Quan Niệm Về Thế Giới Trong Thánh Vịnh 104 - Một Đóng Góp Cho Thần Học Môi Sinh

Dẫn nhập:

Trong bài viết "Những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng môi sinh", giáo sư Lynn White đã cho rằng cái nhìn nhị nguyên phân tách giữa con người và thế giới tự nhiên, xem con người ở vị thế làm chủ, khai thác và bóc lột thế giới tự nhiên là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng môi sinh ngày nay.[1] Nhiều học giả sau đó phân tích cho thấy nguyên nhân khủng hoảng môi sinh còn là do quan niệm về quyền thống trị của con người trong thế giới, ảnh hưởng của chủ nghĩa thế tục và khoa học công nghệ thời hiện đại.[2]

Trong dòng chảy này, thần học môi sinh có hai chiều hướng suy tư, hoặc khám phá lý do đằng sau hành vi của con người ngày nay, hoặc nỗ lực canh tân mối tương quan giữa con người với thế giới, để xây dựng một hành vi lành mạnh hơn về mặt sinh thái.[3] Có thể thấy, kho tàng Kinh Thánh nói chung hay cách riêng thánh vịnh 104 đã diễn tả mối tương quan giữa con người trong thế giới tạo thành. Do đó, qua việc tìm hiểu bản văn và khám phá sứ điệp thần học của thánh vịnh 104, bài viết rút ra những lời mời gọi thiết thực để góp phần vào việc suy tư và xây dựng một 'lối sống môi sinh' theo lời mời gọi của Giáo Hội trong thông điệp Laudato Si (2015).

I. Thể Văn Và Bố Cục

1. Thể Văn

Thánh vịnh 104 được sáng tác ở dạng thi ca. Đây là một trong bốn thánh vịnh cuối của cuốn thánh vịnh thứ IV (90-106), vốn nhấn mạnh tâm tình ngợi khen đối với Thiên Chúa vì Ngài từ bi nhân hậu (103), sự quan phòng của Ngài đối với công trình sáng tạo (104), những điều kỳ diệu Ngài làm trong lịch sử dân Ít-ra-en (105), và Ngài nhân hậu đối với dân của Ngài (106). Cách riêng, thánh vịnh 104 liên kết chặt chẽ với thánh vịnh 103. Cả hai đều bắt đầu và kết thúc bằng những lời kêu gọi hãy chúc tụng Đức Chúa.

Bên cạnh đó, nhiều học giả cho rằng truyền thống cổ ở vùng Cận Đông đã ảnh hưởng lên bản văn thánh vịnh 104. Họ cho rằng thánh vịnh này chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm gốc Ai Cập, như được thấy bằng cách so sánh với bài thơ của Pharaoh Akhenaton với Aton vào thế kỷ thứ mười bốn trước Công nguyên, cũng như chịu ảnh hưởng của văn hóa vùng Ca-na-an (cc. 3-9, 26).[4]

2. Bố Cục

Có nhiều cách phân chia bố cục thánh vịnh 104 tùy theo góc nhìn riêng. Tuy nhiên, cách đặc biệt nhiều quan điểm cho rằng thánh vịnh 104 có cấu trúc khá gần với sách Sáng Thế chương 1 khi nói về tiến trình tạo dựng trong bảy ngày.[5] Hơn nữa, thánh vịnh 104 còn là viễn cảnh dự đoán những gì xảy ra sau vở kịch sáng tạo ấy.[6] Hơn nữa, có học giả còn cho thấy rằng các câu trong bài thánh vịnh được sắp đặt thành nhóm 4 hoặc 5 câu (như trong thơ Do Thái), chúng dường như được đánh dấu bởi các thuật ngữ lặp đi lặp lại và để nói về từng lĩnh vực riêng biệt của sự sáng tạo.[7] Khi đó, với điểm nhấn là thế giới tạo thành đặt trong tương quan với Thiên Chúa, chúng tôi tạm phân chia thánh vịnh 104 thành các phân đoạn như sau:[8]

1) Vinh Tụng Ca (Trời) (cc. 1-4)

2) Đất (cc. 5-9)

3) Nước (cc. 10-13)

4) Lương thực và nơi ở (cc. 14-18)

5) Chúa sắp đặt thời gian (cc. 19-23)

