CHỈ THIẾU MỘT ĐIỀU - Phân Tích và Chú Giải Đoạn Tin Mừng Mc 10,17-22

Dẫn nhập:

Tin Mừng Maccô thuật lại câu chuyện một người đến hỏi Chúa Giêsu về sự sống đời đời, và Người trả lời rằng "anh chỉ thiếu một điều". Sau đó, Người đề nghị cho anh một loạt những việc cần làm như "hãy đi", "hãy bán những gì anh có", "cho người nghèo, rồi "hãy đến theo" Người (Mc 10,21b). Ở đây dường như bản văn không cho thấy rõ điều Chúa Giêsu nói người ấy thiếu là gì... 

Bài viết cố gắng đi tìm câu trả lời khi phân tích đoạn Kinh Thánh Mc 10,17-22, để hiểu hơn ý nghĩa lời nói của Chúa Giêsu đối với anh thanh niên trong câu chuyện, cũng như tìm thấy ý nghĩa của lời nói ấy đối với các môn đệ, đối độc giả, và với mỗi người hôm nay. Trước hết, bài viết xác định giới hạn và cấu trúc bản văn; kế đến đi vào phân tích, và rồi đưa ra một vài suy tư thần học từ đó.

I. Bối Cảnh Và Cấu Trúc Bản Văn

1. Bối cảnh bản văn

Bản văn Mc 10,17-22 là một tiểu đoạn nằm trong đoạn Kinh Thánh 10,17-31, vốn thuộc phần hành trình Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem cùng với các môn đệ (8,22-10,52). Câu 10,17 cho thấy đây là khởi đầu một phân đoạn mới với cùng một mô-típ hành trình, "vừa lên đường" [ὁδὸν] như thấy ở 8,27; 9,2.14.30.33 và 10,1. Mặt khác, đoạn 10,17-31 có hai bản văn song song tương ứng là Mt 19,16-30 và Lc 18,18-30. Cả ba đoạn này điều được đặt sau trình thuật liên quan đến giáo huấn của Chúa Giêsu liên quan "trẻ em", và sau đó là lời loan báo cuộc thương khó lần thứ ba. Ngoại trừ, chỉ có Tin Mừng Matthêu đặt dụ ngôn người làm vườn nho (Mt 20,1-16) chèn vào trước lời tiên báo thứ ba này.

Bên cạnh đó, tiểu đoạn 10,17-22 hay cách chung đoạn Mc 10,17-31 thuộc phần giảng dạy của Chúa Giêsu về Nước Thiên Chúa và để giáo huấn các môn đệ. Các từ ngữ được lập đi lập lại trong suốt đoạn văn này như "sự sống đời đời" (10,17), "Nước Thiên Chúa" (10,24), "được cứu" (10,26), và "sự sống vĩnh cửu ở đời sau" (10,30) cho thấy điều đó.[1] Cũng vậy, cụm từ "Người nói (với các ông)" được lặp đi lặp lại ở các câu 10, 23, 27, 29. Có thể nói, tính môn đệ và Nước Thiên Chúa gắn chặt với nhau: việc làm môn đệ dẫn đến "kho tàng trên trời".[2]

Mặt khác, đoạn văn trước đoạn văn này (10,13-16), thuật lại giáo huấn của Chúa Giêsu liên quan đến “trẻ em” và cách thức vào Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói "ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em em, thì sẽ chẳng được vào" (10,15). Rõ rằng giáo huấn này nối kết với đề tài trong đoạn văn 10,17-31 đang phân tích.[3] Tiểu đoạn 10,17-22 thuộc đoạn văn 10,17-31 nối tiếp bởi đoạn văn 10,32-34, nói về việc Chúa Giêsu báo trước lần thứ ba cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Lời loan báo này gắn với bản văn trên khi nói đến những thách đố và từ bỏ trên hành trình đi theo Người và vào Nước Trời.

2. Cấu trúc bản văn

Như hai đoạn song song ở Matthêu và Luca, đoạn Maccô 10,17-31 có bố cục được phân chia thành ba tiểu đoạn rõ ràng, mà 10,17-22 là tiểu đoạn đầu tiên.[4] Tuy nhiên, cũng có những tác giả chia thành bốn tiểu đoạn, khi tách câu 10,31 riêng ra.[5] Cấu trúc bao quát này cho thấy tiểu đoạn 10,17-22 có liên kết chặt chẽ cách đặc biệt với hai tiểu đoạn còn lại.

