quên trong việc tái suy tư thần học và áp dụng mục vụ trong đời sống giáo hội. Hơn nữa, nhiều người cho rằng nghi thức chúc lành không phải là thiết yếu trong thực hành tôn giáo.[2]

Do đó, hòa với tinh thần canh tân phụng vụ, cách riêng việc canh tân và áp dụng cử hành chúc lành trong bối cảnh hôm nay, bài viết trước hết tìm về khởi điểm và nhìn lại chặng đường phát triển của cử hành chúc lành với cột mốc quan trọng là Vatican II. Tiếp đến là một vài đúc kết suy tư thần học, và cuối cùng đi đến những phản tỉnh về việc áp dụng mục vụ cử hành chúc lành trong bối cảnh hiện nay.

1. Nguồn gốc của cử hành chúc lành

1.1. Kế thừa từ truyền thống Do Thái

Trước hết có thể thấy rằng cử hành chúc lành đã xuất hiện nơi truyền thống văn hóa cổ xưa trong và ngoài xã hội Do Thái. Cử hành này xuất hiện trong nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng khi người Ít-ra-en cử hành, họ đã chuyển từ niềm tin đa thần sang niềm tin rằng chỉ có Ya-vê [יהוה] Thiên Chúa là nguồn ban lại cho con người các ơn lành. Nghi thức chúc lành khi ấy được cử hành long trọng hoặc trong hoàn cảnh đời thường. [3]

Ở đây ta bắt gặp một ý nghĩa quan trọng và gây ngạc nhiên về cử hành chúc lành. Về mặt từ vựng, từ berakhah (sự chúc lành) trong truyền thống Do Thái là danh từ phát xuất từ gốc động từ “brk” [ברך], vừa có nghĩa là sụp lạy và cầu xin, vừa là chúc tụng và ca ngợi.[4]  Ở hình thức động từ, “chúc lành” khi xuất hiện ở thể phân từ quá khứ thụ động (barukh), nghĩa là được chúc lành. Nhưng từ này thường xuyên hơn xuất hiện ở thể chủ động, để chúc lành cho người bề dưới hay cho đối tượng ngang hàng. Đặc biệt từ này còn được dùng để chúc lành cho cả đối tượng bề cao hơn. Ở hình thức danh từ, berakhah vừa mang nghĩa một món quà cho đi và nhận được, trong tương quan với Đức Chúa và với thế giới.[5]

Vì thế, có một điều nghịch lý và thú vị ở đây là con người (thụ tạo) lại “brk” cho Thiên Chúa. Lý do là vì berakhah chính là cách thích hợp nhất để diễn tả lòng biết ơn và tôn kính lên Người. Con người “brk” Thiên Chúa là vì con người chẳng có gì để dâng lên Chúa, cử chỉ này chính yếu diễn tả một tương quan sự sống giữa con người và Thiên Chúa, con người ca ngợi và tạ ơn vì lòng quảng đại của bên trên đổ xuống trên mình.[6]

Đỉnh cao của nghi thức chúc lành trong truyền thống Do Thái nằm trong Kinh Tạ Ơn Barakhah (Berakhah Blessing). Chúng ta bắt gặp ở đây công thức chung của mọi chúc lành: nhận thức sự tốt lành và cao cả của Chúa, và Tán Tụng Ca. Tóm lại, việc chúc lành không phải trước hết và trên hết là việc đòi hỏi Chúa ban cho sức khỏe, mạng sống, sự bảo vệ và ân sủng. Nhưng đúng hơn, nghĩa ban đầu và căn nguyên hơn của từ berakh là gọi tên và tuyên xưng Chúa quyền năng cao cả, và dâng lên Ngài lời ca ngợi, tôn kính và tạ ơn Người. Chỉ sau năng động hướng lên đó, mới đến nhu cầu và mối bận tâm của con người.[7]