6) Sự sống phong nhiêu trên Đất và Biển (cc. 24-26)

7) Lương thực và sinh khí (cc. 27-30)

8) Vinh tụng ca (cc. 31-35)

II. Sứ Điệp Thần Học

1. Quan Niệm Về Thế Giới Trong Kinh Thánh

Cách tổng thể, nhiều nền văn minh và các tôn giáo đều có những giải thích ít nhiều và sâu rộng khác nhau về nguồn gốc và cách vận hành của thế giới cũng như mối tương quan với con người trong thế giới ấy. Đó có thể là những câu chuyện thần thoại như "Bàn Cổ khai thiên địa", "Thần Trụ Trời", thuyết Luân Hồi của Phật Giáo hay thuyết Vụ Nổ Big Bang của khoa học ngày nay... Cách riêng trong Kinh Thánh, thần học về tạo dựng thường tham chiếu cách đặc biệt đến trình thuật Sáng Tạo (St 1-3), hay nhiều trích đoạn khác như (St 6-9; Lv 25; G 37-39; Tv 8. 19. 24. 98. 104…; Is 9-11, 40f, 65; Ed 36, Mt 6,28-30, 10,29-31; Rm 8,18-23, Cl 1; và Kh 21-22).[9]

Thế giới trong Kinh Thánh là một thực tại có khởi đầu, được Thiên Chúa sáng tạo từ hư vô (ex nihilo). “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã tạo thành trời đất” (St 1,1). Sáng tạo chỉ việc tạo ra điều gì đó kỳ diệu, mới và gây ngạc nhiên; động từ “sáng tạo” tiếng Do Thái là בָּרָא 'bara' - luôn có chủ từ là Thiên Chúa.[10] Thiên Chúa làm cho thế giới ra khỏi chốn hỗn mang và có trật tự. Trong công trình tạo dựng này, con người có một vị trí đặc biệt vì được đặt lên để coi sóc muôn loài. "Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta và để cho họ làm chủ trên mặt đất" (x. St 1, 26-31; Mt 10,31).

Có thể nói ngoài trình thuật St 1-3, thánh vịnh 104 là thánh vịnh hiếm hoi nói trực tiếp về thế giới, về công trình sáng tạo của Thiên Chúa,[11] và được gọi là thánh vịnh sáng tạo.[12] Thánh vịnh này diễn tả nguồn gốc và vận hành của thế giới trong tương quan với Thiên Chúa và với con người.

2. Sứ Điệp Thần Học Của Bản Văn

a. Thế giới do bởi Thiên Chúa mà có

Trước hết, thánh vịnh gia cho thấy thế giới này gồm tất cả mọi sự hiện hữu là nhờ bởi Thiên Chúa. Người sáng tạo cả trên trời và dưới đất (x. St 1,1; Tv 104,1-9). "Tầng trời thẳm, Chúa căng như màn trướng, điện cao vời, dựng trên khối nước cõi thanh không" (cc. 2b-3). "Chúa lập địa cầu",… "Ngài vạch đường ranh giới" (cc. 5.9)… Tất cả những động từ đều ở thể chủ động mà Thiên Chúa là chủ thể.[13]

Lời thánh vịnh mặc nhiên nói lên niềm tin rằng chính Thiên Chúa mới là Đấng làm chủ thế giới chứ không phải ai khác, không phải con người. Thiên Chúa lập "địa cầu" (cc. 5-9), điều khiển "nước" (cc.10-13). Mặt khác, loài thủy quái (לִ֜וְיָתָ֗ן) trong câu 26 có lẽ ám chỉ một loài động vật biển lớn (x. G 41), hay tượng trưng cho cái ác hỗn loạn ở vùng Cận Đông cổ đại, lại là "vật Chúa tạo thành để làm trò tiêu khiển". Cũng vậy, nếu như thần Ba-an được cho là nguồn gốc của sự sống, ban bánh mì, rượu, và dầu cho con người, thì đối lập trực tiếp với điều này, thánh vịnh gia khẳng định rằng Thiên Chúa mới là chủ thật (cc. 14-15).[14] Điều này cho thấy có một cuộc bút chiến chống lại các vị thần Ca-na-an, những người được cho là đã kiểm soát trái đất và biển cả, và nói lên quyền thống trị của Thiên Chúa trên tất cả trong công trình sáng tạo. Quả thực, thánh vịnh phác họa Đức Chúa như một vị vua, đầy uy quyền và vinh quang. Người mặc cẩm bào, ở trong cung điện, có sứ giả và nô bộc (cc. 1-4).[15]