Tiểu đoạn 10,17-22 thuật lại câu chuyện có một người đến gặp và hỏi Chúa Giêsu về sự sống đời đời, và Chúa Giêsu đã trả lời cho anh, nhưng sau đó anh ta bỏ đi. Tiểu đoạn (10,23-27) chuyển sang bối cảnh xoay quanh Chúa Giêsu và các môn đệ sau khi người thanh niên bỏ đi. Nội dung nói về việc "vào Nước Thiên Chúa" dễ hay khó, và rào cản của cải. Tiểu đoạn cuối (10,28-31) tiếp nối bối cảnh giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, với chủ đề những cái mất và được khi đi theo Người và để được Nước Trời.

Có thể phân chia tiểu đoạn 10,17-22 thành cấu trúc đối ngẫu cân xứng với một vài điểm nhấn. Thứ nhất là hình ảnh đối nghịch của anh thanh niên ở câu 17 và 22, như là 'mở' và 'đóng' cho câu chuyện. Tiếp đến khi hướng vào tâm là hai lần lên tiếng của Chúa Giêsu và ứng với mỗi lần có hai lời nói (18-19 và 21a-21b), và cuối cùng là tâm (20): câu trả lời của anh trước câu hỏi của Chúa Giêsu, cho biết anh hiểu về chính mình như thế nào.

Nhân Vật

Câu

Nội dung

Người

17

Có một người chạy đến gặp Chúa Giêsu và hỏi

Chúa Giêsu

18

 

Người chất vấn câu hỏi của anh: "sao anh nói tôi là tốt lành"

Chúa Giêsu

19

 

Người hỏi anh: "anh có biết các điều răn?"

Người

20

 

Anh trả lời: "tuân giữ tất cả từ thuở nhỏ"

Chúa Giêsu

21a

 

Người yêu mến anh

Chúa Giêsu

21b

 

Người nói: "anh chỉ thiếu có một điều"

Người

22

Anh buồn rầu bỏ đi

 

II. Phân Tích Bản Văn (10,17-22)

1. Có một người chạy đến gặp Chúa Giêsu và hỏi (c.17)  

Khởi đầu câu chuyện là hình ảnh về một người: người này là ai? Maccô ở đây nói là "một người" [εἷς], và chỉ nói rõ anh là người giàu có ở câu 22.[6] Bản văn tương ứng trong Matthêu cho biết đây là một "người trẻ" (Mt 19,22), còn Luca nói anh là một "thủ lãnh" (Lc 18,18). Cách anh ta chạy đến chứ không đi [προσδραμὼν] (thì aorist), sụp lạy dưới chân thay vì đứng [γονυπετήσας] (thì aorist), và hỏi xin [ἐπηρώτα] Chúa Giêsu dường như cho thấy anh có lòng kính trọng và khao khát điều gì đó (x.1,40).

Thứ đến, anh hỏi Chúa Giêsu rằng "Thưa Thầy tốt lành, tôi phải làm gì để có sự sống đời đời làm gia nghiệp?" [7] Ở đây, việc anh xin Chúa Giêsu chỉ cho biết phải làm gì để "thừa hưởng sự sống đời đời" cho thấy anh quan tâm đến sự sống đời sau.[8] Lời cầu xin cũng giống như biểu hiện bên ngoài của người ấy cho thấy rằng anh vẫn đang cảm thấy mình cần phải làm gì đó hơn nữa.

Tuy nhiên, dường như anh xem Nước Trời là một điều gì đó để đạt được.[9] Trong khi Maccô và Luca dùng từ "thừa hưởng" [κληρονομέω],[10] Tin Mừng Matthêu dùng từ "đạt được" [σχῶ] cho câu nói của anh. Bên cạnh đó, từ "κληρονομέω" được dùng trong bản LXX có nghĩa là "có được tài sản", mà đặc biệt là đất hứa (St 15,8; Ed 35,10), chứ không quá nhấn mạnh đến khái niệm "thừa hưởng".[11] Mặt khác, khi thánh Maccô dùng từ "thừa hưởng" và sau đó phác họa rõ hơn rằng anh là một người giữ luật cách chỉnh chu (c.20) phần nào có thể cho thấy rằng anh được xem là hình ảnh đại diện cho người Do Thái, vốn quan niệm giữ luật sẽ được sự sống (Đnl 30,15-16; Ed 33,14-15), đạt được Nước Trời.[12]

2. Chúa Giêsu chất vấn câu hỏi của anh và Người hỏi anh (c.18-19)

Câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho anh có hai vế tương ứng với hai câu 18 và 19.