1.2. Trong Cựu Ước

Cũng vậy, cách riêng Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy nhiều ý nghĩa và nghi thức của cử hành chúc lành. Từ "chúc lành" xuất hiện khoảng 400 lần và là một trong những từ xuất hiện thường xuyên trong Cựu Ước.[8] Trong sách Sáng Thế, Chúa chúc lành cho muôn vật, con người, và thế giới thụ tạo (St 1,22). Sinh sôi nảy nở, sức khỏe, tuổi thọ, của cải, danh dự… là những dấu hiệu được chúc phúc (St 30,23). Bên cạnh đó các tổ phụ cũng chúc phúc cho con cháu của mình: I-sa-ac chúc lành cho Gia-cóp (St 27). Mặt khác, có một vài người còn được Chúa trao quyền để chúc lành cho dân như các tư tế (1 Sb 23,13). Tóm lại, trước hết chính Đức Chúa chúc lành cho con người và thứ đến con người cầu xin sự chúc phúc và chia sẻ với người khác ngang qua lời cầu nguyện. Con người chúc lành và thánh hiến những đồ vật.

1.3. Trong Tân Ước

Tiếp đến, cử hành chúc lành được duy trì và có những thay đổi về mặt ý nghĩa trong Tân Ước. Vì lẽ phụng vụ và đời sống đức tin của Kitô Giáo được kế thừa và cưu mang từ Do Thái Giáo.[9] Dù rằng Tân Ước không có đầy đủ những bản văn rõ ràng mô tả cử hành chúc lành, nhưng những hình ảnh và hành vi chúc lành thể hiện ở nhiều nơi và bao hàm phần lớn ý nghĩa của cử hành chúc lành trong Cựu Ước (Lc 1,64; 1,42; 2,28; 1,28 ; 2,34). Đặc biệt, việc chúc lành giờ đây đều nối kết và quy hướng đến Chúa Giêsu.

Trước hết, việc chúc lành là hành vi và thái độ ca ngợi và tạ ơn Chúa. Từ ngữ Hy Lạp eulogia trong Tân Ước giống như barakhah có nhiều nghĩa như “chúc tụng” Chúa, và nài xin một phúc lành hay một ơn nào đó từ Chúa. Chúa Giêsu mở đầu lời cầu nguyện rằng "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha (Mt 11,25-26). Đặc biệt, Chúa Giêsu chính là phúc lành trọn hảo nhất của Thiên Chúa cho con Người. Trình thuật Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể được xem là sự biến đổi nhất của khái niệm chúc lành. Vì giờ đây, phúc lành được quy hướng về chính Ngài, là ơn cao trọng nhất, trọn vẹn nhất mà Chúa Cha ban cho nhân loại (Mt 26,16; Mc 14,22; Lc 22,19).[10]

Bên cạnh việc chúc tụng Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng chúc lành cho nhiều người và nhiều đồ vật khác. Chúa Giêsu chúc lành cho trẻ em (Mc 10,13-16;…). Người đặt tay chúc lành các môn đệ (Lc 24,50-51). Ngài còn sai các tông đồ đi để chúc lành cho mọi người (Rm 15,29). Mặt khác, Chúa Giêsu dùng cùng một mẫu berakhah để chúc tụng và tạ ơn trên bánh và thức ăn như người Do Thái vẫn thường làm (Mt 14,19;…).[11] Tóm lại, việc chúc lành trong Tân Ước tập trung nhiều vào thái độ ca tụng tạ ơn Chúa Cha, qua mẫu gương Chúa Giêsu. Ngài chính là phúc lành trọn hảo của Thiên Chúa.