b. Thiên Chúa hiện diện và chăm sóc thế giới

Sứ điệp tiếp đến là Thiên Chúa không chỉ sáng tạo ra thế giới muôn vật nhưng Người còn tiếp tục quan phòng trong hiện tại. Delitzsch quan niệm rằng thánh vịnh gia không chỉ tường thuật lại biến cố tạo dựng trong quá khứ (St 1,1-2,3) mà còn nhấn mạnh vào thế giới hiện tại. Không phải là không thích hợp khi nói Thánh vịnh 104 mô tả cả sự sáng tạo ban đầu (creatio prima) và sự tiếp tục sáng tạo (creatio Continua). Có thể thấy việc miêu tả các sự kiện sáng tạo trong thánh vịnh không chỉ bao gồm các hành động đã hoàn thành (được biểu thị bằng thể hoàn hảo của động từ và / hoặc phân từ quá khứ) mà còn cả hành động đang diễn ra (được biểu thị bằng thể không hoàn hảo và / hoặc phân từ hiện tại). Thánh vịnh gia chủ ý tường thuật về sự sáng tạo trong thực tại nơi đây và bây giờ.[16]

Thiên Chúa vận hành thế giới trong trật tự và khôn ngoan của Người. Người gìn giữ thế giới khỏi sự hỗn mang, điều khiển và định ranh giới cho nước, vực sâu, lụt lội, biển cả… Đặc biệt, Người chăm sóc mọi loài và cả con người, khi ban nước uống cho nhiều loài (10-13), ban lương thực cho loài vật, cây cỏ, và con người và (15-18), và thiết lập thời gian biểu cho thế giới vận hành, điều khiển nhịp sống của nhiều loài và con người (19-23; St 1, 14-17; 147,8-9).[17]

c. Con người sống tương quan nối kết với muôn loài muôn vật

Thay vì tách Đức Chúa ra khỏi thế giới, thánh vịnh 104 nói lên sứ điệp rằng mọi loài và kể cả con người cùng chung chia của ăn, nước uống, và "sinh khí" của Thiên Chúa, cùng nối kết với nhau. Cùng một từ ruach (ר֭וּחָם) trong tiếng Do Thái được sử dụng cho cả 'hơi thở' của tất cả các tạo vật và "sinh khí" của Đức Chúa.[18] Các sinh vật ra đời nhờ được ban cho thần khí hoặc hơi thở (c. 30), tất cả các sinh vật vẫn liên tục phụ thuộc vào chung Đấng Tạo Hóa của chúng.[19]

Khi ấy, con người là một phần giữa thế giới. Trong thánh vịnh 104, cái nhìn nhị nguyên vốn phân tách giữa con người và thế giới không tồn tại. Con người là một phần và phụ thuộc vào thực tại thế giới. Nói cách khác, thánh vịnh diễn tả tính phụ thuộc lẫn nhau giữa muôn loài.[20] Thế giới không phải là đối tượng hay một phần bên ngoài hay phần khác, nhưng chính là một toàn thể sự sống nội tại mà con người ở trong đó. Mọi loài sống chan hòa trong trật tự quan phòng của Chúa. Thánh vịnh gia biểu lộ điều ấy trong mối liên hệ từ nguyên giữa từ tiếng Do Thái “nhân loại” (’םדא ādām) và từ “đất ”(’ המדא ădāmāh) (Tv 83,11; 105,35), tương tự giữa từ tiếng Anh "human" và từ tiếng Latin "humus" (đất). Con người thực sự là sinh vật của trái đất.[21]

III. Lời Mời Gọi Sống

Dựa vào những nguyên tắc định hướng căn bản cho suy tư và thực hành sống một lối sống môi sinh (Six Ecojustice Principles) do Earth Bible Team đưa ra,[22] và thông điệp Laudato Si của Đức Giáo Hoàng Phanxicô soi sáng, thánh vịnh 104 mang đến những gợi hứng cụ thể như sống tâm tình tạ ơn và ca ngợi, sống cảm thức nên một với thế giới, và chiêm niệm trong thế giới.