2.1. Tại sao anh gọi tôi là tốt lành?

Khi gặp Chúa Giêsu, anh nói "thưa thầy tốt lành" [διδάσκαλε ἀγαθέ], giờ đây Chúa Giêsu trước khi trả lời cho anh, Người hỏi anh “Sao anh nói Tôi là tốt lành? Không có ai tốt lành, trừ một mình Thiên Chúa” (c.18). Trong truyền thống Do Thái, từ "tốt lành" [טוֹב] thường được dùng để giành cho Thiên Chúa (Tv 118,1; 1Sbn 16,34), nhưng còn được dùng cho những điều khác nữa (St 1,4.10.12.18), và việc gọi một người là "tốt" không phải là không có nhưng họa hiếm.[13] Do đó, ắt hẳn anh thanh niên có lẽ đang dùng từ "tốt lành" theo nghĩa này. Cách hiểu của anh về sự "tốt lành" [ἀγαθός)] là những gì con người thủ đắc được, cho nên giờ đây anh muốn khám phá điều tốt gì khác để giúp đảm bảo chắc chắn hơn về sự sống đời đời.[14] Trong Tin Mừng Matthêu, câu nói của anh thưa với Chúa Giêsu là "Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?" (Mt 19,16).

Hơn nữa, J. Marcus cho thấy câu trả lời của Chúa Giêsu ở đây (c.18-19) ám chỉ đến mười điều răn ở trên hai phiến đá Thập Điều (Xh 20,12-17 và Đnl 5,16-21). Nếu như  câu 10,19 trích dẫn phần thứ hai của 10 điều răn (phiến đá thứ hai), thì câu 18 liên hệ đến Điều Răn Đứng Đầu (Đnl 6,4-5), được người Do Thái và Kitô hữu thời sơ khai xem như tương đương với phần đầu của mười điều răn (phiến đá thứ nhất), nói về tương quan giữa con người và Thiên Chúa.[15] Do đó, Chúa Giêsu ắt hẳn muốn anh giành phẩm chất “tốt lành” cho một mình Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của mọi sự tốt lành.

2.2. Anh biết các điều răn?

Tiếp đến, Chúa Giêsu hỏi anh về "các điều răn" [ἐντολὰς] (10,19). Điều đặc biệt ở đây là các điều răn như được nói ở trên, nằm trong phiến đá thứ hai của Thập Điều, nói về tương quan giữa người với người. Điểm đáng chú ý khác là việc thay thế điều răn "chớ ham muốn" [תַחְמֹ֖ד - ἐπιθυμήσεις] (Xh 20,17; Đnl 5,21) thành "chớ làm hại" [μὴ ἀποστερήσῃς], vốn gắn liền với sự giàu có.[16] Điều này trở nên minh nhiên hơn khi hình ảnh anh thanh niên ở đây được nói rõ "có nhiều của cải" ở trong câu 22. Thật vậy, hình ảnh giàu có thường nói lên sự áp bức hoặc lợi dụng hoặc từ chối tiền lương của người làm thuê.[17] Trong bản LXX, động từ "ἀποστερήσῃς" đề cập đến việc người lao động bị tước đoạt tiền lương của họ một cách bất hợp pháp (Đnl 24,14-15; Ml 3,5; Hc 4,1). Cũng vậy, trong Tân Ước, hình ảnh người giàu thường được xem là người bức hiếp người nghèo (Gc 2,6), tước đoạt của cải của các bà quá (Mc 12,40; Lc 20,47), lừa gạt và làm hại nhân công (Ga 5,1-6).

Do đó có thể nói, lời của Chúa Giêsu trong câu 18 và 19 đang mời gọi anh có một sự phản tỉnh nào đó (x. 10,3; 12,35; Ga 2,4) trong cái nhìn của anh về sự tốt lành, hay cách anh sống đạo và giữ luật như thế nào.[18]

3. Anh hiểu gì về chính mình? (c.20)

Anh trả lời với Chúa Giêsu rằng mình đã tuân giữ tất cả những điều ấy từ thuở nhỏ [νεότητός-נָעוּר], tức khoảng 12 tuổi (x. Lc 2,42). Đặc biệt, từ "giữ" ở đây ở thì aorist, cho thấy anh nghĩ mình đã chu toàn luật tất cả. Có lẽ anh đã được các thầy Do Thái (Rabbi) dạy cho như thế, khi cho rằng có thể giữ luật từ "A to Z".[19]

4. Chúa Giêsu yêu mến anh và chỉ cho anh điều còn thiếu (c.21)  

4.1. Chúa Giêsu yêu mến anh (c.21a)

Tin Mừng nói Chúa Giêsu "nhìn vào" anh, nhìn chăm chú (ἐμβλέψας); hơn nữa, Người "yêu mến" [agapaō] anh. Ắt hẳn Chúa Giêsu nhìn thấy bên dưới sự đơn thành và lòng khao khát của anh. Điều ngạc nhiên ở đây là Maccô dùng động từ "yêu mến" [dt. agapē]. Vì thế một số bản dịch băn khoăn và dịch thành "cảm mến" (became fond of him) thay vì "love".[20] Tuy nhiên, có lẽ Maccô cho thấy Chúa Giêsu luôn mang trong mình tình yêu như thế, vốn là thông điệp chính của sứ mạng của Người. “Đức Kitô đã yêu thương chúng ta” (Ep 5,2). Đó là tình yêu vô điều kiện bất chấp người được yêu là xứng hay không. Với tình yêu này, Chúa Giêsu giúp anh để anh nhận ra nhu cầu và khát mong thực sự trong lòng, và chỉ cho anh điều anh đang vướng mắc.