2. Lịch sử phát triển của cử hành chúc lành trong Giáo Hội

2.1. Trước Vatican II

Điểm nổi bật vào thời giáo hội sơ khai là việc giáo hội đã đặt những cử hành chúc lành vào cử hành Thánh Thể: cộng đoàn dâng lời ca ngợi và cảm tạ Chúa, đồng thời xin ơn để thánh hóa bánh và rượu. Do đó, cử hành Thánh Thể trở thành kiểu mẫu của mọi chúc lành, cả về công thức lẫn ý nghĩa.[12]

Vào thời Hippolitos, yếu tố ca ngợi và tạ ơn vẫn chiếm vị trí quan trọng, nhưng có một ít thay đổi dần được thấy rõ hơn vào giai đoạn phụng vụ Rôma. Ở mức độ nào đó việc chúc lành lúc này thay đổi từ sự ca ngợi được chuyển dần sang việc thánh hóa, vốn khi ấy được xem là yếu tố chính và được đưa lên đầu, còn phần vinh tụng ca do đó được đưa xuống cuối mỗi cử hành.[13] 

Đáng chú ý trong khoảng thời gian dài Trung Cổ, ý nghĩa và cử hành chúc lành có nhiều thay đổi quan trọng. Đầu tiên, trọng tâm của chúc lành chuyển từ ca tụng tạ ơn thành cầu xin. Lời chúc tụng bị giảm nhẹ đi và hoàn toàn biến mất trong nhiều cử hành chúc lành. Thay đổi thứ hai là hướng trực tiếp đến các đối tượng vật chất thay vì đến con người liên quan. Lý do là vì xem các đồ vật với bản chất không tốt và thế giới bị giam cầm bởi quyền lực sự dữ nên cần được thánh hiến và khử trừ ma quỷ.[14]

Trong giai đoạn từ 1614 đến 1952 đã có rất nhiều những phiên bản của sách phụng vụ Rôma (Rituale Romanum) được xuất bản. Cuốn Roman Ritual do đức Phaolô V ban hành năm 1614 đã loại bỏ nhiều cử hành chúc lành, để lại 28 nghi thức mà phần lớn hướng đến các đồ vật. Các phiên bản phụng vụ khác nhau sau đó có số lượng các chúc lành cũng thay đổi với mối quan tâm chính là cầu xin ơn giải thoát cho những đồ vật khỏi sự nô lệ và hư hoại. Mãi cho đến trước Công Đồng Vatican II, bản Rituale Romanum được ban hành bởi đức Giáo Hoàng Pi-ô XII năm 1952 đã đặt những cử hành chúc lành trở thành một phần mới (Phần IX) với tựa đề là “De benedictionibus”, bản này có 179 cử hành chúc lành.[15]

Tóm lại, trong truyền thống Tây Phương, yếu tố vinh tụng ca (anamnesis) theo thời gian ít được nhấn mạnh, nhưng nhấn mạnh hơn vào phần cầu khẩn (epiclesis).[16] Vì thế, giáo hội Tây Phương ắt hẳn được kêu gọi canh tân qua việc phản tỉnh trên truyền thống phụng vụ của 'người anh em' Đông Phương về khía cạnh này. 

2.2. Vatican II - Canh tân

Cho đến Công Đồng Chung Vatican II, giáo hội nhận thấy một nhu cầu rất lớn cần canh tân phụng vụ cách chung và cách riêng canh tân các nghi thức chúc lành. Nguyên tắc hướng dẫn phổ quát giáo hội đưa ra là nghi thức phải chiếu tỏa nét đơn sơ cao quý, phải ngắn gọn dễ hiểu và tránh những trùng lắp vô ích, phải thích ứng với tầm lĩnh hội của các tín hữu (SC 34). Các á bí tích cũng phải được duyệt xét lại với định hướng căn bản là làm sao cho các tín hữu dễ dàng tham dự cách ý thức và tích cực, đồng thời lưu tâm đến những nhu cầu đương thời (SC 79).

Cách cụ thể, cần có thái độ không xem nhẹ các á bí tích hay các cữ hành chúc lành. Vì các á bí tích quy hướng về các bí tích, giúp người nhận lãnh hoa trái của các bí tích, và có mối quan hệ mật thiết với phụng vụ của Giáo Hội. Không thể so sánh bí tích và á bí tích về hiệu quả của chúng, nếu không sẽ xem nhẹ các á bí tích như những thế kỷ gần đây. Các á bí tích hay việc chúc lành sẽ giúp người tín hữu sống đức tin và thánh hóa mỗi biến cố của cuộc sống và môi trường sống của mình.[17]