1. Sống tâm tình ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa vì tất cả

Một tâm tình làm nền của đời sống thiêng liêng cũng như của một lối sống chan hòa với thế giới là tâm tình ngợi ca và tạ ơn. Rõ ràng tâm tình ôm trọn bài thánh vịnh 104 là tạ ơn [brk], không chỉ là mở đầu và kết thúc (cc.1.35) nhưng là âm giai nền của tất cả lời ca mà thánh vịnh gia cất lên, vì từ tấm lòng của mình thánh vịnh gia nghiệm được tình yêu Chúa dành cho bản thân khi chiêm ngắm tất cả công trình tạo thành của Người. Hơn nữa, tâm tình ca ngợi còn là tâm tình xuyên suốt đời sống đức tin. Từ "hallelujah" xuất hiện đến 23 lần trong thánh vịnh.[23] Lý do là vì tất cả thực tại thế giới này là do Chúa dựng nên, phản ánh sự cao cả và tốt lành của Thiên Chúa, phản ánh sự quan phòng khôn ngoan, vinh quang của Chúa (Gaudium et Spes, 24). Hẳn vì thế, McCann cho rằng một lối sống môi sinh phải ăn rễ sâu trong tâm tình sống biết ơn và ca ngợi Đấng Tạo Hóa, và tự hạ mình xuống.[24]

Ngày nay, tâm thức con người gặp thách đố khi nghiệm được và sống tâm tình tạ ơn Chúa. Con người mất đi thái độ ngạc nhiên về sự sống bao quanh, điều mà con người thường cho đó là điều dĩ nhiên. Vì thế, cách riêng trong mục vụ, làm sao để giúp mọi người và đặc biệt là trẻ em có kinh nghiệm, ý thức và tập sống lòng biết ơn vì thế giới chung quanh. Kinh nghiệm sống với người đồng bào vùng Tây Nguyên gợi hứng cho tôi nhiều điều. Họ luôn thốt trên môi về lòng biết ơn rằng những búp măng, rau rừng, hay vụ mùa là điều được ban cho. Cái họ có luôn là được ban tặng, được một Đấng thiêng liêng quan phòng. Vì thế, mở đầu hay kết thúc vụ mùa là những lễ hội cầu xin và tạ ơn. Hẳn vì thế mà Thánh vịnh 104 là một trong những thánh vịnh được dùng trong Lễ Gặt của người Do Thái (Pentecost).[25]

2. Sống cảm thức nên một với thế giới tạo thành

Kế đến, thánh vịnh 104 diễn tả một cảm thức chan hòa và nối kết giữa con người và vạn vật. Thế giới là ngôi nhà chung (Laudato Si, 244). Cách Thiên Chúa chuẩn bị cho mình một ngôi nhà, "điện cao vời" (c.3), như là nơi ở đặc trưng của các vị thần Cận Đông cổ đại,[26] hay hình ảnh chim trời làm "tổ" (c.12.17), hang thú vật  (c.22), con người ra đi làm lụng và có nơi trở về (c.23), tất cả muốn diễn tả điều toàn bộ thế giới như là một ngôi nhà.

Thánh vịnh gia mời gọi một lối sống gần gũi với thiên nhiên, nghĩ đến sự liên đới hay tác động lẫn nhau. Rõ ràng thấy rằng, thế giới có những phản ứng hỗ tương với cách sống của con người, phá rừng gây ra lũ lụt, còn khi trồng và giữ rừng thì có thể chống chọi với thiên tai và giữ bầu không khí trong lành…Vì thế, quan tâm gìn giữ sự sống còn của thế giới thiên nhiên cũng là để gìn giữ sự sống còn của con người trong đó.[27] Con người cần lắm lối sống liên đới và có trách nhiệm, nghĩ về thế hệ tương lai. Đặc biệt cần có cái nhìn và những cơ chế hỗ trợ để giảm tác động tiêu cực của nền công nghiệp đến ngôi nhà thế giới.