4.2. Anh chỉ thiếu có một điều (c.21b)

Chúa Giêsu chỉ cho anh biết anh "chỉ thiếu một điều", là "hãy ra đi, hãy bán những gì anh có và cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Tôi” (10,21b).[21]

Đức Giêsu nói anh còn thiếu một điều nhưng lại đưa ra bốn mệnh lệnh: ra đi [ὕπαγε], bán mọi thứ [πώλησον], cho [δὸς] người nghèo, và đến theo [δεῦρο ἀκολούθει] Người.[22] Trong đó có từ "bán" và "cho" được dùng ở thì aorist, nghĩa là bán và cho hết, cách triệt để. (Một) điều anh thiếu [ὑστερεῖ] như tương phản và nhấn mạnh lại điều anh nói ở trên "tôi đã giữ tất cả" (c.20). Ở đây, Chúa Giêsu cũng nói đến các "việc làm" giống như khi gợi lên các điều răn liên quan đến đời sống tương quan với anh chị em (c.19).

Mặt khác, lời đề nghị của Chúa Giêsu dành cho anh có hai chiều: từ bỏ và đi theo. Nếu câu hỏi của anh là xin chỉ cho biết cách được "sự sống đời đời", thì Chúa Giêsu đồng hóa mình với "kho tàng trên trời". Chúa Giêsu cho thấy rằng ơn cứu độ gắn với tình bạn-tình môn đệ, gắn với tương quan cá vị với Người, đi theo Người trên con đường Người đi.[23] Trong các cảo bản A W K N Γ…, bản văn ở đây còn thêm cụm từ "ἄρας τὸν σταυρόν" (mang lấy thập giá);[24] cũng như các bản dịch NKJ và KJV thêm vào "take up the cross". Tới đây, điều Chúa Giêsu nói anh còn thiếu rút cuộc là gì vẫn chưa rõ. 

5. Anh buồn rầu bỏ đi (c.22)

Nếu như ở khung cảnh khởi đầu anh hăm hở chạy đến với Chúa Giêsu (c.17a), trãi qua cuộc trò chuyện với Người (c.17b-21), thì giờ đây khung cảnh ấy khép lại một cách trái ngược: "anh buồn rầu bỏ đi". Thật trớ trêu, anh giường như đã có tất cả, là đời sống đạo đức và gia sản vững vàng, thế nhưng lại thiếu một điều quan trọng, điều vốn đã được Chúa Giêsu chỉ ra nhưng anh không chấp nhận và tin theo. Tới đây, Tin Mừng mới nói "anh ta có nhiều của cải" [κτήματα]. Vậy điều này có liên quan gì đến điều anh còn thiếu mà Chúa Giêsu chỉ cho anh? Có thể nói câu 22 này như là từ khóa để hiểu được lời đề nghị của Chúa Giêsu ở trên, và sẽ được phân tích và suy tư thêm trong phần tiếp theo.

III. Suy Tư Thần Học

Trong phần này, bài viết đưa ra cách hiểu về câu nói của Chúa Giêsu dành cho anh thanh niên, về "một điều còn thiếu", qua việc phân tích và suy tư về câu nói của Người: "Anh hãy ra đi, hãy bán những gì anh có và cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Tôi".

1. Rào cản "của cải"

Nếu điều kiện để vào Nước Thiên Chúa là chủ đề được quan tâm của đoạn này (9,47; 10,15.17.23), thì tiểu đoạn trên cho thấy điều kiện ấy (điều còn thiếu) trước hết là "hãy ra đi, hãy bán những gì anh có" (c.21). Nói cách khác, điều còn thiếu là hãy không có "của cải".

Của cải thực là một rào cản. Nếu Cựu Ước thường có thái độ xem sự giàu có là dấu chỉ sự chúc lành của Chúa (Đnl 30,8-10; G 1,10; Tv 128; Is 3,10), thì môtíp khải huyền Do Thái thời Giáo hội sơ khai quan niệm của cải như là cản trở cho ơn cứu độ xuất hiện nhiều trong Nhất Lãm (Mc 10,23; Lc 16,13; Mt 6,24 ...). Tuy nhiên, phải khẳng định ở đây rằng Chúa Giêsu chẳng ghét người giàu. Người chạnh lòng với họ, và nhận thấy có sự cám dỗ và khuynh hướng cản trở trong tương quan của họ với Nước Trời (c.21a).