2.3. Sau Vatican II – Thực hiện canh tân

Ngay sau Vatican II, việc canh tân phần phụng vụ các phép lành được thúc đẩy tiến hành. Hưởng ứng kêu gọi của SC 79, nghi thức về các phép lành được xét duyệt. Mãi cho đến ngày 31 tháng 5 năm 1984, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mới ban hành một bộ nghi thức về các phép lành. Được xuất bản như là một cuốn nghi thức riêng, lấy lại tựa đề như trước là “De Benedictionibus”.[18] Cuốn sách là một công trình công phu và khá dày, bản La-tin dày khoảng 545 trang, bao gồm rất nhiều nghi thức chúc lành. Đặc biệt, sách nghi thức chúc lành này đáng chú ý khi có thêm phần hướng dẫn chung ở đầu (số 1-39), cũng như nhiều những hướng dẫn khác trong từng nghi thức riêng biệt, để giúp hiểu và áp dụng cho cả những người giáo dân. Trong bản De Benedictionibus này, yếu tố bảo vệ chống lại ma quỷ phần lớn vắng bóng.[19]

3. Bàn về thần học của cử hành chúc lành

Sau khi tìm về nguồn và đi lại hành trình phát triển của cử hành chúc lành trong lịch sử giáo hội, phần tiếp theo sẽ bàn về một vài điểm nhấn thần học của cử hành chúc lành khi hiểu áp dụng chỉ dẫn của sách De Benedictionibus và tinh thần canh tân sau Công Đồng Vatican II.

3.1. Tâm tình ngợi khen và cảm tạ Chúa trước và trên hết

Đầu tiên, tâm tình ca ngợi tạ ơn Chúa phải là yếu tố chính yếu và trung tâm của mọi cử hành chúc lành. Ắt hẳn như vậy, số giáo lý 1671 khi đề cập đến phép lành đã nói rằng: “Mọi phép lành đều là lời ca ngợi Thiên Chúa và lời cầu nguyện để đạt được các hồng ân của Ngài.” Mọi sự chúc lành dù là trên người và mọi vật thì kỳ cùng phải là lời cầu khẩn và tạ ơn Chúa, nhận ra và ý thức rằng tất cả đã được Chúa chúc lành, từ việc tạo dựng cho đến công trình cứu độ của Người, vì Chúa là nguồn của mọi phúc lành (GI 1).[20] Hay nói cách khác, việc cầu xin và tạ ơn kết chặt và không thể tách rời nhau.

Do vậy, việc chúc lành phải luôn gắn chặt và được định hình bởi bí tích Thánh Thể. Vì mầu nhiệm đỉnh cao trong cử hành này chính là phúc lành tuyệt hảo nhất của Thiên Chúa, là chính Con Một được tặng ban cho nhân loại. Trong Kinh Nguyện Thánh Thể, từ “bless” xuất hiện khoảng 15 lần cũng cho thấy điều ấy.[21] Hơn nữa, thánh lễ được mở và đóng bằng một phép lành, nhưng kế đó là một lời sai đi để người tín hữu sống chiều kích thánh lễ nối dài trong đời sống của mình. Mọi phúc lành khác trong đời sống đều hướng về và tham dự vào phúc lành Thánh Lễ.

3.2. Tính tham dự của cộng đoàn

Thứ đến, cử hành chúc lành phải được nhấn mạnh hơn ở yếu tố tham dự. Nhiều cử hành chúc lành ngày nay (làm phép ảnh tượng…) chỉ chú ý đến các hành vi và tiến trình theo công thức rập khuôn. Với những nghi thức đã được xác định trước, người ta thường mắc phải cái nguy hiểm là dễ lặp lại cách máy móc, thiếu đi yếu tố cốt yếu là thái độ xứng hợp của tâm hồn (Mt 18,20; SC 7). Vì thế cần làm sao để hiểu và cử hành có ý thức và tâm tình, đòi hỏi cả hai yếu tố ex opere operantis ex opere operato. Nghĩa là cần chuyển trọng tâm của cử hành chúc lành sang người tham dự hơn là chỉ tập trung vào công thức và những vật được chúc lành.[22]