3. Chiêm ngắm Thiên Chúa trong thế giới

Một vài học giả nhận thấy trong truyền thống Ít-ra-en có xu hướng phản ứng chống lại cái nhìn phiếm thần của Ca-na-an trong thế giới tự nhiên, nên dễ có cái nhìn nhị nguyên tách Thiên Chúa ra khỏi tự nhiên, tách tự nhiên ra khỏi lịch sử.[28] Theo Lynn White, việc loại bỏ sự thánh thiêng ra khỏi tự nhiên 'khiến chúng ta có thể khai thác thiên nhiên trong tâm trạng thờ ơ với cảm xúc của các đối tượng tự nhiên'.[29]

Trái lại, thế giới mà thánh vịnh gia diễn tả không phải là một thứ đối tượng khách quan và mang tính giá trị như cái nhìn của thực nghiệm khoa học và chủ nghĩa tiêu dùng quan niệm. Trong Kinh Thánh, thế giới được đề cập đến như một chủ thể có thể nghe thấy Thiên Chúa hoặc lời của nhà tiên tri (Is 1,2; 34,1; 49,13; Gr 6,19; 22,29). Thế giới được miêu tả có cảm xúc; Trái đất và cộng đồng Trái đất đau khổ và thương tiếc (Is 24,4; 33,9; Gr 4,28; 12,4, 11; 14,4; 23,10).

Có thể nói tâm thức 'kính sợ đất trời' nơi người đồng bào là một thái độ cần có cho môi sinh. Có học giả cho rằng sự kính sợ Thiên Chúa cũng là cách thức để nhìn nhận giá trị của tự nhiên.[30] Nếu nhìn từ khía cạnh phê bình có thể nói rằng người đồng bào mê tín phiếm thần, nhưng nếu nhìn ở chiều kích khác, chính họ mới là người còn niềm tin thiêng liêng vào thực tại cuộc sống, chứ không phải đã bị giải thiêng và tầm thường hóa, tục hóa. Khi ấy có thể nói, lối sống môi sinh gắn với đời sống nội tâm bên trong của con người nữa. Nếu để cho tội lỗi chiếm hữu, chạy theo của cải và hưởng thụ, hay như thánh I-nhã là bị quyến luyến lệch lạc, đam mê thế gian,[31] thờ ngẫu tượng,[32] mất đi cảm thức thánh thiêng thì hẳn không phải là lối sống môi sinh.

Quả thực, chỉ khi nhìn thế giới với sự chiêm niệm, biết quy hướng và nhìn mọi sự với cái nhìn của Chúa, thì mỗi người mới thực sự cảm được lòng biết ơn, thấy Chúa hiện diện, và nhận thấy mình nối kết trong thực tại hay ngôi nhà chung này. Và đó là tâm tình mà thánh vịnh gia mời gọi mỗi người khi chiêm ngắm vào thế giới hiện tại.[33] Hay nói như giáo phụ Grêgôriô rằng mọi người được mời gọi để nâng tâm hồn lên cao và chiêm niệm.[34]

Kết luận

Thánh vịnh 104 góp phần miêu tả về công trình sáng tạo và thực tại thế giới, không chỉ là khởi đầu nhưng còn là sự vận hành hiện tại. Khi ấy, thánh vịnh gia mời gọi mọi người nâng tâm hồn lên để chiêm ngắm "công trình kỳ diệu" với sự ngỡ ngàng và ngập tràn tâm tình tạ ơn Thiên Chúa. Tất cả công trình thánh thiêng này là do Thiên Chúa mà có và được Người giữ gìn chăm sóc, mà con người là một phần trong đó.

Khi suy gẫm kinh nghiệm của thánh Phanxicô Assisi và của thánh I-Nhã,[35] hay trong những kinh nghiệm thiêng liêng cá nhân, mỗi người có lẽ cũng nghiệm được phần nào, và nhìn thấy toàn bộ thực tại này là Một, là 'anh chị em', là Tình Yêu và ân sủng. Khi nhìn vào thế giới, ta nghiệm thấy Chúa quá lớn lao còn phận người quá nhỏ bé; Chúa quá nhiệm mầu, thánh thiêng, và ôm trọn tất cả. Hẳn lúc đó, mọi người sẽ tràn ngập tâm tình tạ ơn - dâng tất cả lên cho Chúa và sống chính nhân (nguyên lý và nền tảng của thánh I-nhã). Đây ắt hẳn như là những nguyên lý nền tảng và là những gợi ý cụ thể để xây dựng lối sống môi sinh mà thánh vịnh 104 gợi lên.