Của cải ở đây còn được hiểu là tất cả những sự quyến luyến trần tục. Thánh Phêrô khi đại diện các môn đệ thưa với Chúa Giêsu "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!" (c.28), ngầm ý rằng 'vậy chúng con sẽ được gì?' Ăt hẳn các ngài vẫn xem của cải và sự giàu có là sự chúc phúc của Chúa, bằng chứng là các ông sững sờ, khi nghe Người nói "người có của khó vào" (c.23).[25] Mặt khác, ở đây Chúa Giêsu gọi các môn đệ là "trẻ con" [τέκνα] (10,24) cho thấy sự thiếu trưởng thành của các ông. Các ông vẫn còn đang ôm ấp những thứ của cải khác như danh dự địa vị nào đó (9,33-34; 10,35-37). Quả vậy, tiểu đoạn thứ hai (10,23-27) cho thấy sự khó khăn khi đi vào Nước Trời không chỉ đối với người giàu nhưng là cho tất cả mọi người, vì những thứ của cải khác nhau của họ.[26]

2. Điều răn đứng đầu

Thứ đến, đề nghị Chúa Giêsu dành cho anh thanh niên "hãy bán hết" còn có điểm tới là "cho người nghèo"(c.21). Điều này cách nào đó bộc lộ cho thấy điều anh ta còn thiếu.

Câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho anh (c.18-19) cho thấy trước hết Người hướng anh đến với Thiên Chúa và sau đó với tương quan của anh với anh chị em. Việc anh bỏ đi ở đây cho thấy anh không yêu mến con người. Anh ta không giữ phiến đá thứ hai của Thập Điều, anh yêu mến của cải hơn anh chị em của mình, nên không thể bán đi để cho.[27] Đó có thể còn là lý do điều luật "chớ ham muốn" được thêm vào ở những điều Người nói với anh ở câu 19. Có lẽ vì lý do đó mà đoạn văn song song trong Matthêu đã thêm "ngươi hãy yêu mến người thân cận như chính mình" (Mt 19,19).

Do đó, không phải Chúa Giêsu mời gọi anh có một bước nhảy cao hơn mười điều răn, nhưng cho thấy anh đã thiếu đi điều quan trọng nhất là tình yêu. Anh không yêu Thiên Chúa và cũng chẳng yêu anh chị em mình. Tới đây có thể nói vấn đề cốt yếu không phải là do những gì anh có, nhưng do lòng của anh đã có những cản trở để yêu Chúa và yêu người.[28] Anh chưa giữ trọn luật như anh nghĩ! Khi đó Chúa Giêsu chỉ cho biết anh cần thực sự sống hoàn thiện hơn khi bước vào tương quan, sống điều răn đứng đầu là "tình yêu" (Mc 12,28-34; Mt 22,34-40; (Lc 10,25-28).

" Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó" (12,30-31).

3. Nhận ra căn tính "Con Thiên Chúa"

Điều cuối cùng trong lời đề nghị của Chúa Giêsu là "hãy đến theo tôi" (c.21). 

Câu nói trước đó của Chúa Giêsu "Sao anh nói tôi là tốt lành? Không có ai tốt lành cả, trừ một mình Thiên Chúa" [τί με λέγεις ἀγαθόν; οὐδεὶς ἀγαθὸς εἰ μὴ εἷς ὁ θεός] (c.18), vốn gây ra nhiều sự bối rối để hiểu,[29] lại là một lời mặc khải. Quả vậy, khi đặt trong bối cảnh Tin Mừng Maccô, lời này của Chúa Giêsu không phải là để từ chối nhưng để mặc khải cho anh căn tính đích thực của Ngài. Căn tính ấy vốn đã được giới thiệu ngay từ đầu: "Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa" (1,1) và chỉ được tỏ lộ cách chân thực sau Cuộc Vượt Qua trên thập giá: "Quả thật, người này là Con Thiên Chúa" (15,39). B.H. Gregg cho thấy rằng cách thông thường khi phân tích câu này, người ta thường hay chú ý vào từ "tôi" [με] thay vào đó hãy chú tâm vào từ "tại sao" [τί]. Khi đó câu nói của Chúa Giêsu có nghĩa là: không ai tốt lành trừ một mình Thiên Chúa, vậy tại sao gọi tôi là tốt lành, phải chăng anh nhận biết rằng tôi là Con Thiên Chúa? Lời mặc khải này cũng là "bí mật thiên sai" Chúa Giêsu công bố. Chính lối hành văn này khiến những người quan sát cách thụ động phải nhập cuộc, để khám phá Chúa Giêsu là ai và thông điệp của Ngài là gì.[30]