Yếu tố tham dự của toàn thể cộng đoàn cũng phải được để ý hơn. Đức Hồng Y Ratzinger nói rằng tinh thần canh tân phụng vụ sau Vatican II có những điểm nhấn nhưng yếu tố tham dự của cộng đoàn theo ngài phải là yếu tố trọng tâm.[23] Nhiều cử hành phúc lành ngày nay cho thấy linh mục hay chủ tế thường đóng vai trò một mình, thậm chí khi có nhiều người tham dự. Để canh tân, phụng vụ phải được cử hành chung với sự tham dự đông đảo và tích cực của giáo dân”, “phải ưu tiên cho cử hành cộng đồng hơn là cử hành một mình hoặc riêng tư” (SC 27). Trong những cử hành chúc lành bất ngờ không có cộng đoàn tham dự, cần ý thức mình nhân danh hội thánh (GI 17).

3.3. Cần thay đổi thế giới quan

Ở một khía cạnh khác, xu hướng thế tục và sự phát triển của khoa học kỹ thuật còn khiến cho Chúa - nguyên lý đệ nhất ngày càng bị giảm nhẹ, thay vào đó đề cao cái tôi. Hay do chính vòng xoáy của công việc và nhịp sống bận rộn, con người dễ quên đi nhu cầu cử hành chúc lành.[24]

Cụ thể, quan điểm nhân sinh và vũ trụ quan ngày nay đang gây ra cái nhìn lệch lạc về cử hành chúc lành. Đức hồng y Ratzinger nhận thấy rằng thần học phụng vụ đang kinh qua một khủng hoảng về tính bí tích, vốn rời xa thực tế. Lý do là vì não trạng con người ngày càng vật chất hóa thực tại, con người bị giản lược như là home faber. Vì thế không có một không gian thích đáng cho sự siêu vượt của thực tại, vốn là cơ sở cho đời sống bí tích.[25] Cũng vậy, giáo hội đã đang trải qua não trạng đậm tính nhị nguyên: xem tinh thần đối lại cái vật chất và có cái nhìn bi quan về tự nhiên.[26] Với điểm khởi như vậy con người khó có thể hiểu được làm sao “thực tại” này có thể trở thành “thánh” hay là “phúc lành”.

Vì thế việc chúc lành đòi hỏi một thế giới quan đúng đắn về thụ tạo, cần phục hồi niềm tin rằng ân sủng ở trong tự nhiên. Thế giới vì là món quà của Thiên Chúa, bày tỏ cho con người sự tốt đẹp và khôn ngoan của Người. Giáo hội mời gọi mỗi người thực hành việc chúc lành và mỗi người hãy trở nên phúc lành cho thế giới (GI 8). Thiên Chúa giao phó cho con người sử dụng những thụ tạo tốt đẹp mà Ngài tạo dựng với sự khôn ngoan (GI 12).

4. Về việc áp dụng cử hành chúc lành

Sau đây là một vài phản tỉnh trong việc áp dụng mục vụ cử hành chúc lành ngày nay.

4.1. Thừa tác viên và nghi thức cử hành

Sách De benedictionibus nhấn mạnh lại vai trò của giáo dân trong nghi thức chúc lành (GI 18). Tinh thần của sách nghi thức đã không dựa trên nền tảng chức tư tế thừa tác nhưng là chức tư tế phổ quát, chức tư tế chung của mọi tín hữu khi được rửa tội (GI 17; hay GLHTCG #1669). Thiết nghĩ, giáo hội cần giúp người tín hữu cần ý thức rằng họ cần cử hành việc chúc lành trong những gì liên quan trong cuộc sống gia đình (chúc lành cho thức ăn, gia đình, trẻ em, căn nhà,…); cử hành này không chỉ dành riêng cho các giáo sĩ. Làm sao để mọi khoảnh khắc và biến cố, người tín hữu có cơ hội để tạ ơn Chúa, để xin ơn trợ giúp (GI 13-14).