Tài liệu tham khảo

Broyles, Craig C. Psalms (Understanding Bible Commentary Series). Michigan: Baker Publishing Group, 1999.

Bruegemann, Walter and William H. Bellinger. Psalms (New Cambridge Bible Commentary). New York: Cambridge University Press, 2014. 

Chisholm, Robert B. "A Theology of the Psalms". In A Biblical Theology Of The Old Testament. Edited by Roy B. Zuck. Chicago: Moody Press, 1991.

Coetzee, J.H. "Bodily Interpretation Of Psalm 104: 'Yahweh’s History' And Human Ethics". In Library Of Hebrew Bible/Old Testament Studies 572: Psalmody And Poetry In Old Testament Ethics, D.J. Human (ed.), 112-127. London: T & T Clark International, 2012.

Conradie, Ernst M. Christianity and Ecological Theology. Stellenbosch: Sun Press, 2006.

Davidson, Richard M. "The Creation Theme In Psalm 104". In The Genesis Creation Account And Its Reverberations In The Old Testament. Edited by Gerald A. Klingbeil. (Michigan: Andrews University Press, 2015), 149-188.

Earth Bible Team 2000. "Guiding Ecojustice Principles". In Volume One: Readings from the Perspective of Earth. Sheffield: Sheffield Academic Press, 2000.

Gibson, John C. L. Canaanite Myths And Legends. London: T&T Clark International, 2004.

John Screnock. "A Reading Of Psalm 104:1-13 According To The Text Contained In 4QPSALMSD". DOI: 10.2143/RQ.27.2.0000000.

Jones, Arthur Walker. "Psalm 104: A Celebration Of The Vanua". In The Earth Story In The Psalms And The Prophets. Norman C. Habel, ed. (Sheffield: Sheffield Academic Press, 2001), 84-97.

Kavusa, Kivatsi J. “Ecological Hermeneutics And The Interpretation of Biblical Texts Yesterday, Today And Onwards: Critical Reflection And Assessment”. OTE 32/1 (2019): 229-255.

Kidner, Derek. Psalms 73-150 (Tyndale Old Testament Commentaries). London: InterVarsity Press, 2009.

Marsh, Bernard. "Towards A Theology Of Ecology". In Sacra Theologia, Vol. XXVI, n. 2. Pamplona, 1994.

Mays, James Luther, Psalms, IBC. Louisville, Ky.: John Knox, 1994.

McCann, J. Clinton. “The Book of Psalms: Introduction, Commentary, and Reflections”. In The New Interpreter’s Bible, vol. 4. Keck, Leander E. et al. (eds.). Nashville: Abingdon Press, 1996.

McCarty, V.K. "Patristic Light on Psalm 104: Praise for the Goodness of God’s Creation". https://gts.academia.edu/VKMcCarty.

Ntreh, Abotchie. "The Survival of Earth: An African Reading of Psalm104". In The Earth Story In The Psalms And The Prophets. Norman C. Habel, ed. Sheffield: Sheffield Academic Press, 2001.

Rensberger, David. "Ecological Use Of The Psalms". In The Oxford Handbook Of The Psalms. William P. Brown, ed. (New York: Oxford University Press, 2014), 608-620.

Robertson,  O. Palmer. "The Strategic Placement of the 'Hallelu-YAH' Psalms within the Psalter". In Journal of the Evangelical Theological Society 58:2 (June 2015): 265-68.

Viviers, Hennie. "Is Psalm 104 An Expression (Also) Of Dark Green Religion?". HTS Teologiese Studies/Theological Studies 73 (3), a3829. htps://doi. org/10.4102/hts.v73i3.3829.

Vos, Cas. J. A. The Poetry Of The Psalms. Pretoria: Protea Book House, 2005.

White, Lynn. “The Historical Roots Of Our Ecological Crisis”. Science 155 (1967), 1203-1207. https://doi.org/10.1126/science.155.3767.1203.

Williams, David T. "Ecological Disharmony As The Sin Against The Spirit". Scriptura 112 (2013:1), 1-13.  http://scriptura.journals.ac.za.

 ……………

 Kinh Thánh Trọn Bộ. Bản dịch và chú thích của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV). Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2011.

Ban Từ Vựng Công Giáo - Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Từ Điển Công Giáo. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2016.



[1] Lynn White, "The Historical Roots Of Our Ecological Crisis", 1207.