Cũng vậy, khi Người nói rằng anh thiếu một điều là "hãy theo tôi" (21b), như đã chỉ ra Chúa Giêsu đã đồng hóa Nước Thiên Chúa với việc đi theo Người, Ngài là cửa vào Nước Trời. Mặt khác, nếu như anh nói mình đã tuân giữ tất cả các điều luật, thì ở đây Người nói anh vẫn thiếu, là đi theo Người, vì Người trổi vượt hơn Luật (x. 2,22-27). Ngài mời gọi anh xác tín rằng Ngài là Đấng Thánh.[31] Vì thế, thách đố ở đây là liệu anh có dám tin rằng Chúa Giêsu là một với Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa. Hay anh cũng giống như mấy kinh sư khi nói rằng "sao ông này lại dám nói phạm thượng" (Mc 2,7). Rõ ràng, sau đó anh đã không tuyên xưng và nhận ra căn tính của Chúa Giêsu. Anh đã không gọi Ngài là "Thầy tốt lành" (c.20), và đã bỏ ra đi (c.22). Khi ấy, điều anh còn thiếu là việc nhận biết căn tính đích thực của Ngài, đi theo Ngài.

Ắt hẳn, căn tính "Con Thiên Chúa" của Chúa Giêsu gắn với thập giá. Trong phần II của Tin Mừng Maccô, ít thấy xuất hiện những phép lạ của Chúa Giêsu, thay vào đó là những lời mặc khải của Chúa Giêsu về căn tính của Người, "Con Thiên Chúa". Bí mật thiên sai này được giới thiệu ngay từ đầu và chỉ được bày tỏ cách đúng đắn nhất trên Cây Thập Giá. “Con Người” Chúa Giêsu mặc khải là một “tôi tớ” bị loại bỏ, kế án và bị giết chết (8,31). Hẳn vì thế, khi trả lời cho câu hỏi mất gì được gì của các môn đệ, Người nói sẽ nhận được nhiều điều và "cùng với" [μετὰ] "sự ngược đãi" [διωγμῶν] (10,30). Sự ngược đãi như là phần thưởng và có "cùng với" tất cả những điều nhận được kia.[32] Quả thực giáo huấn của Chúa Giêsu về Nước Trời là làm rõ điều kiện để cho những ai muốn vào, là đi theo Người, là nhận lấy thập giá (10,30).[33] "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (8,34).

Tóm lại, "một điều còn thiếu" của anh thanh niên chính là việc chưa từ bỏ đi những quyến luyến thế gian vốn làm cho tâm hồn anh không an, là chưa sống giới răn yêu thương trong tương quan với Thiên Chúa và anh chị em, và chưa nhận biết và tuyên xưng niềm tin của mình vào căn tính đích thực của Chúa Giêsu - Con Thiên Chúa, và chưa đi trên con đường thập giá mà Người mời gọi anh. Anh chưa "sám hối và tin vào Tin Mừng" (1,15) mà Chúa Giêsu công bố. Khi ấy, anh mù ở Giê-ri-khô như là tấm gương cho anh (10,46-52). Anh mù tuyên xưng vào căn tính Chúa Giêsu là Đức Kitô (con vua Đavít); anh gọi tên Người, vứt bỏ lại tất cả, đến gần, nhìn thấy được, và đi theo Người.[34] 

Kết luận 

Tin Mừng Maccô và đoạn Kinh Thánh 10,17-22 cách riêng là lời loan báo về mầu nhiềm Nước Thiên Chúa [βασιλεία τοῦ θεοῦ], và bày tỏ bí mật về căn tính của Ngài là "Con Thiên Chúa" cho các môn đệ và cho những người khác nữa. Khi ấy, cuộc đối thoại và câu trả lời của Chúa Giêsu cho anh thanh niên ở đây ắt hẳn cũng với mục đích giúp anh nhận ra con đường vào Nước Trời và nhận ra căn tính đích thật của Ngài. Tuy nhiên do những rào cản của cải anh có, sống thiếu tương quan tình yêu với Thiên Chúa và anh chị em, và việc anh chưa nhận biết và tin theo Chúa Giêsu, nên anh còn ở xa Nước Thiên Chúa và còn bị mù thiêng liêng, anh "còn thiếu một điều". Đó là điều cốt yếu: anh chưa đón nhận Tin Mừng [εὐαγγέλιον], và là ơn cứu độ của anh (1,1).

