Có nhóm du khách Tây khi tham quan một khu du lịch sinh thái ở Việt Nam
đã xin túi nilon để gom nhặt rác do nhiều người khác vứt lại [1]. Câu chuyện đó
khiến nhiều người để tâm suy nghĩ. Vấn nạn môi trường là thực tế ai cũng nhận
thấy rõ ràng, nhưng không phải ai cũng dừng lại để phản tỉnh về sự nghiêm trọng
của nó, hay để hiểu hơn nguyên nhân và tìm cách giải quyết như lời mời gọi của
Đức Thánh Cha Phanxicô trong thông điệp Laudato sí [2].
Ở góc nhìn nào đó, xã hội ngày nay có những điểm sáng và gặt hái những thành tựu, nhưng những xu hướng thay đổi và phát triển không hẳn đều tốt đẹp và văn minh. Điều này được minh chứng ở việc con người xả rác vô tội vạ, việc sử dụng hóa chất độc hại một cách thản nhiên trong trồng trọt, chăn nuôi, trong chế biến và bảo quản thực phẩm. Có thể nói, có một sự song đôi chẳng phải tình cờ giữa cái gọi là khủng hoảng môi trường ngày nay với chủ nghĩa duy vật thể hiện qua lối sống hưởng thụ, dùng một lần rồi bỏ, hay việc chạy theo mốt theo thời. Dường như nhiều người đang tìm kiếm một thứ hạnh phúc dựa vào những cái bên ngoài thay vì thứ hạnh phúc sâu xa trong nội tâm mình. Chính thánh Agustinô đã thốt lên trong kinh nghiệm “đi hoang” của ngài: “Chúa vốn ở trong con mà con lại ở ngoài con, và tìm Chúa ở bên ngoài” [3].
Phải chăng, vấn nạn môi trường chỉ là một trong những biểu hiện của một cuộc khủng hoảng toàn thể và sâu rộng hơn, một cuộc khủng hoảng những giá trị nhân bản, đạo đức, luân lý, và đức tin? Trái đất nóng dần lên, thiên tai nhiều và phức tạp hơn, khí hậu biến đổi, đất đai, nguồn nước và không khí ô nhiễm nghiêm trọng hơn… chẳng phải là biểu hiện của một con tim đang gặp khủng khoảng, một đời sống mất trật tự nội tại đó sao? Quả thế, trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc cho mình, không ít người vẫn đang lầm lạc, đam mê và níu kéo những thứ ‘hạnh phúc’ hời hợt chóng qua. Năng động ấy được đức tin diễn tả là “tội nguyên tổ”, triết lý nhà Phật gọi là “vọng tâm”, hay Lão Tử gọi là “lạc xa Đạo” [4].
Vì thế, thiết nghĩ giải pháp cội nguồn và nền tảng cho vấn đề môi sinh hẳn phải đến từ tâm hồn mỗi người. Lời của Đức Phanxicô có thể là kim chỉ nam: đó là khi xã hội luôn biết khuyến khích cổ võ những giá trị đạo đức và tinh thần, những lối sống đẹp, những con tim đẹp, những giá trị của tình người, của sự quan tâm chia sẻ, của lòng vị tha…[5] Và đó phải chăng là hoa trái một đời sống đức tin, một sự hoán cải để trở về với thực tâm, với đời sống tự do hạnh phúc của mình bằng cách quy hướng về Chúa. Chính kinh nghiệm mỗi người cảm nhận giúp xác tín hơn về điều này, rằng khi tâm hồn bình an tự do thì cũng là khi tôi cảm thấy tương quan của mình với thiên nhiên với tha nhân sẽ hài hòa hơn. Thiết nghĩ chỉ khi trái tim mở ra và ôm trọn lấy tất cả như thế, tôi sẽ chẳng còn thấy một ranh giới nào khi nhìn vào vạn vật. Trái đất trở thành ngôi nhà chung, nơi ấy tất cả muôn loài muôn vật là anh chị em với nhau!
Xét cho cùng, cuộc khủng hoảng môi sinh không chỉ khiến con người thấy lo sợ trước những mối nguy hại đã đang và sẽ xảy ra cho nhân loại, nhưng còn là một dấu chỉ thời đại để giúp mỗi người phản tỉnh nhằm nhận biết thực trạng đời sống và tâm hồn mình, để sám hối và quay về với nguồn hạnh phúc thật của mình là chính Chúa. Như thánh Agustinô mô tả: “Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa, nên tâm hồn chúng con khắc khoải không ngừng cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa” [6].
[1]: Hành động đẹp: Nhóm khách Tây nhặt rác ở Ninh Thuận.
https://baomoi.com/hanh-dong-dep-nhom-khach-tay-nhat-rac-o-ninh-thuan/c/25297437.epi.
[2]: Đức Thánh Cha Phaxicô. Laudato sí. Vatican, 2015.
[3]: Thánh Âutinh, Tự Thuật, XXVII, 38.
[4]: Lão Tử, Đạo Đức Kinh, chương 39.
[5]: Đức Thánh Cha Phaxicô, Laudato sí, số 25, 46, 48.
[6]: Tự Thuật 1, I, 1.
Link bài viết 👈👈👈
0 Comments:
Đăng nhận xét