Cần có những hướng dẫn trước các bài đọc, lời giảng dạy của chủ tế, và những khoảng lặng để giúp người tham dự hiểu về ý nghĩa của việc chúc lành (GI 20, 21). Thừa tác viên cần hướng dẫn cho người tham dự ý nghĩa quan trọng của việc chúc lành, có thể trong lúc cử hành hay trong các giờ giáo lý trước đó, chặn đứng những nguy cơ làm thay thế đức tin chân chính bởi những yếu tố mê tín và cách hiểu nông cạn (GI 19). Đặc biệt, thừa tác viên phải giúp gợi lên cho người tham dự tâm tình chúc tụng tạ ơn cách trước hết. Nếu như nghi thức chúc lành được cử hành chỉ có phần chính là kinh nguyện chúc lành, dấu thánh giá hay rảy nước phép, thì thật là khó để giúp mọi người hiểu được ý nghĩa của nó.

4.2. Về Tên Gọi Sách De Benedictionibus

Hiện tại giáo hội Việt Nam, hay cách riêng Ủy Ban Phụng Tự, chưa công bố một ấn bản chính thức để dịch và áp dụng cuốn De Benedictionibus. Nhìn chung, phần lớn các nghi thức chúc lành trong sách De Benedictionibus vẫn chưa được phổ biến và cử hành tại giáo hội Việt Nam. Đây có thể là một nguyên nhân khiến cử hành chúc lành khá mờ nhạt và vắng bóng trong đời sống đức tin và tâm thức của người tín hữu Việt.

Mặt khác, chữ “phép” trong tiếng Việt hiện tại dễ gây hiểu sai về bản chất và ý nghĩa của cử hành chúc lành. Sách Từ Điển Công Giáo định nghĩa từ “Sách Các Phép” dịch từ benedictionale, hay祝福 禮典 (Chúc Phúc Lễ Điển). Sách Các Phép là tập hợp những cử hành bí tích và các á bí tích trong đó có các chúc lành.[27] Từ Điển Công Giáo cũng dịch chữ "benedictio" và "bless" hay 祝福 (chúc phúc) là “làm phép”; “phép” () là “nghi thức tôn giáo” hay “bí tích”. Làm phép là đặc ngữ Công Giáo chỉ việc cử hành một số á bí tích liên quan đến việc chúc lành.[28] Tuy nhiên, từ “phép” phần lớn mang nặng ý nghĩa huyền nhiệm, thần bí, và đặc biệt mang yếu tố bùa phép, phép thuật, hay mê tín.[29] Hoặc có khi có cả hai nghĩa tôn giáo và mê tín.[30]

Bên cạnh đó, chắc chắn chữ “phép” này chỉ diễn tả một trường nghĩa từ trên xuống, từ 'thần' xuống trên con người, thiếu chiều kích hướng lên – ca tụng và tạ ơn. Điều này lý giải tại sao trong tiếng Việt, cần bổ sung thêm các thuật từ khác để cùng dịch về một từ “brk” hay “benedictio” như: chúc lành, chúc tụng, giáng phúc, phép lành,…[31] Do đó, việc xem xét lại cách dịch thích hợp cũng như làm thế nào để giúp mọi người hiểu đúng và hiểu đủ nội hàm của của cử hành là điều cần thiết, không thể tách biệt cử hành 'làm phép' với năng động ca ngợi tạ ơn.[32] Nhờ đó, giáo hội Việt Nam có thể áp dụng và sống cử hành chúc lành cho đúng và sinh ích lợi hơn.