Nhịp sống hiện đại hôm nay với biết bao điều vốn đan lấy đời sống và tâm hồn mỗi người. Công việc bận rộn, tương quan phức tạp, cùng với nhiều thứ phương tiện giúp dễ dàng thỏa mãn những nhu cầu vật chất… tất cả như lấy đi điều gì đó trong tâm hồn mỗi người, một sự thiếu vắng bình an, chán ngán thẳm sâu mà không biết lý do. Mặt khác, tâm thức con người nếu được gò nắn trong ý thức hệ duy vật, xem con người là "homo faber", dễ vô thức định nghĩa đời sống mình như là những hành động hay những công việc và chức năng. Cũng vậy, nhiều cử hành phụng vụ và việc đạo đức hằng ngày nhiều khi cũng dừng lại ở bổn phận và chức năng, là 'một lúc nào đó' hay 'một nơi nào đó'. Tâm hồn nhiều khi cảm nhận một sức nặng, một sự tẻ nhạt nào đó bên trong.

Khi ấy, tôi tự hỏi rằng phải chăng mình đang thiếu một điều! Chúa mời gọi tôi hãy "bán hết" những 'thú vui vật chất trần tục' hay những 'bổn phận nặng nề' để mở ra và sống tương quan yêu thương hơn với Thiên Chúa và mọi người: tập sống để ý hơn đến nhu cầu của người khác, giúp đỡ người khó khăn, hỏi thăm người đau khổ… Vì chúng ta chỉ thực sự mở lòng ra với Chúa khi chúng ta mở lòng ra với anh chị em.[35] Ắt hẳn, để cảm nghiệm được 'thiên đường bình an' chưa bao giờ là dễ! Khi ấy cần lắm lòng tin và hy vọng, dám chọn thập giá trong hoàn cảnh sống của mình. Đó là một lối sống nghịch, vì điều còn thiếu không phải là cần thêm, nhưng là bán đi - là từ bỏ. Đây phải chăng là giáo lý Buông Bỏ của Nhà Phật, hay triết lý sống Vô Vi của Đạo Giáo? Hy vọng bạn và tôi sẽ nhận ra và tìm được "điều còn thiếu" của sâu thẳm tâm hồn mình, của đời mình!   


Thư Mục Tham Khảo

Beavis, Mary Ann. Mark. Grand Rapids: Baker Academic, 2011.

Bock, Darrell. Mark. In New Cambridge Bible Commentary. New York: Cambridge University Press, 2015.

Cranfield, C. E. B. The Gospel According To Saint Mark. In Cambridge Greek Testament Commentary. New York: Cambridge University Press, 1959.

Culpepper, R. Alan. Mark. Georgia: Smyth & Helwys, 2007.

Donahue, John R. & Daniel J. Harington. The Gospel of Mark. In Sacra Pagina Series, Volume 2. Minnesota: The Liturgical Press, 2002.

Edwards, James R. The Gospel According to Mark. In Pillar New Testament Commentary. Inter-Varsity Press, 2002.

France, R. T. The Gospel of Mark: A Commentary On The Greek Text. Grand Rapids, Mich., Carlisle: W.B. Eerdmans, Paternoster Press, 2002, electrical ed.

Gregg, Brian Han. “Why Do You Call Me Good: A Markan Riddle". ISSN 1975-7123. S&I 3, no. 1 (2009): 68-78.

Hover-Johag. “Tov”. In Theological Dictionary Of The Old Testament, Vol V: hmr-YHWH. Edited by G. Johannes Botterweck and Helmer Ringgren. Trans. by David E. Green. Grand Rapids: Eerdmans, 1986.

Kittel, Gerhard and Gerhard Friedrich, eds. Theological Dictionary Of The New Testament. Geoffrey W. Bromiley, trans. Grand Rapids, Mich.: William B. Eerdmans Publishing Company, 1985.

Lane, William L. The Gospel Of Mark. In The New International Commentary On The New Testament. Michigan: William B. Eerdmans Publishing Company, 1988.

Lê, Minh Thông, O.P. "Mc 10,17-31. Từ Bỏ Mọi Sự Để Nhận Lại Gấp Trăm". https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=74. Truy cập ngày 22/1/2022.

Marcus, Mark 8–16. In The Anchor Yale Bible Commentaries. London: Yale University Press, 2009.

Nestle-Aland – Novum Testamentum Graece. 28th Revised ed. Stuttgart: Deutsche Bibelgesellschaft, 2012.

Phanxicô, Đức Thánh Cha. Thông Điệp Fratelli Tutti. Dịch bởi Nhóm Dịch Thuật HĐGMVN, 2020.

Schweizer, Eduard. The Good News According To Mark. Trans. by Donald H. Madvig. Virginia: John Knox Press, 1970.