[2] Bernard Marsh, "Towards A Theology Of Ecology", 115.

[3] Ibid.

[4] David Rensberger, "Ecological Use Of The Psalms", 617-8; Arthur Walker-Jones, "Psalm 104: A Celebration Of The Vanua", 88.

[5] Richard M. Davidson, "The Creation Theme In Psalm 104", 154-7.

[6] Derek Kidner, Psalms 73-150 (Tyndale Old Testament Commentaries), 368.

[7] Craig C. Broyles, Psalms (Understanding Bible Commentary Series), 400.

[8] Cf. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Trọn Bộ, Bản dịch KPA.

[9] Ernst M. Conradie, Christianity and Ecological Theology, 69; Kivatsi J. Kavusa, “Ecological Hermeneutics And The Interpretation Of Biblical Texts Yesterday, Today And Onwards: Critical Reflection And Assessment”, 239-40.

[10] Từ Điển Công Giáo, 745-6.

[11] Richard M. Davidson, "The Creation Theme In Psalm 104", 150.

[12] Cas. J. A. Vos, The Poetry Of The Psalms, 236; Richard M. Davidson, "The Creation Theme In Psalm 104", 189-191.

[13] Không cần phải nói, sự hiểu biết của thánh vịnh gia về “thế giới vốn có” hoàn toàn khác với sự hiểu biết của chúng ta ngày nay. Để tìm hiểu hơn về vũ trụ quan trong Kinh Thánh, xin xem David Rensberger, "Ecological Use Of The Psalms", 609-10.

[14] Robert B. Chisholm, "A Theology of the Psalms", 261.

[15] John C. L. Gibson, Canaanite Myths And Legends, 48, 60-61, 65.

[16] Richard M. Davidson, "The Creation Theme In Psalm 104", 157; John Screnock; "A Reading Of Psalm 104: 1-13 According To The Text Contained In 4QPSALMSD", 12-13.

[17] David Rensberger, "Ecological Use Of The Psalms", 610.

[18] Arthur Walker-Jones,"Psalm 104: A Celebration Of The Vanua", 91.

[19] David Rensberger, "Ecological Use Of The Psalms", 617.

[20] James Luther Mays, Psalms, 334.

[21] Walter Brueegemann and William H. Bellinger, Psalms, 448; J. C. McCann, Jr., “Book of Psalms”, 1099.

[22] Earth Bible Team 2000, "Guiding Ecojustice Principles", 38-53. Earth Bible là một dự án quốc tế, bao gồm các tập bài đọc nghiên cứu từ Kinh thánh về công bình sinh thái và các ấn phẩm liên quan đến việc thúc đẩy mối quan tâm đến Trái đất được Sheffield Press xuất bản. Dự án Earth Bible là một chương trình liên kết với Trung tâm Khoa học, Thần học và Văn hóa tại Đại học Flinders của Nam Úc và đặt tại Đại học Thần học Adelaide.

[23] Xem chi tiết ở O. Palmer Robertson, "The Strategic Placement of the 'Hallelu-YAH' Psalms within the Psalter", 367.

[24] J. C. McCann, Jr., “Book of Psalms", 1100.

[25] V.K. McCarty, "Patristic Light on Psalm 104: Praise for the Goodness of God’s Creation", 1.

[26] Hennie Viviers, "Is Psalm 104 An Expression (Also) Of Dark Green Religion?", 4.

[27] Abotchie Ntreh, "The Survival of Earth: An African Reading of Psalm104", 108.

[28] Arthur Walker-Jones, "Psalm 104: A Celebration of the Vanua", 88.

[29] Lynn White, “The Historical Roots Of Our Ecological Crisis”, 189.

[30] Hennie Viviers, "Is Psalm 104 An Expression (Also) Of Dark Green Religion?", 6 -7.

[31] David T Williams, "Ecological Disharmony As The Sin Against The Spirit", 11.

[32] J.H. Coetzee, "Bodily Interpretation Of Psalm 104", 112-127.

[33] Ibid., 15.

[34] V.K. McCarty, "Patristic Light on Psalm 104: Praise for the Goodness of God’s Creation", 3.

[35] Trong lời kinh Hòa Bình và bài cầu nguyện Chiêm Niệm Để Được Tình Yêu.

0 Comments:

Đăng nhận xét