4.3. Về việc xin ơn và 'làm phép' đồ vật

Ngày nay, bên cạnh phần tín hữu nguội lạnh và xa lạ với những cử hành chúc lành, có hiện tượng rất nhiều giáo dân và và cả người ngoại đạo đổ xô đến các trung tâm hành hương hay gặp ai đó để khấn vái và xin ơn. Tuy nhiên, mỗi người rất cần phản tỉnh lại những cử hành chúc lành này để điều chỉnh những lệch lạc nếu có vốn làm biến dạng hay giết chết đức tin tinh tuyền. Một trong những câu hỏi cần được suy gẫm: cử hành đó có giúp người tín hữu gia tăng cảm thức đức tin và cảm nghiệm được Chúa như là người Cha yêu thương, để tâm hồn được đầy tràn lòng tạ ơn và ca ngợi Chúa không, hay chỉ đơn thuần đang tìm kiếm điều gì khác để bù lấp khoảng trống sợ hãi hay ham mê thế tục tạm thời, đang nô lệ cho kiểu thờ phượng “cái tôi” chứ không phải “Thiên Chúa”?[33] Cũng như mọi người cần tránh sự hiểu lầm nguy hiểm cho rằng đồ vật nào đó chứa đựng ơn thánh.[34]

Kết luận

Trong giới hạn và điểm nhắm của bài viết là đào sâu ý nghĩa của cử hành chúc lành cũng như đưa ra một vài gợi ý mục vụ, hành trình vừa qua giúp nhận ra rằng cử hành chúc lành là một năng động hai chiều. Trong đó tâm tình chúc tụng và tạ ơn là bản chất không thể thay đổi của những cử hành chúc lành, vì nhận ra Tình Yêu của Người vẫn luôn đỗ trào tràn trong cuộc đời của mình, để rồi khiêm tốn cầu xin và chờ đợi ơn trợ giúp và thánh hóa, để sống trong niềm tín thác, bình an, và bác ái.

Sống tâm tình canh tân phụng vụ theo lời mời gọi của giáo hội, thiết nghĩ giáo hội Việt Nam và mọi người tín hữu cần được hiểu hơn về ý nghĩa và ích lợi của cử hành chúc lành, để rồi từng bước áp dụng trong đời sống cách phổ biến và tham dự cách ý thức hơn. Sao cho trong tâm trí và môi miệng luôn vang lên lời chúc tụng tạ ơn Chúa, và trở thành một phúc lành cho anh chị em mình và cho thế giới tạo thành.


Thư Mục Tham Khảo

Adam, Adolf. Foundations of Liturgy: An Introduction to Its History and Practice. Minnesota: The Liturgical Press, 1992.

 Beale, G. K. We Become What We Worship - A Biblical Theology of Idolatry. Illinois: InterVarsity Press, 2008.

 Jokiranta. “Towards a Cognitive Theory of Blessing: Dead Sea Scrolls as Test Case”. In Functions of Psalms and Prayers in the Late Second Temple Period, edited by M S Pajunen & J Penner, no. 486, de Gruyter, Berlin, (2017): 25-47. https://doi.org/10.1515/9783110449266-003.

Kaczynski, Reiner. “Blessings in Rome and the Non-Roman West”. In Handbook For Liturgical Studies, Volume IV, Sacraments and Sacramentals, edited by Anscar J. Chupungco, O.S.B. Collegeville Minnesota: The Liturgical Press, 2000.

 Lang, Uwe Michael. "Theologies of Blessing: Origins and Characteristics of De benedictionibus (1984)". Antiphon: A Journal for Liturgical Renewal 15, no. 1 (2011): 27-46. Htttp://muse.jhu.edu/article/750869.

 Ratzinger, Joseph. Theology of The Liturgy - The sacramental Foundation of Christian Existence. Trans. by John Saward, et all, edited by Micheal J. Miller. Sanfracisco: Ignatius Press, 2014.

 Richards, Kent Harold. “Bless/Blessing”. In The Anchor Bible Dictionary, vol. I: A–C, edited by David Noel Freedman. New York: Doubleday, 1992.

 Rossetti, Stephen J. The Priestly Blessing - Recovery the Gift. Indiana: Ave Maria Press, 2018.

 Scharbert, Josef. “BRK,”. In Theological Dictionary of the Old Testament, vol II: bdl–gālāh, edited by G. Johannes Botterweck and Helmer Ringgren. Grand Rapids: Eerdmans, 1977.