Stein, Robert H. Ed. Mark. In Baker Exegetical Commentary On The New Testament. Grand Rapids: Baker Academic, 2008.

Tuckett, C. M. Mark. In The Oxford Bible Commentary. John Barton and John Muddiman eds. New York: Oxford University Press, 2007.

Wessel, Walter W. Mark. In The Expositor's Bible Commentary, Volume 8. Frank E. Gaebelein, ed. Michigan: The Zondervan Corporation, 1984.

Kinh Thánh Trọn Bộ. Bản dịch và chú thích của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV). Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2011.



[1]. Cách chung, “Nước Thiên Chúa” đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ câu chuyện của Tin mừng Maccô về Chúa Giêsu. Cụm từ này xuất hiện trong Tin mừng Maccô 14 lần, trong đó 5 lần thuộc đoạn 10,13-27.

[2]. Robert H. Stein, 475.

[3]. Robert H. Stein, 461.

[4]. Nhiều tác giả khác cũng phân chia đoạn này thành ba tiểu đoạn. xem Walter W. Wessel, 714;  Donahue, John R. & Daniel J. Harington, 306 …

[5]. Robert H. Stein, 466. Cha Lê Minh Thông đã chia đoạn này thành ba tiểu đoạn và "một nguyên tắc đảo ngược". Giuse Lê Minh Thông, https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=74.

[6]. Trong các cảo bản như A K W  Θ …, bản văn này có thêm "ιδου τις πλουσιος" (Behold the rick). Xem Nestle-Aland - Novum Testamentum Graece, 28th, 144.

[7]. Bản dịch lấy từ Tin Mừng Mác-cô Hy Lạp – Việt, chuyển ngữ Lê Minh Thông. Lý do là vì chúng tôi thấy rằng chữ " ἀγαθέ" được dịch thành "tốt lành" thì thích hợp hơn so với "nhân lành". Chữ "nhân lành" có từ "nhân", vốn gắn với "lòng nhân", "đức nhân", "nhân từ", có trường nghĩa gắn với và liên quan đến con người hon, trong khi từ "tốt lành" mang nghĩa khái quát và trung lập hơn. Bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn cũng dịch " ἀγαθέ" là "tốt lành".

[8]. Mary Ann Beavis, 152.

[9]. Darrell Bock, 273; R. Culpepper, 335; C. M. Tuckett, 907; Walter W. Wessel, 715.

[10]. Cũng với cách hiểu này, bản ESV đã dịch câu này thành "Good Teacher, what must I do to inherit eternal life?"

[11]. Theological Dictionary Of The New Testament, 392-395.

[12]. C. E. B. Cranfield, 327.

[13]. Mary Ann Beavis, 152. Trong bản LXX, từ "טוֹב" được dịch thành nhiều từ khác nhau. Cách riêng từ này vừa nói về Chúa, về con người, và về những đồ vật khác. Xem Hover-Johag, "Tov", 317.

[14]. William L. Lane, 365; Tuckett, 907.

[15]. J. Marcus, 725.

[16]. R.T. France, 402.

[17]. Mary Ann Beavis, 153.

[18]. Walter W. Wessel, 715.

[19]. C. E. B. Cranfield, 329.

[20]. William L. Lane, 362.

[21]. Bản dịch lấy từ Tin Mừng Mác-cô Hy Lạp – Việt, chuyển ngữ Lê Minh Thông. Bên cạnh đó, ta thấy ở đây Thánh Matthêu thêm vào "nếu anh muốn nên hoàn thiện" (Mt 19, 21). Cũng vậy, thủ bản W thêm vào "ει θελεις τελειος ειναι" (nếu anh muốn nên hoàn thiện).

[22]. "Đến" (δεῦρο) trong bản dịch GLT là trạng từ; tuy nhiên một số bản dịch khác từ này ở thể động từ. Do đó có thể nói ở đây có năm hành động.

[23]. Robert H. Stein, 745.

[24]. Nestle-Aland – Novum Testamentum Graece. 28th, 145.

[25]. Robert H. Stein, 471.

[26]. Lê Minh Thông, phần II. 2.

[27]. Robert H. Stein, 470.

[28]. R.T. France, 400-1.

[29]. Donahue, John R. & Daniel J. Harington, 303.

[30]. Brian Han Gregg, 68-74.

[31]. R.T. France, 521; Eduard Schweizer, Good News According To Mark, 210-11.

[32]. Có tác giả xem đây như là lời động viên cho dân trong cảnh bách hại của Nero. James R. Edwards, 306.

[33]. William L. Lane, 363.

[34]. Robert H. Stein, 495.

[35]. Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông Điệp Fratelli Tutti, 74.

0 Comments:

Đăng nhận xét