 Simons, Thomas G. Blessings - A Reappraisal of Their Nature Purpose and Celebration. California: Resource Publication, 1981.

   

Các Tự Điển

 Ban Từ Vựng Công Giáo - Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Từ Điển Công Giáo. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2016.

 Nguyễn, Như Ý, chủ biên. Đại Từ Điển Tiếng Việt. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin, 1998.

 Nguyễn, Lân. Từ Điển Tiếng Việt. Hà Nội: NXB KH&XH, 1991.

 Viện Ngôn Ngữ Học. Từ Điển Tiếng Việt Phổ Thông. Hồ Chí Minh: NXB TP Hồ Chí Minh, 2002.

   

Các tham chiếu

GI       General Introduction - Phần dẫn nhập của sách De Benedictionibus. Trích trong Lysik, David A., ed. The Liturgy Documents – A Parish Resource, Volume Two. Tran. by Paul F. Ford. Chicago: Liturgy Training Publications, 1999, 345-361.

 SC       Sacrosanctum Concilium (Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh)

 GLHTCG Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2009.



[1] Sách Nghi Thức Chúc Lành; sách sẽ được trình bày trong các phần sau.

 [2] Thomas G. Simons, Blessings - A Reappraisal of Their Nature Purpose and Celebration, 1.

 [3] Stephen J. Rossetti, The Priestly Blessing - Recovery the Gift, 50.

 [4] Thomas G. Simons, Blessings, 9. Trong tiếng Do Thái, Aram hay những ngôn ngữ thuộc hệ Semic khác, một gốc từ sẽ tạo nên những nhiều thức từ khác nhau.

 [5] Josef Scharbert, “BRK,” in Theological Dictionary of the Old Testament, volume II: bdl–gālāh, 284-305.

 [6] Kent Harold Richards, “Bless/Blessing,” in The Anchor Bible Dictionary, volume I: A–C, 753–755.

 [7] Stephen J. Rossetti, The Priestly Blessing, 9.

 [8] Thomas G. Simons, Blessings, 14.

 [9] Ibid., 33.

 [10] Stephen J. Rossetti, The Priestly Blessing, 23, 42.

 [11] Thomas G. Simons, Blessings, 15-16.

 [12] Ibid., 45.

 [13] Ibid., 42.

 [14] Ibid., 48.

 [15] Uwe Michael Lang, “Theologies of Blessing: Origins and Characteristics of De Benedictionibus (1984)”, 29-35.

 [16] Adolf Adam, Foundations of Liturgy: An Introduction to Its History and Practice, 257.

 [17] Thomas G. Simons, Blessings, 76-77.

 [18] Uwe Michael Lang, “Theologies of Blessing: Origins and Characteristics of De Benedictionibus (1984)”, 31-32.

 [19] Ibid., 44.

 [20] Reiner Kaczynski, “Blessings in Rome and the Non-Roman West”, 393-394.

 [21] Thomas G. Simons, Blessings, 63-64.

 [22] Ibid., 26.

 [23] Joseph Ratzinger, Theology of The LiturgyThe sacramental Foundation of Christian Existence, 586-588.

 [24] Thomas G. Simons, Blessings, 89.

 [25] Joseph Ratzinger, Theology of The Liturgy, 153-154, 166.

 [26] Thomas G. Simons, Blessings, 87-88.

 [27] Từ Điển Công Giáo, 738.

 [28] Ibid., 510.

 [29] Từ Điển Tiếng Việt, 964; Đại Từ Điển Tiếng Việt, 1330.

 [30] Từ Điển Tiếng Việt Phổ Thông, 480.

 [31] Từ Điển Công Giáo, 150, 151, 333, 673.

 [32] Jokiranta, “Towards a Cognitive Theory of Blessing: Dead Sea Scrolls as Test Case”, 17.

 [33] G. K. Beale, We Become What We Worship - A Biblical Theology of Idolatry, 294-97.

 [34] Adolf Adam, Foundations of Liturgy, 256.

0 Comments:

Đăng nhận xét